Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Linh tinh... lang tang...

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 30-05-2010, 22:36
vnmission's Avatar
vnmission vnmission vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 05-04-2008
Bài Viết : 1,370
Cảm ơn: 2,251
Đã được cảm ơn 11,379 lần trong 1,353 Bài
Mặc định Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh

NGUYỄN TRÃI VÀ HỒ CHÍ MINH
HAY LÀ LUẬN VỀ VĨ NHÂN

Ngô Tự Lập
Khoa Quốc tế - ĐHQGHN



Có một sự tương đồng về bản chất giữa Vĩ nhân với cuốn Sách vĩ đại. Cuốn sách vĩ đại là một cuốn sách hay, nhưng một cuốn sách hay, thậm chí rất hay, chưa chắc đã là một cuốn sách vĩ đại. Cũng vậy, vĩ nhân phải là một người xuất sắc, nhưng một người xuất sắc, thậm chí rất xuất sắc, chưa chắc đã phải là vĩ nhân.

Trong văn học Việt Nam, tác phẩm xứng đáng nhất để được gọi là vĩ đại là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Có thể nói, “Truyện Kiều” là kinh thánh văn chương của dân tộc Việt Nam. Phạm Quỳnh nói rất đúng, rằng: "‘Truyện Kiều’ còn thì tiếng Việt còn. Tiếng Việt còn thì nước Việt còn". “Truyện Kiều” vĩ đại vì sao?

“Truyện Kiều” vĩ đại không phải vì nó là tác phẩm đại chúng, mặc dù có lẽ không một người Việt nào không biết về nó. Nhưng theo những gì tôi thấy, và chắc các bạn cũng đồng ý với tôi, có không nhiều người đọc hết “Truyện Kiều”, lại càng ít người thực sự có nhu cầu đọc “Truyện Kiều” để thưởng thức. Trên thực tế, lời khẳng định “Truyện Kiều là tác phẩm được mọi người Việt Nam yêu thích” chỉ sáo ngữ. Ngày nay, thanh niên biết đến “Truyện Kiều” chủ yếu vì nó được giảng dạy trong trường phổ thông, còn trong quá khứ có lẽ những người nông dân mù chữ yêu thơ ca học thuộc lòng từng đoạn dài chủ yếu vì âm điệu du dương hơn là thực sự hiểu nội dung của nó. “Truyện Kiều”, với vô số điển tích, là một tác phẩm khó hiểu ngay cả với các những người có học. Tuy nhiên, bằng nhiều con đường, nó trở thành một cái gì đó giống như đồ thờ. Cha tôi, khi còn sống, trong một chuyến về phép thăm nhà, nói với con trai là tôi, khi đó mới mười một tuổi, rằng “Ai chưa thuộc 500 câu Kiều thì chưa phải là người Việt Nam”. Để chứng tỏ với bố rằng mình là người Việt Nam hơn thế, tôi đã học thuộc lòng cả cuốn sách, mặt dù khi đó, xin thú thực, cũng chẳng hiểu nó hay ở chỗ nào.

“Truyện Kiều” vĩ đại cũng không chỉ vì nó là một kiệt tác, mặc dù không có gì phải nghi ngờ về giá trị văn học của tác phẩm này. Tôi nói vậy không phải vì đòi hỏi tất cả các câu trong “Truyện Kiều” đều phải là tuyệt mỹ. Đó là điều không tưởng. Một tác phẩm thơ dài, nói như Edgar Allan Poe, thực chất là một tổ hợp những bài thơ ngắn. Ở khoảng giữa những bài thơ ngắn ấy là rất nhiều những câu nối, câu dẫn, câu độn. Và chính những câu dẫn, câu nối, câu độn ấy góp phần làm những “bài thơ ngắn” kia thêm lung linh. Tôi không đòi hỏi tất cả các câu trong “Truyện Kiều” đều phải là tuyệt mỹ. Ý tôi muốn nói là trong văn chương Việt Nam cũng có những kiệt tác khác, như “Chinh phụ ngâm” của Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn. Trong "Chinh phụ ngâm", những câu như

“Áo chàng đỏ tựa dáng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in”

hay

“Trống trường thành lung lay bóng nguyệt
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây”

là những câu thơ tuyệt mỹ không hề thua kém bất kỳ câu thơ nào trong “Truyện Kiều”. Thêm nữa, nếu “Truyện Kiều” vay mượn cốt truyện từ tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân, một tác giả Trung Quốc, thì “Chinh phụ ngâm” là tác phẩm hoàn toàn Việt Nam. Nhưng kiệt tác “Chinh phụ ngâm” đã không được chọn.

