Tem Sédang (1888-1889) - Phần 2

Phần 2: Tem Sédang

Lời ngỏ của tác giả: Bản thảo này dành riêng cho giới chơi tem trong nước thông qua trang web www.vietstamp.net. Đây là tài sản trí thức, xin đừng tự ý sửa chữa, trích đăng, hay truyền bá. Thành thật cảm ơn. GS. TRẦN ANH TUẤN (California, Hoa Kỳ).

Ngày 09-7-1888, de Mayréna ra “sắc lệnh” số 23, thành lập tổ chức bưu chính cho Vương quốc Sédang, và đến ngày 21-8-1888, ký “sắc lệnh” số 34, quy định các chi tiết kỹ thuật của bộ tem. Ngày nay, người ta chưa dứt khoát khẳng định được nơi in bộ tem. Có ba địa điểm được nói tới là Hà Nội, Thượng Hải và nhất là Hồng Kông, vì trong một bài báo đăng trên tạp chí tem Pháp L’Écho de la Timbrologie (số phát hành ngày 20-7-1889) mà bản dịch của bài này đăng trên tạp chí tem Mỹ American Journal of Philately (số phát hành tháng 9-1889), tác giả là Ch. de Solrac cho biết ở rìa của tờ tem có in hàng chữ “Hong Kong P. O.” (P. O. là chữ viết tắt của Printing Office). Điều này phù hợp với một sự kiện xảy ra vào cuối năm 1888, là de Mayréna khi ấy có mặt ở Hồng Kông và được chính Thống Đốc Hồng Kông tiếp đón trong một buổi dạ tiệc do sự giới thiệu của Lãnh sự Pháp tại Hồng Kông. Vậy, trong thời gian ở Hong Kông, de Mayréna có thể đặt in tem luôn ở đó.

Về mẫu tem, giữa tem là nghi vệ hoàng đế: cái mộc (khiên) với hình sư tử. Bên trên cái mộc là chiếc vương miện lớn, chụp xuống. Đàng sau cái mộc là hai vương trượng bắt chéo nhau, vương trượng bên phải tận cùng bằng một bàn tay. Giới chơi tem cần chú ý đến bàn tay này. Ở lần in thứ nhất (1888), hai ngón trỏ và ngón giữa của bàn tay không chạm vào khung tem, còn ở lần in thứ hai (1889), hai ngón tay này chạm dính vào khung tem. Đó là một cách phân biệt tem nào in lần thứ nhất và tem nào in lần thứ hai. Hai bên cái mộc có chữ Deh (bên trái) Sedang (bên phải). “Deh Sedang” có nghĩa là “Vương quốc Sédang”. Tem có hai khung trên dưới để ghi giá mặt. Giá tem ghi bằng số thì nằm trong khung trên và giá tem ghi bằng chữ thì nằm trong khung dưới. Bốn góc tem là bốn vương miện nhỏ đặt chéo, hướng về trung điểm của mẫu tem. Bộ tem có 7 con, giá mặt được ghi theo hệ thống chữ số của người Sédang đương thời: “moi” nghĩa là “một”; “ber” nghĩa là “hai”; “pouen” nghĩa là “ba”.

Điều đáng chú ý nhất của bộ tem in lần thứ nhất này là bốn con tem Moi Math, Ber Math, Pouen Math, và Moi Mouk đều có dấu gạch nối giữa hai từ, tức MOI-MATH, BER-MATH, POUEN-MATH và MOI-MOUK. Đó sẽ là dấu hiệu dễ nhận biết nhất khi ta muốn xác định con tem nào thuộc lần in thứ nhất và con tem nào thuộc lần in thứ hai.

