Xem riêng 01 Bài
  #1  
Cũ 05-11-2021, 23:49
*VietStamp*'s Avatar
*VietStamp* *VietStamp* vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
THÀNH VIÊN ĐẦU TIÊN
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: VIET STAMP - Hồ Chí Minh city - Việt Nam
Bài Viết : 987
Cảm ơn: 3,238
Đã được cảm ơn 3,540 lần trong 732 Bài
Mặc định Ba báu vật của giới sưu tập mới được đấu giá

Vừa qua, thế giới xôn xao về sự kiện ngày 08-06-2021, hãng Sotheby ở New York (Mỹ) tổ chức đấu giá thành công 3 báu vật thuộc sở hữu của nhà thiết kế thời trang đồng thời là nhà sưu tập nổi tiếng thế giới Stuart Weitzman.

1. Đồng tiền vàng “Double Eagle 1933”của Mỹ

Đây là 1 trong 445.500 đồng tiền vàng được đúc dập tại Mỹ năm 1933 với các chỉ tiêu kỹ thuật như: Mệnh giá 20 USD; đường kính 34,1 mm; dày 2mm; trọng lượng 30,431 g (90% vàng, 10% đồng).

Đáng tiếc là đồng tiền chưa kịp chính thức được đưa vào lưu thông đã được lệnh phải hủy bỏ bằng cách nấu chảy vào năm 1937.

Lý do là vào năm 1933, trong nỗ lực chấm dứt cuộc khủng hoảng ngân hàng (những năm 1930), Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã ban hành Sắc lệnh Hành pháp 6102, trong đó có điều khoản: Tất cả mọi người phải nộp các đồng tiền vàng, vàng thỏi, chứng chỉ vàng… vào Ngân hàng Dự trữ Liên bang hoặc các chi nhánh, trước ngày 01-05-1933, trừ một số trường hợp cụ thể do Chính phủ quy định. Quốc hội Mỹ cũng thông qua Đạo luật Dự trữ Vàng vào năm 1934, cấm lưu hành và sở hữu tư nhân các đồng tiền vàng để lưu thông trên thị trường, trừ mục đích sưu tầm.

Tuy nhiên, một số đồng đã không bị nấu chảy ở thời điểm đó. Số là, ngoài 2 đồng nằm trong “Bộ Sưu tập Quốc gia về tiền xu của Mỹ”, còn có 20 đồng đã bị đánh cắp, sau đó rơi vào tay những người sưu tập. Năm 1940, 9 trong số những đồng xu này bị chính phủ phát hiện, tịch thu và tiêu hủy, 10 đồng được chuyển giao vào kho của Cục Dự trữ vàng Quốc gia Mỹ (Fort Knox), chỉ có 1 đồng duy nhất thuộc sở hữu tư nhân được bán cho nhà sưu tập tư nhân Stuart Weitzman vào năm 2002 với giá 7,59 triệu USD (tương đương 11,4 USD vào năm 2021). Tất cả điều này đã khiến cho đồng 20 USD Double Eagle 1933 trở thành một trong những đồng xu hiếm nhất thế giới.

Name:  usa-1933-double-eagle-coin.jpg
Views: 723
Size:  55.4 KB

Mức giá dự kiến ban đầu của đồng tiền “Double Eagle 1933” dự kiến từ 10.000.000 - 15.000.000 USD, nhưng được bán với giá 18.872.000 USD.

2. Con tem “British Guiana One-Cent Magenta”

Vào năm 1855, khi chỉ có 5.000 trong số 50.000 con tem mong đợi từ Anh được gửi đến Guiana (khi đó là thuộc địa của Anh) làm cho nhiều bưu phẩm bị ứ đọng vì không có phương thức thu cước phù hợp.

Để giải quyết tình trạng này, ông Dalton - người quản lý Bưu điện Guiana - quyết định in 3 mẫu tem tạm thời để sử dụng trong lúc chờ tem gửi từ mẫu quốc đến. Nơi duy nhất đủ uy tín và công nghệ để in tem là nhà in báo địa phương Royal Gazette. Một loạt tem phổ thông tạm thời gồm 3 mẫu đã ra đời có giá mặt 1 xu màu đỏ (dùng để gửi báo), 4 xu màu lam và 4 xu màu đỏ (dùng để gửi thư).

