Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > NHÀ TRƯNG BÀY VIET STAMP > Trưng bày TEM > Các phòng trưng bày TEM riêng > Phòng trưng bày 'hongduc2008'

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 21-07-2013, 17:18
hongduc2008's Avatar
hongduc2008 hongduc2008 vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 17-02-2008
Đến từ: việt nam
Bài Viết : 990
Cảm ơn: 1,102
Đã được cảm ơn 2,303 lần trong 712 Bài
Mặc định Bộ sưu tập Bloc Tem Thơ ca Haiku độc đáo Nhật Bản

20 bloc tem về thơ ca Haiku của Nhật Bản phát hành từ 1987-1988-1989



Haiku là loại thơ độc đáo của Nhật Bản ( tiếng Việt gọi là thơ Bài cú. Thể loại thơ haiku được ra đời vào thế kỉ 17 và phát triển mạnh cho tời hiện nay Nhà thiền sư thi sĩ lỗi lạc Matsuo Basho được thừa nhận là người khai sinh ra thơ haiku và các nhà thơ khác như ,Yosa Buson, Masaoka Shiki đã hoàn thiện nó cho ra đời nhiều tác phẩm hay tuyệt vời. Đây có lẽ là thể thơ ngắn nhất thế giới bởi mỗi bài haiku, thường chỉ vỏn vẹn 17 âm tiết trong 3 câu 5+7+5 Tổng số 17 âm tiết của một bài haiku được thu xếp thành 3 dòng thơ, thông thường với 5 âm tiết cho dòng thứ nhất, 7 âm tiết cho dòng thứ hai, và 5 âm tiết cho dòng thứ ba. Ba dòng thơ ấy không bắt buộc phải vần với nhau và cũng không cần những dấu chấm câu.


Bài thơ con ếch nổi tiếng sau đây của Matsuo Bashō trong tập Xuân nhật (Haru no hi, 1686) viết chung với đồ đệ, có cú pháp 5+7+5 âm tiết:


古池や (fu-ru-i-ke ya)
蛙飛込む (ka-wa-zu to-bi-ko-mu)
水の音 (mi-zu no o-to)
Tạm dịch:
Ao xưa;
con ếch nhảy vào -
tiếng nước xao.


Bài được biên soạn lại từ các bản tin thơ Haiku trên internet






Trong Mỗi bài thơ "haiku" ") là một phong cảnh đởi sống con người thời tiết thu gọn trong vẻn vẹn trong 17 âm tiết. Chỉ Trong 1 ít từ ngữ diễn đạt, nhà thơ đã diễn tả cảm nghĩ của mình trước thiên nhiên phong cảnh vị trí thời gian cho ta thấy một hình ảnh cả một vũ trụ trong một hạt cát, cả thiên đường trong một đóa hoa dại vv….

Thơ haiku không những được ưa chuộng ở Nhật bản , mà hầu như khắp nơi trên thế giới đều có người làm thơ bài cú. Ở Âu châu cũng như ở Bắc Mỹ có rất nhiều Hội thơ haiku, hội viên bao gồm đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Ở Vancouver (Canada), ở Nantes (Pháp), và nhiều thành phố khác, đã có các trường dạy học sinh ngay từ các lớp tiểu học làm thơ haiku, Tại Việt Nam, người biết và yêu thích thơ haiku ngày càng tăng. Từ năm 2007, năm 2009 và năm 2011, thơ haiku được tổ chức tại Việt Nam theo thông lệ hai năm một lần, nhằm tạo sân chơi thể nghiệm sáng tác thơ cho giới yêu thích văn hóa - văn học Nhật Bản.






















Các bài thơ Basho ( sưu tập internet )

Tên thật là Matsuo Kinsaku . Basho là bút danh ( tiếng Nhật Basho có nghĩa là cây chuối , vì Ông thích cây chuối nên lấy bút danh nầy). Ông sinh năm 1644, con trai út thứ bảy của một Samurai phục vụ cho lãnh chúa Thành Ueno . Ông làm thơ từ năm 20 tuổi . Năm 1672, ông đến Edo (ngày nay là Tokyo), thực hành Zen dưới sự chỉ dẫn của Thiền sư Butcho. Năm sau Ông xuất bản tập thơ đầu tiên mở đầu cho kiểu thơ riêng biệt của ông ( thơ haiku ) . Nhà thơ thường đi phiêu bạt nên có danh hiệu là "thi sĩ hành hương" . Năm 1694 Ông đi bộ xuống các tỉnh phía Nam của Nhật bị bệnh và chết ở tuổi 50 .



Bực mình làm sao
cây sậy đâm ngang
lúc tôi vun gốc chuối!


Cành cây trơ trụi
bóng tối mùa thu thẫm dần
một con quạ đơn độc!


Nhuốm bệnh trên
đường lữ khách
tôi mơ cánh đồng khô đang bay nhảy

A! Ký ức kỳ diệu!
Vô vàn cảm xúc ngày qua
nhờ anh đào sống dậy!


Tiếng chuông đã dứt
cảm thấy mùi hương hoa
chắc hẳn hoàng hôn

Được người đưa tiễn
đưa tiễn người cuối cùng
mùa thu ở rừng Kiso


Trong ao xưa
con ếch nhảy vào
tiếng nước khua


Tiếng vượn, người ơi
đúa bé bỏ rơi đang khóc
chỉ gió mùa thu thôi!

Hoa rơi
nước mà ta khát
hóa mù sa trôi.


Lặng yên qua mấy từng không
lời ve ,
gõ thấu vào lòng đá xanh


Chập chờn
thân đóm dường như
tiền thân đã gọi kiếp phù du mang

Cỏ mùa hạ
đang chôn vùi
bao giấc mơ chiến thắng cố chinh nhân


Con đường ấy
không người qua lại
trời xẩm tối mùa thu


Nhẹ nhàng thanh thoát
tiếng ve ca
thấm vào non núi


Ve sầu vui hát
không mảy may hay biết
chết đã gần kề


Đám mây trong ngày khổ ải
từ hình quỷ
chuyển sang hình Phật


Tóc mẹ còn đây
tan trong lệ nóng
sương mùa Thu bay























Các bài thơ Buson - ( sưu tập internet )

Taniguchi Buson (còn có tên là Yosa Buson ) là thi sĩ và họa sĩ .Ông sinh năm 1716 ở ngoại ô thành Osaka . Mồ côi cha mẹ từ nhỏ . Năm 1737 , Ông đến thành Edo học vẽ và làm thơ theo Basho . Năm 1772, ra mắt tập thơ đầu tiên . Người ta biết đến Ông nhiều như là một họa sĩ . Ông chết năm 1784 .


