Tem Đông Dương in đè Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Các sự kiện lịch sử

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chính quyền Cách mạng còn non trẻ chưa thể tổ chức sản xuất và phát hành tem thư của mình. Ngành Bưu điện đã được Chính phủ cho in đè lên một số mẫu tem bưu chính Đông Dương để sử dụng. Đây là những mẫu tem chính bản thân nó đã nói lên được những sự kiện lịch sử thời kỳ 1940 - 1946 ở Việt Nam.

1. Ngày 14-06-1940, quân Đức đã đánh bại quân Pháp tiến vào Paris. Chính phủ Pétain ký văn bản đầu hàng Đức và thành lập chính phủ mới đóng ở Vichy, đổi quốc hiệu là Cộng hòa Pháp (Republique) thành Quốc gia Pháp (Etat Française). Lúc này Đông Dương vẫn thuộc quyền cai trị của Pháp. Vì vậy ta thấy một số mẫu tem có ký hiệu R.F sau đó đổi thành E.F. Sự liên hệ giữa chính quốc Pháp với Đông Dương không thực hiện được. Từ đó dẫn đến Đông Dương phải tự cung ứng tem tại chỗ.

2. Theo tài liệu của tác giả René Despierres, người phụ trách Bưu điện Hà Nội lúc bấy giờ, đã đăng trong tờ tạp chí “Indochine” thuộc Hội Alexandre de Rhodes ở Pháp ghi rõ: “Để bù lại những tổn thất do việc Đông Dương bị cắt đứt với chính quốc, đô đốc Decoux (toàn quyền Đông Dương lúc đó - tác giả) quyết định cho Đông Dương phát hành những tem mới có giá trị nghệ thuật cao. Công việc vẽ thiết kế được giao cho ông Nguyễn Văn Trước (đúng tên là Bùi Trang Chước - tác giả), cựu sinh viên trường Mỹ thuật Hà Nội thực hiện”. Vì vậy ta thấy ở một trong hai góc dưới sát lề tem có ghi chữ “CHUOC”.

Tên họa sĩ Bùi Trang Chước trên tem Đông Dương in đè.

3. Trước chiến tranh thế giới lần thứ II, các chế bản tem Indochine đều được làm ở nhà in Vaugirat ở Paris, Pháp. Sau khi mất liên lạc với Pháp thì các tem Đông Dương lúc này được in offset trên bản kẽm tại nhà in Viễn Đông - IDEO (Imprimerie d’ Extrême Orient) ở Hà Nội. Đây là nhà in lớn nhất và cũng hiện đại nhất ở Đông Dương thời đó. Cho đến cuối năm 1946, khi toàn quốc kháng chiến thì nhà in bị dỡ bỏ không còn hoạt động nữa.

4. Sau này ở Pháp, trong một bài báo do Đại tá Lebiand (người bảo vệ an ninh tại nhà in IDEO thời đó) viết có kể lại sự kiện tem in ở đây. Ông ta nói rằng: “Tất cả tem được in ra dưới sự kiểm tra chặt chẽ của người Pháp. Các bản in những tem này rơi vào tay Việt Minh và tem đã được in ra không rõ là bao nhiêu để bán cho người sưu tập, và các lỗi về in và răng tem chính là vào thời kỳ này”?! Nhưng sau đó vào năm 1965 cũng lại có một bài báo của người Pháp lật lại vấn đề và nói rõ: “Đây là lời nói chung chung và hầu hết là không đúng sự thật. Không phải hầu hết các bản in rơi vào tay Việt Minh mà là chúng bị hỏng cong lệch do thời tiết không thể dùng để in tem được. Hơn nữa một số bản đã bị hủy bỏ sau khi in xong. Đồng ý là số tem in ra chưa dùng hết đã rơi vào tay họ và họ (Việt Minh) đã dùng để in đè... Số lượng in đè tuy không chính xác lắm nhưng cũng không phải là nhiều…”.

Một số mẫu tem Đông Dương in đè quốc hiệu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phát hành sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
 
5. Cũng tài liệu này nói rằng: “Mặc dù được biết con tem in đè đầu tiên vào ngày 21-12-1945 (không hiểu tác giả lấy số liệu ở đâu) nhưng có thể là chúng đã được in truớc đó vào sau tháng 09-1945 khi Việt Minh thiết lập Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc xác định chính xác ngày tháng in đè là rất khó. Các sách danh mục tem chỉ ghi năm phát hành và những con số này thì luôn luôn không chính xác. Danh mục này lại tham khảo lại của danh mục kia, thực ra họ chẳng biết gì”. Các tem in đè đều được in tại cùng một nhà in Viễn Đông. Giá mặt một số tem tăng lên là do lạm phát và do sự thay đổi từ tiền Đông Dương (piastre) sang tiền Việt Nam (đồng). Vào thời gian này, tiền Đông Dương vẫn lưu hành song song và 1 piastre tương đương 1 đồng Việt Nam. Tuy vậy các tem in đè này chỉ được lưu hành sử dụng ở miền Bắc từ vĩ tuyến 16 trở ra (ở đây tác giả không viết rõ lý do). Theo tôi, chính xác là ngày 23-09-1945 Pháp đã đánh chiếm Sài Gòn, Nam Bộ và một số nơi ở Nam Trung Bộ nên việc lưu hành tem in đè không thể thực hiện được ở dưới vĩ tuyến 16 và hầu như chỉ ở các thành phố lớn.

