Xem riêng 01 Bài
  #6  
Cũ 23-03-2014, 20:48
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định

Bài mới nhất về các rạp chớp bóng SG trước 75 từ http://honngocviendong.wordpress.com

Sài Gòn

Rạp Alliance Française – 6 Thái Văn Lung, quận 1.


Rạp Alliance Française giờ là rạp chiếu phim Nghiệp Thắng.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông




Rạp của Trung Tâm Văn Hóa Pháp chiếu toàn phim Pháp không có phụ đề Việt ngữ, hiếm khi thấy người Việt đi xem. Mặc dù mấy ông Tây rất ghét Mỹ, nhưng đôi khi có chiếu phim Mỹ.

Rạp Cinéma Catinat – đường Nguyễn Thiệp


Rạp Catinat nằm trong con đường nối liền đường Tự Do (Đồng Khởi) sang đường Nguyễn Huệ. Đây là rạp chiếu phim thường trực đầu tiên ở Việt Nam, và tất nhiên cũng là rạp chiếu phim thường trực đầu tiên ở Đông Dương. Rạp Catinat chỉ chiếu lại những phim các rạp lớn chiếu rồi nên giá vé rất rẻ, giá vé đồng hạng 10 đồng, rạp còn bán 1 tập 10 vé giá 80 đồng, mua nguyên tập khán giả lợi được 20 đồng. Rạp xi-nê thuộc loại ‘tí hon’ này về sau chuyển đổi thành phòng trà ca nhạc với nhiều tên như Au Chalet rồi Đêm Màu Hồng, nơi ra mắt của ban nhạc Phượng Hoàng thời kỳ trước khi nhập với ca sĩ Elvis Phương.


Trên đường Tự Do (Đồng Khởi) có hai rạp được xem là xưa nhất và đẹp nhất là Majestic và Eden.


Rạp Eden quay mặt về hướng công viên. Ảnh: Internet


Rạp Eden nằm trong khu thương xá mua sắm Hành lang Eden (Passage Eden) nổi tiếng. Đến rạp, khán giả có thể đi vào từ phía đường Tự Do, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ đều được cả. Cả hai rạp đều được xây dựng rất đẹp theo kiểu kiến trúc cổ điển của các nhà hát Paris, có chia lô để phân biệt giữa hạng cao cấp với hạng bình dân. Thời gian đầu khán giả toàn người Pháp và những người bản xứ giàu có, sau đó dần dần mở rộng cho tất cả các tầng lớp khán giả. Không ai ngờ người Việt đón nhận loại hình mới mẻ này quá nồng nhiệt, đến mức chỉ chưa đến chục năm sau, khán giả đến rạp xem phim chỉ toàn người bản xứ. Chẳng mấy chốc các chủ rạp người Pháp đã phải chuyển nhượng hoàn toàn việc kinh doanh rạp chớp bóng lại cho người Việt. Rạp chớp bóng nhanh chóng trở thành ngành kinh doanh cực kỳ béo bở, và phát triển với tốc độ kinh hồn. Chỉ cần làm chủ một rạp, chỉ sau vài năm đã có thể… xây thêm một rạp khác! Mà rạp hồi đó, sức chứa ít nhất từ 700 – 1000 chỗ là chuyện bình thường.


Ở Sài Gòn, chỉ duy nhất rạp Eden này mới có hai balcon. Thông thường, khi xem xi-nê tại đây, ngồi balcon 1 là hay nhất vì nhìn xuống vừa tầm mắt không mỏi cổ và không bị cái đầu của người ngồi hàng ghế trước che khuất tầm nhìn. Balcon 2 của rạp Eden thì nhỏ hơn và vì quá cao nên nhìn sâu xuống màn ảnh muốn cụp cái cổ nên phần đông khán giả chẳng màng để ý đến sự hiện hữu của nó, ngoại trừ dân đào kép Sài Gòn ‘yêu nhau đi trời hôm tối rồi’ thì chiếu cố rất nhiệt liệt và gọi đó là ‘pigeonnier’ (chuồng bồ câu).Ca sĩ Pháp Dalida đã có lần xuất hiện tại rạp Eden ‘bằng xương bằng thịt’ khi cô đến Sài Gòn.
Rạp Eden sau đó trở thành một phần trở thành phòng trà Tiếng Tơ Đồng, rồi bị xóa sổ hoàn toàn để trở thành Trung tâm mua sắm Eden Mall, và nay cũng đóng cửa để xây dựng khu thương mại.

Rạp Majestic – 13, 15, 17 Đồng Khởi, quận 1.