Băng qua vũng nông
bàn chân cô gái
vẩn bùn lên nước xuân trong


Hoàng hôn
tiếng bắn chim trĩ vang dội
triền núi mùa xuân


Đàn nhạn đi rồi
cánh đồng trước cửa
dường như xa xôi


Chim vân tước bay
thở ra sương gió
dẫm lướt tầng mây


























Các bài thơ Issa - ( sưu tập internet )

Kobayashi Nobuyki ( còn có tên là Kobayashi Yataro) sinh năm1763 tại Kashiwabara, tỉnh Shinano . Cuộc đời Ông nhiều bất hạnh . Ông mất mẹ thuở còn thơ ấu . Bà mẹ kế đối xử tàn tệ với Ông . Ông sống trong nghèo khổ . Con chết. Cuộc hôn nhân lần thứ hai không hạnh phúc . Tuy vậy , thơ Ông tràn đầy sự yêu đời . Năm 1777 Ông đến Edo tập làm thơ dưới sự dẫn dắt của Mizoguchi Sogan và Norokuan Chikua . Ông sinh sống nhiều nơi : Kyoto, Osaka, Nagasaki, Matsuyama ...Khi cha chết , Ông trở về Kashiwabara và cưới một thiếu nữ còn trẻ . Lúc nầy Ông đã nổi tiếng, vừa viết văn, vừa làm thơ . Ông viết trên 20.000 bài thơ haiku . Năm 1826, Ông cưới vợ lần thứ ba và mất năm 1827 .


Đến đây nào, với tôi
cùng chơi đùa chim sẻ
không còn mẹ trên đời


Gió mùa thu
địa ngục nào đây
cùng tôi giang hồ


Mẹ yêu ơi!
mỗi khi nhìn thấy biển
khi thấy biển khơi


Ôi những hạt sương
trân châu từng hạt
hiện hình cố hương


Tóc mẹ còn đây
tan trong lệ nóng
sương mù thu bay


Trăng soi
một bầy ốc nhỏ
khóc than đáy nồi.


Nào biết đâu là
hoa rơi có Pháp
có Phật trong hoa.


Dưới bóng hoa đào
một bầy đánh bạc
nhao nhao, nhao nhao.


Ôi con người
quắt quay len lác
giữa nghìn hoa tươi.


Trong thế giới này
bước đi trên mái địa ngục
ta nhìn hoa bay.


Ngày mù sương
chư Thiên cũng thấy
đời sao chán chường.


Nước nóng tắm rồi
vừa xong lạy Phật
hoa đào ta ơi!


Quan Âm Phật Bà
nơi nào có mặt
anh đào ra hoa.


Này chú dế
hãy làm người gác mộ
sau khi ta lìa đời


Đẹp biết bao
những trái ớt đỏ tươi
sau trận gió thu


Ruồi trên nón ta ơi
hôm nay vào thành phố
thành dân Edo rồi


Mưa xuân
lá thư vứt bỏ
gió cuốn vô rừng

























Các bài thơ Shiki - ( sưu tập internet )

Shiki Masaoka bút danh là Masaoka Tsunenori sinh năm 1867 tại Matsuyama , cha chết lúc Ông 5 tuổi . Bà mẹ là một nhà giáo đã dạy Ông văn học Nhật và làm thơ . Ông bắt đầu làm thơ từ năm 1885 . Năm 1892 , Ông ngưng học vì lý do sức khỏe và từ đó Ông chuyên tâm làm thơ haiku và tanka ( thơ ngắn). Ông xuất bản tờ báo Nippon chuyên về thơ Haiku . Năm 1894 Ông mắc bệnh lao phổi và mất năm 1902 .


Chim yến thoát rồi
một ngày Xuân đẹp
đến giờ tàn thôi


Họ đang phơi bo bo
phía trưóc cửa nhà kho
giăng ngang mành tre cũ.


Hực nồng lữa hạ bừng lên
lòng quay quắt nóng
nghe rền sấm vang



















Thơ Haiku, thật giản dị bao hàm đầy đủ ý đồ cảm nhận và chia sẽ của tác giả Ta có thể hiểu được tình cảm của thi sỉ, một sự rung động một tình cảm nhè nhàng , hòa quyện hương sắc của trời đất sự vật trong cả 17 âm, chúng nói lên niềm vui sống hay sự cô đơn,: ngắn ngủi, phù du, trước sự vĩnh hằng và hiện hửu của thiên nhiên vạn vật.
Tôi cảm thấy rung động và yêu thích các Bloc tem nầy từ khi sở hửu chúng, tác già bài thơ và người họa sỉ thiết kế tem đã hòa quyện thành một tư tưởng và cảm nhận duy nhất.

Trân trọng
HongDuc

Bài được hongduc2008 sửa đổi lần cuối vào ngày 22-07-2013, lúc 16:48
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
9 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn hongduc2008 vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (22-07-2013), Dat_stamp (22-07-2013), exploration (24-07-2013), HanParis (23-07-2013), nam_hoa1 (24-07-2013), Poetry (22-07-2013), Tien (22-07-2013), VAPUTIN (21-07-2013), volethuyvi (25-07-2013)
  #2  
Cũ 22-07-2013, 14:32
VAPUTIN's Avatar
VAPUTIN VAPUTIN vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Không Răng
 
Ngày tham gia: 30-01-2013
Bài Viết : 1,047
Cảm ơn: 1,502
Đã được cảm ơn 6,371 lần trong 1,062 Bài
Mặc định

Hay quá Vietstamp nên mở cuộc thi làm thơ Hai cư tả tem.