6. Những hoạt động chuyển phát thư rất khó khăn, hầu như rất hiếm thư gửi qua mạng bưu chính. Các cơ quan Chính phủ thì gửi thư từ, công văn không mất lệ phí. Đôi khi người dân gửi thư không dán tem, bưu điện vẫn chuyển phát. Vì vậy rất khó sưu tầm được bì thư thực gửi. Trên mạng có rao bán một vài cái nhưng được xác định là bì thư giả. Chiến tranh lúc này lan rộng và khốc liệt. Sau trận Trân Châu Cảng, Mỹ buộc phải tham chiến, chiến tranh lan rộng… Đến 09-03-1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp ở Đông Dương. Đến 15-08-1945, Nhật đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. Ngày 17-08-1945, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim chuyển giao quyền lực sang tay Việt Minh, Tổng khởi nghĩa nổ ra từ 18 đến 28-08-1945 trên cả nước (ở Hà Nội là ngày 19-08-1945). Tình hình ở Việt Nam, ngành Bưu điện không có bộ trưởng, vẫn dùng tem cũ với giá cũ cho đến năm 1946, mặc dù từ tháng 11-1945 đã phát hành tem in đè Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

7. Ngay từ đầu Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 việc in tem đã gặp nhiều khó khăn: thiếu giấy, thiếu mực in… Vì vậy, việc in tem không thể tránh được sai sót. Khi không thể cung cấp được giấy từ Pháp, đành phải dùng giấy địa phương do nhà máy giấy Đáp Cầu và Việt Trì cung cấp (2 nhà máy này có công suất 5.000 tấn/ năm vào thời kỳ đó). Đây là loại giấy thường dùng để sàn xuất pháo Tết nên chất lượng kém. Như vậy nhiều loại giấy đã được sử dụng: giấy nhập từ Pháp còn lại trong kho mang ra sử dụng nốt, giấy nội địa cũng có nhiều loại khác nhau. Đồng thời tem lại in 2 hoặc 3 lần vào những thời gian khác nhau nên không tránh được những khác biệt hoặc dị bản. Những tem in 2 lần là Pétain 3 c nâu, Pétain 40 c xanh sẫm, Alexandre de Rhodes 30 c vàng, August Pavie 10 c xanh lá, Paul Doumer 10 c xanh lá. In 3 lần là tem Pétain 1 c và Pétain 6 c.

8. Cũng giống như giấy và mực in, các thiết bị như máy đục răng tem của nhà in Viễn Đông đã bị mòn mà không có điều kiện thay thế nên một số tem dị bản răng thấy rõ là: đục thành một dọc dài không thành lỗ, đục sót răng, đục không đúng bước răng, sai vị trí hoặc đục 2 lần… Sự khác nhau về số răng thấy rõ trên các tem mã số 05, 11, 49; gây ra dị bản răng có mã số 04, 20, 32, 42 và khá nhiều mẫu không thể đo đếm được là bao nhiêu răng.

9. Ngay khi Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, Chủ tịch Hồ chí Minh đã ký sắc lệnh số 41 ngày 03-10-1945 để bãi bỏ toàn bộ các cơ quan thuộc Phủ Toàn quyền Đông Dương trên toàn cõi Việt Nam, đồng thời giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông công chính quản lý một số công sở trong đó có Sở Bưu điện Đông Dương và Sở Vô tuyến điện Đông Dương. Năm 1946, Chính phủ đã ký 7 sắc lệnh về tem bưu chính, trong đó có 5 sắc lệnh về tem in đè Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là các sắc lệnh số 144 ngày 06-08-1946 và các sắc lệnh 164, 165, 166 và 167 ngày 28-06-1946. Trước đó còn có Nghị định ngày 19-11-1945 về tem in đè do Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính ký. Vì vậy tháng 11-1945 đã xuất hiện tem in đè bán ở bưu điện Hà Nội. Do ta mới giành được chính quyền, ngân khố còn trống rỗng mà có rất nhiều việc phải làm nên có nhiều mẫu tem được in đè giá mới phục vụ cho quốc phòng, cứu đói, y tế và xóa nạn mù chữ…

Việc nghiên cứu tìm tòi tư liệu ngày càng sáng tỏ hơn, tuy vậy ta vẫn còn tiếp tục để mọi việc được xác định chắc chắn hơn. Với bộ tem chỉ 57 mẫu in đè nhưng đây chính là niềm tự hào của mọi người dân Vệt Nam.

Đào Đức Long
(Trích từ tập san Viet Stamp số 2 - 2009)
Các bài khác
"Điểm mặt" các bộ tem bưu chính về chiến thắng Điện Biên Phủ
07/05/2014
Nên tiếp tục phát hành tem bưu chính về 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
18/07/2012
Bản in thử của bộ tem "Kỷ niệm những ngày lịch sử"
02/12/2009
Sưu tập Tem hiện nay - cơ hội và thách thức
13/06/2009

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.