“Truyện Kiều” cũng không phải là một kiệt tác đầu tiên của văn học Việt Nam bằng tiếng Việt. Kiệt tác đầu tiên của văn học Việt Nam bằng tiếng Việt là “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, cha đẻ của văn học Việt Nam bằng tiếng Việt, người mà không chỉ tài năng, vinh quang mà cả bi kịch cũng vô song. “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi cho đến nay vẫn còn mới mẻ, vẫn còn khiến ta thán phục. Có thể nói, không có “Quốc âm thi tập” thì không có “Truyện Kiều”. Thế nhưng “Truyện Kiều” của Nguyễn Du mới là tác phẩm vĩ đại nhất của văn học Việt Nam. Vì sao? Vì nó được lịch sử và cộng đồng lựa chọn để trở thành biểu tượng văn hóa. Người ta không chỉ đọc nó, người ta còn dùng nó để học, để bói toán. Tóm lại, từ một sản phẩm xuất sắc của cá nhân Nguyễn Du, “Truyện Kiều” trở thành sản phẩm lịch sử của một cộng đồng.

Cũng vậy, vĩ nhân là sản phẩm lịch sử của một cộng đồng. Cá nhân xuất sắc là người có một sự nghiệp xuất sắc, nhưng cá nhân xuất sắc ấy chỉ trở thành vĩ nhân khi được cộng đồng, trong những bối cảnh lịch sử nhất định, lựa chọn để trở thành huyền thoại. George Washington là một ví dụ. Ngày nay Washington được hầu hết dân chúng Hoa Kỳ sùng kính. Nhưng không phải bao giờ cũng thế. Nghiên cứu lịch sử nước Mỹ, ta thấy rằng vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ là một người xuất sắc, nhưng không phải là xuất sắc nhất trong số các người Cha Lập Quốc (Founding Fathers) của nước Mỹ. Một số tài liệu cho thấy tuy giữ cương vị tư lệnh của quân đội, ông là một người khá nhợt nhạt về tính cách cũng như tài năng quân sự. Nhưng có lẽ trong lúc những nhân vật xuất sắc nhất không thống nhất được với nhau - và do đó không giành được ủng hộ của số đông - Washington đã trở thành vị Tổng Thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Vinh dự ấy không thuộc về Thomas Paine, người đã xây dựng nền tảng lý luận cho cuộc Cách mạng Mỹ, hay Thomas Jefferson, người viết ra bản “Tuyên ngôn độc lập” nổi tiếng. Khi còn là Tổng thống, Washington bị dân chúng chỉ trích khá nhiều vì quản lý kém, vì đàn áp nông dân, và thậm chí cả vì tham nhũng. Uy tín của ông khi tại chức sa sút đến nỗi khi ông về vườn, một số báo chí đương thời coi đó là thành công lớn của dân chúng trong việc làm lành mạnh hoá đời sống chính trị Hoa Kỳ. Washington cũng không phải là nhà giải phóng theo đúng nghĩa, bởi lẽ ông cũng là một chủ nô. Khi chết năm 1799, ông là chủ của hơn ba trăm nô lệ. Thế nhưng chỉ ba chục năm sau khi chết, Washington đã trở thành một vị thánh. Vô số những quyền sách, tạp chí đua nhau viết về tài trí tuyệt vời và đạo đức cao cả của ông. Trong quá trình thần thánh hóa Washington, công đầu thuộc về Mason Locke Weems (1756 – 1825), hay Parson Weems, một vị mục sư kiêm chủ nhà in, tác giả của cuốn sách The Life of Washington (Cuộc đời Washington). Trong cuốn sách đó, Parson Weems bịa ra những mẩu chuyện mang tính ngụ ngôn nhằm ca ngợi tài năng và đạo đức của vị anh hùng dân tộc Hoa Kỳ. Washington đã trở thành vĩ nhân không chỉ vì sự nghiệp xuất sắc của ông. Washington trở thành vĩ nhân còn vì nước Mỹ, vốn không có quá khứ, cần phải có vĩ nhân và huyền thoại của riêng mình.

