#1
|
||||
|
||||
Viết thơ giấy trắng, anh dán con cò xanh…
Viết thơ giấy trắng, anh dán con cò xanh…
Đó là ca dao tại Nam Kỳ Lục Tỉnh thời Pháp thuộc. Còn một câu ca dao miền Nam nữa. Đó là: Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No Anh thương em, sắm một chiếc đò, Để em qua lại mua cò gởi thơ… “Con cò” đây chính là con tem sử dụng tại các thuộc địa Pháp, phát hành trong các năm 1859-1865. Người Việt miề̀n Nam gọi hình tượng trên tem là “con cò,” nhưng thật ra, đây là hình con đại bàng. Mầu “xanh” là con tem giá mặt 5c, tức 5 xu. “Con cò” 5c và một khối 4 tem. Các khối tem sống hiện rất hiếm. (Bộ sưu tập TAT) Tuy thuộc một bộ với hình đại bàng và vương miện khác mầu, 6 mệnh giá được phát hành thành 3 đợt khác nhau. Hai mệnh giá 10c và 40c phát hành năm 1859, hai mệnh giá 1c và 5c phát hành năm 1862, cuối cùng hai mệnh giá 20c và 80c phát hành năm 1865. Sau đây là bộ tem đầu tiên phát hành tại các thuộc địa Pháp. Vì là tem hiếm quý, một số tem đại bàng đã được các chuyên viên chứng thực bằng ký hiệu hay chữ ký của họ đằng sau. Sau đây là mẫu của một số tem đại bàng đã được chứng thực trong bộ sưu tập TAT. Bộ Đại Bàng được Bưu Điện chính quốc Pháp phát hành trong các năm 1859, 1862, và 1865 là loại tem imperforated, tức không có răng. Nhưng ai may mắn sẽ tóm được đại bàng CÓ RĂNG. Hoá ra một số cá nhân, nhà buôn hay công ty thì đúng hơn, cần nhiều tem khi giao dịch nên đã đục răng để dễ xé lẻ, khỏi mất thì giờ tìm kéo cắt tem. Vô tình họ đã tạo ra loại đại bàng có răng cực hiếm. Trước nay, tôi chỉ thấy tem đại bàng có răng một lần, nên đã không ngần ngại bắt chúng về. Cũng may mắn là những tem này tuy có răng, nhưng người ta đã không xé, mà vẫn lấy kéo cắt nên tem còn nguyên lành, chỉ thêm răng làm tăng giá trị của những con tem vốn đã quý hiếm càng thêm hiếm quý. Về dấu hủy tem đại bàng, tác giả Jacques Desrousseaux của bản thảo tác phẩm lịch sử bưu chính tuyệt vời tựa đề Postes & Courriers Francais en Extrême-Orient hoàn tất năm 1984 cho biết có cả thẩy sáu (6) loại dấu chấm CCH khác nhau, được Bưu Điện thời Pháp thuộc sử dụng ở Nam Kỳ Lục Tỉnh gồm Saigon, Bienhoa, Mytho, Vinhlong, Chaudoc, và Hatien. o0o Làng tem Việt Nam trong nước hay tại hải ngoại, từ trước đến tận ngày nay, không ai biết mà sưu tầm bộ Đại Bàng này. Lý do là tại Việt Nam xưa nay, không một nhà buôn tem nào có tem đại bà̀ng để chào mời khách hàng, thậm chí nhiều người còn không biết có bộ tem này hiện hữu. Bác Nguyễn Bảo Tụng (1931-2004), nhà chơi tem số một thời VNCH, say mê sưu tầm từ thập niên 1940 mà tôi cũng không hề thấy bác nhắc đến tem con cò. Ngược lại, trong tác phẩm Bưu Hoa Việt Nam 1951-1971 (Sài Gòn, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hoá yểm trợ xuất bản, 1971, 492 tr.) mà bác là tác giả, bác có nhắc đến bộ tem Phượng Hoàng trong Nam mà bác kết luận chỉ là một “giả thuyết,” và bác còn cho thông tin thiếu sót, khi chỉ ghi được 4 mệnh giá (1c, 5c, 10c, và 40c, tức là thiếu hai mệnh giá 20c và 80c). Đúng