Tem Sédang (1888-1889) - Phần 1

Phần 1: Vương quốc Sédang

Lời ngỏ của tác giả: Bản thảo này dành riêng cho giới chơi tem trong nước thông qua trang web www.vietstamp.net. Đây là tài sản trí thức, xin đừng tự ý sửa chữa, trích đăng, hay truyền bá. Thành thật cảm ơn. GS. TRẦN ANH TUẤN (California, Hoa Kỳ).

Sédang là tên một sắc tộc với địa bàn sinh hoạt là vùng Pleiku - Kontum bây giờ. Vào cuối thế kỷ XIX, một tay phiêu lưu quốc tế người Pháp lên vùng cao nguyên  ấy, tiếp xúc với các già làng, và khuyến dụ họ thành lập một vương quốc. Đó là vương quốc Sédang, và chính người Pháp ấy, xuất thân là một sĩ quan, đóng vai “Hoàng Đế”.

Viên sĩ quan Pháp này, David Auguste Jean Baptiste Marie Charles, hay Marie de Mayréna, sinh ở Toulon ngày 31-01-1842, là đại úy trong quân đội viễn chinh Pháp lúc bấy giờ. Bản chất của Marie de Mayréna là một tay giang hồ từng phiêu lưu đến Thổ-nhĩ-kỳ, Phổ (tức là nước Đức sau này)… Năm 1861, Mayréna có mặt trong đạo quân viễn chinh Pháp xâm lăng Nam Kỳ. Sau đó, Mayréna về Pháp, rồi phiêu lưu sang Java, Sumatra bấy giờ thuộc đế quốc Hòa Lan.

Năm 1885, Mayréna trở lại Nam Kỳ, khai thác đồn điền ở vùng giáp ranh Nam Kỳ và Trung Kỳ. Năm 1888, Mayréna tiếp xúc với các cha cố Thiên chúa giáo và được Toàn Quyền Đông Dương Pháp bấy giờ là Constans giao cho sứ mạng lên vùng cao nguyên Trung Kỳ, tiếp xúc với các sắc dân thiểu số nhằm thiết lập một con đường từ tỉnh Bình Định đến sông Mê Kông để đề phòng nước Phổ đang lăm le bành trướng ảnh hưởng sang phía đông rặng Trường Sơn.

Mayréna đến Qui Nhơn ngày 16-3-1888, liên lạc với Công sứ Qui Nhơn và các linh mục Thiên chúa giáo để hoạch định công việc. Được sự giới thiệu của giám mục Qui Nhơn, Mayréna lên gặp giám mục Kontum, rồi tiếp xúc và ký thỏa ước với các già làng người Sédang, Bà Na, và Rong Gao ở đó để thành lập một vương quốc độc lập, với  chính Mayréna được tôn làm Hoàng đế vào ngày 01-6-1888.

Chân dung Marie de Mayréna - "vua" xứ Sédang (1888-1889)

Trong tư cách ấy, Mayréna lấy danh hiệu “Marie de Mayréna, Roi des Sédangs” ban hành “hiến pháp” 14 điều ngày  03-6-1888 (thành lập Liên Minh Bà Na Rong Gao - Union Bahnar-Rongao) sửa đổi thành “hiến pháp” 15 điều ngày 01-7-1888 (Liên Minh Bà Na Rong Gao đổi thành Vương quốc Sédang - Royaume Sédang), thiếp lập “quốc huy”, ấn tín, định phẩm phục…