Trong lịch sử Việt Nam, hai người xứng đáng nhất để được gọi là Vĩ nhân, theo tôi, là Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Cuộc đời hai con người này có những nét tương đồng kỳ lạ. Cả hai đều là những người xuất chúng, kết tinh được tinh thần thời đại mình, đóng vai trò trung tâm trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và sau đó lại là linh hồn của những biến đổi văn hóa-xã hội mang tính bước ngoặt của lịch sử đất nước. Cả Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh đều đồng thời đóng rất nhiều vai, vai nào cũng ở trình độ rất cao: nhà thơ, nhà văn, nhà chính trị, nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà tư tưởng và thậm chí là nhạc sĩ. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Trãi từng được vua Lê giao cùng với Lương Đăng “làm loan giá, nhạc khí, dạy tập nhạc và múa”[1]. Quan niệm về âm nhạc của Nguyễn Trãi gắn liền với quan điểm nhân văn của ông về thuật trị nước. Ông viết: “Hòa bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc. Thần vâng chiếu làm nhạc, không dám không hết lòng hết sức, nhưng vì học thuật nông cạn, sợ răng trong khoảnh thanh luật khó được hài hòa. Xin bệ hạ yêu nuôi nhân, để cho các nơi làng mạc không có tiếng oán giận than sầu, đó là không mất cội gốc của nhạc vậy”. Hồ Chí Minh là người đầu tiên dịch bài hát L'Internationale (Quốc tế ca) ra tiếng Việt. Theo các tác giả Đào Trọng Từ, Huy Trân, Tú Ngọc, Hồ Chí Minh còn sáng tác nhiều bài hát dựa trên các làn điệu dân ca như «Bài ca tự vệ», «Ca binh lính», «Bài ca du kích »[2]. Tờ “Việt Nam độc lập”, số 117, hướng dẫn cách hát bài hát “Ca đội tự vệ” của Hồ Chí Minh, sáng tác năm 1942, như sau: “Chia người làm từng tổ, 4 câu trên tổ A hát trước, hát giọng cao (nếu có phụ nữ là tổ A) tổ B hát giọng thấp theo sau. Những chữ BÉN, SẮC, ĐÔNG, BỀN phải hát dài như BÉ-ÉN, SẮ-ẮC, ĐÔ-ÔNG, BỀ-ỀN. Hai câu sau cùng mỗi đoạn thì cả tổ đều hát với nhau, chữ CHẶT và chữ NÊN phải rất mạnh”[3]. Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh cũng chính là tác giả hai bản tuyên ngôn độc lập bất hủ của Việt Nam (Bài thơ “Nam Quốc sơn hà” mà trước đây nhiều người tin là của Lý Thường Kiệt gần đây được nhiều học giả chứng minh là khuyết danh và đã được Lê Hoàn sử dụng trước đó. “Nam Quốc sơn hà” là một bài thơ với tuyên ngôn đanh thép, nhưng dù sao cũng chưa phải là một bản tuyên ngôn độc lập đúng nghĩa).

Nhưng điểm tương đồng quan trọng hơn, nếu không nói là quan trọng nhất, điểm tương đồng khiến họ trở thành đối tượng của sự yêu ghét cuồng nhiệt, đồng thời khiến họ thực sự trở thành vĩ nhân, là những huyền thoại bao phủ cuộc đời và sự nghiệp của họ. Trong vô số những huyền thoại ấy, đặc biệt thú vị là huyền thoại về việc Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh sử dụng sức mạnh của truyền thông nhằm mục đích xây dựng uy tín và thu phục nhân tâm.

Tương truyền, trong thời kỳ trứng nước của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi cho quân dùng mỡ viết lên lá rừng dòng chữ "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần". Lũ côn trùng, khi ăn mỡ, đã vô tình trở thành những chiếc máy in tự nhiên, biến hàng ngàn chiếc lá thành những tờ truyền đơn. Tôi được thầy giáo kể cho nghe câu chuyện này khi mới lên chín mười tuổi. Đó là khỏang thời gian khốc liệt cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi ngồi dưới hầm, hình dung nét mặt thành kính của người dân khi vớt từ dưới sông lên những chiếc lá mà họ tin rằng mang lời phán truyền của Trời.

Hồ Chí Minh cũng sử dụng kế ấy, nhưng theo cách của thời đại ông, tôi tin như vậy. Tôi muốn nói cuốn sách "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch" của Trần Dân Tiên, xuất bản lần đầu tiên năm 1948, vào buổi trứng nước của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong cuốn sách, dựa trên lời kể của các nhân chứng có lẽ là hư cấu, Trần Dân Tiên phác họa nên chân dung một nhà lãnh tụ cách mạng với những phẩm chất đạo đức tốt đẹp, người sẽ trở thành chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trần Dân Tiên là ai? Nhiều người cho rằng Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh, nhiều người khác không đồng ý như vậy. Phần lớn những người cho rằng Trần Dân Tiên và Hồ Chí Minh là hai người khác nhau là những người hâm mộ Hồ Chí Minh. Ngược lại, phần lớn những người khẳng định Trần Dân Tiến và Hồ Chí Minh là một là những người căm ghét Hồ Chí Minh. Những người căm ghét Hồ Chí Minh khẳng định rằng Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh, bởi họ cho rằng việc tự viết một cuốn sách để ca ngợi mình là điều đáng phê phán. Những người hâm mộ Hồ Chí Minh khẳng định rằng Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh cũng chính vì lý do tương tự: họ cũng cho rằng việc tự viết một cuốn sách để ca ngợi mình là điều đáng phê phán. Tôi là một trong không nhiều người hâm mộ Hồ Chí Minh nhưng lại tin rằng Trần Dân Tiên là Hồ Chí Minh. Hơn thế nữa, chính vì hâm mộ Hồ Chí Minh mà tôi tin như vậy.

Tại sao tôi lại tin rằng Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh?

