Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Văn hóa - Giáo dục - Tri thức

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 25-01-2015, 23:08
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Lightbulb Ngày Xuân Bàn Về Câu Đối



Mỗi độ tết đến xuân về, người Việt Nam lại nhớ câu ca: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Đó là cảnh vật, là không khí đón tết, đón xuân. Theo dòng thời gian, cùng với sự phát triển của xã hội dần dần vắng bóng cây nêu vì nhà chật, phố xá mọc lên, không còn ai dựng cây nêu nữa. Vì an toàn, vì phát triển kinh tế phải cấm pháo, không còn tiếng pháo rộn rã đón giao thừa nhưng thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, bánh chưng xanh vẫn còn và còn phát triển.


Vui Tết, đón xuân, cùng với khí trời ấm áp, mưa xuân lất phất bay cũng là lúc tâm hồn thư thái, con người thả hồn mình theo khói thuốc, theo hương trà, theo chén rượu mà hưởng thú vui của vật chất, của tinh thần qua những bài thơ, qua câu đối.

Thơ có thể bình quanh năm nhưng câu đối thường xuất hiện và bình trong dịp tết. Không có báo nào, tạp chí nào trong dịp tết mà không có câu đối. Bởi vì nó ngắn gọn, súc tích, nói được nhiều điều.

Cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của câu đối :

Đã là câu đối thì các từ, các ý, tứ phải đối với nhau. Đối chỉnh tạo nên cái hay, cái sắc sảo, tạo nên cái vui, cái lý thú.
Nếu chỉ chú ý đối từng từ mà không có ý thì làm hỏng cả câu đối đẹp đưa ra. Chuyện xưa kể lại có thầy đồ dạy học, đưa ra câu đối để giảng cho học trò: "Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc" (Vua Thần nông dạy dân nghề trồng ngũ cốc), học trò phân tích từng chữ để tìm câu đối: Thần đối với Thánh, nông đối với sâu, giáo đối với gươm, dân đối với quan, nghệ đối với gừng, ngũ đối với tam, cốc đối với và ghép lại:

"Thần nông giáo dân nghệ ngũ cốc" đối với "Thánh sâu gươm quan gừng tam cò"

Thế là nực cười và hỏng cả câu đối.

Tuy vậy cũng có những câu đối khi tìm từ đối ghép lại, lại được câu đối hay, lý thú và sâu sắc. Có một nho sinh, tính huênh hoang khoác lác, khi đậu tú tài đã treo lên cổng một vế đối: "Trời sinh ông Tú Cát" và ghi rõ ai đối được chỉnh thì viết sang vế bên kia. Trạng Quỳnh đi qua thấy vậy viết vào vế đối: "Đất nứt con bọ hung". Vế đối chỉnh cả từ và ý đồng thời như chửi vào mặt kẻ hợm hĩnh.

"Người làm sao, chiêm bao làm vậy". Văn là người, văn thể hiện bản chất, tính cách, ý chí con người nên nhiều câu đối mang rõ bản lĩnh, khí phách, tài văn của người ra vế đối cũng như người đối, đọc lên là hiểu người, hiểu cả vận của người đó. Chuyện kể rằng đời Lý có bác thợ rèn, nghe tiếng nho sinh Lê Văn Hưu học giỏi liền thử tài ra vế đối: "Than trong lò, sắt trong lò, lửa trong lò, thổi phì phò, rèn nên dùi sắt" (vế đối toàn nói về nghề lò rèn). Lê Văn Hưu vỗ vào túi sách mang theo nói: "Nghiên ở túi, bút ở túi, giấy ở túi, viết lúi húi, giật lấy Tam khôi". Vế đối rất hay, rất chỉnh, lại tỏ rõ khí phách và về sau Lê Văn Hưu đậu Bảng nhãn năm 17 tuổi (1247) và là nhà sử học nổi tiếng ở nước ta.

Có những câu đối vừa nói lên tính cách, chí khí con người, vừa thể hiện tài chơi chữ và từ ngữ, ý vẫn chỉnh, thực là khéo, là hay.


Chuyện kể rằng: Năm đó phủ Yên Khánh phải đắp một con đê dài, tri phủ sức cho các làng, tổng lấy người đi đắp đê. Quan phủ thấy một thằng bé người nhỏ gánh đôi quang lết thết vất vả. Quan nhìn kỹ thì thấy hay hay, thằng bé khôi ngô, mắt sáng, dáng vẻ học trò. Quan phủ gọi đến hỏi thấy trả lời lưu loát, có cảm tình, muốn giúp nên bảo: "Ta ra cho mày một vế đối, nếu đối đúng và chỉnh, quan sẽ cho về không phải đắp đê, nếu không đối được ta cho đánh đòn".


