Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Cuộc sống đó đây

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 15-01-2010, 08:24
caifincafe's Avatar
caifincafe caifincafe vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Sống
 
Ngày tham gia: 24-04-2009
Đến từ: TPHCM
Bài Viết : 676
Cảm ơn: 1,152
Đã được cảm ơn 4,250 lần trong 709 Bài
Mặc định Những ngôi đình ở Sài Gòn

Theo Giáo sư Hà Văn Tấn, đình là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã Việt Nam, thực hiện 3 chức năng: hành chính, tôn giáo, và văn hóa. Có thể coi đình là một tòa thị chính, một nhà thờ và một nhà văn hóa của làng xã Việt Nam, là biểu tượng cho cộng đồng làng xã Việt Nam. "Đình - ngôi nhà chung của làng xã đã xuất hiện từ lâu đời, nếu không phải là thời tiền sử thì là thời sơ sử của dân tộc. Tất nhiên là thời đó, chưa được gọi là đình, một từ vay mượn của Trung Hoa".

Theo kết quả điều tra về đình do Bảo tàng Cách mạng Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thực hiện trong năm 1992 thì toàn Thành phố Hồ Chí Minh có 260 đình, trong đó nhiều nhất là quận Bình Chánh với 57 đình và ít nhất là quận Phú Nhuận chỉ có 1 đình. Ngoài tính chất tín ngưỡng chung như đình của cả nước, ở Thành phố Hồ Chí Minh một số đình còn là cơ sở cách mạng, nơi hội họp chứa giấu cán bộ (đình Bình Đông, quận 8), trong đình có hầm bí mật (đình Phong Phú, quận 9) ...

Về mặt kiến trúc, đình ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như những đình ở miền Nam thuộc loại nhà có vì kèo nhà đâm trính. Đó là kiểu vì kèo nhà chày cối hay nhà lồng cu ở vùng cực Nam Trung Bộ và khá giống kiểu vì kèo nhà rường ở miền Trung. Theo Huỳnh Tịnh Paulus Của thì "Trếnh (trinh): cây lớn câu đầu hai cây cột cái ... Trểnh trổng: tiếng gọi chung cả cây trính, cây trổng; trổng là cây vắn dựng giữa cây trính làm con đội lấy hai đầu kèo giao nguyên. Trểnh cối - Trểnh có cối để chính giữa mà chịu lấy cây trổng".

Như vậy, một vì kèo như đâm trính gồm vì liên kết 6 hàng cột, 2 kèo giao nhau được đỡ bởi một cây trống và 6 cột bao gồm 2 cột cái, 2 cột con hay cột quân (cột hàng hai), và 2 cột hành hay cột hiên (cột hàng ba). Nếu có 2 vì liên kết cột như thế, gắn song song nhau là nhà một gian (4 cột cái), có 4 vì gắn song song nhau là nhà 3 gian (8 cột cái) và có 6 vì gắn song song nhau là nhà 5 gian (12 cột cái). Và nếu ở đầu hồi có che thêm mái ra thì gọi là chái, che một bên là một chái, che hai bên là hai chái. Từ đó có nhà một gian một chái, một gian hai chái, ba gian một chái, ba gian hai chái ...

Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh, nếu là đình có kiến trúc nhỏ thì thường chỉ là kiểu đâm trính một gian hai chái. Do chỉ có một gian hai chái nên phần chái khá lớn như các đình ở miền Bắc, nếu tính theo chiều ngang thì cũng gồm 6 cột tạo cho mặt bằng đình có dạng hình vuông với 4 mái chạy ra bốn phía (36 cột). Loại nhà vuông này chỉ dành riêng cho đình chùa. Ngược lại đình chùa lại có nhà ba gian hai chái như nhà dân. Đình có 4 cột cái ở giữa nên kiểu nhà này còn gọi là nhà tứ trụ hay tứ tượng. Loại nhà này khá giống nhà rường một gian hai chái ở Quảng Bình.

