Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > THẾ GIỚI TEM CHUYÊN ĐỀ > Lịch sử - Xã hội - Chính trị - Kinh tế > Lịch sử - Xã hội - Chính trị - Kinh tế ở Việt Nam

 
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #17  
Cũ 22-01-2011, 11:01
hoang.le's Avatar
hoang.le hoang.le vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 09-07-2010
Đến từ: Hà Nội
Bài Viết : 78
Cảm ơn: 2,782
Đã được cảm ơn 783 lần trong 92 Bài
Mặc định 12. Dân tộc Cơ Lao

DÂN TỘC CƠ LAO


Tên tự gọi : Cơ Lao

Tên gọi khác : Ke Lao, Cờ Lao, Tứ Ðư, Ho Ki, Voa Ðề

Nhóm địa phương : Cơ Lao Xanh, Cơ Lao Trắng, Cơ Lao Ðỏ

Nhóm ngôn ngữ : Ka đai (ngữ hệ Thái - Ka Ðai) cùng nhóm với tiếng La Ha, La Chí, Pu Péo. Trước đây, các nhóm địa phương có phương ngữ khác nhau nhưng hiện nay đa số người Cơ Lao Ðỏ, Cơ Lao Xanh không còn nói được tiếng mẹ đẻ của mình nữa. Tuỳ theo quá trình tiếp xúc, cộng cư họ quen sử dụng tiếng Quan hoả, tiếng Nùng hay tiếng Pu Péo, Hmông.

Dân số : 2.034 người (ước tính năm 2003)

Cư trú : Tập trung ở huyện Đồng Văn và Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang)

Người Cơ Lao chuyển cư tới Việt Nam cách đây khoảng 150 - 200 năm.

Đặc điểm kinh tế - Hoạt động sản xuất : Bộ phận người Cơ Lao ở vùng cao núi đá tai mèo (Đồng Văn) chủ yếu làm nương cày, thổ canh hốc đá. Ngô là cây lương thực chính. Trên nương họ còn trồng đậu răng ngựa, lúa mạch, đậu Hà lan, su hào... Người Cơ Lao có truyền thống dùng phân chuồng, phân tro và nhiều kinh nghiệm sử dụng phân bón trên nương. Phân tro được bón vào từng hốc khi tra ngô. Bộ phận người Cơ Lao ở vùng núi đất (Hoàng Su Phì) chuyên sống bằng nghề làm ruộng bậc thang, lúa là cây lương thực chính. Nghề thủ công truyền thống là đan lát (nong, bồ, phên, cót...) và làm đồ gỗ (bàn, hòm, yên ngựa, quan tài, các đồ đựng bằng gỗ). Nhiều làng có thợ rèn sửa chữa nông cụ.

Tổ chức cộng đồng - Quan hệ xã hội : Mỗi bản người Cơ Lao có khoảng 15-20 nhà. Mỗi nhà là một gia đình nhỏ gồm vợ chồng và con cái, con trai có vợ ít khi ở chung với bố mẹ. Mỗi nhóm Cơ Lao có một số họ nhất định như các họ Vần, Hồ, Sếnh, Chảo (Cơ Lao Trắng), Min, Cáo, Sú Lý (Cơ Lao Ðỏ), Sáng (Cơ Lao Xanh). Các con đều theo họ cha. Gia đình nhỏ phụ hệ là phổ biến. Nếu nhà không có con trai, người ta thường lấy rể về ở rể. Con rể vẫn giữ họ của mình nhưng có quyền thừa kế tài sản nhà vợ. Người ở rể có bàn thờ tổ tiên mình và bàn thờ bố mẹ vợ.

Hôn nhân gia đình : Theo phong tục con trai cô được lấy con gái cậu. Tục lệ cưới xin khác nhau giữa các nhóm. Chú rể Cơ Lao Xanh mặc áo dài xanh, cuốn khăn đỏ qua người. Cô dâu về đến cổng phải dẫm vỡ một cái bát, một cái muôi gỗ đã để sẵn trước cổng. Cô dâu Cơ Lao Ðỏ chỉ ngủ lại nhà chồng đêm hôm đón dâu. Cách cưới kéo vợ hay cướp vợ như người Hmông vẫn thường xảy ra.