Trước hết, nếu có một tác giả là Trần Dân Tiên và ông ta còn sống, thật khó tin rằng ông ta lại không đứng ra nhận bản quyền một tác phẩm nổi tiếng đến như vậy.

Nhưng nếu vì một lý do gì đó ông Trần Dân Tiên chọn cái quyết định khó tin ấy, hoặc nếu ông ta đã chết, thật khó tin là không một ai trong số những người đã cung cấp cho ông ta tư liệu về Hồ Chủ Tịch lại đồng loạt im lặng, giống hệt như tác giả cuốn sách.

Cuối cùng, giả sử cả Trần Dân Tiên lẫn các nhân chứng đều im lặng một cách khó tin như vậy, thật khó tin là không ai biết gì về một người đã gặp bao nhiêu người, đến bao nhiêu vùng đất, để thu thập bao nhiêu tài liệu, đủ cho cuốn sách.

Nhưng lý do chính để tôi tin rằng Trần Dân Tiên chính là Hồ Chí Minh là nội dung và phong cách của cuốn sách. “Những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” quá hay. Nó giản dị nhưng linh hoạt, cuốn hút. Nó là sự kết hợp hoàn hảo giữa những trải nghiệm cá nhân với tính phổ quát, tính dân tộc với tính quốc tế, tính văn chương và tính tuyên truyền. « Những mẩu chuyện” mang đầy tính biểu tượng, giống như những chuyện ngụ ngôn nhưng lại mang những thông điệp chính trị rất cụ thể. Tóm lại, nó phải là tác phẩm của một vĩ nhân. Ai có thể viết ra nó, nếu không phải là Hồ Chủ Tịch?

Những điều tôi vừa viết trên đây về cuốn “Những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” thật ra cũng có thể nói về một cuốn sách khác mà tôi rất muốn so sánh, đó là cuốn “Vừa đi đường vừa kể chuyện” của T. Lan. Bản thảo cuốn sách này đang được Bảo tàng Hồ Chí Minh xây dựng hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới. Hai cuốn sách “Những mẩu chuyện trong đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” và “Vừa đi đường vừa kể chuyện” giống nhau một cách kỳ lạ, không chỉ về đề tài, ngôn ngữ, phong cách, mà cả về bút pháp và thậm chí là về dung lượng. Nhưng trái với Trần Dân Tiên, T. Lan được công bố chính thức là một bút danh của Hồ Chủ Tịch.

Ở trên tôi viết rằng cả những người hâm mộ lẫn những người căm ghét Hồ Chí Minh đều cho rằng việc tự viết một cuốn sách để ca ngợi mình là điều đáng phê phán. Nhưng điều đó chỉ đúng với những người tầm thường. Với những người tầm thường, tức là tất cả chúng ta, chỉ trừ các vĩ nhân, tự nói hay tự viết để ca ngợi mình là điều đáng phê phán. Nói vậy cũng có nghĩa là nói tất cả chúng ta đều đáng phê phán. Bởi vì trên thực tế, ngoài việc nhờ bạn bè, cánh hẩu, học trò, cấp dưới…ca ngợi mình – điều thường được coi là cao thượng hơn là tự ca ngợi – tự ca ngợi vẫn là cách chúng ta thường sử dụng. Chẳng hạn, chúng ta vẫn nói, “Tôi rất ghét thói giả dối”, “Em làm tất cả những thứ này là vì anh”, hay “Tôi không phải là người tham quyền cố vị…”

Nhưng những gì đúng với người thường không phải bao giờ cũng đúng với các vĩ nhân. Chúng ta không thể đo vĩ nhân bằng thước đo của những kẻ tầm thường. Học giả Arab, Mustafa al-Manfaluti, từng viết: “Sự vĩ đại đứng cao hơn nghệ thuật và tri thức, cao hơn pháp luật và quyền lực, cao hơn tước hiệu và của cải, bởi vì các nhà khoa học, các nghệ sĩ và những người danh tiếng thì có nhiều, còn những cá nhân vĩ đại thì rất ít gặp. Sự vĩ đại - đó là sức mạnh bẩm sinh của tinh thần mà không của cải nào mua được. Người đạt đến sự vĩ đại có một niềm tin chắc rằng mình khác biệt với những người trần khác về cả trái tim, trí tuệ, khuynh hướng tư tưởng và phương thức tư duy, rằng mình được cắt theo một thước đo khác những người khác và không nằm vừa trong khuôn khổ của các phe nhóm, giai cấp nào cả”[4].