Rạp Majestic hiện nay là nhà hàng Maxim’ Nam An.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Majestic cũng là rạp hạng sang và đẹp. Rạp này nằm sát bên khách sạn Majestic ở cuối đường Tự Do gần bến Bạch Đằng, đối tượng xem phim chủ yếu là người Pháp. Rạp đã ngưng hoạt động từ trước 1975. Nơi đây được xây thành vũ trường Maxim tầng trên và sân khấu trình diễn ca vũ nhạc kịch tầng dưới do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ phụ trách. Dường như sau 1975 có thời gian thuộc quyền khai thác nhà hàng của nghệ sĩ Bảo Quốc.

Rạp REX – góc đường Lê Lợi & Nguyễn Huệ



Rạp REX xưa và nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Ngày trước, miệt Sài Gòn (các quận trung tâm TP.HCM ngày nay) có nhiều rạp hát. Sang trọng nhất là rạp Rex trên đường Nguyễn Huệ.

Rạp Lê Lợi – 112 Lê Thánh Tôn, quận 1.

Rạp Lê Lợi hiện nay là phòng trà Không Tên.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Rạp gần chợ Bến Thành, chuyên chiếu phim cũ nhưng tuyển chọn toàn phim hay và chỉ chiếu trong 1, 2, hoặc 3 ngày rồi đổi sang chiếu phim khác. Tuy nhiên, nếu hụt xem phim nào thì khán giả cứ kiên nhẫn chờ đợi, một thời gian sau thế nào phim đó cũng sẽ được chiếu lại. Cái hay là lịch chiếu phim được niêm yết trước để khán giả có thể chọn ngày đi xem. Rạp Lê Lợi có thể nói là rạp duy nhất ở Sài Gòn chiếu phim theo phương thức này, một ít rạp khác có bắt chước phần nào nhưng rồi cũng không theo được hoặc sau đó phải thay đổi cách làm khác. Khách hàng thường xuyên của rạp Lê Lợi là những sinh viên, học sinh vì rạp chiếu phim cũ nhưng lại hay và giá vé rất nhẹ. Thời đó, đi học ngày hai buổi nên buổi chiều nào chán hoặc lười học bọn trẻ, trai cũng như gái, rủ nhau ‘cúp cua’ đi xem xi- nê ở rạp này. Cũng chính vì rạp này có nhiều nữ sinh đến xem nên các chị em rất hay bị thả dê tại đây. Sau 1975, rạp Lê Lợi trở thành vũ trường, bar và liên tiếp thay đổi chủ. Nay là phòng trà Không Tên.

Rạp Casino Saigon – đường Pasteur
Rạp Casino Saigon hiện nay đã bị đập để xây dựng cao ốc.

Casino Saigon là rạp hạng nhì, thuộc loại trung bình nên giá vé nới hơn rạp hạng nhất. Ngay bên cạnh Casino Saigon có hẻm Casino nổi tiếng không kém gì rạp xi-nê Casino. Phim chiếu ở Casino có thể dở hoặc hay tùy theo sở thích của người xem nhưng có điều ghé vào hẻm Casino người ta sẽ hài lòng với các món ‘khoái khẩu’ mang hương vị đất Bắc. Chủ nhân của các quán trong hẻm Casino đa số là dân ‘Bắc kỳ di cư’ nên có những món ‘tuyệt cú mèo’ như bún chả, bún thang, bún riêu, bánh tôm và dĩ nhiên là phở… Các quán tại đây không thuộc loại sang nhưng giá tiền lại hơi đắt, có lẽ vì nằm ngay trung tâm Sài Gòn. Hẻm Casino thuở ấy rộn rã nam thanh, nữ tú ra vào suốt ngày, nhất là mỗi chiều thứ bảy, cả ngày chủ nhật, sau khi cùng dòng người “bát phố”. Bây giờ “Hẻm Casino” chỉ còn là một trong vô vàn những nơi ăn uống của thành phố đông dân nhất nước này. Hoặc bạn có thể đổi món bằng cách băng qua đường Lê Lợi để thưởng thức dĩa bò bía đi kèm với nước mía Viễn Đông thì còn gì bằng. Rạp Casino Saigon sau đổi tên là Vinh Quang. Năm 2011 bị đập bỏ và thành làng ẩm thực Vũng Tàu. Hiện tại đang là 1 công trình xây dựng cao ốc.

Rạp Vĩnh Lợi – 121 Lê Lợi, quận 1.

