Ðề Tài: Nghề Chơi :)
Xem riêng 01 Bài
  #2  
Cũ 25-05-2015, 22:41
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Kỳ 2: Hai người và 5.000 chiếc cối đá

Tôi hỏi cả hai người còn khá trẻ này rằng sưu tầm làm chi ba cái thứ bỏ đi ấy? Cả hai đều nói: “Cũng là một cách để nhớ về tổ tiên mình”. Chị Nguyễn Thị Minh Hiếu, 37 tuổi, sở hữu 1.500 cối đá, còn anh Huỳnh Hữu Lộc, 35 tuổi đang có trong tay đến 3.500 cối đá.

Xin được tiết lộ ngay để bạn đọc khỏi hiểu nhầm: cả hai người này đang ở cùng xóm (chứ không phải “cùng nhà”) thuộc vùng ngoại ô TP.Nha Trang. Họ có cùng đam mê nhưng “không thèm quan tâm nhau” vì mỗi người đang cai quản một vương quốc cối đá của riêng mình. Có kẻ bảo họ là “hai người khùng”, còn những ai am tường về văn hóa cổ thì cho rằng họ là những thanh niên đáng để lớp người trẻ hôm nay phải ngẫm lại mình mỗi khi nhắc đến hai từ “gốc gác”.


