Xem riêng 01 Bài
  #1029  
Cũ 27-01-2016, 07:44
thehung's Avatar
thehung thehung vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 03-12-2007
Bài Viết : 532
Cảm ơn: 1,756
Đã được cảm ơn 2,562 lần trong 572 Bài
Mặc định

HỒ LÃNG BẠC -XUÂN TÙNG

https://www.youtube.com/watch?v=Vh2RV6zdgls

Name:  ho lang bac.jpg
Views: 713
Size:  68.4 KB

Name:  ho lang bac 1.jpg
Views: 721
Size:  60.6 KB

Name:  ho lang bac 2.jpg
Views: 698
Size:  58.8 KB

Name:  ho lang bac 3.jpg
Views: 695
Size:  93.5 KB


Hồ Lãng Bạc Có Phải Là Hồ Tây Không?
Minh Vũ Hồ Văn Châm
Posted on Tháng Tư 27, 2011
Hồ Lãng Bạc Có Phải Là Hồ Tây Không? Minh Vũ Hồ Văn Châm



Người Việt Nam có học, và ít nhiều quan tâm tới lịch sử nước nhà, không mấy ai lại không biết Hồ Lãng Bạc là nơi Hai Bà Trưng đánh nhau với Mã Viện. Nhưng Hồ Lãng Bạc ở đâu thì từ trước đến nay, rất hiếm người đặt vấn đề để tìm hiểu thêm, ngõ hầu xác định vị trí đích thực của địa danh lịch sử nổi tiếng đó.

Thư tịch cũ của ta đều nói rằng Hồ Lãng Bạc là Hồ Tây ở Hà Nội. Mãi đến gần đây, nhiều nhà biên khảo vẫn còn viết rằng Hồ Tây còn có tên là Hồ Lãng Bạc. Họ trích dẫn thi ca của các nhà nho ngày trước :

Phan Mạnh Danh :

Hồ Lãng Bạc, đất Long Thành,

So cùng Bành Lãi, Động Đình kém đâu.

Cuộc đời nay bể mai dâu,

Mà hồ kia vẫn còn sâu mấy trùng.

Bốn bề khói nước mênh mông,

Đôi bên sông Nhị, non Nùng bao la.

Hoàng Cao Khải :

Tượng đá trời Nam trải tuyết sương,

Nghìn năm công đức nhớ Trưng Vương.

Tham tàn trách bởi quân gây biến,

Oanh liệt khen cho gái dị thường.

Liều với non sông hai má phấn,

Cùng nhau nòi giống một da vàng.

Cột đồng Đông Hán tìm đâu thấy?

Chỉ thấy Tây Hồ bóng nước gương.

Lê Ngô Cát :

Chị em nặng một lời nguyền,

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân.

Ngàn tây nổi áng phong trần

Ầm ầm binh mã tiến gần Long Biên.

Uy danh động đến Bắc phương,

Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.

Hồ Tây đua sức vẫy vùng,

Nữ nhi sánh với anh hùng được nao!

Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo,

Chị em thất thế phải liều với sông.

Sự thực như thế nào? Hồ Lãng Bạc có phải là Hồ Tây hay không? Mà Hồ Lãng Bạc có thể nào là Hồ Tây được không? Nếu Hồ Lãng Bạc không phải là Hồ Tây thì Hồ Lãng Bạc ở đâu?

Sách Hậu Hán Thư của Trung Quốc chép rằng về đầu đời Đông Hán, quận Giao Chỉ làm phản, vua Hán Quang Vũ sai Phục Ba Tướng Quân Mã Viện mang quân sang đánh dẹp. Mã Viện đem quân vào Giao Chỉ theo đường bộ qua Quỷ Môn quan, đến Lãng Bạc thì gặp sự kháng cự mãnh liệt của nghĩa quân Hai Bà Trưng. Sách Hậu Hán Thư chép rằng quân hai bên chống nhau ở Lãng Bạc dằng co cả năm trời, khiến Mã Viện lo lắng buồn phiền, nhớ tới lời khuyên của em trai là Thiếu Du ngày trước khuyên Mã Viện không nên xông pha gian khổ, cứ ở nhà cho nhàn nhã tấm thân, và Mã Viện đã cười mà trả lời em rằng:”Làm tài trai phải xông pha nơi chiến trận, lấy da ngựa bọc thây, chứ sao lại ru rú ở xó nhà để chịu chết trong cánh tay đàn bà”. Nay việc quân không lợi, Mã Viện lo lắng buồn phiền, ngày ngày nhìn đàn cò bay là là trên mặt nước hồ mà đôi lúc thấy hối hận đã không nghe lời em.