Bộ tem Sédang in tại địa phương, 1888

Một vấn đề quan trọng là tem Sédang in lần thứ nhất này có được sử dụng trong thư từ hay không? Tôi xác định là CÓ! Bằng chứng là nhà nghiên cứu bưu hoa người Pháp Jacques Desrousseaux (1) cho biết là giữa thập niên 1940, chính ông đã thấy khoảng nửa tá phong bì có dán tem Sédang ở Huế. Trên những phong bì ấy, Desrousseax thấy tem Sédang không bị hủy bởi dấu hủy tem, mà bị hủy bởi một chữ “M” viết tay bằng bút máy. So sánh chữ “M” này với chữ ký của de Mayréna trong các “sắc lệnh” mà ông này “ban hành”, Desrousseaux kết luận đó chính là chữ ký của de Mayréna, người tự xưng là “Marie 1er” tức “Marie Đệ Nhất” của vương quốc Sédang. Theo Desrousseaux, đó là những bức thư mà de Mayréna viết gửi cho công sứ Pháp ở Quy Nhơn, do các người Thượng đi bộ từ nơi de Mayréna ở (Kontum-Pleiku) xuống Quy Nhơn và bỏ vào thùng thư ở đó. Vì nhà cầm quyền thuộc địa Pháp không công nhận “vương quốc Sédang” và tem Sédang không có giá trị bưu phí ở Đông Dương, nên thư nào cũng bị đóng dấu phạt.

Một con tem Sédang bị hủy bởi một chữ “M” viết tay

Đến ngày 06-6-1889, khi de Mayréna ở Âu Châu, ông ta ký một "sắc lệnh" về việc in thêm tem, theo mẫu in lần thứ nhất tại Viễn Đông. De Mayréna còn cho phổ biến chi tiết về bộ tem mới trong một thông cáo báo chí nhằm quảng bá và chào mời các nhà buôn tem quốc tế. Nhưng khi nhà in in xong lô tem Sédang thì không có ai trả tiền cho họ, khiến họ giữ lại lô tem ấy. Sau đó, họ đã tự động đem bán dần dần lô tem này cho các nhà buôn và giới chơi tem để lấy lại vốn.

Bộ tem Sédang in lần thứ hai, 1889 (Bộ sưu tập Trần Anh Tuấn)

Theo dõi tem Sédang từ lâu, tôi ngạc nhiên và thích thú được biết tem Sédang rao bán đấu giá ở Hòa Lan năm 1992. Liên lạc với công ty đấu giá ấy, D&O Trading ở Gouda, tôi tiếp xúc với giám đốc là ông Hendrik J. Oranje, được ông cho biết là trong một cuộc đấu giá tem ở Bỉ khoảng năm bảy năm trước đó, ông thấy giới thiệu một lô tem địa phương của Trung Quốc (thật ra là tem Sédang) nên đấu giá cao và mua được. Nhưng khi có lô tem đó trong tay, Oranje mới biết là ông bị lầm: đó không phải là tem địa phương của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông chưa thống nhất Trung Hoa như ông nghĩ, mà là tem của “xứ Sédang”, một cái tên hoàn toàn xa lạ với ông. Bất đắc dĩ có trong tay một số lượng lớn tem Sedang mà ngoài ông ra, không ai có nữa, Oranje bỏ công và bỏ thì giờ trong hơn ba năm để phân tích các mẫu tem Sédang ấy và hoàn tất một thiên nghiên cứu tỷ mỷ. Đó là tác phẩm Sedang, 48 trang, bằng tiếng Hòa Lan, xuất bản năm 1989. Ông cũng ngỏ ý muốn bán lô tem Sédang ấy cho tôi. Thế là cuối cùng tôi có trong tay lô tem Sédang in lần thứ hai (1889) vào tháng 02-1993. 

Tem Sédang in lần thứ hai này có được sử dụng trên phong bì thực gửi như tem in lần thứ nhất hay không? Tôi xin xác định là KHÔNG! Vì nhà in không được trả tiền, nên họ đã không giao tem cho de Mayréna hay người đại diện của ông ta. Do đó, tem in lần thứ hai này đã không được phát hành.

