Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > THẾ GIỚI TEM CHUYÊN ĐỀ > Thiên nhiên - Động vật - Thực vật

Thiên nhiên - Động vật - Thực vật Tem về Thiên nhiên, Môi trường, Phong cảnh, Động vật, Thực vật...

 
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 21-11-2009, 20:39
vnmission's Avatar
vnmission vnmission vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 05-04-2008
Bài Viết : 1,370
Cảm ơn: 2,251
Đã được cảm ơn 11,379 lần trong 1,353 Bài
Mặc định Tem voọc mông trắng?

Các bạn xem giúp con tem được đề cập ở đây là con tem nào?

Ông Tilo, người đàn ông của núi rừng
10:30, 15/02/2007

Tilo Nadler làm việc cho Tổ chức Hội Động vật Frankfurt. Ông đã gắn bó với đất nước Việt Nam, với Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng cúc Phương… hơn 14 năm trời.
Thành lập năm 1858, đây là tổ chức cứu hộ và bảo vệ động vật lâu đời nhất trên thế giới, hiện hoạt động tại 80 dự án ở 30 quốc gia. Thông thường các dự án của họ chỉ hoạt động với thời gian ba năm. Nhưng ở Việt Nam là một ngoại lệ, Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương thành lập năm 1993, đến nay đã có 14 năm hoạt động.