Va tui nhớ hồi mới quen má sấp nhỏ, có một đêm ngồi ngoài sân nhà nàng lúc đó trăng rằm, Va tui đọc luôn mấy câu:
"Vầng trăng non
Theo tôi từ dạo ấy
Có ngờ đâu đêm nay"
Va thấy nàng chớp mắt cảm động
Thực ra bài thơ đó Va tui đọc ở đâu đó chứ đâu có sáng tác

Bài được VAPUTIN sửa đổi lần cuối vào ngày 22-07-2013, lúc 15:19
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
6 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn VAPUTIN vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (22-07-2013), exploration (24-07-2013), HanParis (23-07-2013), hongduc2008 (22-07-2013), nam_hoa1 (24-07-2013), Poetry (22-07-2013)
  #3  
Cũ 22-07-2013, 15:27
VAPUTIN's Avatar
VAPUTIN VAPUTIN vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Không Răng
 
Ngày tham gia: 30-01-2013
Bài Viết : 1,047
Cảm ơn: 1,502
Đã được cảm ơn 6,371 lần trong 1,062 Bài
Mặc định

Matsuo Bashō (1644 - 1694) nhà thơ haiku Nhật Bản Sau năm 1600 không bao lâu, những hỗn loạn do nội chiến kéo dài qua hàng nhiều thế kỷ đã đi đến kết thúc; Tokugawa Ieyasu thiết lập Shogunate, một chính phủ quân phiệt không chấp nhận có đối thủ và, trước Hoàng Đế, chỉ là thuộc hạ trên danh nghĩa. Năm 1638, dưới nền shogun đệ tam, một nước Nhật hoàn toàn bình định đã chính thức tách rời khỏi thế giới, và năm 1644, Matsuo Bashō ra đời.

Có thể ở một tuổi đời nào đó, Bashō đã là thi sĩ; nhưng ông chỉ thực sự khám phá tự thân trong khả năng thuận lợi dị thường cho sức phát triển và nhãn thức thiên tài của ông. Với mọi người, cuộc sống một lần nữa trở nên an ổn hơn, tầng lớp bourgeoisie (tư sản) giàu có và nhàn rỗi đang sinh thành; và samurai - những người thuộc tầng lớp chiến binh - không thể hướng năng lực của mình vào thuật chiến tranh lâu hơn nữa, có khuyng hướng chuyển dịch chúng vào các nghệ thuật của hoà bình, trong đó thi ca trở thành phổ biến nhất.

Có vẻ như Bashō đã khởi sự sáng tác vào năm lên chín. Nhưng bài thơ được ghi chép đầu tiên của ông - thật ra, cũng khó có thể xem đây là thơ cho dù theo bất kỳ tiêu chuẩn nào - lại chỉ có lúc ông ở vào khoảng ba mươi tuổi. Bài thơ viết cho năm Dậu, là một thứ jeu d'esprit (lời dí dỏm), mừng năm mới rơi vào giữa hai năm Tuất và Thân theo như cách sắp xếp địa chi của lịch Nhật Bản :

Bầy bạn
Của chó và khỉ
Năm Dậu

Nỗ lực này, trong thể thức của nó, hầu như là một biếm họa về thi ca đương thời, vì nó phụ thuộc lối nói bóng gió "văn chương" để gây hiệu quả. Duy trường hợp này ám chỉ một cổ tích mà trẻ em Nhật nào cũng biết : truyện kể về Momotaro, một cậu bé đã diệt trừ nhiều ma qủy nhờ sự hỗ trợ của đám tùy tùng gồm một con chó, một con gà lôi và một con khỉ.

Năm 1666, Lord Sengin đột ngột từ trần. Không đầy hai tháng sau; Bashō vào tu viện ở Koyasan, ông " xuất gia đi tu ". Nơi đây, không nghi ngờ gì ông đã suy sụp hoàn toàn vì cái chết của người chủ thân yêu, và ấn tượng do cái chết để lại sẽ ảnh hưởng lên toàn bột cuộc đời ông. Hơn hai mươi năm sau, ông trở lại Iga giữa mùa xuân, đứng dưới những cội anh đào, nơi Sengin và ông từng học hành và nô đùa suốt một thời gian dài đến thế, với trái tim ngập tràn cảm xúc để làm một bài thơ bình thường, tất cả những gì ông có thể nói là :

Hoa đào hoa đào
Trong tâm tưởng gieo rắc
Biết bao điều

Tuy nhiên, cho dù Bashō đã khước từ " thế sự " thì điều này cũng không có nghĩa ông tự hãm mình trong tu viện : sau đó người ta được biết ông đã có mặt ở Kyoto, đang nghiên cứu hài cú dưới sự hướng dẫn của Kigin và bắt đầu nổi tiếng. Khi Kigin đi Edo (Tokyo), Bashō đi theo. Và hai năm sau, vào cái tuổi tam thập, Bashō tách riêng một trường phái, nhận một người con trai của một thương gia giàu có làm môn đệ đầu tiên, một chàng trai về sau sẽ nổi tiếng với bút hiệu Kikaku.
Vào thời kỳ này, Bashō chưa đạt tới đỉnh điểm tài năng của ông, nhưng có một giai thoại đã minh họa quan điểm của ông về thi ca. Một hôm, lúc Kikaku và ông băng qua cánh đồng, trông thấy những con chuồn chuồn đang lao vụt, chàng trẻ tuổi đã làm một bài thơ mười-bảy-âm-tiết :

Hỡi chuồn chuồn đỏ
Đôi cánh rứt
Ồ những trái ớt

"Không !" Bashō nói. " Đó không phải là hài cú. Nếu muốn làm một bài hài cú về đề tài này, con phải nói :

Những trái ớt son
Đôi cánh chắp
Tung toé lũ chuồn chuồn



Dần dần, trường phái Bashō tăng trưởng về số lượng thơ và tiếng tăm, và ít năm sau, thêm vào hài cú, Bashō đã góp phần mình trong nhiều thiên sách về renga (thơ liên hoàn). Vào năm 1679, ông viết bài thơ đầu tiên theo phong cách mới vẫn làm liên tưởng đến tên tuổi ông và được nhiều nhà thơ hài cú đi sau xem là mẫu mực :

