Quang Trung đại phá quân Thanh giải phóng Thăng Long - 12 năm Tây Sơn ở Thăng Long (1789 - 1802)

Lê Chiêu Thống sau khi chạy khỏi Thăng Long bèn sai người sang Trung Quốc cầu xin quân Thanh sang cứu viện. Vua Càn Long vốn có dã tâm thôn tính nước ta, nên nhân cơ hội này bèn cử ngay Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy binh mã bốn tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu, tất cả 29 vạn quân tiến vào xâm chiếm nước ta. Ngày 28 tháng 10 năm Mậu Thân (1788), quân Tôn Sĩ Nghị từ Quảng Châu xuất phát và 20 tháng 11  thì đến Thăng Long.

Cũng ngày hôm ấy quân Tây Sơn ở Bắc Hà, theo chủ trương của Ngô Thì Nhậm, đã tạm thời rút lui về Biện Sơn (Thanh Hóa) và Tam Điệp (Ninh Bình) để bảo toàn lực lượng và cấp báo cho Nguyễn Huệ.

Quân Thanh kéo vào chiếm thành Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị sai bắc cầu phao qua sông Nhị Hà ở Bồ Đề, rồi cho quân lính đóng đồn ở những bãi cát ven sông. Lê Chiêu Thống mời Nghị vào trong điện Kính Thiên, nhưng Nghị e ngại bị bao vây nên đóng bản doanh ở Tây Long cung. Vài ngày sau khi đến Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị theo lệnh của Càn Long phong cho Lê Chiêu Thống làm An Nam quốc vương.

Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ

Ngày 24 tháng 11  năm Mậu Thân (tức 21-12-1788), tướng Nguyễn Văn Tuyết hoả tốc về đến Phú Xuân cấp báo tình hình quân Thanh với Nguyễn Huệ. Ngay lập tức, Nguyễn Huệ theo lời khuyên của các tướng “định lập vị hiệu, ban lệnh ân xá buộc lấy nhân tâm rồi hãy kéo quân ra Bắc”, sai người đắp đàn trên núi Bân (ở phía Nam núi Ngự Bình) làm lễ tế cáo trời đất, rồi lên ngôi hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung. Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân, chỉ một ngày sau khi nhận được tin cáo cấp, quân ngũ Tây Sơn đã chỉnh tề lên đường.

Ngày 29 cùng tháng (tức 26-12-1788) đại quân Tây Sơn ra đến Nghệ An, đóng ở đấy mươi ngày để tuyển thêm lính. Vài ngày sau, số quân của Quang Trung đã có đến hơn 10 vạn người. Sau đó, thẳng tiến ra Thanh Hóa. Ngày 20 tháng 12  Mậu Thân (15-01-1789), đại quân đến chân đèo Tam Điệp. Tại đây sau khi nghiên cứu rà soát lại tình hình, Quang Trung quyết định xong phương án tác chiến. Đại quân chia làm năm đạo tiến ra Bắc Hà.

Vua Quang Trung tiến quân thần tốc ra Thăng Long.

Đạo chủ lực do đích thân nhà vua chỉ huy đánh thẳng vào hệ thống phòng ngự chủ yếu của giặc ở phía nam Thăng Long. Đạo thứ hai do Đô đốc Bảo chỉ huy, đi theo đường Sơn Minh ra phục ở Đại Áng để phối hợp với đạo quân chủ lực. Đạo thứ ba do Đô đốc Long chỉ huy đi theo đường Chương Đức, rẽ sang Nhân Mục để tiến công cánh quân Sầm Nghi Đống đóng ở vùng Khương Thượng. Còn hai đạo sau thì tiến theo đường biển. Đạo quân thứ tư do Đô đốc Tuyết chỉ huy có nhiệm vụ tiến vào Lục Đầu Giang tìm diệt đám quân của Lê Chiêu Thống hoạt động ở vùng Hải Dương, sau đó tiến thẳng về Thăng Long tiếp ứng cho đạo quân khác. Đạo thứ năm do Đô đốc Lộc chỉ huy cũng vào Lục Đâu Giang nhưng triển khai lên vùng Phượng Nhỡn, Lạng Giang để chặn đường rút lui của quân Thanh. Năm đạo quân giống như một bàn tay xoè ra để tóm gọn hai mươi chín vạn quân Thanh. Vua Quang Trung cho tướng sĩ ăn Tết trước vào sáng ngày 30 rồi nửa đêm hôm đó, đúng lúc giao thừa, cả năm đạo quân lên đường vào chiến dịch.

