Cổ Tấn Long Châu: Những con tem chuyển từ ký họa

Vào năm 1968, cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân ta ở miền Nam sôi sục, trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa xuất hiện một loạt tập tranh ký họa kháng chiến chống Mỹ từ miền Nam gửi ra của các họa sĩ - chiến sĩ có tên tuổi ở miền Nam: Lê Lam, Huỳnh Phương Đông, Việt Sơn, Nguyễn Thế Vinh, Hồng Chính Hiền... Nhưng ký họa của họa sĩ Cố Tấn Long Châu thì không ai biết. Người họa sĩ này từ đâu đến tham gia cách mạng mà ký họa của ông, nét vẽ sắc sảo, giàu tính chiến đấu, đậm nét hiện thực của cuộc kháng chiến anh hùng của quân và dân ta ở miền Nam đến vậy.

Họa sĩ Cổ Tấn Long Châu

Cũng vào những năm 1968-1969, giới chơi tem trong nước và thế giới tìm kiếm những con tem quý còn khét mùi lửa đạn của công cuộc chống Mỹ, cứu nước ở miền Nam Việt Nam. Đó là bộ tem “Miền Nam - Đất nước - Con người" của Bưu chính Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành và “Ký họa kháng chiến chống Mỹ” của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phát hành năm 1969.



Tranh của họa sĩ Cổ Tấn Long Châu có mặt trong cả hai bộ tem này thể hiện cuộc chiến đấu đang diễn ra ác liệt: “Đánh đến cùng” - đó là gương mặt dũng sĩ, tay súng tay lựu đạn; “Được lệnh xuất kích”; “Người trinh sát"... Sau cuộc chiến đấu là tư thế làm chủ quê hương, làm chủ trận địa: “Sau giờ chiến đấu”, “Trạm giao liên”... Tính đồ họa, tính thẩm mỹ, tính chiến đấu là nét nổi bật trên khuôn tem của Cổ Tấn Long Châu. Góc nhìn, bố cục khoáng đạt, sinh động đem đến cho người xem, người sưu tập tem niềm hứng khởi say mê.


Cổ Tấn Long Châu sinh ngày 11-11-1938, trong một gia đình tri thức cách mạng tại xã Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Ông theo gia đình lên sinh sống tại thành phố Sài Gòn. Vào học trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn năm 1958-1961. Trong phong trào đấu tranh của sinh viên, từ “Nối vòng tay lớn”, “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Dậy mà đi”..., Cổ Tấn Long Châu, với tuổi trẻ, được nuôi dưỡng trong gia đình cách mạng, đã tham gia hết sức nhiệt tâm, sôi nổi và ông cũng bị liệt vào “sổ đen” của bọn mật thám Mỹ- ngụy. Chúng định bắt ông. Cách mạng đã biết điều đó và liên lạc với ông, đưa ông ra chiến khu vào ngày 02-09-1961. Đó là ngày ghi dấu ấn vào đời ông. Từ đây, cuộc chiến đấu đã làm ông trưởng thành. Ông đi khắp miền Đông, từ Bình Phước, Đồng Xoài, Bù Đốp, Bù Đăng, Lộc Ninh… Đi với các sư đoàn chủ lực. Đi với bộ đội địa phương áp và đánh sát vùng ven Củ Chi - Sài Gòn. Gặp các dũng sĩ, các du kích. Gặp các bà mẹ Việt Nam anh hùng - đội quân tóc dài. Tất cả đã vào ký họa của ông. “Cảm ơn ngành Bưu chính đã đưa ký họa của tôi lên tem. Tuy nhiên, nhìn vào mảng tem này quá ít." - ông lấy làm tiếc khi tiếp xúc với tôi.


Sau khi thống nhất đất nước, Cổ Tấn Long Châu hoàn chỉnh lại các ký họa của mình thành tranh sơn dầu: “Bà mẹ Củ Chi”, “Trái tim dũng sĩ”, “Dưới gầm cầu”... Tranh của ông đã đoạt giải Nhất triển lãm Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh năm 1980, giải Ba triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1985…

Hiện nay họa sĩ Cổ Tấn Long Châu đang tiếp tục vẽ tranh trong kho tàng ký họa kháng chiến của ông tại 45 bis Nguyễn Phi Khanh, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

(Trúc Chi - Tạp chí Tem)
Các bài khác
Người vẽ mẫu tem kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Hồ
20/05/2010
Nguyễn Sáng - người thiết kế bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam độc lập
31/07/2008

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.