Sách Tàu chỉ nói vắn tắt có vậy, rằng hai bên đã đánh nhau dằng co và quyết liệt ở vùng Hồ Lãng Bạc. Kịp đến lúc nước ta dựng nền tự chủ, quốc thống được xây dựng lùi về mấy thiên niên kỷ, rồi Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ra đời mở đường cho các sách sử đời sau nhấn mạnh đến nguồn gốc Tiên Rồng, thì Hồ Lãng Bạc nói trong Hậu Hán Thư bỗng dưng trở thành Hồ Tây trong thư tịch của ta. Nguyên do là vì các nhà viết sử mở đường, thảng hoặc phạm sai sót như khi chép y nguyên truyền thuyết nói rằng Họ Hồng Bàng làm vua được hai nghìn năm, truyền được 18 đời*, thành thử có điều không hợp lý là bình quân mỗi đời vua kéo dài đến 130 năm; cũng như không chịu khổ công suy nghĩ, không chịu nghiên cứu thực địa, nên khi dẫn chứng thư tịch Trung Quốc, thấy sách Tàu chép hai bên đánh nhau ở vùng Hồ Lãng Bạc, nhìn trước nhìn sau chẳng thấy cái hồ nào rộng lớn ngoài cái Hồ Tây ngay sát kinh thành, đã vội vàng suy diễn một cách võ đoán rằng Hồ Lãng Bạc nói trong Hậu Hán Thư chính là Hồ Tây. Và cứ thế, cứ thế, người này trích dẫn thơ văn trước tác của người kia, hết lớp cựu học đến lớp tây học, cái lầm của một người trở thành cái lầm của nhiều người, rồi vì lẽ không ai chịu khó suy nghĩ đặt lại vấn đề, nên rút cục mọi người đã tin vào một đìều không đúng sự thực là “Hồ Tây còn có tên là Hồ Lãng Bạc”.

Tận tín thư bất như vô thư, mù quáng tin vào sách thì thà không có sách còn hơn. Nay ta hãy gột bỏ cái tinh thần trích cú tầm chương cố hữu, mà hãy tĩnh táo lấy con mắt của người phân tích tình hình quân sự để phác họa đường lối công thủ của cả hai phe, phe xâm lược Mã Viện và phe kháng chiến Hai Bà Trưng, để xác định trận đánh dằng co và quyết liệt ở vùng Hồ Lãng Bạc nói trong Hậu Hán Thư có thể xẩy ra ở vùng Hồ Tây Hà Nội ngày nay được hay không.

Điều đáng lưu ý là cho đến đời Đông Hán, phủ lỵ của quận Giao Chỉ là Luy Lâu, sau đổi tên thành Long Uyên hoặc Long Biên, ở vùng Bắc Ninh ngày nay, tức là ở bờ bắc sông Nhĩ Hà. Về sau này, hết đời Đông Hán, trải qua các triều đại Đông Ngô, Tấn, Nam Bắc Triều, Giao Chỉ Bộ đổi thành Giao Châu, rồi Giao Châu chia thành Giao Châu và Quảng Châu, phủ lỵ quận Giao Chỉ vẫn ở bên bờ bắc sông Nhĩ Hà. Đến đời Tùy, vào năm 607, phủ lỵ quận Giao Chỉ mới dời qua bờ nam sông Nhĩ Hà, ở vùng Hà Nội ngày nay, và gọi là Tống Bình. Về sau, nhà Đường đổi Tống Bình thành Đại La. Vậy, vào thời điểm Hai Bà Trưng khởi nghĩa, bản doanh của Thái Thú Tô Định là Long Biên, ở Thuận Thành, vùng Bắc Ninh ngày nay, nằm trên phần đất phía bắc sông Hồng. Hai Bà Trưng dấy nghĩa ở quê nhà là Mê Linh; sau khi đánh đuổi Tô Định, thu dụng các thủ lĩnh nghĩa quân Cửu Chân và Hợp Phố, Hai Bà đóng đô ở Phong Châu, thuộc vùng Phú Thọ ngày nay, cũng nằm trên phần đất phía bắc sông Hồng.

Như vậy, chiến tranh nổi dậy đánh đuổi Tô Định, từ điểm xuất phát cho tới lúc thành công, là hoàn toàn đã xẩy ra ở bờ bắc sông Hồng. Còn chiến tranh chống cự Mã Viện thì sao? Đặc biệt là trận đánh quyết định ở Hồ Lãng Bạc nói trong Hậu Hán Thư, trận đánh này đã xẩy ra ở đâu, có thể nào ở trên phần đất bờ nam sông Hồng được không?