Huỳnh Hữu Lộc bên những chiếc cối đá của anh - Ảnh: Nguyễn Chung
Níu giữ quá khứ
Trông bề ngoài, anh Huỳnh Hữu Lộc cũng thô ráp như những chiếc cối đá mà anh đang sở hữu, nhưng trong anh là cả một nỗi niềm đau đáu với quá khứ: “Ngay cả ở nông thôn bây giờ, những gia đình nông dân nghèo không đủ tiền mua sữa hộp, họ cũng không phải vất vả xay bột cho trẻ bằng những chiếc cối đá nữa. Chỉ cần bỏ cháo vào máy xay, ấn nút điện chừng vài phút là đứa trẻ đã có những gì mình cần. Mỗi khi nghĩ đến điều ấy, lòng tôi lại ngùi ngùi một nỗi thương cảm về những người mẹ ngày xưa đã phải vất vả như thế nào khi chôn chân hàng giờ bên những chiếc cối đá để cho con mình có một bữa ăn. Mà đâu phải gia đình nào cũng có được chiếc cối đá để xay bột. “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/Miệng nhai cơm búng lưỡi lừa cá xương”. Có những bà mẹ phải mớm cho con bằng cái cách nhai cơm thay cối đá như vậy”.
Tôi cắt đứt dòng hồi tưởng của Lộc: “Được biết anh là dân Nha Trang, tuổi thơ anh không gắn với ruộng đồng mà sao anh lại có vẻ “thua đủ” với chuyện quê kiểng, đặc biệt là những chiếc cối đá?”. Lộc cười hiền như... chiếc cối: “Bà ngoại tôi là người Huế, nhưng ở vùng nông thôn. Lúc nhỏ, mỗi lần về quê ngoại, tôi được bà tưới tắm cho những câu chuyện “đời xưa”, trong đó có những câu chuyện về chiếc cối đá. Tôi cứ ám ảnh về những câu chuyện ấy từ bà. Lớn lên một chút, tôi tự nhủ lòng, mình phải làm một điều gì đó để giữ lại một góc quá khứ mà cuộc sống xô bồ hôm nay có thể làm mọi người quên nó. Và tôi đã chọn những chiếc cối đá này để làm hành trang đưa tôi về quá khứ”.
Bắt đầu từ năm 2008, trong một chuyến “phượt” ở vùng Tây Sơn, tỉnh Bình Định, chiếc cối đá đầu tiên có tuổi thọ chừng 150 năm đã đến với Lộc. Cái khó của người chơi thứ đồ cổ không ra cổ này là người bán họ không định được giá nên người mua không biết bao nhiêu là được. Họ vứt những chiếc cối đá ấy lăn lóc một cách thảm thương nhưng tự dưng có người hỏi mua là chủ nhân của nó chợt “giật mình” ngay và không muốn bán chúng. Lộc đã kiên trì thuyết phục, mua cho bằng được rồi bỏ lên xe máy đưa về. 3.500 chiếc cối đá mà Lộc đang sở hữu là kết quả của những chuyến lùng sục suốt 5 năm qua trên hầu khắp các tỉnh miền Trung. Tôi hỏi Lộc: “Nếu chỉ thỏa mãn lòng đam mê “níu giữ quá khứ” bằng những chiếc cối đá thế này thì lãng phí quá?”. “Ồ, không. Khách Tây họ đến rất đông để xem. Tôi đã nảy ra ý định và bắt đầu xây dựng một “làng du lịch” mà “nhân viên” sẽ là những bà mẹ quê chỉ chuyên dệt chiếu. Các mẹ, các chị sẽ sống được với nghề bên những chiếc cối đá này”. Níu giữ chút quá khứ để phục vụ cho cuộc sống hiện tại cũng là một cách “nuôi” niềm đam mê có tính căn cơ ở chàng trai này.
Đá kể chuyện đời
Cũng bắt nguồn từ việc mắc nợ với quá khứ nhưng quan niệm của nữ kiến trúc sư 37 tuổi Nguyễn Thị Minh Hiếu khi bỏ ra 12 năm để sưu tầm 1.500 chiếc cối đá thì có cách nghĩ khác với anh “hàng xóm” của mình: “Mỗi chiếc cối đá đều có hai thớt trên và dưới. Người đàn bà bao giờ cũng nhận phần thiệt về mình khi phải chịu đựng sự “xoay vần”. Phải biết hy sinh và chịu đựng như thế thì gạo mới thành bột được. Với lại, tôi rất thích nghe những chiếc cối đá ấy “kể” về mình. Mỗi câu chuyện như những triết lý về nhân sinh và cách ứng xử ở đời”.
Hiếu kể, trong một chuyến đi dọc bờ sông An Cựu - Huế, cô phát hiện ra chiếc cối đá lăn lóc ở góc vườn. Cô hỏi mua nhưng chủ nhân chối từ bằng một câu chuyện: “Năm Mậu Thân, nhà cháy hết chỉ còn lại mỗi chiếc cối này. Chúng tôi muốn giữ nó để nhắc với con cháu đừng bao giờ quên cuộc chiến tranh tàn khốc ấy và sự “bền lòng” của chiếc cối đá như thách thức với hết thảy đạm bom”. Lại có chiếc cối đá của một gia đình bá hộ thuở xưa ở Long An. Cứ tưởng sẽ khó mua được chiếc cối của một gia đình quyền uy một thời này nhưng vừa hỏi, chủ nhân đã bán ngay như thể họ muốn xóa đi cái dấu vết vàng son giờ đã khánh kiệt vậy.
Quê Hiếu cách Nha Trang chừng 10 cây số - một làng quê chuyên làm bánh và bún từ bột gạo. Cô lớn lên bên những chiếc cối xay bột cùng người bà hay kể chuyện tích xưa tuồng cổ. Ngày Hiếu lấy chồng, bà hỏi đứa cháu đầy cá tính của mình: “Cháu thích bà tặng món quà gì nhất nào?”. Hiếu trả lời không cần suy nghĩ: “Chiếc cối đá của bà!”. Lúc đầu bà còn ngạc nhiên nhưng rồi bỗng nhận ra, đứa cháu của bà muốn kéo cả quá khứ khó nghèo của gia đình cùng về thành phố ấy mà. “Làm sao có thể chối bỏ được gốc gác của mình, phải không anh?”, Hiếu nói. Vì vậy, trong một “rừng” cối đá được sắp xếp rất mỹ thuật của Hiếu, bao giờ cô cũng kê bên dưới chiếc giường của mình chiếc cối đá của bà như để nhắc nhở về một thuở cơ hàn chưa xa.
Sở hữu 3 căn biệt thự hạng “khủng” nhưng cô kiến trúc sư ấy không coi đó là “gia tài đáng giá” bằng 1.500 chiếc cối đá mà cô đã đánh đổi suốt 12 năm qua để có được. Tôi cứ trộm nghĩ, giá như “cặp đội cối đá” Lộc - Hiếu ấy cùng “hợp lực” thì những chiếc cối vô tri kia sẽ biết cựa quậy để nói với du khách về quá khứ của nó, cũng là quá khứ của đất nước từng đi qua khó nghèo và binh lửa suốt mấy trăm năm.