Ngửa mặt kêu "Why, why?"
Năm 1991, nhiều cán bộ ở Hà Nội và Ninh Bình ngỡ ngàng đón tiếp một vị khách to lớn, mặt đỏ, râu đen, nói năng nóng nảy rào rào. Đó là Tilo. Xuất thân từ một công chức làm nghề điện lạnh, tóm lại là đi lắp điều hoà cho mấy cái bảo tàng ở khắp châu Âu.
Một lần đi nghiệm thu công trình ở một bảo tàng tự nhiên nước Đức, chàng Tilo bị cuộc sống của thiên nhiên hoang dã bỏ bùa. Chàng bỏ việc, đi khắp thế giới lập các dự án bảo tồn, cứu hộ, độ trì các loài động vật đang táo tác trước nguy cơ tuyệt chủng.
Chàng đến Việt Nam với khát vọng bảo vệ loài voọc mông trắng từng được xem là đã bị tuyệt chủng. Trong nhiều năm người ta chỉ biết đến chúng qua hình ảnh cũ ố in trên một con tem cổ của nhà sưu tầm tư nhân.
Ông Tilo Nadler vừa tổ chức sinh nhật tuổi 65 của mình ở Việt Nam. Kết hôn với "chuyên gia bảo tồn" Nguyễn Thu Hiền, người Việt, hiện Tilo và Hiền đã có 2 người con trai mang hai dòng máu Đức - Việt.
Bản thân ông Tilo từng vinh dự được đón nhận Thư khen của Chủ tịch Nước Việt Nam, Huân chương Lao động hạng ba do Nhà nước Việt Nam trao tặng. Nhận giải thưởng danh dự hạng nhất dành tặng các chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn của thế giới.
Bỗng dưng, năm 1987, một nhà khoa học Ba Lan đã chụp được ảnh một con voọc mông trắng bị tóm (sắp đem làm thịt) ở khu vực Nho Quan, Ninh Bình. Năm 1991, Tilo khăn gói sang Việt Nam làm việc với tinh thần thiện nguyện cho… loài voọc tủi phận kia.
Chàng Tilo dựng lều, ăn củ chuối, uống nước suối, ở ngay trong rừng để rình chụp ảnh voọc mông trắng trong sự không thể hiểu nổi của bà con người Mường bản địa.
Đang đau đầu cho dự án bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm ở Việt Nam, Tilo tá túc ở một khách sạn dưới Ninh Bình, sáng ngủ dậy thấy người ta trưng bày một đàn linh trưởng sặc sỡ sắc màu ở dạng thú nhồi… trấu trước tiền sảnh khách sạn.
Sao kỳ lạ vậy, người Việt Nam đã đồng ý với Tilo rằng: linh trưởng là loài động vật đẹp, tinh khôn, có mức độ tiến hoá gần người nhất, pháp luật cần bảo vệ đặc biệt. Sao lại trưng bày giữa thanh thiên bạch nhật mà không ai bắt?
Lập tức Tilo mặt đỏ phừng phừng đi gọi điện cho Cục Kiểm lâm, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đến bắt ông chủ khách sạn. Mãi không thấy ai giải quyết, Tilo đứng giữa trời nắng giậm chân bành bạch: "Why? Why?" (tại sao, tại sao). Có người biết tiếng Tây ra ghé tai Tilo: "Ông đang ở Việt Nam, chứ không phải ở Đức, Tilo à".
Sau này, khi Tilo chụp ảnh được con voọc mông trắng, đỡ đẻ được cho dự án thành lập Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương (trung tâm đầu tiên và lớn nhất Đông Nam Á) tiếp tục đi điều tra điền dã, Tilo mới nhận ra: người Việt Nam vẫn bẫy voọc rồi đem ra chợ bán như bán chó, bán mèo.
Họ nấu giả cầy voọc, vượn là chuyện bình thường. Cả thế giới chỉ còn hơn 50 con voọc Cát Bà, nhưng bà con ngoài đảo gọi đó là con khỉ vàng, họ nấu giềng mẻ mắm tôm, cho ít chuối xanh vào ăn một cách phổ biến. Có đêm, một thợ săn giăng lưới tóm được cả chục con!
Từ bữa ấy, Tilo hiểu rằng: dự án vài năm mà tổ chức của ông ký với Bộ NN&PTNT Việt Nam chắc chắn phải kéo dài hơn mong muốn. Những vấn đề đặt ra với bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam quá nóng, quá lớn; nhưng phải làm.
Như hiệp sỹ của Cervantec, trước hết phải lên ngựa thách đấu đã. Những bước đi đầu tiên thật cam khó. Tilo dịu dàng mà đau đớn bảo có anh cán bộ huyện hình như quên mất ý nghĩa nhân văn của công tác bảo tồn (còn quá lạ lẫm với họ) rằng: “Tôi (tiếng Anh chỉ có một ngôi) bảo vệ linh trưởng (khỉ, vượn, voọc, culi) ở đất nước bạn, bảo vệ cho bạn và con cháu bạn. Tôi có mang con linh trưởng nào về nước tôi đâu, tôi có giữ để bán lấy tiền cho tôi đâu”.