Trên tiều tụy cành
Bóng qụa
Rũ chiều thu

Có ít nhất hai trọng điểm kỹ thuật làm cho bài thơ trở thành mẫu mực. Một, cả tâm cảnh hay niềm cảm xúc được biểu hiện bởi miêu tả dung dị - một trình bày đơn sơ về sự vật đã hoàn thành bức tranh. Hai, hai phần đã cấu thành cái toàn thể được đối chiếu với nhau, không bằng các biện pháp tu từ so sánh hoặc ẩn dụ, mà như hai hiện tượng đơn lập. Có thể gọi đây là "nguyên lý đối chiếu nội tại" trong đó những biệt dị thì cũng hệ trọng như những tương đồng. Ở đây, không đơn thuần là "trên cái héo hắt tàn tạ của cảnh vật chiều thu, hoàng hôn rũ xuống tựa hồ ủ rũ một bóng quạ", đó là sự tương phản giữa hình hài đen đủi nhỏ nhoi của con quạ với cái âm u của mộ cảnh, và bất kỳ những gì người đọc có thể tìm thấy trong đó. Qủa là dễ hiểu được làm thế nào việc xử dụng kỹ thuật này đã khiến cho hài cú trở nên sâu thẳm, biến nó thành điểm khởi cho tư lự và tưởng tượng.
Bản thân Bashō cũng không luôn luôn đi theo mẫu mực này, nhưng trong hài cú về sau của ông - cả những bài không hoàn toàn khách quan đến thế - ít ra thì phép "đối chiếu nội tại" vẫn được nội hàm. Trừ phi ẩn ý này được nhận thấy, phần nhiều hiệu quả của thơ đều thất lạc. Một minh họa cho nhận định này là hài cú " Hoa Đào " đã dẫn ở trên, với hình tượng anh đào (biểu tượng của cái đẹp mong manh) được xử dụng vừa như một phông cảnh, vừa có mục đích đối chiếu với những gì mà ,"trong tâm tưởng", hoa đã "gieo rắc".
Vào thời kỳ viết bài thơ "Con Qụa, Bashō đang tìm kiếm một cách có ý thức cái đẹp thi ca phải được tìm thấy trong những gì tự nó không đặc biệt đẹp. Ông còn đang khai thác kỹ thuật viết đồng thời phát triển sức thấu thị của thơ. Hai năm sau, vào năm 1681, một biến cố nào đó đã đột ngột xảy đến với ông. Ông tuyên bố rằng cuộc đời ông, thuần phác là vậy, vẫn có tính chất "quá thời lưu", và ông khởi sự nghiên cứu nghiêm mật về Thiền - một tông phái Phật giáo chuyên chú vào sự chiêm nghiệm. Sau biến cố đó, trong mười năm cuối đời, chừng như tất cả thơ hay nhất của ông được viết ra.

Khoảng đầu năm 1686, Bashō viết một hài cú có lẽ được biết đến nhiều nhất trong Nhật văn và cũng được chính ông xem như đã đánh dấu bước ngoặt hệ trọng trong đời thơ của ông. Bài thơ tự nó có vẻ dễ gây ngộ nhận là mộc mạc :

Ao hoang
Ếch nhảy vào
Tiếng nước

Nhiều nhà phê bình có thẩm quyền đã khám phá trong hài cú này một ảo nghĩa bí truyền; những người khác lại xem nó như quá u huyền để có thể cảm thức được gì. Tuy nhiên, do sự kiện hai dòng cuối lại được sáng tác trước, một nguồn sáng nào đó đã soi vào tác phẩm. Trường hợp này chừng như đã được chứng thực. Bashō đang ngồi với bằng hữu và môn đệ trong khu vườn của ngôi nhà nhỏ của ông ở Edo thì, chắc hẳn sau một quãng trầm mặc dài, bất chợt nghe một tiếng động. Không nghĩ ngợi trước, Bashō ngước mặt nói : " Kawazu tobikomu mizu no oto ". ( ếch-nhảy-vào tiếng-nước). Ngay lập tức lời nói được nghe ra như là phần kết khả dung của một hài cú. Và sau nhiều gợi ý của bằng hữu và môn đệ, Bashō đã hoàn thành bài thơ với dòng đầu : " Ao hoang ".
hài cú này, về hình thức, có lẽ hoàn toàn giống bài thơ "Con Quạ", nhưng chắc chắn sự "đối chiếu nội tại" giữa ao hoang và tiếng động bất chợt thì ẩn áo vi diệu hơn nhiều so với giữa con qụa và chiều thu. Và tâm cảnh do bài thơ biểu hiệu chắc hẳn phản ảnh một nhân sinh quan đã sai biệt.
Chỉ là tương đối khi một ít thơ Bashō hiển nhiên có tính chất tôn giáo dù cho nhiều hài cú lại có vẻ là ghi chép về những kinh nghiệm gần như huyền nhiệm của ông. Trong Hành Trình Sarashina chẳng hạn, Bashō chép rằng trong khi đi qua rặng Kiso, ông và Etsujin - môn đệ của ông - chợt nhận ra họ đang trèo ngược lên một ngọn đèo dựng đứng hiểm ác. Bên trái, hun hút một hẻm núi, và dưới lòng vực cách chỗ họ đứng hàng ngàn bộ, một con lũ đang tuôn túa cuộn trào. Hai người bước từng bước khiếp hãi, cho tới khi đến một chiếc cấu treo ràng rịt loài dây leo thường xuân bắt lắt léo ngang hẻm núi mà họ phải vượt qua. Bashō không cho biết chi tiết về cảm giác của ông, ông chỉ viết thêm một hài cú :

Lắt lẻo cầu treo giăng bắc
Sợi tồn sinh
Quấn quít lũ thường xuân

Cũng có những hài cú mặc nhiên có tính chất tôn giáo đối với bất kỳ một Phật tử Nhật Bản nào :

Đêm chăng bẫy loài mực phủ
Trăng hè bóng dõi
Mộng phù sinh

Bẫy bắt mực phủ (bạch tuộc) là những hũ đất nung đặt giăng ngang chỗ nước cạn. Trong đêm, loài vật này bơi giật lùi vào trong bẫy như thể đó là kẽ đá và, khi trời sáng, không thoát ra được nữa. Trong nguyên ngữ, với đề từ "xuống thuyền", hiệu quả của wo là biến mặt trăng thành chủ thể, ám thị con trăng vẫn thâu đêm soi dõi xuống trập trùng đại dương, xuống chiêm bao bào ảnh. Ở đây dù người đọc không đi sâu vào những biếu tượng Phật giáo như con thuyền và mặt trăng, ý đạo vẫn hiển lộ. Tuy nhiên, đáng chú ý là khi nào dùng từ "mộng", dường như Bashō cũng liên tưởng đến kiếp người. Và có lẽ lại càng đáng chú ý hơn là, đối với Bashō, "ảo ảnh" thế giới dường như không có dụng nghĩa, thế giới chỉ trú ngụ trong cái phi thực nào, nhưng đúng hơn, tương tự đối với St. Thomas Aquinas, nó còn thực hữu hơn như có vẻ thế.
Phần lớn hài cú còn lại của Bashō là những miêu tả đơn sơ về cảnh vật, sự việc có thực với chi tiết vừa đủ cho phép người đọc tự đặt mình vào vị trí của tác giả, chia xẻ cảm xúc với ông. Tiếc thay, có những khác biệt nào đó trong hài cú - mặc dù hoàn toàn minh bạch đối với đề tài Bashō viết - lại vô nghĩa với hấu hết người nước ngoài, nên chi ở đây phải được lược bỏ. Dù sao, chúng tôi cũng không cưỡng lại nổi việc dẫn ra đây một hài cú đặc biệt đáng ưa chuộng :