Giới sưu tầm tem quốc tế thỉnh thoảng thấy tem Sédang in lần thứ hai có dấu hủy tem thì đó chính là những tem CTO (Cancelled To Order) mà thôi! Nguyên khi in xong, vì không được ai trả tiền nên nhà in đã tự động bán tem Sédang cho những ai có nhu cầu mua, nhất là các nhà buôn tem ở Pháp và các nước Âu Châu, và để thỏa mãn nhu cầu mua tem sống (chưa đóng dấu) lẫn tem chết (đã đóng dấu), nhà in tem ở Paris còn làm con dấu “Bưu điện Sédang” để đóng lên tem theo thể thức CTO đã thành lệ của giới chơi tem quốc tế.

Hai mẫu dấu CTO đóng trên tem Sédang in tại Paris, 1889

Con dấu này chỉ có một vòng tròn với hàng chữ “Deh Sedang” ở trên và “Pelei-Agna” ở dưới. Pelei-Agna là tên của “thủ đô” xứ Sédang, nhưng không ai biết đích xác Pelei-Agna ở đâu trên vùng cao nguyên Kontum-Pleiku ngày nay. Giữa con dấu là hai gạch ngang, ở giữa là năm “1889”.

California, tháng 5-2008
GS. Trần Anh Tuấn

__________________________________
(1) Cho đến bây giờ, Jacques Desrousseaux (đã mất) vẫn được coi là một nhà nghiên cứu lịch sử bưu chính ba nước Việt-Miên-Lào có uy tín nhất thế giới. Uy tín ấy tạo được là do Desrousseaux hoàn tất thiên nghiên cứu lịch sử bưu chính ba nước Việt-Miên-Lào từ năm 1860 đến năm 1975. Thiên nghiên cứu công phu ấy, hoàn tất năm 1984, đến nay vẫn chưa hề được in ấn. Nhưng trước khi mất, Desrousseaux đã gửi tặng Thư viện Viện Bảo tàng Bưu chính Pháp tập bản thảo ấy, dày 432 trang khổ lớn 8,5x11. Bản thảo do chính Desrousseaux đánh máy trên một máy chữ cũ kỹ nên nhiều chữ khó đọc và nhiều chỗ bôi, xóa, sửa lem nhem làm khổ người đọc phải đoán ý. Nhưng mỗi dòng chữ trong tuyệt phẩm ấy là một chi tiết quý giá về lịch sử bưu chính thời Pháp thuộc, thời Nhật, thời VNDCCH, thời LKV, thời VNCH, thời MTDTGPMNVN, thời CHMNVN... Lý do Desrousseaux có nhiều tài liệu và những vật phẩm bưu chính trong tay để phân tích và kết luận về lịch sử bưu chính ba nước qua các chính thể khác nhau là do địa vị đặc biệt của ông. Là Tổng Thanh tra Hầm mỏ Đông Dương dưới thời Pháp thuộc, Desrousseaux là một viên chức cao cấp trong chính quyền, vì thế mà có thế lực, có nhiều tiền bạc và có biết bao cơ hội có được các vật phẩm bưu chính mà không một người sưu tầm tem thứ hai nào có thể so sánh được. Chẳng hạn, Desrousseaux có được những phong bì thực gửi LKV và đó chính là những phong bì mà quân Pháp hành quân vào “vùng giải phóng” đã tịch thu được, mà Desrousseaux được bạn bè trong giới sĩ quan Pháp chuyển cho. Nhiều khi tôi tự hỏi những phong bì LKV thực gửi bấy lâu nay rao bán trên eBay ở Hoa Kỳ hay bất cứ một nơi nào khác có phải gốc từ đó mà ra? Và nếu đúng như thế, thì những ai cầm trong tay những chiếc phong bì ấy, có khi nào họ biết rằng vì chủ nhân của chúng đã mất nên họ mới có chúng hay không?!

Các bài khác
"Điểm mặt" các bộ tem bưu chính về chiến thắng Điện Biên Phủ
07/05/2014
Nên tiếp tục phát hành tem bưu chính về 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
18/07/2012
Bản in thử của bộ tem "Kỷ niệm những ngày lịch sử"
02/12/2009
Tem Đông Dương in đè Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Các sự kiện lịch sử
26/11/2009

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.