Trần Đăng

Nguồn : http://www.thanhnien.com.vn/van-hoa-...da-439196.html


Kỳ 3: Sưu tập văn nghệ sĩ trên đĩa sứ

Phải mất nhiều năm với hàng trăm lần lặn lội vào nam ra bắc, anh Trần Quốc Ẩn (52 tuổi, ở P.Phương Sài, TP.Nha Trang) mới có trong tay bộ sưu tập hơn 100 chữ ký văn nghệ sĩ nổi tiếng trên đĩa sứ.

Ngồi buồn lấy đĩa vẽ chơi
Năm 1985, anh Ẩn tốt nghiệp Trường m nhạc Huế (nay là Học viện m nhạc Huế). Về công tác tại Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa) được 12 năm, anh chuyển qua làm nghề vẽ quảng cáo. Tìm thấy niềm vui khi cầm bút vẽ rồi bén duyên với thư pháp lúc nào không hay, đến mức chính anh cũng không ngờ thư pháp là cái nghiệp gắn với đời mình đến ngày hôm nay.



Anh Trần Quốc Ẩn bên những đĩa sứ có họa chân dung và chữ ký các văn nghệ sĩ nổi tiếng - Ảnh: Nguyễn Chung

Anh Ẩn kể: “Tôi mê thư pháp, nhưng cũng luôn muốn khám phá những cái mới. Cuối năm 2005, trong lúc ngồi buồn, tôi lấy chiếc đĩa sứ thường ngày đựng thức ăn rồi cầm bút phác họa chân dung một nhạc sĩ lên mặt đĩa. Mới đầu định làm vài cái tặng bạn bè, nhưng càng làm tôi càng hứng thú, rồi mê luôn. Tôi nảy sinh ý tưởng thực hiện bộ sưu tập chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng và chữ ký của họ trên đĩa sứ”. Việc đưa hình lên đĩa sứ đã có từ lâu và nhiều người làm, nhưng “chơi trội” bằng cách cầm đĩa sứ lặn lội khắp nơi xin chữ ký của các văn nghệ sĩ thì trước anh Ẩn có lẽ chưa ai làm. Hành trình xin chữ ký mới làm người chơi tốn nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc.
Để thực hiện ý tưởng của mình, anh Ẩn mất hơn một năm tự nghiên cứu để đưa chân dung các nhân vật lên mặt đĩa sứ bằng cách riêng của mình. Công đoạn này anh thường phải làm đi làm lại, có khi cả mấy chục lần mới ưng ý. Mỗi nhân vật, anh thực hiện trên hai đĩa, một để xin chữ ký giữ lại cho mình và một tặng cho người ký. Sau đó, anh bắt đầu vác đĩa đi xin chữ ký. “Trước mỗi chuyến đi, tôi đều toan tính xem có thể gặp được những ai thì nhét đĩa sứ có hình họ vào ba lô, để nếu gặp là chớp cơ hội ngay. Tháng 8.2007, tôi tình cờ gặp nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM). May mắn, tôi mang sẵn đĩa có hình nghệ sĩ và không khó để có được chữ ký lên chiếc đĩa sứ đầu tiên”, anh Ẩn kể.

