Vương triều Lý (1009 - 1225) mở đầu 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

Vị vua khai sáng vương triều Lý là Lý Công Uẩn (974 - 1028). Ông là người hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp (nay thuộc Từ Sơn, Bắc Ninh), mẹ họ Phạm, sinh ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất (974). Khi lên ba tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Lý Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và được đặt tên là Lý Công Uẩn. Lý Công Uẩn đi tu từ đó. Ông thông minh và có chí khí khác người ngay từ nhỏ. Nhờ sự nuôi dạy của các nhà sư Lý Khánh Văn và Lý Vạn Hạnh - anh trai sư Lý Khánh Văn, Lý Công Uẩn trở thành người xuất chúng, văn võ kiêm toàn. Với sự bảo hộ của sư Vạn Hạnh, ông vào kinh đô Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ.


Sau khi Lê Ngọa Triều (Lê Long Đĩnh) mất, vào ngày Quý Sửu tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), triều thần tôn Lý Công Uẩn, khi đó mới 35 tuổi, lên ngôi Hoàng đế (Vua Lý Thái Tổ), lấy năm Canh Tuất (1010) làm năm đầu tiên của niên hiệu mới Thuận Thiên (có nghĩa là "thuận theo ý trời"), vẫn lấy Quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô tại Hoa Lư, mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, tự chủ và hưng thịnh của nước ta. Lúc này, nước ta đã trải qua hơn 100 năm độc lập dưới sự trị vì của các vua họ Khúc, Ngô, Đinh, Lê. Nền chính trị đã bước đầu ổn định, kinh tế ngày càng mở mang. Ngay từ khi lên ngôi, Vua Lý Thái Tổ đã sẵn có một cương thổ vững vàng, dân cư cần cù no ấm. Những chiến công oanh liệt từ thời Ngô Quyền thắng trận Bạch Đằng cùng những chiến thắng khác đã làm nền tảng vững chắc cho các đời Lý, Trần tiếp bước.


Đến lúc bấy giờ, Kinh đô Hoa Lư không còn phù hợp cho công cuộc mở mang hưng thịnh lâu bền, vì chỉ vẻn vẹn có 300 ha với 2 vòng thành có sông Hoàng Long chảy dọc tạo ra một hào nước tự niên, nên đã trở thành quá bé nhỏ. Ngay từ khi đăng quang, Vua Lý Thái Tổ đã đi tìm đất mới để tạo dựng một Kinh đô cho muôn đời sau. Trải qua những suy tư, nhà Vua đã dừng lại và chỉ tay xuống vùng đất Đại La (thuộc Hà Nội ngày nay), miền đất có thế “Rồng cuộn, hổ ngồi” (Chiếu dời đô) và nhận rằng: "Ngắm khắp đất nước Việt ta, duy đó là thắng địa, thật là nơi hội tụ quan yếu bốn phương, là thượng đô của kinh sư muôn đời”.


Tháng 7 năm 1010, Vua Lý Thái Tổ cho dời đô về thành Đại La. Quyết định rời bỏ hẳn một kinh đô từ vùng núi non hiểm trở ra vùng đồng bằng có thể cho thấy bản lĩnh và tầm nhìn của một vị vua khai sáng ra triều Lý và thủ đô Hà Nội của Việt Nam. Một buổi sáng đẹp trời, thuyền vừa cập bến thành Đại La, nhà Vua thấy Rồng Vàng bay lên, do đó đổi tên là thành Thăng Long (có nghĩa là "rồng bay") và cho xây dựng kinh đô mới. Kinh đô Thăng Long được xây dựng thành hai khu riêng biệt: khu Hoàng Thành, nơi có các cung điện hoàng gia và nơi thiết triều, khu dân sự, nơi dân cư sinh sống thành phường nghề. Kinh thành được bao bọc bởi một tòa thành bằng đất phát triển từ đê của 3 con sông: sông Hồng ở phía Đông, sông Tô ở phía Bắc và phía tây, và sông Kim Ngưu ở phía Nam, là công trình xây dựng thành lũy lớn nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam.


Dấu ấn Thăng Long thời kỳ này còn được lưu lại ở nhiều công trình kiến trúc đặc sắc: đền Đồng Cổ (xây năm 1028), chùa Diên Hựu - Một Cột (1049), tháp Báo Thiên (1057)… Vào giai đoạn thịnh đạt của nhà Lý, Kinh đô Thăng Long  đã thực sự trở thành một trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa lớn nhất và tiêu biểu cho cả nước. Kỷ nguyên văn minh Đại Việt trong lịch sử Việt Nam cũng được mở ra từ đây.
Các bài khác
Hà Nội thời Nguyễn và Pháp thuộc (1802 - 1945)
27/09/2010
Quang Trung đại phá quân Thanh giải phóng Thăng Long - 12 năm Tây Sơn ở Thăng Long (1789 - 1802)
27/06/2010
Thăng Long 360 năm thời Lê (1428 - 1788)
26/06/2010
Thăng Long 175 năm đời Trần
20/05/2010

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.