Xem riêng 01 Bài
  #1  
Cũ 10-03-2009, 08:38
xihuan's Avatar
xihuan xihuan vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 11-10-2008
Đến từ: TP. Vũng Tàu
Bài Viết : 672
Cảm ơn: 6,026
Đã được cảm ơn 3,473 lần trong 670 Bài
Mặc định Phú Yên - Nơi có “Ông già tem”

“ÔNG GIÀ TEM” VÀ CHIẾC BÌ THƯ NỔI TIẾNG

Name:  hoi-tem081231.jpg
Views: 410
Size:  30.6 KB
Ông Hoàng Sĩ Huỳnh bên một bộ sưu tập tem - Ảnh: Ngọc Thắng


Ở Hội Tem Phú Yên, ông Hoàng Sĩ Huỳnh là “cây cao bóng cả”. Với các bộ sưu tập Rồng, Quân đội nhân dân Việt Nam, Hình tròn, Bàn tay, Cá san hô…, người cựu chiến binh 87 tuổi này đã “thâu tóm” giải vàng cùng nhiều giải bạc tại các triển lãm tem bưu chính cấp khu vực và toàn quốc. Tham gia triển lãm tem quốc tế lần thứ 22 vừa tổ chức tại Jakarta (Indonesia), “ ông già tem” được trao giải đồng với bộ Trái cây và đời sống con người. Bộ sưu tập này là câu chuyện từ lúc trồng cây cho đến khi đơm hoa, kết trái… được kể rành mạch, khúc chiết bằng những con tem. Không như phần đông người chơi tem, ông Hoàng Sĩ Huỳnh không phải là “dân” bưu điện. Thế nhưng hơn nửa thế kỷ qua, ông đã gắn bó và dành rất nhiều tâm huyết cho con tem bưu chính. Ông Huỳnh kể: “Năm 1953, ở chiến trường Tây Nguyên, tôi nhận được thư nhà từ Nghệ An, trên bì thư dán con tem hình Bác Hồ”. Ông tiếp tục hồi tưởng: “Sau khi khoe với anh em trong đơn vị, tôi giữ con tem quý đó để làm kỷ niệm. Cuối năm, một người trong đơn vị về phép, đem về cho tôi ba con tem in hình công nhân. Từ đó tôi có ý thức chơi tem. Năm 1954 tập kết ra Bắc, có điều kiện, tôi bắt đầu sưu tầm”.

Đảng và Bác Hồ trên tem bưu chính Việt Nam là bộ sưu tập đầu tiên của ông Hoàng Sĩ Huỳnh. Bộ thứ hai là Tình biển đã mang về giải bạc cấp khu vực. Hơn 50 năm miệt mài tìm kiếm những con tem, ông sở hữu một gia tài có thể nói là đồ sộ, với đầy đủ hệ tem của Việt Nam, từ những bộ tem của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến tem của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngoài ra, ông có cả 10 bộ tem chưa phát hành của chế độ cũ.

Nhắc đến Hoàng Sĩ Huỳnh, những người sưu tập tem ở Phú Yên không khỏi trầm trồ về một “nhân chứng vật chứng trên tem” mà ông đã kỳ công sưu tầm. Trên bì thư dán con tem “O du kích nhỏ giương cao súng/ Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu”, ông sưu tầm được bốn chữ ký: của nhân vật chính trong ảnh - o du kích Nguyễn Thị Kim Lai ở Hà Tĩnh, nhà thơ Tố Hữu, nghệ sĩ nhiếp ảnh Phan Thoan - tác giả của bức ảnh nổi tiếng này và chữ ký của họa sĩ Trần Lương, người thiết kế con tem.

CẦU KỲ THÚ CHƠI

Sưu tầm tem không phải là việc đơn giản. Thú vui tao nhã và tốn kém này lấy đi rất nhiều thời gian, đồng thời đòi hỏi ở người chơi sự kiên trì. Để có một bộ sưu tập đầy đặn phải mất… vài năm. Không đơn giản là đến bưu điện mua tem, trao đổi với bạn bè, những người chơi tem phải chịu khó “săn lùng” ở nhiều nơi mới mong có một bộ sưu tập “coi được”.

Đối với giới sưu tầm, con tem nằm trên bì thư thực gởi có giá trị hơn con tem đã bóc ra khỏi phong bì. Vì vậy, để có những con tem “biết nói”, người chơi phải nắm được lượng tem, thời gian phát hành của ngành bưu điện. Chợt nhớ có lần, Phó Giám đốc Sở Thông tin -Truyền thông Phú Yên Lê Thanh Nhanh, một người chơi tem đã gần 10 năm kể rằng, để có con tem 100 năm Sa Pa với đầy đủ ý nghĩa, ông gọi lên Bưu điện Sa Pa nhờ các đồng nghiệp đưa “nó” về trên một bì thư được đóng dấu hẳn hoi. Để con tem in hình đồng bào Ê Đê thêm giá trị, ông gởi “nó” lên Buôn Ma Thuột, nơi cộng đồng người Ê Đê sinh sống đông nhất, nhờ bưu điện đóng dấu rồi gửi trở về. Trong gia tài kha khá của ông Lê Thanh Nhanh có hai bộ tem quý: Bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (phát hành ngày 2/9/1946) và bộ tem ra đời tại chiến khu Việt Bắc, in hình Chủ tịch Hồ Chí Minh trên giấy dó.

“Đẳng cấp của người chơi tem thể hiện ở sự chuyên sâu trong bộ sưu tập” - Phó Giám đốc Bưu điện Tuy An Đặng Hồng Quân, một người chơi tem có thâm niên, nói vậy. Chẳng hạn, cùng sưu tập về hoa, cùng số lượng khung, bộ Hoa phong lan, Hoa mùa xuân… tất nhiên là chuyên sâu hơn bộ Hoa chung chung. Đề tài càng độc đáo, khu biệt thì càng thể hiện công phu của người sưu tập. Không chỉ sưu tầm những con tem cũ, hiếm, những bì thư thực gởi gắn với địa danh, sự kiện thể hiện trên con tem, dân sưu tầm còn hào hứng “săn lùng” những con tem cá biệt, dị dạng do một sự cố nào đó trong quá trình sản xuất.

Chơi tem cầu kỳ thế, mất nhiều thời gian thế mà sao nhiều người vẫn hào hứng, đam mê? Ông Hoàng Sĩ Huỳnh nói: “Thoạt nhìn, người ta chỉ thấy con tem đẹp về màu sắc, hình ảnh. Có tìm hiểu mới biết nó chứa đựng nhiều điều. Mỗi bộ sưu tập tem là một câu chuyện về lịch sử, văn hóa”. Phải chăng chính vì say mê sưu tầm, cặm cụi tìm hiểu mà những người chơi tem ngày một trở nên “giàu có”?


Tác giả: Phương Trà

Bài này được đăng trên báo điện tử của Phú Yên:
http://www.baophuyen.com.vn/Trangch%...3/Default.aspx

Trong diễn đàn anh Dẻ cũng đã có một bài giới thiệu về Hội tem Phú Yên:
http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=1222
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
7 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn xihuan vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Dat_stamp (23-10-2011), hat_de (10-03-2009), huuhuetran (10-03-2009), manh thuong (10-03-2009), man_nguyen_1996 (16-01-2010), tiny (14-03-2009), zodiac (10-03-2009)