Phổ biến hơn và xuất hiện muộn hơn là kiểu kiến trúc đình gồm ba nhà đâm trính (mỗi nhà một gian hai chái) ghép song song nhau theo kiểu nhà xếp đọi (sắp đọi, nối đọi) dạng chữ tam (=). Theo Huỳnh Tịnh Paulus Của thì "Đọi: chén bát - bát đọi. Nhà sắp đọi: nhà cất cái trước cái sau liền nhau. Một miếng khi đói bằng một đọi khi no". Người Việt ở vùng Quảng Bình gọi cái đọi chính là cái bát chiết yếu của người Việt ở miền Bắc. Nhà có hai chái thì phần cao nhất của chái phải thấp hơn đỉnh nóc nhà một đoạn, khi nhìn mái sẽ có một đoạn gãy như thân bát chiết yêu úp xuống. Vì thế, nhà kiểu xếp đọi tức nhà có mái liền nhau như những cái đọi xếp úp kề nhau theo hàng dọc.

Theo dòng thời gian, kiến trúc đình của người Việt ở miền Bắc ngày càng đa dạng. Thế kỷ XVI mặt bằng đình có dạng chữ nhất (-), sang thế kỷ XVII mặt bằng đình có thêm dạng hình chuôi vồ hay chữ nhị (=), chữ tam () , hay chữ công (I). Sang thế kỷ XIX một số đình có xu hướng biến thành phương đình tức một ngôi nhà gần vuông, một gian hai chái hoặc đình gồm 4 ngôi nhà nối vuông góc với nhau thành chữ khẩu.

Ở miền Trung dù chỉ có một tòa đại đình hay cả hậu cung phía sau và bái đường phía trước đều nhận ra kiểu nhà rường dân dụng. Ơở Huế, đình có kết cấu vì kèo theo lối nhà rường ba gian hai chái, hay năm gian hai chái, nhưng rộng lớn hơn và bề thế hơn nhà tư gia ... Ơở Thành phố Hồ Chí Minh, có lẽ lúc ban đầu khi người Việt mới vào khai phá, đình có mặt bằng dạng chữ nhất (-) với nhà một gian hai chái, ba gian ... Nhưng càng về sau, mặt bằng đình có xu hướng theo kiểu nhà xếp đọi, cái trước cái sau liền nhau tạo mặt bằng đình thành hai nhà (chữ nhị =), ba nhà (chữ tam: ) hay năm nhà liền nhau và một số công trình phụ bên ngoài vẫn theo kiểu nhà đâm trính hay nhà rường.

Mái đình ở Thành phố Hồ Chí Minh lợp ngói âm dương hay ngói ống trong khi đó đình ở miền Bắc thường lợp ngói vãy cá, ngói mũi hài đầu đao cong vút và đình ở miền Trung cũng lợp ngói âm dương nhưng lợp khá dày (có lẽ để chống bão). Trên nóc đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có gắn gốm Sài Gòn nhiều màu: như lưỡng long tranh châu, cá hóa long, ông nhật bà nguyệt hoặc có gắn cả một quân thế biểu tượng như các miếu người Hoa - Quảng Đông. Chẳng hạn ở đình Minh Hương có quân thế biểu tượng gốm trên nóc, trên gốm có gắn chữ nổi "Mai Sơn, Đồng hòa Diêu" (lò Đồng Hòa, gò Cây Mai), "Thiên vạn, Tân Sửu niên lập" (năm 1901)

