Nhiều Việt kiều quan tâm tới tem về sự kiện 30/4/1975

Bộ tem “Kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam” được phát hành năm 1985.
Bộ tem “Kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam” được phát hành năm 1985.

Ấn tượng với những bộ tem, mẫu tem về sự kiện 30/4/1975

Sự kiện lịch sử 30/4/1975 – Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được thể hiện trên mẫu tem Bưu chính Việt Nam. Theo tìm hiểu của Báo Bưu điện Việt Nam, trong danh mục Tem Bưu chính Việt Nam, đến nay đã có 2 bộ tem có chủ đề về sự kiện lịch sử này.

Bộ tem đầu tiên do Bưu chính Việt Nam phát hành là bộ tem mã số 320 có tên “Tổng tiến công 1975” phát hành ngày 14/12/1976. Bộ tem gồm 6 mẫu do 3 họa sĩ Trịnh Quốc Thụ, Trần Lương và Trần Ngọc Uyển cùng thiết kế. Trên sáu con tem đều có hình ảnh về 3 chiến dịch trong cuộc Tổng tiến công năm 1975: “Giải phóng Buôn Ma Thuột” (2 mẫu), “Giải phóng Đà Nẵng” (2 mẫu); “Giải phóng Sài Gòn” (2 mẫu). Đó là những chiến công vang dội, làm nên thắng lợi quyết định của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với phương châm: “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”.

Bộ tem thứ hai được phát hành năm 1985 với chủ đề “Kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam”. Bộ tem gồm 4 mẫu và 1 blốc do họa sĩ Huy Toàn thiết kế với các chủ đề: “Tiến công thần tốc”; “Giải phóng hoàn toàn”; “Tổ quốc xã hội chủ nghĩa”; “Hoàn toàn thống nhất”. Bộ tem ghi lại sự kiện trọng đại đánh dấu bước chuyển mình, sang trang mới của lịch sử dân tộc từ sau ngày 30/4/1975.

Bên cạnh dòng tem Bưu chính Việt Nam, trong dòng tem Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1970 – 1976), ngày 1/5/1976, bộ tem “Kỷ niệm 1 năm miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng” đã được phát hành, do họa sĩ Đỗ Việt Tuấn thiết kế với hình ảnh Cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và dòng chữ “Miền Nam hoàn toàn giải phóng”. Đây là một trong ba bộ tem cuối cùng của dòng tem Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tháng 6/1976, bộ tem “Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên” được phát hành, đánh dấu mốc về việc dòng tem này chính thức hòa vào dòng tem chung của Bưu chính Việt Nam).

Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Vietstamp cho biết, số lượng tem chủ đề 30/4/1975 mới vỏn vẹn có 2 bộ phát hành vào các năm 1976 và năm 1986. Nhưng bên cạnh đó, đã có rất nhiều mẫu tem liên quan tới sự kiện lịch sử 30/4/1975 được phát hành trong các bộ tem chủ đề khác.

Chẳng hạn, năm 1980, trong bộ tem "Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930 - 03-02-1980)", có một mẫu về “Chiến thắng 30/4/1975” do họa sĩ Nguyễn Hiệp thiết kế, trên tem là hình ảnh bản đồ Việt Nam và những chiến sĩ giải phóng, xe tăng đang tiến vào Dinh Độc Lập.

Năm 1985, bộ tem kỷ niệm "Kỷ niệm 40 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22-12-1944 -- 22-12-1984)" cũng do họa sĩ Nguyễn Hiệp thiết kế được phát hành với 7 mẫu tem, trong đó có mẫu tem về ngày 30/4 “Tiến vào Dinh Độc Lập” thể hiện hình ảnh xe tăng hất đổ cổng dinh Độc Lập báo hiệu sự cáo chung của chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

Năm 1987, trong bộ tem “Kỷ niệm những ngày lịch sử” do họa sĩ Ngô Mạnh Lân thiết kế, cũng có mẫu tem về ngày 30/4/1945. Năm 1995, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem 6 mẫu do họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn thiết kế, một trong 6 mẫu là tem “Kỷ niệm 20 năm thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước”.

Từng có rất nhiều năm gắn bó với sự nghiệp vẽ tem bưu chính, họa sĩ Nguyễn Du, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam chia sẻ: “Trong số những bộ tem nói về sự kiện 30/4/1975 – Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi ấn tượng nhất với bộ tem phát hành năm 1976. Mẫu tem thể hiện bản đồ Việt Nam từ Bắc chí Nam trên nền hình trống đồng. Hình bản đồ đất nước màu đỏ, với ngôi sao vàng trung tâm đánh dấu vị trí Thủ đô Hà Nội tượng trưng cho lá cờ Tổ quốc, tất cả lại được thể hiện trên nền một biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam là hình trống đồng. Mẫu thiết kế này vừa thể hiện được yếu tố nghìn năm văn hiến của người Việt Nam, vừa thể hiện được tính độc lập dân tộc của đất nước, khẳng định với bạn bè trên thế giới là Việt Nam đã giành được độc lập. Việt Nam là một nước thành viên của Liên minh Bưu chính thế giới UPU, nên khi phát hành bộ tem này đã có ý nghĩa về mặt chính trị rất lớn, góp phần khẳng định sự hiện diện của nước Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Thu hút sự quan tâm của người Việt ở nước ngoài