Tôi từng cùng với Tilo đi nhiều tỉnh, thành chiến đấu cho những dự án bảo tồn vô hình hay hữu ý sát hại môi trường. Từng thấy cảnh Tilo giữa đêm nghe nguồn tin "trinh sát", nổi đoá lái ôtô từ Ninh Bình vượt cả nghìn cây số vào tận Bình Định, Nha Trang, Đắk Lắk để tìm thu giữ một con voọc chà vá.
Tilo và một lái xe, đi trong đêm, người này ngủ thì người kia lái. Trên xe chỉ có mấy cái bánh mì và dăm chai nước suối. Lúc chờ nghỉ để làm thủ tục đưa thú về lau rửa vết thương, giữa cái nắng nhựa đường chảy khét lẹt trên quốc lộ, tôi thấy Tilo đứng rầu rĩ, câm lặng.
Bàn tay hộ pháp của Tilo bế một con voọc dính bẫy, voọc ta bốc mùi khăn khẳn vì thịt thối dưới chân. Mặt voọc ủ rũ, mắt tròn xo xoe. Tilo không kịp đội mũ nón gì cho mình, nhưng Tilo nhào vào vệ đường bẻ một bó cây dại, ông cầm nắm lá như thiếu nữ cầm hoa: bó cây được giơ ra che nắng cho chú voọc tội nghiệp. Có con voọc chữa lành bệnh, Tilo lấy tên vợ mình (Hiền) đặt tên cho nó.
Tilo là một tay máy chụp “chân dung” voọc và quang cảnh núi rừng đệ nhất (với không ít giải thưởng). Dưới nhiều bức ảnh voọc, Tilo đau đớn viết: "Đây không phải là vật cảnh, dược liệu hay thức ăn. Đây là phần di sản của Việt Nam".
Tilo mở mấy cái triển lãm liên quan đến vẻ đẹp kỳ ảo của thế giới gần ba chục loài voọc quý của Đông Nam Á (chủ yếu là Việt Nam). Tilo tư vấn cho các cộng sự viết cả cuốn truyện tranh thiếu nhi (lời và tô màu) kèm theo ảnh linh trưởng của ông in màu; sách tên là "Những người bạn ngộ nghĩnh" (đàn linh trưởng).
Triển lãm ảnh, viết sách hay "cuộc chiến đấu với cối xay gió" vừa bi vừa hài của Tilo cùng có một mục đích: bảo vệ đàn linh trưởng quý cho địa cầu. Những bức ảnh não lòng của Tilo về nạn săn bắt, hành hạ linh trưởng ở Việt Nam chắc chắn sẽ gây sốc cho ai đã từng ngó qua.
Ông "thiên lôi" lên sân khấu
Tôi từng viết báo, viết sách về Tilo và những người nước ngoài làm việc trên tinh thần thiện nguyện cho đàn linh trưởng sặc sỡ và quyến rũ của Việt Nam ấy. Không biết có bao nhiêu thước phim của các đài, các hãng từng quay về khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, tôn vinh linh hồn của rừng Đông Nam Á ở VQG Cúc Phương.
Cũng không biết bao nhiêu giải thưởng nhiếp ảnh, báo chí, phim ảnh đã được trao liên quan đến các tác phẩm với nhân vật đề cập là Tilo. Song có một điều ít ai nghĩ tới: cái Tilo cần là sự thay đổi nhận thức của người Việt Nam đối với vấn đề bảo tồn. Ông coi báo chí, truyền hình cũng là đồng nghiệp của ông trong lĩnh vực bảo tồn.
Tilo nhờ tôi "cài cắm" đi cãi nhau với Kiểm lâm Hà Nam, đi "tranh tụng" Kiểm lâm Lâm Đồng, đi làm thám tử tư trong dự án phi bảo tồn ở Cát Bà… - tất cả, đều với mục đích thu giữ và bảo vệ các cá thể voọc, vượn. Tilo làm tất cả, không gì hơn là ông muốn làm được cái điều mà tinh thần hiệp sỹ nhắc ông phải làm: Mọi loài trên thế giới đều bình đẳng trước cái quyền không bị tuyệt diệt.
Ông từng đi khắp thế giới (trước khi dừng ở Việt Nam) để làm việc vì lẽ sống này. Có một câu chuyện "tày đình" như sau: đợt ấy, lãnh đạo Vườn quốc gia Cúc Phương (VQG đầu tiên ở Việt Nam) tổ chức một buổi giao lưu quan trọng cho tỉnh Ninh Bình tại Vườn. Lúc ca nhạc đang hăng máu, thì có một người to lớn hằm hằm lên sân khấu giật phắt micro.
Rồi ông ta xổ ra một tràng tiếng Anh dài và rổn rảng. Tôi đang bảo vệ voọc, vượn cho Việt Nam, cần sự tĩnh lặng, kẻo voọc nó giật mình chột mất lứa đẻ đầu tiên dưới bàn tay con người (thế giới chưa một nơi nào làm được). Sao lại đốt lửa với hát hò rầm trời ở đây được!
Đại ý thế, cái tính thẳng ruột ngựa của Tilo đã khiến nhiều người… sợ và… yêu mến. Nhưng cũng ít ai hiểu: Cái Tilo bức xúc hơn là sự bất cập trong các vấn đề khoa học. Cái gì luật đã quy định thì nó phải được thượng tôn. Cho nên, có thời gian dài, người đi kiếm củi bẻ cành, hái măng, vặt nấm ở xung quanh VQG Cúc Phương cứ thấy Tilo là chạy tá hỏa.