Đúng vậy, không thể coi “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch” là cuốn sách của một kẻ háo danh. Hồ Chí Minh quá nổi tiếng, sự nghiệp của ông quá sáng chói, ông không cần có thêm một cuốn sách để trở thành nổi tiếng. Và giả sử Hồ Chí Minh cần một cuốn sách như thế, chỉ cần ông đánh tiếng, chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà văn tài giỏi và nổi tiếng sẵn sàng viết nó ra, không chỉ vì ngưỡng mộ, mà có thể còn vì vụ lợi. Nhưng Hồ Chí Minh đã quyết định tự viết ra cuốn sách. Tôi đoán, thời gian cấp bách là một yếu tố khiến Hồ Chủ Tịch phải quyết định như vậy. Hãy nhớ rằng cuốn sách được xuất bản năm 1948. Đó là thời điểm vô cùng khó khăn đối với Hồ Chí Minh. Cuộc cách mạng của ông đang đứng trước những nguy cơ to lớn. Đội quân phần lớn gồm những chàng trai chân đất của ông đang phải đối mặt đội quân viễn chinh thiện chiến của cường quốc Pháp, được hỗ trợ bởi cường quốc số một thế giới là Hoa Kỳ. Xin nhớ rằng cho đến lúc đó chính phủ của Hồ Chí Minh vẫn chưa được Liên Xô công nhận, còn cách mạng Trung Quốc thì đến 1949 mới thành công. Tình thế của cuộc kháng chiến chống Pháp lúc đó rất giống tình thế của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khi Nguyễn Trãi mới dâng “Bình Ngô sách”. Và cũng như Nguyễn Trãi và Lê Lợi, Hồ Chí Minh buộc phải thu phục nhân tâm. Để thu phục nhân tâm, phải có một hình tượng trung tâm lý tưởng có thể thu phục nhân tâm. Ai có thể làm việc đó trong điều kiện nước sôi lửa bỏng như vậy? Tôi nghĩ là không có ai cả ngoài Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã phải tự viết lấy cuốn sách. Tôi tin rằng khi đó Hồ Chí Minh có nghĩ đến những tờ truyền đơn lá của Nguyễn Trãi.

Hồ Chí Minh có nghĩ rằng một ngày nào đó người ta sẽ bàn tán về tác giả của cuốn sách hay không? Tôi nghĩ rằng có. Với trí tuệ siêu việt, với kiến văn uyên thâm Đông Tây kim cổ, với sự từng trải và lịch lãm của mình, Hồ Chí Minh không thể không biết rằng vấn đề bản quyền của cuốn sách sẽ được bàn đến vào một ngày nào đó. Nhưng Hồ Chí Minh có cách bàn riêng của mình. Ông bàn với sự vĩnh cửu. Tôi hình dung nụ cười giễu cợt của ông. Có thể đó là một trò đùa của Hồ Chí Minh trong thời điểm vận mệnh quốc gia đang ngàn cân treo sợi tóc. Trò đùa chỉ có thể có ở một vĩ nhân.

Có vô số huyền thoại đã và đang được thêu dệt xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh. Nhưng Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh còn một sự giống nhau khác, đó là sự yêu ghét tột cùng mà người ta dành cho họ. Sự yêu ghét tột cùng ấy là bằng chứng và cũng là đồng tác giả của sự vĩ đại.

Một lần nữa tôi lại muốn trích dẫn Mustafa al-Manfaluti. Ông viết: “Sự vĩ đại giống như chân lý, cả kẻ thù lẫn bạn bè đều phục nó. Người sáng tạo cũng như kẻ phá hoại đều phải chịu đựng sức nặng của nó. Ở đâu anh thấy một đoàn bạn bè, ở đấy anh thấy một đám kẻ thù. Chỗ nào anh thấy những kẻ thù chống đối nhau thì nên biết rằng: chỗ đó sự vĩ đại đang lên ngôi báu lớn lao của mình, vượt cao hơn tất cả”.



NTL (03-03-2010)



--------------------------------------------------------------------------

[1] Đại Việt sử ký toàn thư, T.II,Văn hóa-Thông Tin, Hà Nội, 2004, tr. 157.

[2] Đào Trọng Từ, Huy Trân, Tú Ngọc, Essais sur la musique vietnamienne, Edition en langues étrangères, Hanoi, 1979, tr. 154.

[3] Nguyên văn bài hát như sau: “I. Gươm dao ta/ Đem mài đi/ Mài cho bén/ Mài cho sắc/ Nhật ta đâm/ Tây ta chặt. II. Sắp hàng ra/ Xung phong lên/ Người ta đông/ Sức ta bền/ Việc giải phóng/ Nhất định nên”. Trích theo Vũ Châu Quán, Nguyễn Huy Quát, Những điều chưa biết trong thơ ca chiến khu của Bác Hồ, Thanh Niên, Hà Nội, 2006, tr. 271.