Trang trí bên trong đình ở Thành phố Hồ Chí Minh thường thể hiện ở những cặp liễn, những câu đối treo ở cột, những cửa võng (bao lam) hay những bức hoành, trang trí ở khám thờ hay bàn thờ với những đề tài như tứ linh, lưỡng long tranh châu, long vân, mai điếu, mây hạc, cúc trĩ, hoa lá, bát tiên ... và thường thể hiện ở dạng sơn son thiếp vàng. Ở đầu kèo trang trí đầu rồng, cá hóa long. Trang trí đình ở Thành phố Hồ Chí Minh khá giống vơi những trang trí bên trong của các đình ở miền Trung, trừ phần vôi vữa cẩn sứ và các tủ thờ là một nét riêng của các đình ở vùng nay. Và không thể so được với những điêu khắc đình làng ở miền Bắc - đặc biệt là ở các đình có niên đại sớm - nơi mà "hễ có chổ trống là có ngay những đường lượn của nhát đục". Những chạm trỗ như các tiên nữ, hội làng, người làm xiếc, chèo thuyền, đi cày, đấu võ, voi, ngựa, chọi trân ... không thể bắt gặp trong đình ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Vị thần thờ chính trong đình là Thành Hoàng. Thành Hoàng vốn là vị thần có nguồn gốc Trung Quốc. Sách "Trung Quốc thần bí văn hóa" viết: "Thành Hoàng tức thành hào, hào có nước gọi là trì, không có nước gọi là hoàng. Đắp đất làm thành, đào hào làm hoàng ... Ở Trung Quốc cổ đại có thờ Thành Hoàng như vị thần bảo hộ thành trì cấp quốc gia, cấp phủ, châu, huyện. Các trụ sở hành chánh này ở Trung Quốc đều có thành trì, Thành Hoàng bảo vệ bộ máy quan liêu và cư dân trong thành. Còn ở nông thôn thì Xã tức Thần Thổ Địa".

Tín ngưỡng Thành Hoàng du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Năm 823 Lý Nguyên Gia xây La Thành, đã phong thần Tô Lịch làm Thành Hoàng, dựng đền thờ, và tín ngưỡng Thành Hoàng kéo dài cho đến ngày nay. Tuy du nhập từ Trung Quốc nhưng tín ngưỡng Thành Hoàng ở Việt Nam qua thời gian cũng đã có sự thay đổi. "Rõ ràng trong Thành Hoàng Việt Nam có hai dòng riêng biệt. Một dòng mang đậm gần như nguyên xi mô hình Đường - Minh: hệ thống Thành Hoàng cả nước, tỉnh, huyện. Đó là những vị thần vô danh tối linh, không có thần tích nhân ban thậm chí cũng không phải là một thiên thần ... dòng thứ hai là Thành Hoàng làng. Đó mới là dòng chủ thể phản ảnh bản chất tư duy tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam".

Đình ở Thành phố Hồ Chí Minh tồn tại đến hiện nay, ngoài đình Nam Tiên có sắc phong vào ngày 8 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 5 (1824) cho thần Nam Hải cự tộc ngọc lân (tức cá voi) và giao cho các đội Trường Đà (đội thuyền chiến) thờ cúng có thể là thuộc dạng Thành Hoàng giữ thành trì, còn lại là đình làng, và cũng như cả nước, không phải đình nào cũng được ban sắc thần, mặc dù tất cả đều có thờ thần gọi là Thành Hoàng. Trong số 260 đình ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ có 31 đình có sắc thần (3 sắc thờ Minh Mạng, 26 sắc thời Tự Đức, 1 sắc thời Duy Tân, 1 sắc thời Bảo Đại), chiếm tỷ lệ 12%. Trong đó có đình mang sắc từ quê hướng vào đình Nam Chơn.

Thần thờ chính trong đình ở Thành phố Hồ Chí Minh thường là một vị nhưng có khi thờ đến đến 5 vị (Bùi Tá Hán, Quan Vân Trường, Thiên Y a na, Dương Phi và Cao Các) như ở đình Nam Chơn (quận 1) và đặc biệt có đình thờ 30 vị chống pháp như đình Mỹ Hòa ở Hóc Môn. Đa số thần thờ chỉ gọi tên chung là thần Thành Hoàng mà không thể xác định lai lịch của thần và ghi chữ thần thờ, một số đình như đình Phong Phú là có thờ tượng cốt.