Ta hãy bắt đầu bằng việc phân tích chiến lược tiến công của Mã Viện. Quân Mã Viện là quân đi bộ (bộ binh) và quân cưỡi ngựa (kỵ binh), tiến vào Giao Chỉ qua ngã Quỷ Môn quan. Mục tiêu tiến công là Long Biên (Bắc Ninh) và Phong Châu (Phú Thọ). Chiếm đóng được Long Biên là phủ lỵ quận Giao Chỉ, và Phong Châu là căn cứ chủ yếu của nghĩa quân, là việc bình định xem như căn bản đã hoàn tất. Quân nổi dậy ở Hợp Phố, ở Cửu Chân tự nhiên sẽ tan rã. Như vậy, đường tiến quân của Mã Viện lúc đầu là con đường từ biên giới Hoa-Việt men sông Kỳ Cùng để vào vùng Lạng Sơn, rồi theo lưu vực sông Thương, sông Cầu, xuyên qua Bắc Cạn, Bắc Giang, Thái Nguyên để đến Bắc Ninh và Vĩnh Phú. Mã Viện không có thủy quân nên ngoài con đường nói trên không còn có con đường tiến quân nào khác. Mã Viện không có phương tiện để tiến công Long Biên và Phong Châu từ phía đông, cũng như không thể nào có khả năng đánh vu hồi bằng cách đổ quân vào mạn nam sông Hồng để tiến ngược lên phía bắc. Nói tóm lại, Mã Viện đã tiến hành chiến dịch bình định nghĩa quân Hai Bà Trưng hoàn toàn ở phần đất phía bắc sông Hồng. Mãi sau khi thắng trận Cấm Khê (vùng Vĩnh Phú ngày nay), cơ bản nghiền nát cuộc kháng chiến của nghĩa quân, và thủ lĩnh nghĩa quân là Hai Bà Trưng đã bị bắt giết, Mã Viện mới đem quân vượt sông Hồng sang bờ nam để tiến vào bình định Cửu Chân. Trên phần đất phía nam sông Hồng đã không xẩy ra chiến trận nào đáng kể ngoại trừ trận đánh tại huyện Cư Phong ở tít tận trong vùng Thanh Hóa ngày nay. Sử chép rằng Hợp Phố không đánh đã hàng nên sau trận Cư Phong, việc bình định phiến loạn ở Lĩnh Nam xem như hoàn tất, Mã Viện quay binh trở về**.

Về phía Hai Bà Trưng, sau khi đánh đuổi Thái Thú Tô Định chạy khỏi Long Biên và thu phục bốn mươi lăm thành, từ Hợp Phố đến Cửu Chân, Hai Bà lên ngôi vua, đóng đô ở Phong Châu. Lãnh thổ dưới quyền cai trị của Hai Bà là vùng Bắc Việt ngày nay, phía bắc bao gồm cả Nam Quảng Đông, phía nam vào tận Thanh Hóa. Tuy nhiên, ta cần lưu ý là chính quyền của Hai Bà không phải là chế độ trung ương tập quyền, và bốn mươi lăm thành dưới quyền cai trị của Hai Bà thực ra chỉ là bốn mươi lăm điểm thị tứ; tại mỗi điểm thị tứ ấy, dân chúng quần tụ dưới quyền của một Lạc Hầu. Thực vậy, chính quyền đô hộ cho tới đầu đời Đông Hán là chế độ “ki mi”, tức là vẫn còn Lạc Hầu trực tiếp cai trị dân, làm trung gian giữa dân và chính quyền đô hộ. Kịp đến lúc Hai Bà Trưng lên làm vua, các Lạc Hầu thủ lãnh của bốn mươi lăm thành lại tiếp tục làm trung gian giữa dân và chính quyền nổi dậy. Nay Mã Viện theo lệnh vua Hán kéo quân sang, để chống cự lại, Hai Bà trước hết phải trông cậy vào quân bản bộ Phong Châu, hiện một phần đang trấn thủ kinh đô, một phần đang chiếm đóng phủ thành đô hộ. Như vậy, hai cứ điểm quân sự trọng yếu của nghĩa quân Hai Bà lúc bấy giờ là Phong Châu và Long Biên, hoàn toàn ở bờ bắc sông Hồng. Quân Mã Viện từ biên giới phía bắc tràn xuống, Hai Bà đương nhiên phải đưa quân lên phía bắc đón đánh. Không thể có một lý do gì lúc bấy giờ khiến Hai Bà lại đưa quân xuống phía nam, vượt qua sông Hồng để dàn trận phòng ngự ở vùng Hồ Tây.