Rạp Vĩnh Lợi hiện nay là sàn giao dịch chứng khoán.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Đi tới ngã tư Lê Lợi và Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa) là rạp Vĩnh Lợi, bên cạnh Bệnh viện Sài Gòn. Rạp Vĩnh Lợi nổi tiếng trong giới ‘bê-đê’ vì đây là nơi bạn có thể bị bất ngờ vì một bàn tay xờ xoạng của một chàng ‘gay’ ngồi ngay bên cạnh. Khoảng đầu thập niên 60, có xảy ra một vụ nổ lựu đạn trong rạp, may mắn gần Bệnh viện Sài Gòn nên các nạn nhân chỉ cần bước vài bước được cấp cứu ngay. Nếu như Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì rạp Vĩnh Lợi có quán cơm Thanh Bạch cũng nổi danh không kém. Rạp Vĩnh Lợi chuyển thành showroom xe hơi của hãng Daewoo rồi nay thành sàn giao dịch chứng khoán. Hướng về chợ cũ, đi ngang qua các hàng bánh mì nổi tiếng để đến đường Tôn thất Đạm, bạn có thể vào xem phim bình dân ở rạp Nam Việt. Rạp nhỏ và rất nóng nực. Đi một đoạn ngắn tới đường Công Lý (cũng góc Lê Lợi) ta thấy rạp Asam mà dân Saigon thường gọi là “Á sẩm”. Sau đó có lẽ chủ rạp thấy tên “Á sẩm” mất gốc quá nên đổi lại là Hồng Bàng cho nó đúng điệu Giao chỉ. Ném về phương diện phim ảnh và cơ sở thì rạp này “ngang cơ” với Casino Saigon. Còn về tiết mục phụ diễn ăn uống, nếu Casino Saigon có nước mía Viễn Đông thì Hồng Bàng có tuyệt chiêu suông Thanh Thế rất nổi tiếng trong giới có tâm hồn ăn uống.

Rạp Hồng Bàng (còn có tên là Asam hay Á Sẩm) nằm trên góc đường Lê Lợi và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (trước là đường Công Lý). Sau 1975 cũng chịu chung số phận với rạp Nam Việt một phần vì ế ẩm, chủ sở hữu không chịu đầu tư, nâng cấp nên khán giả vào rạp xem phim hay bị nóng nực, ghế ngồi bị hư hỏng nhiều lại thêm rệp, chuột…, phần vì những rạp này nằm nơi chợ búa nên rất nhiều những khán giả là trẻ con hay nhưng người sống quang đó vào xem. Chính vì nhà gần nên việc đi xem phim không được xem trọng, những khán giả này ăn mặc xuề xòa, nói năng ồn ào thậm chí bọ trẻ còn chạy giỡn om xòm giữa và leo treo qua các hàng ghế gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến không khí xem phim của các khán giả đứng đắn khác.

Băng qua đại lộ Hàm Nghi thì có rạp Cathay trên đường Nguyễn Công Trứ.

Rạp Kim Châu – 15, 17 Nguyễn Thái Bình, quận 1.



Rạp Kim Châu nay là nhà hát cải lương Bông Sen.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Cách đó không xa là rạp Kim Châu trên đường Nguyễn Văn Sâm (nay là Nguyễn Thái Bình), góc Hàm Nghi, tương đối còn mới và chiếu phim cũng “xịn” lắm. Sau 1975, rạp Kim Châu còn hoạt động một thời gian, sau là sân khấu kịch của nghệ sĩ Hồng Vân, nay là nhà hát Bông Sen chuyên diễn cải lương.Tiếp tục đi về hướng cầu Ông Lãnh gần chợ Dân Sinh có rạp chiếu bóng nhỏ tên là Kim Đô.

Rạp Đại Nam - 79 Trần Hưng Đạo, quận 1.

Rạp Đại Nam xưa và nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Phim chiếu tại Đại Nam có cả phim Tàu (Đài Loan, Hồng Kông), nổi bật nhất là Mùa Thu Lá Bay với đôi trai tài gái sắc Đặng Quang Vinh và Chân Trân. Đó là thời tiểu thuyết của nữ văn sĩ Quỳnh Giao, ăn khách không kém truyện võ hiệp hấp dẫn của Kim Dung như Cô gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Lục đỉnh ký… Rạp Đại Nam nay trở thành khách sạn Đại Nam.