Khảo sát thị trường sưu tập tem trong những ngày chuẩn bị hướng tới kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm nay, Báo Bưu điện Việt Nam thấy nhu cầu mua tem chủ đề này của giới sưu tập tem trong nước không có thay đổi nhiều so với ngày thường.

Theo đánh giá của nhiều người chơi tem bưu chính, những mẫu tem về sự kiện lịch sử 30/4/1975 đã xuất hiện trên thị trường khá lâu. Những “dân chơi mới” trong “làng” sưu tập tem giờ đây đang có xu hướng quan tâm nhiều hơn tới các chủ đề như động vật, thực vật, phong cảnh, kiến trúc.

“Những người có nhu cầu sưu tập tem chủ đề 30/4/1975 thường là những người chơi tem thuộc các mảng truyền thống, cách mạng, Bác Hồ, lịch sử, đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc... bởi khó có thể làm tách rời bộ 30/4 vì không đủ số lượng tem. Dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, trong lịch phát hành tem bưu chính khi đó đã có tên tem chủ đề “Giải phóng miền Nam” nhưng sau lại không ra bộ tem này nữa. Năm ngoái, kỷ niệm 40 năm sự kiện lịch sử trọng đại này, người sưu tập tem ngóng chờ mãi cũng không thấy có mẫu tem về chủ đề 30/4/1975”, ông Hoàng Anh Thi chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm về việc thị trường sưu tập tem những ngày này không “nóng” hơn ngày thường bởi những mẫu tem chủ đề 30/4/1975, tuy nhiên, ông Phạm Xuân Đỉnh, Trưởng phòng Kinh doanh Nghiệp vụ, Công ty Tem Việt Nam chia sẻ một thông tin khá thú vị, đó là những bộ tem liên quan tới 30/4/1975 vẫn thu hút khá nhiều người sưu tập tem ở nước ngoài, kiều bào ở nước ngoài, đặc biệt.

“Khi phát hành bộ tem kỷ niệm 10 năm giải phóng miền Nam vào năm 1985, chúng tôi đã in khoảng 300.000 bộ, tính đến nay đã có khoảng 70.000 bộ được bán ra nước ngoài. Giờ chủ yếu khách mua tem đặt hàng qua website của Công ty Tem Việt Nam. Ngoài mẫu tem, chúng tôi còn cung cấp các vật phẩm khác như bìa gài, album sưu tập có mẫu tem về 30/4/1975 để phục vụ nhu cầu của giới sưu tập tem, người chơi tem”, ông Phạm Xuân Đỉnh nói.

Bàn về câu chuyện có quá ít mẫu tem về sự kiện 30/4/1975, ông Phạm Xuân Đỉnh chia sẻ thêm: “Các mẫu tem bưu chính về sự kiện 30/4/1975 có ý nghĩa giáo dục các thế hệ sau nhớ lại một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Tuy nhiên, trong quá trình thiết kế, phê duyệt các mẫu tem hàng năm, một số nhà sử học, đại diện các Bộ, ngành đã có nhiều ý kiến cho rằng không được quên quá khứ nhưng cũng chỉ nên nhắc lại dấu mốc lịch sử này ở một mức độ vừa phải. Vì thế chưa có thêm nhiều mẫu tem về chủ đề 30/4/1975 được phát hành trong thời gian gần đây”.

Đề xuất giải pháp cho hiện trạng vừa nêu, ông Hoàng Anh Thi nói: “Các cơ quan chức năng nên nghiên cứu đổi tên sự kiện 30/4/1975 là Ngày Thống nhất. Mẫu tem Ngày Thống nhất sẽ không dùng hình ảnh xe tăng, súng đạn, mà dùng những hình ảnh có tính hòa bình, độc lập dân tộc hơn, chẳng hạn như hình ảnh cô gái miền Bắc nắm tay bà má miền Nam, thể hiện sự thống nhất non sông liền một dải”.

Bình Minh

Nguồn: http://infonet.vn/nhieu-viet-kieu-quan-tam-toi-tem-ve-su-kien-3041975-post197530.info

Các bài khác
Tìm hiểu ngày thành lập Đảng qua một dấu FDC
03/02/2020 01:02
Hình tượng chuột trong tem Tết Canh Tý 2020
26/01/2020 17:58
Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga trên tem thế giới
07/11/2017 01:06
Người phi công Việt Nam đầu tiên
15/03/2017 01:17

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.