Việc phân tích chiến lược tiến công của quân Mã Viện cũng như chiến lược phòng ngự của nghĩa quân Hai Bà Trưng đã cho thấy rõ là chiến tranh giữa hai bên hoàn toàn xẩy ra ở mạn bắc sông Hồng. Trận đánh quyết định ở vùng Hồ Lãng Bạc nói trong sách Hậu Hán Thư của Trung Quốc, như vậy là đã xẩy ra trong phần đất phía bắc sông Hồng. Nói một cách khác, Hồ Lãng Bạc có vị trí địa lý đích thực là ở phía bắc sông Hồng, và như vậy, Hồ Lãng Bạc không thể nào lại là Hồ Tây ở Hà Nội có vị trí địa lý ở bờ nam sông Hồng. Tóm lại, Hồ Lãng Bạc trong Hậu Hán Thư không phải là Hồ Tây ngày nay ở Hà Nội. Và Hồ Tây ngày nay càng không thể vào thời Trưng Vương còn có tên là Hồ Lãng Bạc.

Vậy thì Hồ Lãng Bạc ở đâu?

Hậu Hán Thư đã ghi rõ là quân tiến công của Mã Viện gặp phải sự chống trả quyết liệt của nghĩa quân Hai Bà Trưng tại vùng Hồ Lãng Bạc. Hai bên dằng co bất phân thắng phụ gần cả năm trời, khiến cho viên tư lệnh bách chiến Phục Ba Tướng Quân của Đông Hán phải lo lắng buồn phiền. Như vậy, trận Hồ Lãng Bạc đã xẩy ra khi nghĩa quân của Hai Bà Trưng còn đầy đủ thực lực, quân Mã Viện chỉ mới phạm vào bờ cõi Giao Chỉ, chưa tiến sâu vào nội địa, chưa chiếm đóng được Long Biên và Phong Châu. Từ đó, ta có thể rút ra hệ luận là Hồ Lãng Bạc phải nằm trên đường tiến quân của Mã Viện, khởi đầu từ vùng phân ranh Hợp Phố với Giao Chỉ, tức là biên giới Hoa-Việt ở vùng ven biển ngày nay, hướng đến các mục tiêu chủ yếu là Long Biên, phủ lỵ quận Giao Chỉ, tức là Bắc Ninh ngày nay, và Phong Châu, kinh đô của Hai Bà Trưng, tức là Phú Thọ ngày nay. Đối chiếu với bản đồ miền bắc nước ta, đường tiến quân của Mã Viện ngày ấy chạy dài qua địa phận các vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phú, theo dọc lưu vực sông Thương, sông Cầu, và miền phụ cận. Và Hồ Lãng Bạc nói trong sách Hậu Hán Thư của Trung Quốc, nơi xẩy ra trận đánh quyết liệt giữa quân xâm lược Mã Viện và nghĩa quân Hai Bà Trưng ngày ấy, là một trong những cái hồ nằm dọc đường tiến quân của Mã Viện, tại miền Việt Bắc nước ta. Tất nhiên là lúc nào cũng cần phải có thêm các cuộc nghiên cứu thực địa bổ túc để khẳng định các thành quả nghiên cứu lý luận. Nhưng ngay từ bây giờ, ta đã có thể dứt bỏ sự nhận định sai lạc bấy lâu về vị trí của địa danh lịch sử này để tránh cho lớp người đi sau khỏi phải lầm lạc tin vào một điều không đúng sự thực.

Tóm lại, Hồ Lãng Bạc nói trong Hậu Hán Thư không phải là Hồ Tây ở Hà Nội mà ở trên miền Việt Bắc nước ta.

Ottawa, tháng mười năm 1996

Minh Vũ Hồ Văn Châm

Chú giải:

* Về truyền thuyết Tiên Rồng, cần tiếp thụ chính xác và diễn giải hợp lý hơn; phải nói rằng Kỷ nguyên Hồng Bàng (thay vì nói Họ Hồng Bàng) kéo dài hai nghìn năm, có đến 18 triều đại (hoặc 18 thị tộc) tiếp nối nhau làm vua (thay vì nói truyền được 18 đời).

** Theo Bình nguyên Lộc thì sau trận Cư Phong, Mã Viện đã bí mật đưa quân xuống sâu phía nam, vào tận huyện Tượng Lâm, lập đồn binh ở chân núi mặt nam Hải Vân ngày nay để thu mua chu sa, chở về bắc cho triều đình Đông Hán luyện vàng. Việc buôn bán này phát sinh những khoản lợi nhuận khổng lồ nên sử Tàu có nói đến chuyện một viên quan tại triều tình nguyện giã từ kinh đô Lạc Dương để làm biện lại trông nom thương điếm biên ải heo hút này.
__________________
TRƯƠNG THẾ HÙNG

138/9 Nguyễn Trãi ,Phường 3, Quận 5 TP HCM (Hộp thư 378 Không còn sử dụng )
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
7 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn thehung vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
canhhoathoiloan (29-01-2016), dreamer83 (27-01-2016), HanParis (01-02-2016), huuhuetran (27-01-2016), kvd (27-01-2016), Si Nguyen (30-01-2016), vothuyettham (27-01-2016)