Rạp Long Thuận - 10 Trương Định, quận 1



Rạp Long Thuận nay là trụ sở 1 công ty thiết bị điện.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông

Tôi cá với các bạn vào coi phim ở rạp Long Thuận (ngang ga xe lửa Saigon phía đường Lê Lai) mà dám ngồi ghế đàng hoàng. Tại sao lọa vậy? Thưa vì đó là mật khu của rệp. Hổng biết chúng theo con đường nào mà tràn ngập rạp. Từ chân ghế, mặt ghế, thành ghế đến lưng ghế, chỗ nào tụi nó cũng đóng chốt hết. Muốn an toàn thì phải ngồi chồm hổm kiểu cán ngố vào nhà hàng, mà bố ai ngồi chồm hổm trong suốt 2 tiếng đồng hồ cho nổi. Thôi thì tránh rệp không xấu mặt nào vậy.

Rạp Long Phụng - 234 Lý Tự Trọng, quận 1


Rạp Long Phụng. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Nằm trên đường Gia Long (bây giờ là Lý Tự Trọng) là rạp “chuyên trị”dòng phim thần thoại ca-vũ-nhạc Ấn Độ. Thuở ấy mấy bà mấy cô thuộc lứa tuổi U.50, U.60 thường là khán giả “ruột” của rạp này với những phim được xuất xưởng từ Ấn Độ đưa sang. Nhiều người vẫn coi đi coi lại mãi những phim như: “Tình Chị Duyên Em”, “Hồn Người Xác Rắn”… Có thể Long Phụng chuyên về phim Ấn vì địa điểm của rạp rất gần với Chùa Chà Và trên đường Trương Công Định chăng? Nam tài tử Ấn Độ ăn khách nhất thời đó là Rama Rao, ông này sau thời 80-90 làm Thống đốc bang Pradesh thuộc miền Nam nước Ấn.


Rạp Kinh Đô - Lê Văn Duyệt

Năm 1960 rạp xi-nê Kinh Đô được xây mới trên đường Lê Văn Duyệt, chỗ nhìn sang Trụ sở Tổng liên đoàn Lao công Việt Nam. Rạp Kinh Đô mới khá hiện đại và đẹp. Máy chiếu phim và máy lạnh đều thuộc loại mới nhất. Khoảng năm 1961, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ mướn rạp Kinh Đô làm nơi chiếu phim cho nhân viên và gia đình làm việc ở Sài Gòn đến xem. Năm 1962 có 1 vụ nổ bom plastic trong rạp. Có thể nói đây là vụ đánh bom đầu tiên tại Sài Gòn. Sau vụ nổ, Tòa Đại sứ Hoa Kỳ không mướn rạp Kinh Đô nữa và rồi rạp này được phá đi, khu đất đó xây một tòa nhà là trụ sở USAID với nhiều tầng lầu.

Rạp Olympic
- 97 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1.




Rạp Olympic nay là trung tâm văn hóa TPHCM.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Trên đường Hồng Thập Tự, giữa đường Lê Văn Duyệt và ngã ba Bùi Chu, có rạp chiếu bóng lớn tên Olympic, thường chiếu các phim ca nhạc với các tài tử Holywood nổi danh như: Gene Kelly, Frank Sinatra, Fred Aster, Ginger Roger, Esther William, và ban nhạc mambo với ông nhạc trưởng lúc nào cũng có chú chó Chihuahua trong túi áo… Đến khoảng 1954 gánh hát Kim Chung di cư từ ngoài Bắc vào đóng đô tại đây một thời gian dài. Rạp Olympic sau 1975 đã trở vũ trường rồi hiện nay là Trung tâm Văn Hóa TPHCM. Đi về khu vực chợ Thái Bình có khá nhiều rạp.

Rạp Thanh Bình - 343 Phạm Ngũ Lão, quận 1.


Rạp Thanh Bình hiện nay là cao ốc International Plaza.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp Thanh Bình sau này sửa sang lại thật lịch sự. Khi sửa lại mang tên là rạp Quốc Tế. Đây là rạp mà tôi từng được xem bộ phim màn ảnh đại vĩ tuyến đầu tiên thời gian sau 1975, phim “Ta nói chuyện cùng, em nhé”. Và đây cũng là rạp mà bộ phim “Samson và nàng Dalilah” được nhà nước Cách mạng cho phép được chiếu lại như là một loại phim tư liệu. Dù là phim cũ thế nhưng phim cũng gây được cơn sốt vé khủng khiếp khi hàng nghìn người chen chúc nhau để mua cho được vé vào xem suốt thời gian công chiếu.

