Thăng Long 360 năm thời Lê (1428 - 1788)

Ngày 29-04-1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, khôi phục quốc hiệu Đại Việt, định đô ở Đông Đô và năm 1430, đổi tên là Đông Kinh (đến năm 1466 đổi là phủ Trung đô).

Truyền thuyết Hồ Gươm - Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy.

Dưới thời Lê (Hậu Lê), kinh thành Thăng Long cũ được mở rộng sang phía đông. Trong Cấm thành, một tòa thành hình chữ nhật xây gạch với cửa chính là Đoan Môn, nhà Lê xây dựng và bố trí lại nhiều cung điện, lầu gác mà thâm nghiêm nhất là điện Kính Thiên (năm 1467, xây thêm hai lan can bằng đá ở thềm điện).

Rồng đá thời Lê ở điện Kính Thiên.

Ngoài Hoàng thành, nhiều kiến trúc mới cũng xuất hiện. Khu dân sự tiếp tục phát triển và được quy hoạch lại gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương, mỗi huyện có 18 phường. Đông Kinh lúc này đã có những phố chợ buôn bán tấp nập, nhiều phường thủ công nổi tiếng: Nghi Tàm, Thụy Chương dệt vải, Yên Thái làm giấy, Hàng Đào nhuộm điều...

Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497).

Đất nước đã đạt tới đỉnh cao của một quốc gia phong kiến độc lập dưới triều vua Lê Thánh Tông (1460- 1497). Tuy nhiên, những mâu thuẫn trong nội bộ triều Lê Sơ, từ đầu thế kỷ XVI, đã dẫn tới sự phế truất vua Lê của tập đoàn phong kiến quân phiệt Mạc Đăng Dung (1527). Năm 1588, nhà Mạc huy động dân đắp 3 lần lũy đất để tăng cường hệ thống phòng thủ kinh thành. Nhưng chỉ 4 năm sau, dưới danh nghĩa phù Lê, họ Trịnh chiếm được kinh thành. Kinh đô chính thức trở lại tên gọi Thăng Long. Triều đình (bù nhìn) của vua Lê đóng trong Hoàng thành cũ. Phủ Chúa Trịnh, kẻ nắm thực quyền lúc đó, được xây bên ngoài, gồm nhiều cung điện nguy nga, chạy dài từ bờ tây Hồ Gươm ra tới đê sông Hồng.

Tuy có những biến động chính trị, cho đến cuối thế kỷ XVIII, Thăng Long (thời bấy giờ còn quen gọi là Kinh Kỳ hay Kẻ Chợ) vẫn là một thành thị - thương cảng sầm uất nhất cả nước và vào loại lớn ở Châu Á. Bên cạnh các thương điếm của người Hoa, còn có cả thương điếm của người Anh, Hà Lan, Đức. Khu vực dân cư đông đúc hơn trước và có cả nhà hai tầng. Nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật, đặc biệt là về tôn giáo đã được xây dựng thêm.

Vua Quang Trung đại phá quân Thanh, giải phóng Thăng Long.

Cuối năm 1788, Kinh đô và đất nước Đại Việt lại phải đương đầu với cuộc xâm lược của đế chế Mãn Thanh. Từ Phú Xuân (Huế), vua Quang Trung thống lĩnh đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc, giải phóng Thăng Long. Kinh đô mới được đặt ở Phú Xuân và Thăng Long lúc này trở thành Bắc Thành (thủ phủ của Bắc Bộ). Tuy vậy, Hoàng thành và một số công trình nghệ thuật ở đây vẫn được tu sửa.

Theo thanglonghanoi.gov.vn
Các bài khác
Hà Nội thời Nguyễn và Pháp thuộc (1802 - 1945)
27/09/2010
Quang Trung đại phá quân Thanh giải phóng Thăng Long - 12 năm Tây Sơn ở Thăng Long (1789 - 1802)
27/06/2010
Thăng Long 175 năm đời Trần
20/05/2010
Thăng Long 215 năm thời Lý
05/05/2010

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.