Mưa tháng Năm khuất lấp
Vịnh Seta
Tràng Kiều u hiển bóng qua

"Tràng Kiều" ở Seta là một trong tám kỳ quan của hồ Omi lừng danh được hầu hết người Nhật và, qua ảnh chụp của Hiroshighe, ít nhất cũng có một số người nước ngoài biết đến . Cầu xây trên những trụ đỡ, bắc qua phần cuối phía Bắc của hồ Omi, ở đó hồ thắt lại thành một vịnh nhỏ, nước tràn qua một dòng sông con. Khi viết bài thơ này, có lẽ Bashō đã đứng trên cùng "quan điểm" với Hiroshighe ( và như chúng tôi cũng có được may mắn đó ), thấy cây cầu bắc từ bờ sông vượt qua cả một vùng nước rộng. Tuy nhiên, cây cầu thì dài đến nỗi, trong cơn mưa lớn, dù được nhìn từ vị trí nào thì cũng chỉ thấy nổi mỗi một đầu cầu mà thôi; và tất nhiên, bên kia cầu, bảy kỳ quan khác đã là vô ảnh.
Có thể hài cú này đã khởi hứng cho một giai thoại chừng như hoàn toàn ngụy tác : một lần, người ta hý lộng yêu cầu Bashō sáng tác một hài cú về tất cả tám kỳ quan. Điểm then chốt của trò đùa là trong một tanka (ba muơi mốt âm tiết) rất nổi tiếng, với hàng loạt lối chơi chữ, tám kỳ quan đã thực sự được đề cập bằng tên gọi. Tuyệt đối không thể phô diễn nội dung này trong mười bảy âm tiết, nhưng giai thoại cho biết Bashō đã thoát bẫy bằng cách trả lời :

Đền Mii
Bội âm chuông
Bảy kỳ quan lịm sương

"Tiếng chuông đền Mii" được nghe ra đã nện trầm một thiện âm siêu việt, là một trong những gì gọi là "kỳ quan".

Thêm vào Sarashiko Kikô, Bashō viết nhiều tản văn khác. Nổi tiếng nhất là Oku No Hosomichi (Nẻo về Oku) góp nhặt những ghi chép về cuộc hành trình sáu tháng khởi đi từ Edo vào mùa xuân 1689, qua các vùng Bắc Nhật, rồi kết thúc tại ngôi đền thiêng Thái Dương Thần Nữ ở Ise. Tác phẩm rất ngắn với khoảng năm mươi hài cú. Tuy vậy, không thể nghi ngời gì, đây là một trong những tác phẩm lớn của văn học Nhật Bản, và có lẽ nó được chú giải nhiều hơn bất kỳ một tác phẩm nào cùng tầm cỡ trên thế giới.
Tản văn Bashō, tương tự hài cú của ông, hết sức cô đọng; ngôn ngữ ám thị theo phong cách Bashō không hề vướng mắc trong thời đại của ông, nhưng ngày nay lại như hoá ra mơ hồ. Ngay nhan đề của tác phẩm cũng đã là một đề tài tranh luận : một phần, vì michii (đường, đạo) có thể hoặc là số ít, hoặc là số nhiều; phần khác, do từ oku là một tinh ngữ gắn liền với các tỉnh Bắc Nhật, có ý nghĩa nền tảng tựa hồ "nội tâm". Điểm quan trọng tương tự cũng nêu ra trong một hài cú khác, ở đó khúc ca về "oku thì tương phản với nghệ thuật công phu phức tạp của các đô thị (füryù) Bashō thuật lại mẩu đối thoại sau khi ông vào miền "oku" :

"Chủ nhân của lữ quán hỏi trước : "Khi đi qua cổng Shirakawa, ông có sáng tác bài thơ nào không ?"
Nỗi nhọc nhằn của hành trình dài ngày đã làm cho tinh thần và thể xác tôi mệt mỏi, hơn nữa, tôi bị cuốn hút vì phong cảnh, bị thổi bạt đi bởi niềm cảm khái về thời quá vãng do cảnh vật gợi dậy, nên lúc đó tôi không có được tâm thái thích hợp để làm thơ. Tuy nhiên, nghĩ rằng thật là đáng tiếc nếu như cứ im lặng đi qua, tôi đã làm hài cú sau :

Khúc ca mùa gieo cấy
Trên thắm biệt xứ miền
Nghệ thuật khởi nguyên

"Tôi đưa cho người chủ quán khách hài cú ấy như là một câu trả lời, và chúng tôi đã thêm một bài thứ hai, rồi một bài thứ ba, và thế là bài thơ hoá thành renga (thơ liên hoàn).