Rạp Khải Hoàn ngay góc Cống Quỳnh và Phạm Ngũ Lão




Rạp Khải Hoàn giờ là trung tâm điện máy. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp này thường chiếu phim Tây. Coi được nhưng kẹt cái thiếu máy lạnh, ai vào xem cũng cứ muốn… ‘yêu nhau cởi áo cho nhau’. Nơi đây thường hay chiếu những phim đặc dị như phim: “Cây Nhân Sinh”, “Con Quỷ Đường Nhà Xác”, “Dracula”… thường câu khách bằng việc treo bảng “Cấm trẻ em dưới 18 tuổi”. Rạp Khải Hoàn “chia” cho Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch, giờ đã trở thành trung tâm điện máy.

Rạp Quốc Thanh - 271 Nguyễn Trãi, quận 1.




Rạp Quốc Thanh hiện nay trở thành Trung tâm giải trí văn hóa Quốc Thanh.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Nằm đối diện Tổng Nha Cảnh sát Quốc gia. Rạp khá khang trang, sau trở thành sân khấu cải lương mà đoàn Dạ Lý Hương đóng đô thường trực.
Tân Định – Đakao
Rạp Asam Đakao- Đinh Tiên Hoàng, khu Đa Kao

Rạp này đã dẹp quá lâu rồi, ít ra là vào khoảng từ giữa đến cuối thập niên 50. Rạp nằm trong một hẻm nhỏ trên đường Đinh Tiên Hoàng gần góc đường Phan Thanh Giản. Gần đó có tiệm mì Cây Nhãn nổi tiếng một thời. Trường hợp rạp xưa, cổ lỗ, không có khách cũng xẩy ra với rạp xi-nê Asam ở Dakao nằm trên đường Ðinh Tiên Hoàng gần Mì cây Nhãn. Nếu từ Casino Dakao đi lại thì rạp Asam nằm bên lề phải, còn Mì Cây Nhãn nằm xéo bên lề trái. Vào khoảng năm 1965 rạp Asam cũng bị phá đi và cũng lại xây chung cư.

Rạp Casino Đakao




Rạp Casino Đakao xưa và nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Nay đổi tên là rạp Cầu Bông, ở vòng cung đường Đinh Tiên Hoàng chạy tới Cầu Bông thuộc phạm vi quận Bình Thạnh.

Rạp Văn Hoa Đakao - đường Trần Quang Khải



Rạp Kinh Đô & Kinh Thành ngày nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Chỉ cách nhau chưa đầy ba phút đi bộ, mà khu Tân Định có đến hai rạp ciné. Bên hông chợ là Tân Định là rạp Mô-Đẹc và mặt trước của chợ là rạp Kinh Thành. Hai rạp bình dân này thay phiên nhau chiếu phim Ấn Độ và phim cao bồi. Để thay đổi không khí, thỉnh thoảng lại mời các gánh cải lương hay Hồ Quảng về trình diễn, làm nghẽn cứng cả xe cộ lưu thông vào những giờ sắp mở màn hay vãn hát.

Việt Long – 19 Cao Thắng, quận 3

Khu vực Bàn Cờ, đi dài theo đường Cao Thắng, bạn có thể vào coi rạp Việt Long (còn gọi là rạp Capitol) ngay ngã ba với Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần) cũng thuộc loại khá. Rạp từng chiếu phim The French Connection do diễn viên Michale Caines đóng. Năm 1964, rạp bị đánh bom. Năm 1970, đổi tên thành Thăng Long và tồn tại đến ngày 16/03/2012 bị phát hỏa do bất cẩn của các thợ hàn trong quá trình sữa chữa rạp. Hiện rạp đang được lên kế hoạch xây mới hoàn toàn.

Nam Quang – 147 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3



Rạp Nam Quang hiện nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Nếu đi về hướng Trần Quí Cáp (nay là Võ Văn Tần) sẽ gặp rạp Nam Quang nằm ngay góc với đường Lê Văn Duyệt (nay là CMT8), chéo góc với chợ Đũi. Rạp thuộc loại bình dân.

Đại Đồng (Sài Gòn) – 130 Cao Thắng, quận 3

Rạp Đại Đồng hiện nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Nếu đi tiếp trên đường Cao Thắng sẽ thấy rạp nhỏ mang tên Đại Đồng, chuyên chiếu phim cũ nhưng khá chọn lọc, giá cả thật nhẹ nhàng, địa điểm rất thuận tiện. Hơn nữa, gần rạp này còn có nhiều quán ăn bình dân như bò viên, bò bía nên khi tan xuất hát có thể ghé vào đây kiếm món gì đó cho ấm bụng. Xin nhắc các đấng mày râu, hẻm Đại Đồng còn có khu ‘chị em ta’ nên có thể… một công đôi việc!