[4] Mustafa al-Manfaluti (1876-1924), nhà văn và nhà khai sáng Arab. Đoạn văn nói trên trich trong “Sự vĩ đại”, do Ngân Xuyên dịch. <Talawas.org>
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vnmission vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
hat_de (30-05-2010), huuhuetran (31-05-2010), manh thuong (31-05-2010), xihuan (30-05-2010)
  #2  
Cũ 30-05-2010, 22:52
vnmission's Avatar
vnmission vnmission vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 05-04-2008
Bài Viết : 1,370
Cảm ơn: 2,251
Đã được cảm ơn 11,379 lần trong 1,353 Bài
Mặc định Lady Borton: Tôi là người Mỹ trung thực

Lady Borton: Tôi là người Mỹ trung thực

(CAND 19/05/2010)

“Đất nước Mỹ chúng tôi cũng có rất nhiều những thanh niên bị Mỹ ép, bắt đi lính hoặc có một số ít họ đi lính tự nguyện. Nhưng nhiều người trong số đó họ đã không trở về, hoặc họ bị thương, bị tàn tật hoặc họ bị mất tích... Là một người phụ nữ Mỹ trung thực, tôi cũng rất đau xót. Chiến tranh đã kết thúc ở Việt Nam 35 năm nay nhưng nỗi đau của người Mỹ vẫn chưa nguôi” - bà Lady Borton tâm sự.

Bà Lady Borton là nhà văn, nhà báo, nhà từ thiện người Mỹ, đã có nhiều lần đến với Việt Nam. Vừa qua, bà đã dịch một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng nước ngoài. Trong đó có tác phẩm "Vừa đi đường vừa kể chuyện”. Bà còn là tác giả của cuốn sách "Tiếp sau nỗi buồn" và cuốn "Cảm nhận kẻ thù". Bà đã cùng với nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc biên soạn một số đầu sách tham khảo bằng hai thứ tiếng và dịch cuốn "Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cuốn "Tây Nguyên ngày ấy" ra tiếng Anh.

Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2010), và sắp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6, cộng tác viên Chuyên đề ANTG có cuộc trò chuyện với bà Lady Borton.

- Nhân dịp Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đến với Thăng Long lần này bà có cảm nhận gì?

- Tôi cũng không nhớ rõ, lần này là lần thứ bao nhiêu tôi đến với Hà Nội và đến với Việt Nam. Chỉ biết rằng lần đầu tiên tôi đặt chân đến Việt Nam đó là năm 1969. Sau khi Việt Nam hoàn toàn thống nhất đất nước (1975), tôi cũng vinh dự được có mặt trong những ngày lịch sử ấy. Khi thì là thành viên đại diện cho một tổ chức Mỹ vì hòa bình, khi thì với tư cách là một thành viên trong phái đoàn giáo dục của Mỹ. Có lúc tôi lại đến Việt Nam với tư cách của một nhà văn, một nhà báo tự do, một nhà dịch thuật...

Như vậy, tôi đã biết Hà Nội từ khi đất nước Việt Nam đang có chiến tranh (ở miền Nam). Hồi đó, Hà Nội đã có hòa bình rồi, nhưng đường phố rất hiếm xe ôtô. Khi nào xuất hiện trên đường có chiếc xe ôtô thì đó là xe của một ông bộ trưởng nào đó hoặc xe của khách nước ngoài. Tôi còn nhớ như in, lúc đó mọi ngả đường của Hà Nội hoàn toàn chỉ có xe đạp và xe xích lô, thậm chí có cả xe bò, đường phố Hà Nội cũng rất ít đèn xanh đèn đỏ. Những người dân lúc đó cũng không ai có điện thoại, đời sống của họ còn rất nghèo. Trong con mắt của người nước ngoài, tôi thấy Hà Nội lúc đó còn quá thiếu thốn.

Bây giờ, đến Hà Nội, tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay nhanh chóng. Hà Nội rất hiện đại, nhất là hệ thống thông tin. Có thể nói, so với các nước đang phát triển, Hà Nội không thiếu một thứ gì. Hồi đó, giao lưu văn hóa với người nước ngoài cũng còn có những khoảng cách nhất định. Bây giờ, sự giao tiếp với người nước ngoài trở thành mối quan hệ rất thân thiện và hào hiệp. Người dân Hà Nội vừa giữ được truyền thống văn hóa lâu đời, vừa có cuộc sống phát triển phong phú và đa dạng.

Lần nào đến Việt Nam, tôi cũng đến Văn Miếu, đó là nơi lưu giữ chiếc nôi văn hóa cội nguồn của dân tộc Việt Nam. Nền văn hóa của Việt Nam rất lâu đời, độc đáo và đặc sắc. Những gương mặt của người Hà Nội hôm nay, mặc dù còn bị "hút" vào dòng chảy lo toan của đời thường nhưng đã toát lên vẻ tươi vui rạng rỡ. Tuy nhiên vì bận rộn, mọi người lao vào dòng chảy của đời sống công nghiệp, nhưng có lẽ cũng ít nhiều mất đi mối quan hệ láng giềng thân thiện giữa con người với con người.

- Vì sao bà không chọn các nước khác mà lại chọn Việt Nam làm điểm đến của mình?