Về bài thơ này, nhiều trang bình luận đã viết ra, nhiều cách giải thích cũng đã trình bày. Một, trực chỉ oku từ một Edo rất mực hoa lệ, Bashō có ấn tượng về một lẽ thật là, trên phương diện tài chánh, chỉ có việc trồng lúa mới làm cho đời sống xa hoa trở thành khả hữu. Hai, ông chỉ ra mối tương quan thiết yếu giữa cái đẹp tự nhiên và tính chất giản dị tự nhiên. Ba, Bashō chỉ muốn khen tặng người chủ quán khách. Bài thơ muốn nói những điều riêng biệt với nhiều người khác nhau, và người đọc có thể tự chọn lấy (...)
Ở một đoạn khác, Bashō thuật lại ông đã lên Takadata, tòa-lâu-đài-trên-ngất-ngọn, nơi người anh hùng dân tộc Nhật Bản Yoshisune và những kẻ tùy tùng trung nghĩa cuối cùng đã bị sát hại. Từ trên cao, ông có thể nhìn thấy đồng bằng Haraizumi với những đồng cỏ ngan ngắt một mầu lục diệp, nơi các thị tộc Fujiwara xưa kia từng sống một thời huy hoàng. Bashō cho biết ông đã lên tận lâu đài, tư lự về những vàng son đã quá và, khi chợt nhận ra tất cả chỉ còn là một vùng cỏ dại xanh rì, ông đã ngồi xuống thở than như thế nào :

Natsu - gusa ya
tsuwamono - domo ga
yume no ato

Hầu như không thể nào làm sống dậy bài thơ qua bản dịch, vì không tìm ra nổi từ ngữ thích đáng . Natsu - gusa có nghĩa là tất cả những loài cỏ dại mùa hè, phát triển rất nhanh ; tsuwamono theo nghĩa chữ là "tráng sĩ", một danh hiệu dành cho kẻ chinh chiến thời trung đại vẫn còn khá cổ đối với cả thời đại Bashō; -domo , một tiếp ngữ số nhiều; yume "mộng", với hai nghĩa phụ : "huy hoàng, rực rỡ", "nhân sinh nhược đại mộng"; và ato, một từ có nghĩa nền tảng là "sau", nội hàm các khái niệm : thành tích, dấu vết, hậu qũa, những gì bỏ lại đàng sau...

Dấu xưa xanh cỏ tháng hè
Tráng sĩ tráng sĩ hề
Mộng lữ

Trong nguyên ngữ, bài thơ dẫn truyền một cảm xúc tiếc thương dữ dội, ít nhất một phần do triền âm cuồn cuộn tsuwamono - domo , và sau đó, tiếng răng rắc rạn gãy của ato . Mặc cho tính cách hoà nhã và Thiền, Bashō vẫn là người thuộc dòng dõi samurai, và ông chỉ đang sống trong một thời kỳ mà samurai không còn làm nên nổi bao nhiêu kỳ tích vẻ vang nữa.

Trên phương diện nào đó, sau hài cú "Cỏ Hè " là một bài thơ đối nghịch bổ sung cho nó; bài thơ có vẻ hy vọng tràn đến tương lai thay vì u hoài trở về dĩ vãng :

Chập chùng
Mưa tháng Sáu
Sừng sững lầu Dương Quang

Lầu Dương Quang là một trong những Kim Các Tự của Chùsonji, một trong những chứng tích sau cùng còn lại từ thời đại vàng son của các nam tước Bắc Fujiwara - những ông hoàng một mình một cõi trong thế kỷ thứ XII . Oka - no - Hosomichi , sau khi miêu tả cảnh tượng tàn phá của gió và thời tiết, Bashō thuật lại rằng trước khi ông đến đó không bao lâu, lầu Dương Quang đã được xây bọc trong một kiến trúc kiểu mới để bảo tồn nó thành một đài kỷ niệm " cho ngàn năm sau ". Có lẽ ước vọng này đã trở thành hiện thực, vì cho đến ngày nay, cũng như vào thế kỷ IX, lầu Dương Quang vẫn sừng sững (...)

Vào năm 1694, Bashō tạ thế. Và đúng như ước nguyện, ông đã qua đời trên nửa đường của một chuyến vân du đẹp nhất, giữa bằng hữu và môn đệ.
Suốt trận đau cuối cùng, ông không ngớt đàm luận về Đạo, Triết lý và Thi ca (thật ra, đối với Bashō, cả ba hầu như chỉ là một). Và khi biết rõ Bashō đang hấp hối, bằng hữu của ông yêu cầu ông cho họ một bài " tử thi " ( từ thế chi ca, jisei no uta ) với nội dung tổng quát về triết lý của ông, Bashō từ chối với lý do thơ trong mười năm cuối đời của ông, khởi đầu từ hài cú "ao hoang" , tất cả đã được sáng tác như thể đó là một bài thơ cốt tử. Nhưng sáng ngày hôm sau, ông gọi một người đến một bên, trối rằng trong đêm hôm trước ông đã nằm mộng, và khi tỉnh thức, một hài cú chợt đến với ông.
Không nghi ngời gì, đó là lời từ trần hoàn thiện mà chưa một thi sĩ nào đã có thể gửi lại nhân gian :

Nửa đường ngả bệnh
Mộng còn ngao du
Đồng không mông quạnh

http://www.nhatban.net/vhnb/a0084.html

Bài được VAPUTIN sửa đổi lần cuối vào ngày 23-07-2013, lúc 13:25
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
7 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn VAPUTIN vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (22-07-2013), exploration (24-07-2013), HanParis (23-07-2013), hongduc2008 (22-07-2013), nam_hoa1 (24-07-2013), Poetry (23-07-2013), volethuyvi (25-07-2013)
  #4  
Cũ 23-07-2013, 13:30
VAPUTIN's Avatar
VAPUTIN VAPUTIN vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Không Răng
 
Ngày tham gia: 30-01-2013
Bài Viết : 1,047
Cảm ơn: 1,502
Đã được cảm ơn 6,371 lần trong 1,062 Bài
Mặc định

Haiku - vẻ đẹp độc đáo của thơ văn Nhật Bản

Không tô vẽ. Không lời. Ngắm nhìn và viết. Vài con chữ. Mười bảy âm tiết. Một bài haiku.



Tiếng bình nước vỡ
(nước đông cứng trong đêm)
khiến ta tỉnh giấc


Basho

- Thế nào là thơ? Tu sĩ hỏi.
- Đó là điều huyền bí khó bật thành lời, Yuko đáp.



Một sáng nọ âm thanh của bình nước võ làm tuôn chảy một giọt thơ, thức tỉnh tâm hồn và trao cho tâm hồn vẻ đẹp của nó. Là lúc vẫn ở đây mà đang phiêu du. Là lúc trở thành nhà thơ.

Không tô vẽ. Không lời. Ngắm nhìn và viết. Vài con chữ. Mười bảy âm tiết. Một bài haiku.

(Tuyết, Maxence Fermine)

Vâng, các bạn thân mến, đoạn trích trên đây là nói về thơ haiku Nhật Bản - hình thức thơ ngắn nhất trên thế giới, hơn cả thơ lục bát của Việt Nam. Các bạn hãy cùng Ichi tìm hiểu về thơ haiku nhé!