Tilo là Gia-ve, là “cảnh sát” của luật pháp Việt Nam (trên góc độ bảo tồn): Đã là rừng bảo tồn thì cây đổ, cây mục mủn về với đất để cây con ăn đất ấy lớn lên, không ai được vào rừng lấy về. Ai vào rừng khi không có nhiệm vụ được chứng minh rõ ràng, đều là sai pháp luật và cần phải bị bắt giữ.
Lấy măng lấy nấm càng sai, chặt củi càng đáng "đi ở tù" (câu này Tilo biết nói bằng tiếng Việt). Không thể cứ đưa ra lý thuyết xuê xoa, ở rừng sống nhờ rừng được. Tilo cao lớn, sải những bước dài thượt tóm cổ người đi đẵn củi như con chim cắt bắt gà con. Củi được Tilo xách về nộp cho Kiểm lâm của VQG; người bị tóm thì có xin đằng trời Tilo cũng chỉ "No, no" (không, không biết).
Có lần, cán bộ địa phương mời Tilo dự một bữa tiệc giao hảo, trong mâm có đĩa thịt chim sẻ đồng. Tilo quẳng đũa đứng phắt dậy xì xà xì xồ với vợ: "Thật dã man, ăn thịt cả núi rừng!" khiến ai nấy mắt tròn mắt dẹt. Chim sẻ thì cũng là chim hoang dã, phải bảo vệ.
Cánh đi đánh cá đeo bình điện (xiết điện, giã nhủi) thòng ra hệ thống dây rà giết cá, điện giật chết kính thưa các loài thủy hải sản (cả trứng các loài thuỷ sinh, cả rong tảo đáy hồ). Sự tàn sát môi trường ấy chúng ta cũng lên án, song có ai làm việc cụ thể và rõ ràng đến khả kính như Tilo?
Đang lái ôtô trên triền đê, thấy dưới đầm đất ngập nước có dăm người đeo ắc quy đi giết môi trường, Tilo phanh kít, nhào ra khỏi xe, hô hoán lao thẳng xuống đầm nước, tóm cổ từng anh chàng ích kỷ và ngu dốt lôi về Ủy ban xã sở tại yêu cầu xử lý.
Có người biết rõ, cán bộ xã ấy chờ Tilo đi rồi họ lại thả người bà con của mình với bộ xiết điện dã man kia về. Và những người có lương tâm chỉ biết ngậm ngùi, chua xót cười cảm thông với ông “thiên lôi” Tilo.
Song, từ bấy, mỗi khi thấy Tilo mặc bộ đồng phục như "cảnh sát kiểm lâm" (của riêng Trung tâm) là người bẻ rừng, người giết cá cùng quẳng đồ nghề bỏ chạy. Cái sức lội nước ào ào, hò hét và gân cốt của ông Tây ngoại lục tuần ấy quả là đáng sợ, nhưng cái đáng sợ hơn là tinh thần thượng tôn luật pháp, tâm huyết với môi trường của ông.
Đôi khi, ông làm tôi thấy ngượng ngùng, vì mình chẳng bao giờ đủ tâm huyết để đứng giữa trời chày chày nắng mà bẻ lá che cho một con voọc bị thương. Chẳng bao giờ đủ dũng cảm bơi dưới hồ, lội vào rừng tóm cổ những người đẵn rừng, tàn sát thủy giới. Dẫu vẫn biết rằng, cần phải làm như thế. Dẫu vẫn biết rằng, luật pháp nước ta luôn khuyến khích và bảo vệ những người biết vì cộng đồng như thế…
Thế là lại thêm một mùa xuân Tilo đau đáu với công tác bảo tồn của Việt Nam. Năm 1993, khi chính thức ký kết làm giúp Việt Nam bảo tồn các loài thú linh trưởng, Tilo cứ nghĩ chỉ cần vài năm là chàng có thể lên ngựa mang gươm chu du đến nơi khác của quả đất để tiếp tục sứ mệnh của mình.
Không ngờ đàn linh trưởng Việt Nam cần bàn tay bảo hộ bẻ lá cây che nắng rửa vết thương của ông đến mười mấy năm trời. Cần chưa biết đến bao giờ. Trong cái sự "tồn đọng" này, có một phần lỗi của tôi và của nhiều người khác, đồng chí Tilo ạ.

Hà Nội, đầu năm 2007
Đỗ Doãn Hoàng (http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhan...7/2/51661.cand)
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vnmission vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
hat_de (21-11-2009), Tien (21-11-2009), tiny (02-12-2009)
 

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Những lá thư không được trả lời zodiac Triết lý cuộc sống 1 28-01-2011 19:10
Trần Hữu Huệ tặng bì thực gửi huuhuetran Phong bì thực gửi 45 05-09-2010 18:08
Con tem ĐỨC THÁNH TRẦN dammanh Những sai sót, nhầm lẫn về kiến thức trên Tem Việt Nam 6 02-09-2010 09:33
Ảnh đen trắng JT'M Góc kỹ thuật số 27 22-02-2010 20:05
Nhà sưu tập Cao Tấn Lợi từ trần *VietStamp* Hội Tem TP. Hồ Chí Minh 14 11-04-2009 13:37



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.