Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Huy Tưởng (06-05-1912 - 25-07-1960)



Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 06-05-1912 trong một gia đình nhà Nho tại làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Dục Tú, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội).

Thời học phổ thông, ở Hải Phòng, Nguyễn Huy Tưởng đã tham gia phong trào yêu nước. Ông say mê văn chương từ ngày đi học. Sau khi Khởi nghĩa Yên Bái thất bại (1930), ông làm công chức và bắt đầu viết văn, chuyên khai thác các đề tài lịch sử mang chủ đề yêu nước, đăng báo “Tri Tân” (từ 1943-1945): “Đêm hội Long Trì” (tiểu thuyết, 1942), “Vũ Như Tô” (kịch, 1943), “An Tư” (tiểu thuyết, 1944), “Cột đồng Mã Viện” (kịch, 1944). Kịch “Vũ Như Tô” là tác phẩm đạt nhất của ông trước Cách mạng, năm 1946 mới xuất bản thành sách.

Vừa viết văn, Nguyễn Huy Tưởng vừa tham gia các hoạt động Hướng đạo, Truyền bá Quốc ngữ. Năm 1943, ông gia nhập tổ chức Văn hóa cứu quốc. Tháng 08-1945 ông được cử đi dự Đại hội Quốc dân ở Tân Trào. Cách mạng thành công, ông là nhà văn sáng tác nhiều nhất và trở thành người lãnh đạo chủ chốt của Hội văn hóa cứu quốc, tham gia Quốc hội khóa I. Tháng 04-1946, vở kịch Bắc Sơn của ông được công diễn ở Nhà hát lớn đem lại thành công cho nền kịch cách mạng non trẻ.



Kháng chiến toàn quốc, sau 60 ngày đêm khói lửa, Nguyễn Huy Tưởng được đoàn thể giao nhiệm vụ tổ chức đưa đoàn văn nghệ sĩ lên Việt Bắc tham gia kháng chiến. Tại chiến khu, ông tiếp tục sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến trường kỳ với các tác phẩm nổi bật: kịch “Những người ở lại” (1948), “Ký sự Cao Lạng” (1951, Giải thưởng văn nghệ 1951-1952), “Truyện anh Lục” (1953, Giải nhì Hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955). Sau hòa bình, trở lại Điện Biên, ông viết “Bốn năm sau” (1959) - tiểu thuyết về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở chiến trường Điện Biên Phủ. Nguyễn Huy Tưởng dành tâm huyết viết về Hà Nội kháng chiến, một đề tài mà ông hằng ấp ủ từ lâu. Ông viết truyện phim “Lũy hoa” và tiểu thuyết “Sống mãi với thủ đô”, cả hai tác phẩm in năm 1961, khi ông đã qua đời.

Nguyễn Huy Tưởng mất ngày 25-07-1960 tại Hà Nội sau một thời gian lâm bệnh.
Từ một người tự học, tự đào luyện mình, Nguyễn Huy Tưởng đã trở thành một nhà văn, một nhà văn hóa có vị trí xứng đáng trong lĩnh vực văn học và sân khấu với tư cách tác giả của những tác phẩm đỉnh cao: “Vũ Như Tô”, “Bắc Sơn”, “Đêm hội Long Trì”, “Sống mãi với Thủ đô”… Từ trước cách mạng ông đã tham gia hoạt động Văn hóa cứu quốc, phấn đấu vì một nền văn hóa dân tộc, dân chủ, tiến bộ. Nguyễn Huy Tưởng là một trong những người đặt nền móng cho văn học thiếu nhi Việt Nam, đồng thời là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Ngay từ những tác phẩm đầu tay, Nguyễn Huy Tưởng đã dành cho thiếu nhi vị trí quan trọng. Với quan niệm “Phàm văn chương mục đích thứ nhất là để dạy dỗ thiếu niên… cốt làm sao cho bao giờ họ cũng có một tấm lòng bồng bồng bột bột, mà vẫn biết lẽ phải và vẫn biết thương nhau” (Nhật ký, 09-01-1932), ông đã khéo léo chuyển tải đề tài lịch sử cho đối tượng bạn đọc trẻ. Và từ đó, ông đã viết nên những tác phẩm đỉnh cao của mình nói riêng và của văn học thiếu nhi Việt Nam nói chung. Tác phẩm đầu tiên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng in tại Nhà xuất bản Kim Đồng - một trong tám tác phẩm in ngay khi nhà xuất bản được thành lập (1957) là “An Dương Vương xây thành Ốc”. Tác phẩm cuối cùng của ông, được viết và chữa trên giường bệnh, cũng in tại Nhà xuất bản Kim Đồng là “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”.

Mấy chục năm qua, tiểu thuyết, kịch lịch sử, truyện thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã được tái bản nhiều lần. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1.

Ngày 06-05-2012, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem "Kỷ niệm 100 năm sinh Nguyễn Huy Tưởng (06-05-1912 - 25-07-1960)" gồm 1 mẫu do họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn thiết kế.

 

Viet Stamp

Các bài khác
Kỷ niệm 70 năm ngày mất Tô Hiệu (1912 - 07-03-1944)
07/03/2014
Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)
10/10/2013
Kỷ niệm Chiến thắng Chi Lăng (10-10-1427)
10/10/2013
Kỷ niệm 1.765 năm ngày mất Bà Triệu (22 tháng 02 năm Mậu Thìn tức năm 248)
02/04/2013

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.