ra, xã hội miền Nam và trên toàn quốc đầu thời Pháp thuộc có thể nói là rất hiếm người biết trao đổi thư từ qua đường Bưu Điện. Số người Việt biết đọc biết viết chữ quốc ngữ không nhiều trong suốt bốn thập niên 1860-1900. Chỉ có người Pháp gồm quân nhân và giới chức chính quyền thuộc địa tại vài thành phố lớn mới sử dụng con cò để gửi thư cho nhau. Thường là họ gửi thư và nhất là gửi bưu ảnh về gia đình tại Pháp. Trong hoàn cảnh ấy, những con Đại Bàng đến nước ta đã hiếm, mà số người sưu tầm lưu giữ chúng lại càng hiếm hơn. Nếu may mắn có vài con lạc bầy đâu đó thì thân phận mỏng manh nhỏ bé của chúng lại bị thời gian -tính đến nay là hơn 150 năm- hủy hoại. Tuy vậy, thời gian không phải là yếu tố duy nhất làm chúng bị tuyệt tích. Những biến cố lịch sử long trời lở đất và những cuộc chiến tranh triền miên sau khi bộ tem được phát hành đã thiêu hủy nhà cửa ruộng vườn thành quách miền Nam Kỳ Lục Tỉnh, huống gì vài con chim giấy. Rồi sự an toàn của cá nhân và gia đình trong thời chiến cũng khiến chẳng ai dám lưu giữ dấu vết có thể đem lại tù tội thậm chí chết chóc. Tôi chú tâm và may mắn có cơ hội tìm kiếm được nhiều cánh chim đại bàng từng một thời vần vũ trên bầu trời ảm đạm miề̀n Nam. Trong một thời gian dài, tôi đã âm thầm cần mẫn lượm bắt từng con một nên ngày nay mới có một tập hợp Đại Bàng khá đông đảo, không những là tem mà còn có cả phong bì thực gửi dán tem Đại Bàng. Nêu chi tiết “bầu trời miền Nam” vì bộ tem 6 con đại bàng không phải chỉ được sử dụng làm bưu cước tại Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Đây là bộ tem đầu tiên phát hành chung cho tất cả các thuộc địa Pháp, như Algerie, Cochinchine, Cameroun, Congo, Côte d’Ivoire, Guadeloupe, Guyane, Madagascar, Martinique, Obock, Réunion, Saint Pierre et Miquelon, Senegal, Tunisie… Và nêu chi tiết “ảm đạm” vì bấy giờ quân Pháp sang bắn giết quân binh nhà Nguyễn và chặt đầu những anh hùng thảo dã miền Nam để cưỡng chiếm nước ta. Vì thế, người chơi tem theo chủ đề Việt Nam cần sưu tầm bộ tem chết còn hơn cả tem sống, vì dấu hủy CCH (viết tắt chữ Cochinchine tức Nam Kỳ), Cochinchine, hay Saigon, Mỹ Tho… tức các địa danh thuộc miền Nam nước Việt, mới là chứng tích cụ thể về những con tem lưu hành tại Nam Kỳ Lục Tỉnh. Đề tài và công cuộc sưu tầm này không dễ, vì vật phẩm rất hiếm. Khó hơn hết là trọn bộ tem chết với dấu hủy Nam Kỳ Lục Tỉnh. Sau nhiều năm sưu tầm, tôi nhận thấy con tem đại bàng mệnh giá thấp nhất 1c có dấu hủy CCH, Cochinchine, Saigon, Mỹ Tho, hay Vĩnh Long… là quý hiếm nhất. Buổi đầu trong hai thập niên 1860 và 1870 thì bưu cước từ Nam Kỳ về Pháp rất cao, là 50c (dân sự) và 20c rồi lên 25c (quân nhân) cho thư từ và 10c (dân sư) hay 5c (quân nhân) cho bưu ảnh. Còn trong nội địa miên Nam, bưu cước gửi thư cần hai “con cò xanh,” bưu ảnh cần một “con cò xanh.” Vì thế, tem 1c tức con đại bàng 1 xu rất hiếm khi được sử dụng. Cũng cần chia sẻ thêm một thông tin đặc biệt do sự mách bảo của tác giả Jacques Desrousseaux trong Posts & Courriers Francais en Extrême-Orient (1984) trang 16, là buổi đầu cho đến ngày 30.6.1876 thì bưu cước từ Nam Kỳ đi Pháp là 50c, rồi dần dần bưu cước được hạ xuống, 40c (từ 1.7.1876 đến 30.4.1878), 35c (từ 1.5.1878 đến 15.2.1879), 25c (từ 16.2.1879 đến 31.12.1898), cuối cùng là 15c (kể từ 1.1.1899). Với bảng giá bưu cước tận cùng bằng số 0 hay số 5 như thế, người gửi thư thật khó có dịp phải sử dụng đến con tem 1c! Bộ tem Đại Bàng hiếm qúi vì đầy đủ dấu hủy tại nước ta (dấu “Saigon” và “CCH,” tức Cochinchine. Bộ sưu tập TAT) Tem đại bàng chỉ được dùng làm bưu cước tại Nam Kỳ trong một thời gian ngắn, rất ngắn, vì những năm 1871-72 (bộ Napoléon), 1872-77 (bộ Céres), 1877-78 (bộ Peace&Commerce I), 1878-80 (bộ Peace&Commerce II),và 1881-1886 (bộ Colonies Postes), Bưu Điện Pháp đã phát hành nhiều bộ tem khác nhau để sử dụng tại các thuộc địa. Hoàn cảnh này càng nâng cao độ hiếm hoi của tem đại bàng với dấu bưu điện miền Nam nước ta thời Pháp thuộc. Cuối cùng, xin chia sẻ dải ba mẫu tem đại bàng, một trong những đơn vị quý hiếm nhất của bộ sưu tập Đại Bàng TAT. Dải tem này, từ trái qua phải, có một “con cò xanh,” một con 10c, hai con 1c, đặc biệt dán trên mẩu phong bì in địa danh Saigon với dấu bưu điện khá rõ: “Cochinchine. Saigon. 4 Avril (18)68.” Đó là những chi tiết cụ thể và chính xác chứng nhận đây là những con tem đương thời, cách nay đúng 152 năm (1868-2020)! Và chia sẻ thêm một vật phẩm bưu chính còn quý gấp bội, là phong bì thực gửi dán tem Đai Bàng với dấu Bưu Điện năm 1872 trong bộ sưu tập TAT sau đây: Phong bì quý hiếm gửi từ Nam Kỳ sang Toulon, Pháp với dấu đi CCH (April 1872) và dấu đến Toulon-s-Mer (11? Mai, 1872) và Marseille (14 Mai, 1872). Bộ tem Đại Bàng là trường hợp điển hình của thú sưu tầm. Không một người chơi tem nào, dù sưu tầm lâu bao nhiêu năm, hay có dồi dào phương tiện thế nào, cũng không thể có được đầy đủ một bộ tem, nên dân chơi -dù là “thứ thiệt”- cứ phải nhìn quanh, và… đấu giá mệt nghỉ. Cám ơn anh Vnmission (Nguyễn Tất Thành, Việt Nam), người đầu tiên chia sẻ những thông tin đặc biệt về bộ Đại Bàng trên diễn đàn Vietstamp.net năm 2010. TRẦN ANH TUẤN 2018-2020
__________________
Chào mừng Bạn đã gia nhập Gia đình VIET STAMP |
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn *VietStamp* vì đã gửi Bài viết hữu ích này: | ||
Tags |
bưu chính vn trước 1889 |
|
|
Những Đề tài tương tự | ||||
Ðề Tài | Người Tạo Đề Tài | Trả Lời | Bài Mới Nhất | |
Hình tượng Dê trong đời sống văn hóa Việt Nam | HanParis | Văn hóa - Giáo dục - Tri thức | 1 | 04-03-2015 04:01 |
Dấu Bưu điện đảo Hoàng Sa của Việt Nam | wwf_stamp | Phong bì thực gửi | 6 | 02-08-2014 21:29 |
Tem thư Việt Nam năm 1951 và lịch sử | cocojane2004 | TEM lưu hành ở miền Nam Việt Nam trước 1975 | 1 | 15-04-2013 21:54 |
Mạn đàm "người Việt chơi tem Việt" | temvn | Café VietStamp | 25 | 09-07-2009 18:06 |
Đan Mạch phát hành tem WWF có phụ thu để giúp đỡ nông dân nghèo Việt Nam | Poetry | Bản tin Tem WWF | 0 | 01-06-2009 19:50 |