Đam mê quên gian nan

Để thỏa đam mê, anh Ẩn lặn lội nhiều tỉnh, thành nhằm bổ sung thêm chữ ký của các văn nghệ sĩ nổi tiếng vào bộ sưu tập. Cuối năm 2007, anh thuê ô tô ra tận Thanh Hóa, trên tay cầm một tấm bản đồ địa phương, đi đến đâu hỏi đường đến đó, cuối cùng anh cũng tìm được nhà của nhà thơ Hữu Loan. Sự có mặt của anh Ẩn khiến nhà thơ rất bất ngờ, càng bất ngờ hơn khi nghe chàng trai lạ tâm sự về việc đi hàng trăm cây số đến đây chỉ để xin một chữ ký. Nhìn chân dung mình trên chiếc đĩa sứ, nhà thơ Hữu Loan không ngần ngại đặt bút.
Đi xa mà có được điều mình muốn thì vui quên cả mệt, nhưng người chơi cũng hàng chục lần “mất công” vì không gặp được nhân vật. Như việc xin chữ ký của ca sĩ Lam Trường, anh Ẩn vào TP.HCM đến 6 lần tìm gặp nhưng cuối cùng lại được ca sĩ này ký tặng trong một lần ra Nha Trang. Có không ít văn nghệ sĩ mà phải 4 - 5 chuyến đi anh Ẩn mới có được chữ ký của họ. Không phải anh bị từ chối mà vì anh không tiếp cận được, có khi lịch trình của nghệ sĩ thay đổi hoặc anh lại chậm chân.
Theo anh Ẩn, khó nhất là xin chữ ký của các văn nghệ sĩ hải ngoại, các diễn viên nước ngoài nổi tiếng, vì cơ hội tiếp cận họ rất hiếm. Năm 2010, biết tin Lục Tiểu Linh Đồng, diễn viên đóng Tôn Ngộ Không trong phim Tây du ký sang Việt Nam và theo kế hoạch sẽ giao lưu với người hâm mộ, anh Ẩn chuẩn bị hai đĩa sứ có hình Tôn Ngộ Không và “khăn gói” vào TP.HCM. Sau buổi giao lưu, anh Ẩn nhờ cô phiên dịch nói lên tâm sự của mình với Lục Tiểu Linh Đồng và “Tôn Ngộ Không” đã vui vẻ nhận lời ký tên lên chiếc đĩa sứ, đồng thời “xin” chiếc đĩa còn lại trên tay anh Ẩn về làm kỷ niệm. “Mỗi khi nghe chương trình nào có ca sĩ hải ngoại về nước hay nghệ sĩ nước ngoài nổi tiếng đến Việt Nam, nhận thấy trong bộ sưu tập của mình chưa có chữ ký của họ là tôi lại lên đường. Ngoài việc nắm lịch biểu diễn của họ, tôi còn phải “canh me” từng giây, từng phút để tìm cơ hội xin chữ ký”, anh Ẩn chia sẻ.
Đến nay, bộ sưu tập của anh Ẩn đã có trên 100 tác phẩm chân dung các nghệ sĩ nổi tiếng có chữ ký của chính họ như các ca sĩ: Siu Black, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Anh Khoa...; các nghệ sĩ hài: Hoài Linh, Chí Tài, Thúy Nga…; các nhạc sĩ: Phạm Duy, Nguyễn Ánh 9… “Do công việc bận rộn, sức khỏe không còn như trước nữa nên các chuyến đi xa để xin chữ ký thưa thớt hơn. Dẫu vậy niềm đam mê sưu tầm chữ ký văn nghệ sĩ trên đĩa sứ luôn thúc giục tôi tiếp tục săn tìm”, anh Ẩn nói.

Nguyễn Chung



__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!

Bài được HanParis sửa đổi lần cuối vào ngày 26-05-2015, lúc 05:05
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
cuongcanna (26-05-2015), manh thuong (26-05-2015), thehung (29-05-2015)