Những mẫu tem này không đục răng, in màu đen trên giấy đỏ (hoặc lam) hình một con tàu buồm cùng với câu châm ngôn của thuộc địa bằng tiếng Latinh “Damus Petimus Que Vicissim” (Chúng tôi cho đi và mong đợi được đền đáp lại) ở giữa. Bốn đường kẻ mảnh tạo khung bao quanh con tàu. Các dòng chữ thể hiện Quốc hiệu “BRITISH GUIANA”, Bưu chính “POSTAGE” và giá mặt “ONE CENT.” hoặc “FOUR CENTS.” bằng chữ in nhỏ màu đen lần lượt bao quanh diềm ngoài tạo nên khung tem. Để phòng chống sự giả mạo, gian lận cước phí, ông Dalton đã ra lệnh tất cả các thư từ phải dán tem tại bưu cục, đồng thời phải có chữ ký của nhân viên bưu điện và nhật ấn.

Sáng kiến này đã phát huy tác dụng, nhưng ngay sau khi nhận đươc tem từ Anh gửi tới, Bưu điện Guiana đã chấm dứt sử dụng những con tem tạm thời này. Do tem “British Guiana One-Cent Magenta” được dùng riêng để gửi báo nên số lượng sử dụng không nhiều, rất ít người biết đến, không ai lưu giữ, dẫn đến việc hầu hết những tem này đã biến mất ngay sau đó.

Sự tồn tại của con tem “British Guiana One-Cent Magenta” có thể đã bị lãng quên hoàn toàn nếu không xảy ra sự kiện một cậu bé 12 tuổi người Scotland tên là Vernon Vaughan, sống ở British Guiana, đã tìm thấy một con tem kỳ lạ trong số giấy tờ của bác mình vào năm 1873. Thoạt nhìn, con tem hầu như không có giá trị gì, vì vậy, cậu bé đã bán nó với giá 6 shillings. Chủ sở hữu mới đã phát hiện ra “một cái gì đó đặc biệt” và từ đó mẫu tem “British Guiana One-Cent Magenta” bắt đầu cuộc hành trình xuyên lục địa kéo dài hơn 1 thế kỷ và giá trị tăng đến chóng mặt.

Name:  british-guiana-1856-1c-magenta-stamp-front.jpg
Views: 378
Size:  67.4 KB

Trên đây hình ảnh con tem “British Guiana One-Cent Magenta” duy nhất còn tồn tại. Tem đã bị cắt 4 góc và có chữ ký tắt “E.D.W” của nhân viên bưu điện Edmond D. Wight.

Ngày 17-06-2014, ông Stuart Weitzman đã mua con tem này với giá 9.480.000 USD tại hãng Sotheby ở New York.

Ngày 08-06-2021, con tem trên đã được bán với giá 8.307.000 USD (giá dự kiến ban đầu từ 10.000.000 - 15.000.000 USD).

3. Khối 4 tem “The Inverted Jenny”

The Inverted Jenny là mẫu tem 24 xu do Bưu điện Mỹ phát hành ngày 10-05-1918, trong đó chỉ có 1 tờ chứa 100 tem bị lỗi được phát hiện với hình chiếc máy bay Curtiss JN-4 ở giữa tem bị in lộn ngược, khiến con tem này trở nên nổi tiếng.

Từ năm 1910, Bưu điện Mỹ đã thực hiện một số thử nghiệm vận chuyển thư bằng đường hàng không. Ngày 15-05-1918, Bưu điện Mỹ khai trương tuyến đường thư hàng không thường xuyên giữa Washington D.C., Philadelphia và New York với mức cước là 24 cents (cao hơn nhiều so với 3 cents cho thư hạng nhất vào thời điểm đó) đồng thời quyết định phát hành một con tem với mức cước mới, in hình chiếc phi cơ Curtiss Jenny JN-4HM (là loại máy bay đặc biệt đã được cải tạo để vận chuyển thư).

Ngày 14-05-1818, ông Robey đến bưu cục để mua tem và gần như “ngất xỉu” khi phát hiện 1 tờ tem đã mua bị in ngược. Bưu điện Mỹ đã yêu cầu kiểm tra tất cả các tờ tem còn lại tại các bưu cục, cửa hàng bán tem. Kết quả là chỉ có 1 tờ tem duy nhất nói trên là dị bản. Kể từ đó, những con tem này đã trải qua hành trình đầy biến động cả về giá trị cũng như quyền sở hữu.

Name:  usa-1918-24c-inverted-jenny-plate-block.jpg
Views: 229
Size:  118.3 KB

Vào năm 2005, khối 4 tem “The Inverted Jenny” (với số bản in “8493” cũng bị in ngược) được bán với giá 2.970.000 USD. Tới ngày 08-06-2021, khối 4 tem này đã được bán với giá 4.860.000 USD (giá dự kiến ban đầu từ 5.000.000 - 7.000.000 USD).

Nguyễn Quang Vinh (Hội Tem Việt Nam)
__________________
Chào mừng Bạn đã gia nhập Gia đình VIET STAMP
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn *VietStamp* vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
*VietStamp*  (05-11-2021), hat_de (11-11-2021), The smaller dragon (04-12-2021)