Kỷ niệm ngày mất Nguyễn Hữu Cảnh (1650 – 26-04-1700)

Nguyễn Hữu Cảnh tên thật là Nguyễn Hữu Thành, húy Kính, tộc danh là Lễ, danh tướng dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, miền đất này chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Ông sinh năm 1650 tại vùng đất nay là thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình, là con thứ ba của danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Ông là cháu 9 đời của Nguyễn Trãi, từ đời ông của ông là Nguyễn Triều Văn (dòng Nguyễn Hữu, tước Triều Văn Hầu, phò triều Lê và Nguyễn sơ), trước ở làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, sau theo chúa Nguyễn Hoàng di cư vào Nam. Vốn dòng dõi con nhà tướng, lớn lên trong thời kỳ Trinh - Nguyễn phân tranh, lại chuyên tâm luyện tập võ nghệ nên tuy còn trẻ nhưng ông đã lập được nhiều chiến công và được chúa Nguyễn Phúc Tần phong chức Cai cơ (một chức võ quan thuộc bậc cao) vào lúc tuổi độ hai mươi. Ông nổi tiếng là một tướng tài và được người đương thời tôn xưng danh hiệu "Hắc Hổ" vì ông sinh năm Dần và vì có nước da ngăm đen, vóc dáng hùng dũng và sau được chúa Nguyễn phong tước Lễ Thành Hầu.

Bloc tem thể hiện chân dung Nguyễn Hữu Cảnh

Năm 1693, ông dẫn đầu đoàn quân chinh phục Chiêm Thành và bắt được vua xứ này là Bà Tranh. Năm 1698, ông được cử làm Kinh lược sứ Chân Lạp, năm sau trở về chiêu dân lập ấp, khai thác đất Đông Phố, lập nên dinh Trấn Biên, sau đó lại lấy xứ Sài Gòn lập dinh Phiên Trấn tức Gia Định ngày nay. Năm 1699, vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu đem quân đánh nước ta, ông được triều đình cử vào đánh giặc và ông đã đánh tan quân Nặc Ông Thu. Hầu hết công việc bình định khai hoang, lập ấp ở miền Nam vào giai đoạn này đều do công của ông.

Sau khi đánh tan quân Nặc Ông Thu, ông kéo quân về đến Sầm Giang (Rạch Gầm, Mỹ Tho) thì lâm bệnh nặng và mất ngày 26-4-1700. Đồng bào Nam Bộ có lập đền thờ ông ở nhiều nơi như Biên Hòa, Long Xuyên, Châu Đốc... Ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang có một cù lao được nhân dân địa phương đặt là Cù lao Ông Chưởng và một con rạch lớn gọi là Lòng Ông Chưởng. Ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia cũng có đền thờ ông.

Ngày 30-4-1998, Tổng cục Bưu điện phát hành bộ tem "300 năm Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (1698 - 1998)", trong đó có bloc tem thể hiện chân dung Nguyễn Hữu Cảnh.

Các bài khác
Kỷ niệm 70 năm ngày mất Tô Hiệu (1912 - 07-03-1944)
07/03/2014
Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)
10/10/2013
Kỷ niệm Chiến thắng Chi Lăng (10-10-1427)
10/10/2013
Kỷ niệm 1.765 năm ngày mất Bà Triệu (22 tháng 02 năm Mậu Thìn tức năm 248)
02/04/2013

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.