Một số đình xác định được thần thuộc hai dạng: 50 đình có thờ Nhân thần và 5 đình có thờ Nhiên thần (thần tự nhiên). Nhân thần là những vị thần vốn là người như hai hoàng tử thời Lý và Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương (Đình Thông Tây Hội, Gò Vấp), Nguyễn Phục - một vị quan thời Lê Thánh Tông (đình Hưng Phú, quận 8), Bùi Tá Hán - thời Lê (Đình Nam Chơn, quận 1), Trần Thượng Xuyên, Nguyễn Hữu Cảnh, Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh (đình Minh Hương), Nguyễn Huỳnh Đức (Đình Bình Hòa, quận 6), và đặc biệt thờ 30 vị chống Pháp (đình Mỹ Hòa, xã Tân Xuân, Hóc Môn).

Thờ Nhiên thần như Cao Các ở đình Nam Chơn - quận 1. Ơở vùng Thanh Hóa, Nghệ An thần núi Cao Sơn thường được gọi là Cao Sơn Cao Các hay Cao Các, thần cá Voi (cá Ông), mà các làng ven biển miền Trung hoặc các làng có làm ngề cá hay thờ được thờ ở đình Nam Tiến - quận 4 và đình Phú Hòa - quận 1.

Giống như đa số các đình ở miền Trung và một số đình ven biển miền Bắc, trong đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có thờ thêm các vị "khai canh, khai khẩn", hay còn gọi là "tiền hiền, hậu hiền". Tiền hiền là những người đến sau tiếp việc mở mang đất đai. Nhưng khác với đình ở miền Bắc và miền Trung là bên trong đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có thờ thêm các vị thần khác có thể nói như các thần phụ được thờ trong đình như thờ các vị phụng sự cho thần gồm tả ban, hữu ban, bạch mã thái giám - có khi thờ cả ban tham mưu cho thần như thờ hội đồng để giải quyết ở bộ phận cao hơn là hội đồng nôi - như ở đình Phú Nhuận, thờ Đông Trù tư mệnh (ông Táo), thờ bà Chúa Xứ, thờ Phước Đức chính thần (ông Địa), thờ Tài Bạch tinh quân (thần Tài) thậm chí có cả thờ Hoàng Đế như ở đình Minh Phụng - quận 1, đình Bình Trưng - quận Thủ Đức. Gần đây trong một số đình có thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ.

Do sự giao lưu văn hóa với người Chăm, Khmer, Hoa mà trong tín ngưỡng Thành Hoàng của người Viêt đã xuất hiện một số thần như vị nữ thần Chăm - Việt: Pô Inư Nagar được người Việt gọi là thần Thiên Y a na mà tên gọi quen thuộc là: chúa Ngọc ở vùng Thừa Thiên Huế, Bà Chúa Tiên ở vùng Khánh Hòa được thờ ở đình Nam Chơn - quận 1. Thần Ma Ha Cẩn được ghi trong sắc thần phong năm Tự Đức thứ 5 có người cho là người Chăm thờ ở đình Phú Nhuận - quận Phú Nhuận, Quan Vân Trường ở Đình Nghĩa Nhuận. Bên ngoài đình có bình phong ông hổ hay bình phong "thanh long, bạch hổ", có những miếu nhỏ như miếu thần Nông, miếu Ngũ Hành và đài liệt sĩ.

Trong thiết chế văn hóa xã hội truyền thống Việt Nam, đình là một trong những cơ sở quan trọng. Lễ hội ở đình tuy mức độ lớn nhỏ có khác nhau nhưng gần như diễn ra quanh năm. Nhưng vì là một nước nông nghiệp nên lễ hội quan trong năm là lễ kỳ yên, lễ hạ điền, lễ thượng điền, lễ lúa sinh, trong đó lễ kỳ yên thường diễn ra vào những lúc nông nhân vào mùa xuân hay mùa thu. Có thể tham khảo lịch cúng ở đình Đắc Sở tỉnh Hà Tây mà giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã công bố vào năm 1938:

* Cúng Tết: Tháng giêng;
* Xuân Tế: Tháng hai;
* Lễ tống trùng, lễ kỳ yên: Tháng ba;
* Cúng nhắc lại ngày cuối hội làng: Tháng tư;
* Lễ Đoan Ngọ: Tháng năm;
* Lễ hạ điền: Tháng sáu;
* Lễ trung nguyên, lễ thượng điền: Tháng bảy;
* Lễ tông trùng, lễ lúa sinh: Tháng tám;
* Lễ cúng cơm mới: Tháng chín;
* Lễ trùng thập: Tháng mười;
* Lễ hạ tang điền (lễ xuống ruộng dâu): Tháng 11;
* Lễ tất niên, lễ giao thừa: Tháng chạp.

Ở Nam bộ lễ chính trong đình cũng gần giống như các đình ở miền Bắc gồm: lễ kỳ yên, lễ hạ điền, lễ thượng điền và lễ cầu bông, lễ lúa sinh. Nhưng vì còn có những thờ cúng phụ khác trong đình Nam bộ, nên có những ngày cúng khác như lễ cúng Quan Công, lễ cúng bà Ngũ Hành ... ít gặp trong các đình ở miền Bắc.

Vùng đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trước đây về cơ bản vẫn là đất nông nghiệp, theo Lê Quí Đôn trong Phủ biên tạp lục - tác phẩm được viết vào năm 1776 thì ngạn ngữ nói: Gia Định nhất thóc nhì cau. Và vì vậy, đa số các đình ở Thành phố Hồ Chí Minh có lịch cũng khá giống với các đình ở Nam bộ, và gần giống với lễ cúng của các đình ở miền Bắc, trong đó những lễ chính là lễ kỳ yên, lễ hạ điền lễ thượng điền và lễ cầu bông.

Nhưng do quá trình phát triển tiểu thủ công nghiệp, công ... mà những lễ ghi gắn với nghề nông (hạ điền, thượng điền, cầu bông) đã bị mất dần. Trong 260 đình ở Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn 71 đình là còn lễ hạ điền, lễ cầu bông hoặc chỉ còn một trong hai lễ mà thường là lễ cầu bông và thường diễn ra ở những đình gần ngoại thành (Bình Chánh, Nhà Bè ...). Nơi còn có những thôn làm ngông nghiệp. Còn lại đình ở nội thành chỉ thực hiện lễ chính là lễ kỳ yên và một số ngày cúng phụ khác.

Có thể tham khảo lịch cúng của đình Phú Nhuận theo âm lịch được ghi nhận năm 1974:

* 15 tháng giêng: Tết Nguyên Tiêu;
* 16, 17, 18 tháng giêng: Lễ kỳ yên;
* 5 tháng 5: Tết Đoan Ngọ;
* 15 tháng 7: Tết Trung Nguyên;
* 9 tháng 9: Tết Trùng Cửu;
* 15 tháng 10: Tết Hạ Nguyên;
* 16 tháng 10: Lễ cúng Tiên Sư;
* 25 tháng chạp: Lễ cúng đưa ông (Lễ tiễn thần Thành Hoàng);
* 30 tháng chạp: lễ cúng rước ông (lễ rước thần Thành Hoàng).

Lịch cúng ở đình Bình Chánh - huyện Bình Chánh theo âm lịch như sau:

* 13, 14 tháng 2: Lễ đưa khách (lễ tống phong, tống ôn);
* 10 tháng 4: Lễ hạ điền;
* 10 tháng 10: lễ cầu bông;
* 13, 14, 15 tháng chạp: lễ kỳ yên.