Ấn tín của "vua" xứ Sédang - Marie de Mayréna

Ngày 9-7 và ngày 20-7-1888, Mayréna ra hai “sắc lệnh” ấn định sự hình thành và tổ chức hệ thống bưu chính cho vương quốc. Mayréna cũng cho phát hành bộ 7 tem cùng mẫu thiết kế, thay mầu đổi giá mặt gồm: ½ Math, Moi Math, Ber Math, Pouen Math, Moi Mouk, ½ $, và Moi. Bộ tem in lần thứ nhất này được giới chơi tem quốc tế mệnh danh là “local stamp” tức tem Sédang in tại địa phương (có thể là ở Hồng Kông?). Đến khi sang Âu Châu để vận động tài chính, ngày  05-9-1889, Mayréna ra “sắc lệnh” chỉ định một người ở Bỉ tên Camille Berleur làm Giám Đốc Bưu Chính, và lấy chính nhà của nhân vật này, số 43 Boulevard Anspeach, Brussels, làm trụ sở. Cũng chính thời gian ở Bỉ, Mayréna đã cho in lại bộ tem Sédang gồm 7 giá tiền. Bộ tem in lại, hay in lần thứ hai này, được giới sưu tầm tem quốc tế mệnh danh là “Paris prints” tức là bộ tem Sédang in tại Paris, Pháp.

Ngay khi phát hành, bộ tem Sédang được giới sưu tầm tem các nước lùng mua ngay vì rất nhiều tạp chí tem quốc tế đứng đắn như Le Timbre-Poste 1889-91L’Écho de la Timbrologie 1889 của Pháp, Illustrietes Briefmarken Journal 1889, Illustriete Briefmarken Zeitung 1889, và Der Philatelist 1889-91 của Đức, cùng American Journal of Philately 1889, The Philatelic Record 1889, Mekeel’s Weekly Stamp News 1894-1900Mekeel’s Stamp Collector 1903 của Hoa Kỳ đưa tin và giới thiệu. Hồi ấy, tức thập niên 1890, các tay chơi tem ở Mỹ phải tìm mua tem Sédang với giá trung bình US$ 5.00/bộ. 

Dĩ nhiên những hoạt động bất thường của Mayréna làm chính quyền thuộc địa Pháp khó chịu nên họ đặt Mayréna ra ngoài vòng pháp luật, rồi ra lệnh truy nã, khiến Mayréna phải lưu lạc khắp nơi. Năm 1890, từ Âu Châu, Mayréna đáp tầu thủy trở lại Viễn Đông. Nhưng nhà cầm quyền Đông Dương đã ngăn cản việc Mayréna trở lại vùng cao nguyên Trung Kỳ khiến Mayréna khi đến Tân Gia Ba (Singapore) phải ở lại đây một thời gian. Rồi ngày 29-3-1890, Mayréna rời Tân Gia Ba đến một hoang đảo tên Pulau Siribua ở Mã Lai, rồi cuối tháng Tư di chuyển đến một đảo khác tên Pulau Tioman cũng thuộc phía tây Mã Lai. Ở đây, Mayréna sống ẩn dật, không còn liên lạc với ai nữa. Ăn uống hàng ngày dựa vào việc đánh cá và săn thú.

Đột nhiên, ngày 11-11-1890, tin Mayréna chết vì bị rắn độc cắn được chính thức phổ biến. Đó là theo tài liệu của nhà cầm quyền địa phương ở Mã Lai. Nhưng khi tin Mayréna chết truyền đến Đông Dương, thì có ba tin đồn khác nhau: Mayréna chết vì rắn độc, chết vì tự sát, và chết vì đấu súng.

California, tháng 5-2008
GS. Trần Anh Tuấn

__________________________________
Muốn biết thêm chi tiết về Vương quốc Sédang, tìm  đọc:
1) JEAN MARQUET, “Un Adventurier du XXe sciècle: Marie 1er, Roi des Sédangs,” Bulletin des Amis du Vieux Hué (Tháng 1-6 năm 1927, tr. 1-135).
2) GERALD CANNON HICKEY, Kingdom in the Morning Mist: Mayrena in the Highlands of Vietnam, nxb University of Pennsylvania Press, Philadelphia, 1988, 221 trang.

Các bài khác
"Điểm mặt" các bộ tem bưu chính về chiến thắng Điện Biên Phủ
07/05/2014
Nên tiếp tục phát hành tem bưu chính về 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa
18/07/2012
Bản in thử của bộ tem "Kỷ niệm những ngày lịch sử"
02/12/2009
Tem Đông Dương in đè Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Các sự kiện lịch sử
26/11/2009

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.