Sinh đẻ : Phụ nữ Cơ Lao khi mang thai thường kiêng cữ cẩn thận để sinh đẻ dễ, con khỏe mạnh. Ở vùng Đồng Văn, người Cơ Lao không có tục chôn hay treo nhau đẻ lên cây mà thường đem đốt, rồi bỏ tro than vào hốc đá trên rừng, tránh để cho chó hay lợn giẫm vào. Đứa trẻ sinh ra được 3 ngày 3 đêm (nếu là con trai), 2 ngày 3 đêm (nếu là con gái) thì bố mẹ làm lễ đặt tên cho con, ở một số nơi trẻ được đặt tên khi đầy tháng. Trong lễ đặt tên cúng tổ tiên và thần Ghi Trếnh, vị thần bảo vệ trẻ em, theo phong tục, bà ngoại đặt tên và tặng cháu quà.

Tục lệ ma chay : Trong tang lễ có phong tục làm ma hai lần: lễ chôn người chết và lễ làm chay. Ở người Cơ Lao Xanh lễ làm chay có thể tiến hành ngay hôm chôn hay một vài năm sau. Người chết được cúng đưa hồn về Chan San, quê hương xưa. Người Cơ Lao Ðỏ có phong tục xếp đá quanh mộ, cứ 10 tuổi lại xếp một vòng đá. Các vòng đá tuổi được phủ kín đất; trên cùng lại xếp thêm một vòng đá nữa.

Nhà cửa : Người Cơ Lao ở nhà đất thường ba gian hai chái. Mái lợp tranh. Ở Hoàng Su Phì đôi khi người ta lợp bằng những máng nứa theo kiểu lợp ngói âm dương. Vách đan bằng nứa, có khi người ta đan bằng những cây gỗ nhỏ... Người Cơ Lao Ðỏ làm nhà trình tường như người láng giềng Pu Péo.

Trang phục : Cá tính trang phục không rõ ràng chịu ảnh hưởng của trang phục (hay gần gũi) với cư dân thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái như (Tày, Nùng Giáy...) về kỹ thuật và phong cách mỹ thuật.

+ Trang phục nam : Đàn ông Cơ Lao mặc quần như nhiều dân tộc vùng biên giới phía Bắc.

+ Trang phục nữ : Phụ nữ Cơ Lao mặc quần, áo dài 5 thân cài nách cùng loại với áo người Nùng, Giáy nhưng dài quá đầu gối, được trang trí bằng nhiều miếng vải khác màu khâu đáp lên ngực áo từ giữa ngực sang nách phải, theo mép xẻ. Trước đây người Cơ Lao Trắng, Cơ Lao Xanh còn mặc thêm chiếc áo ngắn tay ra ngoài áo dài để phô những miếng vải mầu đắp trên tay áo trong, chân cuốn xà cạp.


Phương tiện vận chuyển : Dùng ngựa để thồ hàng là một phương tiện vận chuyển phổ biến của người Cơ Lao. Họ quen dùng địu đan bằng giang có hai quai đeo vai. Hàng ngày họ phải địu nước về nhà; ở vùng núi đất, dùng máng lần đưa nước về đến tận nhà hay gần nhà.

Ăn : Tuỳ nơi, họ ăn ngô chế thành bột mèn mén hoặc ăn cơm, quen dùng bát, thìa muôi bằng gỗ.

Thờ cúng : Người Cơ Lao tin mỗi người có 3 hồn; lúa, bắp và gia súc cũng đều có hồn. Hồn lúa (hồn lúa bố, hồn lúa mẹ, hồn lúa vợ và hồn lúa chồng) được cúng mỗi khi gặt xong và cúng vào dịp Tết 5 tháng 5. Tổ tiên được thờ 3 hay 4 đời. Thần đất là vị thần quan trọng được gia đình và toàn bản thờ cúng, còn thần nương được tượng trưng bằng hòn đá kỳ dị đặt vào hốc đá cao nhất trên nương.

Lễ tết : Người Cơ Lao ăn Tết Nguyên đán, Tết Mùng 3 tháng 3, mùng 5 tháng 5, 15 tháng 7 và mùng 9 tháng 9 âm lịch như nhiều dân tộc ở vùng đông bắc Việt Nam.

Học : Chữ Hán được sử dụng phổ biến trong việc cúng lễ. Ngày nay như các dân tộc khác trong cả nước, học sinh được học tiếng Việt và chữ phổ thông.

(nguồn: Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Cuộc sống Việt)

Bài được hoang.le sửa đổi lần cuối vào ngày 02-02-2011, lúc 15:08
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
9 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn hoang.le vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (22-01-2011), chienbinh (22-01-2011), Dat_stamp (16-04-2012), hat_de (28-01-2011), nam_hoa1 (18-02-2011), Poetry (22-01-2011), thantrongdao (02-02-2011), Tien (28-01-2011), tranhungdn (16-04-2012)
 


Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.