Long Vân – 643 Điện Biên Phủ, quận 3



Rạp Long Vân xưa và nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Quẹo qua đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) về hướng ngã bảy, nơi tọa lạc rạp Long Vân thuộc loại kha khá. Rạp lúc nào cũng đông khán giả, chắc nhờ ở ngay trung tâm nhân mãn của Saigon: cư xá Bàn Cờ, cư xá Đô Thành, chung cư Minh Mạng.

Rạp Thanh Vân – 360A CMT8, quận 3


Rạp Thanh Vân ngày nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Trên đường Lê Văn Duyệt ngoài hai rạp Kinh Đô và Nam Quang ở vùng Sài Gòn thì đi lên Tân Bình còn có rạp Thanh Vân. Sau 1975, rạp hát Thanh Vân vẫn còn hoạt động một thời gian, sau đó không hoạt động nữa và mặt bằng được cho thuê. Sau đó vài năm được nghệ sĩ Phước Sang đã thuê và mở lại thành rạp chiếu phim Thanh Vân như xưa. Nhưng rạp hát chỉ chiếu phim do chính Phước Sang sản xuất, hầu như chỉ thu hút khách vào dịp Tết Nguyên Đán, còn trong năm thì khá vắng. Rạp Thanh Vân hiện nay là Nhà hát giao hưởng vũ kịch thành phố.

Rạp Minh Châu - Lê Văn Sỹ, quận 3


Vị trí rạp Minh Châu ngày nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp Minh Châu nằm trên đường Trương Minh Ký (nay Lê Văn Sỹ), gần nhà thờ Nam Vườn Xoài. Thập niên 60 rạp hát Minh Châu tên là Văn Lang, đóng cửa một thời gian dài, sau đó mở lại lấy tên mới là Minh Châu.

Mỹ Đô – góc Trần Nhân Tôn và Vĩnh Viễn, quận 10



Rạp Mỹ Đô ngày nay là rạp chiếu bóng Vườn Lài.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Khu quận 10 gần ngã bảy, đường Vĩnh Viễn là rạp Thành Chung (Vườn Lài) mà khán giả vào xem có cái “thú đau thương” là nếu trời nóng thì tắm hơi, còn trời mưa thì tắm nước từ nóc rạp dột xuống.

Hùng Vương -286 Lê Hồng Phong, quận 10


Rạp Hùng Vương hiện nay là Hãng Phim Trẻ. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Kha Lạc - 200 Nguyễn Tri Phương, quận 10


Rạp Kha Lạc nay là khách sạn. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp Kha Lạc chuyên chiếu phim Tàu. Thập niên 60 thì bị đập và chuyển thành nhà ở.

Chợ Lớn

Từ Sài Gòn đi trên đường Trần Hưng Đạo và Đồng Khánh (nay là Trần Hưng Đạo B) về phía Chợ Lớn sẽ bắt gặp rất nhiều rạp. Vì những rạp này nằm giữa khu Sài Gòn và Chợ Lớn nên chiếu cả phim Tây lẫn phim Tàu.
Oscar
Rạp cũng thuộc loại khá.

Hàn : khi xưa gia tôi ở không xa hai rạp Oscar và Palace. Oscar còn được gọi là Opéra theo trí nhớ của tôi trên đường Trần Hưng Đạo.

Palace – 890 Trần Hưng Đạo B, quận 5


Rạp Palace ngày nay là rạp Đống Đa. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Chuyên chiếu phim Pháp-Mỹ “nước ba, nước bốn”. Về sau, các rạp này chuyển sang chiếu phim quyền cước Hong Kong cũ.

Lido – Trần Hưng Đạo B, quận 5

Rạp Lido bị đập khá lâu và hiện nay là bãi giữ xe. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp này có một lịch sử khá ly kỳ. Rạp nằm trong vùng Chợ Lớn cạnh Đại Thế Giới cũ chuyên chiếu phim Âu Mỹ trong khi các rạp chung quanh đều chiếu phim Tàu. Đến cuối thập niên 60, rạp ngưng hoạt động để cho Mỹ mướn làm khu cư trú và câu lạc bộ. Sau năm 1975, rạp hoạt động chiếu phim trở lại và chỉ mới gần đây, rạp đã bị đập phá ra để nhường chỗ cho một công trình xây dựng nhà cao tầng hay gì đó.