Lịch cúng ở đình Nghĩa Thuận - quận 5 nơi có sự giao lưu rất chặt chẽ với dân tộc Hoa nên lịch cúng theo âm lịch ở đây rất đặc biệt. Ngoài cúng mùng một và ngày rằm hàng tháng, những ngày cúng trong năm như sau:

* 1,2,3 tháng giêng: cúng Tết;
* 13 tháng giêng: lễ cúng Quan Công;
* 23 tháng 3: lễ cúng bà Thiên Hậu;
* 13 tháng 5: lễ cúng Quan Bình;
* 24 tháng 6: lễ Quan Công hiển thánh;
* 16,17 tháng 7: lễ Trung Nguyên;
* 16 tháng 8: Tết Trung Thu;
* 17 tháng 8: lễ kỳ yên;
* 30 tháng 10: lễ cúng Châu Xương.

Lễ kỳ yên (cầu an) là lễ cúng chính trong các đình ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lễ kỳ yên diễn ra trong một, hai hay ba ngày và ngày cúng chính gọi là lễ đoàn cả. Trong lễ đoàn cả thường có 3 nghi thức chính là: tế thần, xây chầu và đại bội. Lễ thần với các nghi thức: kiểm soát lễ vật, tuần hương, tuần rượu thứ nhất, đọc văn tế, tuần rượu thứ hai, tuần rượu thứ ba, hiến quả, hiến bỉnh (dâng bánh), tuần trà, ẩm phước (thụ tộ), hóa văn tế (đốt văn tế). Lễ xây chầu: thực hiện nghi lễ và đánh trống chầu cầu quốc thái dân an. Lễ đại bội với các nghi thức: khai thiên tịch địa, xung nhật nguyệt, tam tài (chức thánh thọ), tứ thiên vương, đứng cái (ngũ hành), bát tiên hiến thọ, gia quan tấn tước.

Chấm dứt lễ cúng trong ngày thường có hát bội để dâng cúng cho thần và phục vụ cho nhân dân. Hát bội với các tuồng như: San Hậu, Ngũ hiếu báo phụ cừu, Lưu Kim Đính phá âm dương trận ... có thể nói hát bội gắn với lễ hội đình ở Nam Bộ cũng như ở Thành phố Hồ Chí Minh từ việc đóng vai trò lễ thài cho đến lễ đại, hát bội. Nếu ở dàn nhạc hát bội, chiếc trống còn làm nhiệm vụ nhạc cụ chỉ huy thì ở lễ hội đình, chiếc trống con cũng giữ vai trò đó (cổ lệnh) và do chính ông chánh tế trong lễ cầm đánh.

Phải chăng vì thế mà đình ở Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh luôn có phần võ ca (nhà hát) gắn với kiến trúc đình tạo kiểu nhà xếp đọi khá riêng biệt ở vùng này. Và như vậy, phải chăng lễ hội trong đình Nam bộ và Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn giữ lại phần diễn xướng ca hát (hát cửa đình) mà không có hiện tượng "hèm" như là một thứ ma thuật bắt chước và những trò chơi trong tín ngưỡng phồn thực và những lễ nghi nông nghiệp như các đình ở miền Bắc (thần ăn trộm, bắt chạch trong chum, đua thuyền ...)
__________________
HOÀNG NAM HƯNG
130/10 (số mới) CMT8 - P10 - Q3 - TPHCM


Love's the funeral of hearts...
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn caifincafe vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
chie (15-01-2010), chienbinh (15-01-2010), manh thuong (15-01-2010), open (15-01-2010), thanhtamstamp (16-01-2010)
Trả lời


Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Sài Gòn Có Bến Chương Dương HanParis Nước Việt mến yêu 0 22-03-2015 16:39
Chợ Hoa Tết Xưa Sài Gòn HanParis Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 0 25-01-2015 18:13
Bến Tàu Sài Gòn Từ Thời Pháp HanParis Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 1 07-09-2013 17:16
Sài Gòn Đẹp Lắm Sài Gòn Ơi! Sài Gòn Ơi! HanParis Các loại khác 0 02-05-2013 18:49
Hà Nội xưa ra mắt giữa Sài Gòn tugiaban Bản tin Tem trong nước 0 12-10-2009 16:38



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.