Quan phủ đọc: "Quan thị đắp đường Kim Bồng, ngăn hồng thủy cho dân được cậy". Quan phủ xưng là quan thị vì ông ta được thăng tước Hàn lâm thị độc, còn Kim Bồng là tên làng sở tại phải đắp đê, bồng còn có nghĩa là bưởi, cả câu đối còn có các quả thị, hồng, bòng (bưởi), cậy. Cậu bé là Vũ Duy Thanh, 15 tuổi đối lại ngay: "Nhà nho đỗ khoa Bảng nhãn, quyết tranh (chanh) khôi thì chí mới cam". Câu đối lại cũng có đủ 4 loại quả nho, nhãn, chanh, cam (từ tranh khôi đọc theo âm đồng bằng Bắc bộ là như nhau).


Về sau Vũ Duy Thanh đỗ đầu Tam khôi: Bảng nhãn.


Câu đối của cụ nghè Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến làm cho người vợ thợ nhuộm khóc chồng: "Thiếp từ thuở lá thắm xe duyên, khi vận tía, lúc cơn đen, điều dại điều khôn nhờ bố đỏ/Chàng ở dưới suối vàng có biết, vợ má hồng, con răng trắng, tím gan tím ruột với trời xanh" (Rất nhiều màu sắc).

Hoặc các câu đối viết cho người vợ thợ rèn khóc chồng: "Nhà cửa để lầm than, con thơ dại lấy ai rèn cặp/Cơ đồ đành bỏ bễ, vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi" (có đủ đồ nghề của nhà thợ rèn là than, cặp, bễ, đe).

Câu đối nói lên ý chí của cả dân tộc :

Có những câu đối không những thể hiện trình độ học vấn, khả năng văn chương, tài ứng phó nhanh mà còn nói lên ý chí cả một dân tộc.

Khi quan trạng Mạc Đĩnh Chi sang sứ nhà Nguyên, vua Nguyên coi thường Đại Việt là một nước nhỏ, Hoàng đế nhà Nguyên đặt một câu đối và đòi trạng Việt phải đối lại: "Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đán thiêu tàn ngọc thỏ" (nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói; ban ngày đốt cháy vầng trăng).

Mạc Đĩnh Chi hiểu rõ dụng ý của Hoàng đế nhà Nguyên, coi thường Đại Việt. Ông đã ứng khẩu đọc: "Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô". (nghĩa là: Trăng là cung, sao là tên; chiều tối bắn rơi mặt trời).


Vế đối thật tài tình về chữ, nghĩa, về hình ảnh (trăng lưỡi liềm như một cánh cung, các ngôi sao như những viên đạn...) đồng thời tỏ rõ ý chí của Đại Việt dám đối chọi lại phương Bắc.


Khó nhất, thâm thúy nhất vẫn là những câu đối bao hàm nhiều nghĩa, nhiều ý, vẫn chỉnh vẫn đối. Một câu đối khắc trên gỗ thiếp vàng treo ở một ngôi đền thờ Mẫu tại huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định: "Mỹ nhân như ngọc hành vũ hành phong anh linh mạc trắc/Tế thế kỳ âm hộ dân hộ quốc thương lại vô cùng". (người đẹp như ngọc làm gió làm mưa thiêng liêng không biết hết/Gíup đời âm đức giúp dân giúp nước ơn đội vô cùng).


Do nghĩa từ và ý của câu, nếu để làm rõ ràng thì có thể đặt các dấu phẩy cho câu rõ ràng hơn.


"Mỹ nhân như ngọc, hành vũ, hành phong, anh linh mạc trắc

Tế thế kỳ âm, hộ dân hộ quốc, thương lại vô cùng".

Vì không có dấu phảy nên vẫn có thể ngắt đoạn tai quái nhưng ý nghĩa lại không đẹp:


"Mỹ nhân như ngọc hành...

Tế thế kỳ âm hộ...

Thách đối:

Vì cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của câu đối, thể hiện trình độ hiểu biết, tài chơi chữ của người đối mà người ta thách đối. Sau khi ra câu đối, người thách đối muốn người khác đối lại sao cho chỉnh về từ về nghĩa....Có những câu đối thách mấy trăm năm mới có người đối lại như: "Da trắng vỗ bì bạch" của bà Đoàn Thị Điểm; "Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang". Nghĩa là: "gió nhẹ lay trước cửa làm động cây cau", nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa khác: "trước sân cô gái mời chàng rể".

Vế đối này khó vì liên quan đến từ Hán-Việt, Đoàn Thị Điểm thách đối khi có 4 chàng trai đất Kinh kỳ đến nhà mình muốn xem mặt. Đoàn Thị Điểm ra vế đối, nếu đối được sẽ ra tiếp khách. Cả 4 chàng trai đất Hà thành đều chịu.


Thách đối còn thể hiện sự phản ứng nhanh nhẹn, trình độ học vấn, trình độ văn hóa của người đối.


Nguồn : http://sct.haiduong.gov.vn
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
2 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
manh thuong (26-01-2015), NHL-2014 (26-01-2015)
Trả lời


Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.