Hào Huê



Rạp Hào Huê sai 1975 đổi tên là rạp Nhân Dân. Hiện nay bỏ không và bán cafe ở tầng trệt.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Lệ Thanh A – 25 Phan Phú Tiên, quận 5


Rạp Lệ Thanh A hiện nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp khá sang trọng. Chuyên chiếu phim tình cảm Đài Loan mới nhập vào Sài Gòn. Trong đó, phim kinh điển Mùa thu lá bay thu hút đông đảo khán giả. Rạp Lệ Thanh A hiện nay là địa điểm tập trung của nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như: Trung tâm năng khiếu múa Lệ Thanh, đoàn kịch TPHCM, câu lạc bộ khiêu vũ.

Tân Việt – 252 Trần Hưng Đạo B, quận 5



Rạp Tân Việt ngày nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Chuyên chiếu phim Pháp-Mỹ “nước ba, nước bốn”. Về sau, các rạp này chuyển sang chiếu phim quyền cước Hong Kong cũ.

Hoàng Cung – Triệu Quang Phục



Rạp Hoàng Cung ngày nay là Cơ sở 2 Trung tâm văn hóa quận 5.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp này thuộc loại “hạng bét” chuyên chiếu phim kiếm hiệp cũ mèm.

Samtor - 153, 161 Lương Nhữ Học, quận 5


Rạp Samtor nay là cao ốc Sao Mai. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Còn rạp mạt hạng Samtor trên đường Triệu Quang Phục chuyên chiếu phim kiếm hiệp “nát nước” tệ hơn. Đã đập trước 75.

Đại Quang – 63, 65 Châu Văn Liêm

Chuyên chiếu “nước nhất” phim quyền cước mới nhập từ hãng SB (Shaw Brother) và Gia Hòa bên Hong Kong. Giá vé xem phim mới mắc mỏ.



Rạp Đại Quang nay là rạp Cinema 3B. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Victory Lê Ngọc – 102 Châu Văn Liêm, quận 5



Rạp Victory Lê Ngọc trước và sau 1975. Ảnh: Internet


Cùng với rạp Đại Quang. Rạp Lê Ngọc chuyên chiếu “nước nhất” phim quyền cước mới nhập từ hãng SB (Shaw Brother) và Gia Hòa bên Hong Kong. Giá vé xem phim mới mắc mỏ nhưng được cái tương đối sạch sẽ và có chút trật tự.

Năm 1973, rạp Lê Ngọc chiếu ra mắt phim Đường Sơn đại huynh với ngôi sao Lý Tiểu Long đóng vai chính. Khán giả ùn ùn tới rạp, mua vé xem từng suất phim trình diễn võ nghệ Lý Tiểu Long. Kế tiếp, rạp Lê Ngọc công chiếu các phim Tinh võ môn, Mãnh long quá giang, Long tranh hổ đấu, Trò chơi sinh tử đều do Lý Tiểu Long thủ diễn vai chính. Phim nào cũng gây tiếng vang lớn. Ăn khách mạnh. Lý Tiểu Long trở thành hiện tượng điện ảnh trong lòng người hâm mộ Sài Gòn – Chợ Lớn. Rạp Victory Lê Ngọc sau 1975 đổi tên là rạp Toàn Thắng và tiếp tục chiếu phim. Hiện nay đã bị đập.

Phi Long – 59, 61 Xóm Củi, quận 8



Rạp Phi Long nay là nhà sách Lý Thái Tổ thuộc công ty Fahasa.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Khu vực Xóm Củi có rạp Phi Long thuộc loại bình dân học vụ chuyên chiếu phim đánh kiếm, ca múa, phép thuật Ấn Độ. Tuy nhiên tôi thích nhất cái màn xe ngựa uýnh trống tùng xình quảng cáo, 2 bên thành xe gắn 2 tấm paneau bành ky vẽ những cảnh action của phim đang trình chiếu. Xe chạy khắp phố phường, ngựa phi nhịp nhàng theo tiếng trống trong khi đám con nít rượt theo 2 bên xe hò hét vang trời để xin cho được tờ program đủ màu xanh đỏ trắng vàng.

Đô Thành – bên hông chợ Kim Biên


Rạp Đô Thành ngày nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Khu vực cầu Ba Cẳng có rạp hát Đô Thành chuyên chiếu phim quyền cước mới.