- Có thể nói, lý do thứ nhất là thời chiến tranh, tôi cũng là một thành viên trong ban tổ chức phụ trách dự án "Vì hòa bình" ở Việt Nam. Chúng tôi cung cấp các thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh cho Bệnh viện Việt - Đức, Bệnh viện Bạch Mai và một số trang bị y tế cho người dân. (Thông qua con đường ở Campuchia). Hồi đó chúng tôi cũng có một trung tâm đào tạo chỉnh hình ở Quảng Ngãi. Dự án đó đến nay vẫn còn. Nhưng trung tâm đó đã chuyển vào Quy Nhơn từ khá lâu rồi. Khi đó, với tư cách là một người quản lý, tôi thường xuyên tiếp xúc với người dân Việt Nam để hiểu được nỗi đau khổ của người dân trong chiến tranh. Tôi cũng thấu hiểu sự mất mát đau thương của cả người Mỹ khi họ tham gia cuộc chiến tranh này.

Hai là, có những cuộc tiếp xúc với người Việt, được người Việt mời, được tổ chức mời. Điều đó đã mở ra một cơ hội mới cho sự quan hệ. Được gặp nhiều bạn bè như nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, nhà báo Hữu Ngọc (tôi gặp ông ấy từ năm 1975), nguyên là Giám đốc của Nhà xuất bản Thế giới. (Năm nay ông Hữu Ngọc đã 92 tuổi và vẫn thường xuyên cộng tác với tôi). Đặc biệt khi được gặp các bạn ở Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Việt Mỹ thuộc Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị ở Việt Nam, tôi thấy rất thân thiện và quý trọng họ.

Vì yêu quý Việt Nam, tôi đã tự học tiếng Việt từ năm 1969. Tiếng Việt vừa hay vừa phong phú và cũng rất khó nhưng để hiểu người Việt tôi đã nói, viết được tiếng Việt (cười). Cũng rất may do viết và nói được bằng tiếng Việt mà tôi đang giới thiệu với Nhà xuất bản Thế giới một nhân vật lịch sử của Việt Nam, đó là ông Nguyễn Hữu Thái. Ông Thái hiện nay là chuyên gia ở Đà Nẵng. Ngày 30/4/1975, ông đã có mặt tại Dinh Độc Lập.

- Ngoài cương vị là một nhà văn, nhà báo nữ, bà còn là một người mẹ. Khát vọng lớn nhất của phụ nữ là khát vọng về hạnh phúc và khát vọng về hòa bình. Song, thực chất đôi khi khát vọng đó lại mâu thuẫn với thực tế. Bà có suy nghĩ gì về vấn đề này?

- Có thể nói, tôi là một người phụ nữ Mỹ trung thực. Nỗi kinh hoàng nhất của tôi là sợ chiến tranh. Dù rằng ở bất kỳ gia đình nào, dân tộc nào, quốc gia nào thì chúng ta cũng đều rất căm ghét chiến tranh. Sự tàn phá của chiến tranh thật man rợ, khủng khiếp. Chiến tranh là: vợ mất chồng, mẹ mất con, người thân mất người thân... Đặc biệt sự tàn phá về chất độc da cam đối với hàng triệu con người thật là khủng khiếp. Vấn đề bom mìn còn sót lại trong lòng đất cũng còn gây biết bao nhiêu nguy hiểm đối với tính mạng của con người.

Bản thân tôi là một thành viên trong tổ chức phi chính phủ chống lại chiến tranh, dù rằng chiến tranh đó xảy ra ở bất kỳ quốc gia nào. Vì một chiến tranh này sẽ sinh ra một chiến tranh khác. Chẳng hạn, chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã kết thúc vào năm 1975, nhưng hậu quả của cuộc chiến tranh đó vẫn chưa kết thúc. Thực chất, nước Mỹ chúng tôi đã đi một con đường khác để ép Việt Nam, lý do cấm vận, việc Mỹ ủng hộ Khơme Đỏ để xâm lược vào miền Nam Việt Nam. Vấn đề chất độc da cam ở Việt Nam, theo tôi Chính phủ Mỹ nên thừa nhận lỗi lầm này...

Đất nước Mỹ chúng tôi cũng có rất nhiều những thanh niên bị Mỹ ép, bắt đi lính hoặc có một số ít họ đi lính tự nguyện. Nhưng nhiều người trong số đó họ đã không trở về, hoặc họ bị thương, bị tàn tật hoặc họ bị mất tích... Là một người phụ nữ Mỹ trung thực, tôi cũng rất đau xót. Chiến tranh đã kết thúc ở Việt Nam 35 năm nay nhưng nỗi đau của người Mỹ vẫn chưa nguôi.


- Vậy đến với Việt Nam lần này, thông điệp lớn nhất của bà là gì?

