Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-05-1954)

Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc, gần biên giới Lào - Việt. Đây là một căn cứ địa quân sự rất thuận lợi. Thực dân Pháp đã lấy Điện Biên Phủ làm địa bàn chiến lược cơ động trong âm mưu xâm lược vùng Đông Nam Á.

Trong chiến dịch Thu Đông 1953 - 1954, Pháp tập trung tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ một lực lượng quân sự lớn với 16.200 lính và nhiều vũ khí mạnh, bố trí 49 cứ điểm thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng. 8 cụm cứ điểm chia làm 3 phân khu: phân khu trung tâm gồm 2/3 lực lượng ở ngay giữa Mường Thanh, phân khu Bắc có các cứ điểm Độc Lập, Bản Kéo và cụm cứ điểm Him Lam, phân khu Nam là một cụm cứ điểm có trận địa pháo và sân bay Hồng Cúm.

Các nhân vật trên tem, từ phải qua trái: Võ Nguyên Giáp,
Trường Chinh, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng.

Sau khi phân tích tình hình các chiến trường, Hồ Chủ Tịch và Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta quyết định tập trung lực lượng mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm của địch ở Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn Tây Bắc. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ.

Bloc tem có chữ ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Phương châm tác chiến ban đầu của chiến dịch Điện Biên Phủ là "đánh nhanh, thắng nhanh", từ ngày 26-01-1954 đổi thành "đánh chắc, tiến chắc" do đánh giá lại tính chất phòng ngự và so sánh lực lượng. Chiến dịch chia làm 3 giai đoạn:

17 giờ ngày 13-3-1954, quân ta nổ súng mở đợt tiến công thứ nhất đánh vào phân khu Bắc. Sau 5 ngày chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt nhanh gọn 2 cứ điểm kiên cố nhất của địch là Him Lam và Độc Lập, sau đó tiêu diệt cứ điểm Bản Kéo, mở thông cửa vào trung tâm tập đoàn cứ điểm, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

17 giờ ngày 30-3-1954, quân ta mở đợt tiến công thứ hai. Cuộc chiến đấu trên đồi A1 diễn ra hết sức gay go, ác liệt. Hai bên giằng co từng tấc đấc. Đến ngày 04-4, mỗi bên chiếm giữ một nửa đồi A1. Đánh vào phân khu Đông, quân ta chiếm lĩnh phần lớn các cao điểm. Cùng với sự chi viện của đế quốc Mỹ, quân Pháp tập trung hầu hết máy bay chiến đấu, máy bay vận tải ở Đông Dương cho mặt trận Điện Biên Phủ.

Đêm 01-5-1954, quân ta mở đợt tiến công thứ ba, đánh chiếm những cứ điểm còn lại ở phía Đông và phía Tây, bẻ gẫy cuộc phản kích của địch. Đêm 03-5, quân ta cách sở chỉ huy địch 300 mét. 17 giờ ngày 07-5-1954, sau những trận pháo kích dữ dội, quân ta tiến thẳng vào sở chỉ huy địch bắt sống tướng De Castries và toàn bộ tham mưu tập đoàn. Gần một vạn quân địch nhảy ra khỏi hầm hố xin hàng. Đêm đó ta tiến công bắt sống toàn bộ quân địch ở phân khu Nam.

Sau 56 ngày đêm chiến đấu cực kỳ anh dũng, lá cờ “Quyết Chiến Quyết Thắng” tung bay trên nóc hầm De Castries báo hiệu chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng, góp phần quyết định cho thành công của Hội nghị Geneva về Đông Dương năm 1954.

Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến lâu dài và gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược và “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa ở Thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi, đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn).

Các bài khác
Kỷ niệm 70 năm ngày mất Tô Hiệu (1912 - 07-03-1944)
07/03/2014
Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)
10/10/2013
Kỷ niệm Chiến thắng Chi Lăng (10-10-1427)
10/10/2013
Kỷ niệm 1.765 năm ngày mất Bà Triệu (22 tháng 02 năm Mậu Thìn tức năm 248)
02/04/2013

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.