Hồng Liên – 259 Hậu Giang, quận 6



Rạp Hồng Liên nay là trung tâm giải trí Hồng Liên.
Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp ban đầu tên là rạp Tân Lạc, khoảng thập niên 60 đổi tên là Hồng Liên. Rạp Hồng Liên chuyên chiếu “nước ba, nước bốn” phim quyền cước Hong Kong. Rạp này chuyên chiếu phim Tàu chuyển âm tiếng Việt. Đặc biệt của rạp này là rất nhiều con nít được người lớn dắt theo

Tân Bình – 146 Minh Phụng, quận 6



Rạp Tân Bình hiện nay là nhà sách Cây Gõ thuộc công ty Fahasa. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp Tân Bình chuyên chiếu phim Ấn Độ nói tiếng Việt, có nam nữ tài tử xinh đẹp. Nam tài tử đánh kiếm, hóa phép như thần, nữ tài tử vừa múa vừa hát bằng giọng của nữ nghệ sĩ sầu não Út Bạch Lan. Mỗi khi rạp Tân Bình có phim Ấn Độ mới như “Sữa rừng thay sữa mẹ”, “Tarzan về thành” vừa có ca vũ nhạc Ấn Độ, lại có nữ tài tử Ấn Độ hát 6 câu vọng cổ bằng giọng Út Bạch Lan. Phải ghi nhận sáng kiến của công ty chuyển âm Mỹ Phương. Rạp Tân Bình sau này đổi tên thành rạp Cây Gõ chuyên diễn cải lương. Khi thời cực thịnh của cải lương đã qua và đi vào thoái trào, rạp chuyển đổi công năng và hiện nay là nhà sách Cây Gõ thuộc công ty Fahasa.

Hương Bình
– Bình Tiên



Rạp Hương Bình bị bỏ hoang khá lâu sau 1975. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Còn rạp hạng bét Hương Bình chỉ chiếu phim “nát nước” quyền cước Hong Kong.

Quốc Thái – 1557 Ba Tháng Hai, quận 11



Rạp Quốc Thái hiện nay cũng đang bị đập. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Quận 11 có rạp hát bình dân Quốc Thái chuyên chiếu phim Pháp-Mỹ cũ mèm.

GIA ĐỊNH
Văn Cầm (Phú Nhuận) - 222, 224 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận


Rạp Văn Cầm xưa và nay. Ảnh: Internet & Hòn Ngọc Viễn Đông


Qua khỏi Tân Định là đến Phú Nhuận, trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) đi về hướng Gò Vấp, bên tay phải là rạp Văn Cầm. Đây là rạp nhỏ nhưng để cạnh tranh khoảng đầu năm 1970 được sửa lại có máy lạnh.

Cẩm Vân – 287 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận



Rạp Cẩm Vân hiện nay là chi nhánh của trường CĐKTĐN. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Đi thêm một chút bên tay trái gần ngã ba Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) là rạp Cẩm Vân. Rạp Cẩm Vân có lẽ ngưng hoạt động từ sau 1975 và nay là cơ sở của trường Cao đẳng Kinh tế Đối Ngoại.

Cao Đồng Hưng – 475 Bạch Đằng, quận Bình Thạnh



Rạp Cao Đồng Hưng xưa và nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Nếu xuôi về hướng Gia Định theo đường Chi Lăng (nay là Phan Đăng Lưu) tới Lăng Ông sát bên chợ Bà Chiểu là rạp Cao Đồng Hưng. Sau 75 là rạp Gia Định, nay là nhà sách Thiêu Nhi thuộc công ty FAHASA.

Đại Đồng (Gia Định)



Rạp Đại Đồng (Gia Định) ngày nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Lạc Xuân - 220 Nguyễn Văn Nghi, quận Gò Vấp



Rạp Lạc Xuân nay là nhà sách Lạc Xuân. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp Lạc Xuân nằm trên đường Gia Long (nay là Nguyễn Văn Nghi). Rạp chiếu toàn phim cũ và cái projecteur chắc của Tây để lại nên phim cứ sọc rằn làm nhức mắt người xem.

Đông Nhì – 524, 526 Lê Quang Định, quận Gò Vấp



Rạp Đông Nhì ngày nay là 1 shop thời trang. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp Đại Lợi – 91b2 Phạm Văn Hai, quận Tân Bình



Rạp Đại Lợi hiện nay là trung tâm mua sắm giải trí Unique. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Rạp Đại Lợi nằm trên đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai) sát chợ Ông Tạ.

Rạp Tân Mỹ – 2/3 Trần Xuân Soạn, quận 7



Rạp Tân Mỹ ngày nay. Ảnh: Hòn Ngọc Viễn Đông


Chiếu phim một thời gian rồi chuyển qua diễn cải lương. Sau trở thành cơ sở của một xí nghiệp đông lạnh. Hiện nay đã bị đập và bỏ hoang thời gian dài.
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này