Sơ đồ thế trận Ngọc Hồi - Đống Đa.

Đạo chủ lực ngay đêm giao thừa ấy đã hạ đồn Gián Khẩu ở ngã ba sông Đáy - sông Hoàng Long sau đó nhanh chóng tiến lên liên tiếp diệt các đồn khác, bắt gọn bọn thám báo. Đêm mùng 3 tết (28-01-1789) bí mật vây đồn Hạ Hồi (ở huyện Thường Tín, Hà Nội, cách Thăng Long tròn 20 km) bắt giặc phải đầu hàng, không tốn một mũi tên.

Mờ sáng ngày mùng 4 tết, đại quân tiến đến Ngọc Hồi, nhưng Quang Trung chưa cho đánh. Ông ra lệnh cho các cơ đội một mặt phô trương thanh thế, uy hiếp tinh thần quân địch, một mặt phải chuẩn bị thật tốt vũ khí quân dụng như cung tên, súng đạn, thanh vượt thành, lá chắn… Sáng mùng 5 nhà vua mới phát lệnh công đồn.

Vua Quang Trung đại phá quân Thanh.

Đồn Ngọc Hồi cách Thăng Long chừng 14 km, nằm ở ngã tư nơi đường thiên lý cắt sông Tô Lịch. Quanh đồn có chiến lũy bảo vệ. Ngoài lũy có bãi chướng ngại dày đặc gồm chông sắt, địa lôi... Lực lượng địch ở đây có chừng 3 vạn tên. Trận đánh do đó khá ác liệt. Phải tới non trưa thì mới hạ được đồn này. Một bộ phận quân địch bị tiêu diệt ngay tại trận. Bọn sống sót tìm lối chạy về Thăng Long. Nhưng Quang Trung đã bố trí một lực lượng nghi binh ở bên đê Yên Duyên - Sở Thượng (nay là xã Yên Sở, huyện Thanh Trì) buộc chúng phải chạy tạt sang phía Đầm Mực (làng Quỳnh Đôi, huyện Thanh Trì). Tại đây đạo quan của Đô đốc Bảo với trên một trăm voi chiến đã từ Đại áng tiến sang tự lúc nào, đón đường đánh cho địch những đòn sấm sét mới. Có tới hàng vạn tên giặc bị vùi xác dưới đằm sâu, không ít đã bị đội tượng binh giăm chết trong bùn lầy. Với trận Ngọc Hồi - Đầm Mực, quân ta đã đập tan hệ thống phòng thủ của giặc và đường lên Thăng Long coi như đã mở.

Cũng vào mờ sáng ngày mùng 5 tết ấy, đạo quân của Đô đốc Long từ sau làng Kẻ Mọc - Nhân Mục bất ngờ vây đánh đồn Khương Thượng. Trước sức tấn công dũng mãnh của nghĩa quân, Sầm Nghi Đống kinh hoàng, thắt cổ tự tử. Đạo quân này tiến thẳng vào thành Thăng Long. Đường tiến quân qua các phố Tây Sơn, Nam Đồng, Ô Chợ Dừa.

Thời gian đó, Tôn Sĩ Nghị đang lo lắng về tin đồn Hạ Hồi bị hạ và đồn Ngọc Hồi đang trong nguy cơ bị tiêu diệt, thì tin đồn Khương Thượng tan tành đã khiến y sợ hãi đến tột đỉnh, đến nỗi giáp không mặc, ngựa không đóng yên, vội vàng vượt câu phao tháo chạy, quên cả ấn tín và các thứ chiếu chỉ thủ bút của vua Thanh. Quân lính Thanh thì như rắn mất đầu tranh nhau tìm lối thoát thân. Sợ bọn này quá đông gây khó khăn cản trở cho con đương  rút chạy nên Tôn Sĩ Nghị nhẫn tâm ra lệnh chặt cầu phao. Thế là hàng vạn quân Thanh bị chủ tướng của chúng ném xuống lòng sâu sông Hồng.

Hội Đống Đa vào mùng 5 Tết hàng năm tại Hà Nội.

Trưa ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30-01-1789) vua Quang Trung vào Thăng Long giữa sự đón chào hân hoan nồng nhiệt của đồng bào kinh đô.

Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời, chứng kiến cảnh đại quân Tây Sơn về kinh đô đã ghi lại bằng những dòng thơ thật sự đáng quý cả về văn học cũng như về mặt sử liệu trong bài Long Thành quang phục kỷ thực (ghi chép việc khôi phục Long Thành):

Tam quân ngũ quán chỉnh đội tiến
Bách tính tước dược giá đạo nghênh.
Vân vũ bạt khai kiến thiết nhật
Mãn thành lão thiếu câu hoan nhan
Ma kiên bả tý quần tương ngữ
Cố đô hoài thị ngã hà sau.
Tạm dịch:
(Ba quân đội ngũ chỉnh tề tiến
Trăm họ chật đường vui tiếp nghênh.
Mây quang mưa tạnh, mặt trời hiện.
Đầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai thích cánh cùng nhau nói:
Cố đô trở lại núi sông ta).

Thăng Long bước vào 12 năm thời Tây Sơn bằng một trận “Rồng lửa” thiêu cháy bè lũ xâm lược Mãn Thanh. Người dân Thăng Long - Bắc Thành hân hoan chào đón vị anh hùng “áo vải cờ đào” vào giải phóng, không chỉ thoát khỏi những ngày đen tối của bọn thống trị phương Bắc, mà giúp họ kết thúc thời kỳ Lê mạt, thời mà “mũ giày đảo lộn”, xã hội hỗn loạn vào bậc nhất trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Dưới triều Quang Trung, người dân Thăng Long sửa sang, khôi phục lại Văn Miếu - ngôi đền văn hóa thiêng liêng của mảnh đất rồng thiêng vừa mới bị tàn phá nặng nề qua bao nhiêu cuộc binh lửa vào cuối đời Lê-Trịnh. Văn Miếu được khôi phục, văn hóa Thăng Long cũng phục hưng. Người dân Thăng Long lại truyền tay bài thơ Long Thành quang phục kỷ thực của Ngô Ngọc Du, ngâm đọc phú Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng...

Danh sĩ Ngô Thì Nhậm gia công kỹ hơn bản thảo bộ Đại Việt sứ ký tiền biên của cha mình (Ngô Thì Sĩ) và cho xuất bản... Đây là một trong vài bộ thông sử của dân tộc còn lại trọn vẹn cho đến tận hôm nay.

Nông nghiệp và công thương nghiệp đất Thăng Long được phục hồi và phát triển do những chính sách khuyến khích kinh tế của Quang Trung ban hành.

Nhưng Thăng Long cũng phải chứng kiến cảnh ăn chơi phung phí và thỏa mãn của đám quan lại Tây Sơn dưới thời Cảnh Thịnh (1793 - 1802). Thi hào Nguyễn Du đã ghi lại trong bài thơ Long Thành cầm giả ca, cảnh ăn chơi thuở ấy:

Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
Triệt hạ truy hoan, bắt tri bão.
Tả phao, hữu trịch tranh triền đâu
Nề thổ kim tiền thù thảo thảo.
Tạm dịch
(Tây Sơn quan khách đầy tòa
Say mê, nghiêng ngả, la đà thâu đêm...
Quanh tiệc rượu, kẻ khen, người thưởng.
Tiền bạc quăng, coi tưởng như bùn...).

Khi những kẻ làm quan chỉ biết hưởng thụ và coi đồng tiền của dân như bùn đất như vậy thì có thể đoán biết kết cục cái triều đại tạo ra chúng sẽ đi tới đâu... Những chiến binh áo vải năm nào, nay thoái hóa biến chất trở thành những ông quan lớn lặn ngụp trong hưởng thụ.

Và lẽ tất nhiên, Thăng Long của Cảnh Thịnh không thể đứng vững được trước trận gió mạnh thổi từ phương Nam: Gia Long chiếm được Thăng Long một cách khá dễ dàng. Triều Tây Sơn cũng thực sự kết thúc tại mảnh đất này.

Theo thanglonghanoi.gov.vn
Các bài khác
Hà Nội thời Nguyễn và Pháp thuộc (1802 - 1945)
27/09/2010
Thăng Long 360 năm thời Lê (1428 - 1788)
26/06/2010
Thăng Long 175 năm đời Trần
20/05/2010
Thăng Long 215 năm thời Lý
05/05/2010

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.