Nguồn gốc thơ haiku



Masaoki Shiki (1867 – 1902)

Thuật ngữ “haiku” mới được sáng tạo vào những năm 1890 theo sự đề xướng của nhà thơ Shiki để chỉ bài thơ ngắn thường 17 âm tiết được viết, đọc và hiểu như một bài thơ độc lập, hoàn chỉnh.



Matshuo Basho (1644 – 1694)

Nhưng thực ra, người thực sự sáng tạo ra loại thơ này là Basho (1644 – 1694). Ông đã dung hợp sự trào lộng đời thường của dòng thơ hiện đại với yếu tố cao nhã tâm linh của dòng thơ cổ điển và hoàn thiện một loại thơ ngắn 17 âm tiết (5, 7, 5). Các bạn hãy cũng Ichi thử đọc bài thơ nổi tiếng nhất của Basho nhé!



Ao cũ
Con ếch nhảy vào
vang tiếng nước xao


Ao cũ sẽ vẫn mãi im lìm, tù đọng nếu như không có con ếch bất ngờ nhảy vào. Cũng như cuộc đời vậy, sẽ thật nhàm chán nếu như bạn không tự tạo ra cho mình những bước nhảy đột phá hay sáng tạo. Âm vang của tiếng nước, âm vang của bước nhảy sẽ khiến mọi thứ sống động hẳn lên. Còn với chúng ta, âm vang của sự sáng tạo sẽ khiến ta thay đổi mãi mãi: ta không còn là ta cùng sức ì của quá khứ nữa!

Đặc điểm thơ haiku



Đề tài mà thơ haiku ưa chuộng chính là những sự vật nhỏ nhoi, bình thường mà ta vẫn nhìn thấy và tiếp xúc mỗi ngày. Khi nâng haiku lên sự hoàn thiện của dòng thơ tâm linh. những nhà thơ haiku như Basho, Issa… đã đã nâng lên trong lòng bàn tay bát ngát của mình những sự vật bình thường nhất của thế gian này:


Quanh chiếc cối xay
Trên mình hoa cúc lạnh
Bụi cám chập chờn bay


Basho



Dưới bóng cây
Trú mưa cùng bướm
Duyên trần ai hay


Issa



Một chút “bụi cám chập chờn”, một chút “cánh bướm duyên trần”… thế cũng thành một bài thơ nhỏ xinh trong tâm hồn thi sĩ. Họ sống hồn nhiên, hít thở khí trời và lấy vẻ đẹp của thiên nhiên làm nguồn sinh lực dồi dào tiếp sức cho tâm hồn thơ ca của mình ở mọi lúc mọi nơi…



Theo: ichinews.acc.vn
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn VAPUTIN vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
exploration (24-07-2013), nam_hoa1 (24-07-2013), Poetry (23-07-2013), volethuyvi (25-07-2013)
  #5  
Cũ 23-07-2013, 13:32
VAPUTIN's Avatar
VAPUTIN VAPUTIN vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Không Răng
 
Ngày tham gia: 30-01-2013
Bài Viết : 1,047
Cảm ơn: 1,502
Đã được cảm ơn 6,371 lần trong 1,062 Bài
Mặc định

Haiku - vẻ đẹp độc đáo của thơ văn Nhật Bản

Lưu giữ những khoảnh khắc của cuộc sống

Một yếu tố đáng chú ý khác của haiku là yếu tố “mùa”. Các nhà thơ haiku hầu như lúc nào cũng đưa mùa vào thơ và các từ ngữ liên hệ đến mùa được gọi là “kigo” (quý ngữ).

Cách dùng kigo trở thành quy luật và các tuyển tập thơ haiku thường sắp xếp các bài thơ theo từng mùa.



Sakura nở rộ trong công viên Ueno

Ví dụ khi Basho viết:

Một đám mây hoa
Chuông đền Ueno vang vọng
Hay đền Asakusa


Thì người đọc hiểu ngay ông đang nhắc đến tiếng chuông mùa xuân. Vì “một đám mây hoa” ám chỉ hoa anh đào đang nở rộ, đó là biểu tượng của mùa xuân, là “từ mùa”. Cũng như ở Việt Nam ta mùa xuân đặc trưng với hoa đào, mùa hạ với hoa phượng, mùa thu với hoa cúc vậy.



Cũng tựa như hình ảnh các mùa xuân khác: hoa mơ, liễu, hoa triêu nhan, chim én, se sẻ, bướm, chim oanh, tuyết tan… hoặc các hình ảnh về lễ nghi tôn giáo và sinh hoạt đồng áng của mùa đầu tiên trong năm. Tất nhiên, các mùa khác nhau cũng có vô vàn hình ảnh có thể dùng làm “kigo”. Nào, bây giờ thì các bạn hãy cùng Ichi thử thưởng thức haiku cho bốn mùa nhé!

Hoàng hôn
Tiếng bắn chim trĩ vang dội
Trên triền núi xuân

Yosa Buson


Ve sầu vui hát
Không mảy may hay biết
Chết đã gần kề

Basho

Trong âm u
Hiên nhà thấm ướt
Mưa thu

Taigi


Trên trảng cây tuyết rơi này
nếu chết đi, tôi cũng sẽ
thành bức tượng phật tuyết

Chosui



Đọc hai bài thơ trên đây của BusonTaigi ta sẽ thấy ngay rằng dường như đó chỉ là một cú chớp máy ảnh bắt lại khoảnh khắc, hay một bức tranh vẽ theo lối tối giản (minimalism). Chỉ một vài danh từ, một vài nét bút gợi tả mà tác giả đã vẽ nên cả một khung trời mùa xuân và mùa thu với những đặc trưng riêng có của chúng.

Ngược lại, hai bài thơ của BashoChosui thì không được khách quan như thế! Đó là hai bức tranh xen lẫn ý nghĩ của tác giả. Một người thì nghĩ về cái chết sắp tới của những con ve sầu, người kia thì nghĩ về cái chết của mình. Nhưng dường như, các tác giả nghĩ về sự chết không phải để u sầu, mà với một tâm thế thản nhiên, coi đó như một phần tất yếu của cuộc sống.