- Một là: tôi rất buồn vì vấn đề tham nhũng hiện nay dù nó diễn ra ở bất kỳ quốc gia nào. Tôi cho là những người dân lương thiện thì họ rất tốt còn vấn đề tham nhũng lại rơi vào những người có chức, có quyền. Nếu không giải quyết tận gốc vấn đề này thì mất nước vẫn là một nguy cơ không nhỏ... Hai là, tệ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em cũng còn là một vấn đề nhức nhối. Vấn đề đi lao động nước ngoài cũng cần phải nghiên cứu cẩn thận. Trong việc cải cách hệ thống giáo dục cũng còn nhiều bức xúc như vấn đề dạy thêm, học thêm. Vấn đề thu tiền của học sinh chưa hẳn đã hợp lệ...

- Là một nhà báo nhưng còn là một dịch giả, điều gì đã thôi thúc bà dịch một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng nước ngoài?

- Qua nhiều lần được đến Việt Nam tôi đã có dịp đọc 12 cuốn sách giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi thấy Hồ Chí Minh vừa là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà văn hóa, nhà thơ. Ở nước Mỹ, chính phủ chúng tôi thời chiến tranh cũng đã đào tạo và giáo dục người Mỹ ghét những người đi theo Cộng sản. Nhưng khi tôi có mặt ở Việt Nam (năm 1969, khi Hồ Chí Minh mất). Tôi rất lấy làm lạ khi Hồ Chí Minh mất thì kể cả những người đi theo chế độ cũ họ cũng khóc, họ cũng rất buồn... Tại sao như thế? Đó là điều tôi rất ngạc nhiên. Ở Việt Nam, vẫn còn những người có thời kỳ họ đã làm việc cùng thời với Hồ Chí Minh, họ kể chuyện về Hồ Chí Minh. Tôi vỡ lẽ ra Hồ Chí Minh là người cha, người thầy vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới...

Không có một quốc gia nào trên trái đất này, Chủ tịch nước lại được gọi bằng tiếng thân mật "Bác". Nếu Việt Nam không có Hồ Chí Minh thì cách mạng rất khó thành công. Tư tưởng xuyên suốt của Hồ Chí Minh là "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công"; "Không có gì quý hơn độc lập tự do!". Suy nghĩ và hành động của Hồ Chí Minh vì độc lập tự do của một đất nước là hoàn toàn đúng. Việt Nam là một nước thuộc địa đầu tiên ở Đông Nam Á đứng lên giành quyền độc lập dân tộc, điều đó đã ảnh hưởng sâu sắc tới phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Và ảnh hưởng của Hồ Chí Minh như vậy thì lãnh đạo của các nước Mỹ, Pháp, Anh... Hà Lan (nước mẹ đẻ của Indonesia) học cũng rất nể trọng.

Hồ Chí Minh cũng đã có nhiều tác phẩm có tính tư tưởng sâu sắc mà tôi muốn giới thiệu để thế giới hiểu về Hồ Chí Minh và hiểu về dân tộc Việt Nam. Đó là một số tác phẩm: "Nhật ký trong tù"; "Bản án chế độ thực dân Pháp"; "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"; "Thư gửi cho đồng bào trong việc hoàn thành cải cách ruộng đất ở miền Bắc"; "Thư chào mừng năm mới gửi nhân dân Mỹ" (1966); "Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh"...

Lúc nào, ở đâu, bao giờ Hồ Chí Minh cũng đặt tình hữu nghị đoàn kết giữa nhân dân các nước lên trên hết, Hồ Chí Minh khẳng định nhân dân Việt Nam sẽ trường kỳ kháng chiến để bảo vệ nền độc lập dân tộc.

- Xin cảm ơn bà Lady Borton đã có cuộc trò chuyện thân mật này

Trần Thị Nương (thực hiện)


http://antg.cand.com.vn/vi-VN/sukien/2010/5/72387.cand
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vnmission vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
hat_de (30-05-2010), huuhuetran (31-05-2010), manh thuong (31-05-2010), tugiaban (31-05-2010)
Trả lời


Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Bài phát biểu của Chủ tịch Hội Tem TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Minh Trang đọc tại điểm cầu truyền hình Bưu điện TP. Hồ Chí Minh trong Lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Tem Việt Nam (ngày 29-12-2020) *VietStamp* Hội Tem TP. Hồ Chí Minh 0 04-01-2021 01:20
Chia buồn cùng NST Nguyễn Minh Quốc Huy và gia đình *VietStamp* Trong niềm Thân Ái 0 16-12-2019 11:19
Chiếc xe kéo của Hoàng hậu Từ Minh nhà Nguyễn Angkor Chuyện lạ bốn phương 0 15-06-2014 12:16
Chiến sỹ Cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941) hongduc2008 Nhân vật Việt Nam 0 23-11-2012 09:50
VSC tư vấn thành công việc phát hành bộ tem về liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai Poetry Bảng tin Viet Stamp 4 05-09-2012 18:08



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.