Sự phát triển của haiku



Chuyển qua thời hiện đại, nhất là khi haiku trở thành một thể thơ quốc tế, loại thơ tam tuyệt ấy được dùng để thể hiện đề tài, một cảm thức, cả dục tính, nhục cảm.

Bên ngoài Nhật Bản, hàng loạt thơ haiku đã được sáng tác bằng các ngôn ngữ khác nhau: Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý…



Không còn từ mùa, không còn bị bó buộc vào luật âm tiết 5,7,5 - thơ haiku khi sang phương Tây đã được tiếp biến văn hóa rất nhiều. Các bạn hãy thử cảm nhận sự khác biệt của mỹ cảm phương Tây ở những bài haiku dưới đây:

Dấu son
Bình mẫu đơn
Trên nụ hoa trắng
Một dấu môi hôn

Alexis Rotella



Trống không
Hộp thư trống không
Khi về, tôi hái
Hoa dại trên đường.

Marlena Mountai

Mây
Dưới đập nước trong
Đôi áng mây lớn
Đang duỗi mình trần.
Jonh Wills

Mưa
Mưa ấm trước bình minh
Dòng sữa tôi đổ trút
Vào trong sâu thẳm nàng.
Ruth Yarrow

Thổi tắt
Những áng mây trôi
Đã thổi tắt hết
Những vì sao rồi.

Penny Harter



Cô liêu
Đêm thăm thẳm
Chỉ còn hình nhân tuyết
Đứng nhìn sao xa xăm.

David Lloyd

Haiku xưa thuần túy nói về thiên nhiên và vẻ đẹp của sự sống, ngôn ngữ và nhân sinh quan có chăng thì cũng chỉ ảnh hưởng bởi Phật giáo. Haiku hiện đại ở phương Tây thì có gì đó đời thường hơn, gần gũi với những hoạt động sống của con người hơn. Nhưng bạn thử đọc lại bài haiku Cô liêu của David Lloyd xem, thiên nhiên vẫn là cảm hững vĩ đại của thơ haiku đấy chứ? :-P



Thế còn bạn, sau khi đọc bài viết này, bạn có muốn thử làm thơ haiku không? Thực ra làm thơ haiku không quá khó, chỉ cần đôi khi trong cuộc sống thường ngày tất bật của mình, bạn tự thưởng cho mình những phút giây thảnh thơi bên chén trà nóng, hay đi tản bộ trong công viên, hòa mình giữa thiên nhiên, lắng nghe lòng mình là thi ca sẽ xuất hiện. Thử viết những bài haiku cho chính mình bạn nhé! Biết đâu bạn lại bất ngờ với tài năng haiku của chính mình ^ ^



Theo: ichinews.acc.vn
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn VAPUTIN vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
exploration (24-07-2013), Poetry (23-07-2013), tridatinh (23-07-2013), volethuyvi (25-07-2013)
  #6  
Cũ 23-07-2013, 15:20
hongduc2008's Avatar
hongduc2008 hongduc2008 vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 17-02-2008
Đến từ: việt nam
Bài Viết : 990
Cảm ơn: 1,102
Đã được cảm ơn 2,303 lần trong 712 Bài
Mặc định

CÁM ƠN ANH VAPUTIN Đã bổ xung nhiều nội dung hay về dòng thơ Haiku hay của Nhật Bản
cái hay ở chổ là thể loại thơ nầy thật giản dị dễ hiểu và thấm đọng tâm hồn.
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn hongduc2008 vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
exploration (24-07-2013), nam_hoa1 (24-07-2013), Poetry (23-07-2013), VAPUTIN (23-07-2013), volethuyvi (25-07-2013)
  #7  
Cũ 23-07-2013, 23:45
hongduc2008's Avatar
hongduc2008 hongduc2008 vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 17-02-2008
Đến từ: việt nam
Bài Viết : 990
Cảm ơn: 1,102
Đã được cảm ơn 2,303 lần trong 712 Bài
Mặc định

Bloc tem Furusato của Nhật Bản chủ đề thơ Haiku..


được phát hành vào ngày 01 tháng 9 năm 2009. Hình ảnh trên trên tem với năm bài thơ haiku của bốn nhà thơ nổi tiếng cùng với hình ảnh Thành phố Matsuyama nằm ở Ehime trên đảo Shikoku. Thành phố này được biết đến với lâu đài nổi tiếng của nó và suối nước nóng truyền thống Dogo Onsen.. trong những con tem có Bài thơ haiku và hình nền liên quan đến bài thơ.

Chân dung 4 nhà thơ HAIKU Hiện đại trên bloc tem:

Nhà thơ haiku hiện đại Masaoka Shiki (1867-1902) Đây là bút danh của Masaoka Noboru. Ông là một nhà thơ Nhật Bản, tác giả và nhà phê bình văn học trong thời kỳ Minh Trị. Ông được coi là một nhân vật quan trọng trong sự phát triển của thơ haiku hiện đại.

Takahama Kyoshi, 1874-1959. Tên thật của ông là Kiyoshi, ông là một trong những đệ tử thân cận nhất của Masaoka Shiki. Kyoshi đã hoạt động trong thời kỳ Showa.

Natsume Souseki, 1867-1916., ông được coi là tiểu thuyết gia hàng đầu của Nhật Bản thời Minh Trị. Ông cũng là một nhà soạn nhạc và thơ Haiku kiểu Trung Quốc.

Kawahigashi Hekigoto, 1873-1937, ông là người tiên phong của thơ haiku hiện đại. Cùng với Takahama Kiyoshi,. Hekigoto xuất bản hai cuốn sách bình luận thơ Haiku.
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn hongduc2008 vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
exploration (24-07-2013), nam_hoa1 (24-07-2013), Poetry (24-07-2013), volethuyvi (25-07-2013)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trên tờ tem và bloc tem lớn nhất thế giới *VietStamp* Việt Nam trên tem Thế giới 3 15-08-2020 02:09
Đổi Bloc lấy bộ tem KTS Trao đổi - Cần mua 2 03-01-2014 15:19
Bloc lỗi khá lạ dammanh Tem CHXHCNVN in lỗi 2 16-04-2013 10:46
Đấu giá bộ 4 bloc MÔNG CỔ dammanh Đấu giá ủng hộ Viet Stamp 11 27-09-2010 11:52
Đấu giá bloc nhạc cụ. chienbinh Đấu giá ủng hộ Viet Stamp 8 16-09-2010 12:53



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.