Xem riêng 01 Bài
  #3  
Cũ 23-07-2008, 12:55
Bugi5697
Khách
 
Bài Viết : n/a
Mặc định

Chùa Thiên Mụ

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi chùa Linh Tự là ngôi chùa cổ nhất, kiến trúc đồ sộ nhất và cũng là ngôi chùa đẹp nhất của xứ Huế. Chùa được dựng trên đồi Hà Khê (thuộc địa phận xã Hương Long) bên tả ngạn sông Hương, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km về phía tây. Tên chùa gắn với huyền thoại bà tiên áo đỏ được lưu truyền rộng rãi. Bởi vậy chùa có tiên là Thiên Mụ (bà tiên trên trời).

Truyền thuyết xưa kể lại rằng: Đồi Hà Khê rất thiêng, khoảng đời nhà Đường có viên đại tướng tên là Cao Biền từng đi khắp các nơi núi non sông biển nước ta xem nơi nào có khí linh thiêng thì tìm cách yểm đi. Cao Biền thấy trên đồi Hà Khê có khí thiêng, bèn đào sau chân đồi để cách mạch đi, khiến cho linh thiêng về sau không cư tụ được. Đêm hôm đó bỗng có một người đàn bà thể sắc trông thì còn trẻ nhưng mái tóc bạc phơ, mình vận áo đỏ ngồi dưới chân đồi than vãn, rồi cất tiếng nói to: "Đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều thì nên lập chùa thờ Phật, thỉnh cầu linh khí trở về nơi núi này để phúc dân giúp nước, tất không có gì phải lo". Người đàn bà ấy nói xong biến mất. Từ đó gò đất được gọi là núi Thiên Mụ.





Khoảng năm 1601, Nguyễn Hoàng tức chúa Tiên, vị chúa Nguyễn đầu tiên ở Đàng Trong sau khi rời kinh đô Thăng Long đem quân vào đây định kế lâu dài, một hôm đi qua nơi này, thấy địa thế đẹp, hàng dẫy đồi chập chùng như uốn khúc bên sông, đặc biệt thấy một gò cao dáng tựa như chiếc đầu rồng đang ngoái nhìn về phía núi mẹ, lại nghe sự tích kể trên, ông tự nhận mình là vị chúa được bà tiên nói đến. Ông ra lệnh xây dựng chùa Phật và cho đề chữ "Thiên Mụ Tự" (chùa Thiên Mụ). Từ đó dân chúng đến cầu đều thấy linh thiêng ứng nghiệm.






Về sau, chùa được trùng tu nhiều lần, mỗi lần đều được mở rộng tô điểm thêm. Năm 1665, chúa Nguyễn Phúc Tần cho trùng tu và sau Nguyễn Phúc Chu cho đúc một quả chuông lớn nặng tới trên 3 tấn, gọi là Đại Hồng Chung, đây là quả chuông lớn nhất ở Huế, chứng tỏ tài năng của những nghệ nhân đúc đồng rất nổi tiếng ở xứ này. Nguyễn Phúc Chu còn cho dựng một tấm bia đá đặt trên lưng con rùa làm bằng đá cẩm thạch ghi lại việc chấn hưng đạo Phật đương thời. Năm 1815 và 1831, Gia Long và Minh Mạng tổ chức sửa sang và mở rộng chùa Thiên Mụ to đẹp hơn. Năm 1846, Thiệu Trị dựng thêm ngoài Nghi Môn một tháp hình bát giác cao 21 m với bẩy tầng soi bóng trên dòng sông Hương thơ mộng. Tháp thờ đức Như Lai và đức Thế Tôn. Các tầng đều có tượng Phật, tương truyền ngày xưa được đúc bằng vàng, về sau thay bằng đồng, vua gọi là tháp Từ Nhân, sau đổi là tháp Phước Duyên, cảnh chùa lại càng thêm nguy nga tráng lệ.

Xưa, trước tháp Phước Duyên có đình Hương Nguyện (nay chỉ còn lại nền) gồm ba gian, bộ sườn được chạm khắc công phu, tinh xảo, trên nóc đặt Pháp luân (bánh xe Phật pháp, biểu tượng Phật giáo). Hai bên đình dựng hai nhà bia, ghi lại việc xây bảo tháp Phước Duyên, đình Hương Nguyên, bài ký Đại Hồng Chung và bài thơ "Thiên Mụ chung thanh" (Tiếng chuông Thiên Mụ) của vua Thiệu Trị.






Kiến trúc của chùa Thiên Mụ cũng như nhiều ngôi chùa khác ở Việt Nam. Chùa được bao quanh bằng tường đá xây hai vòng. Khuôn viên chùa chia làm hai khu vực. Phía trước Nghi Môn gồm các công trình kiến trúc. Bến thuyền có 24 bậc tam cấp lên xuống Tam Quan và bốn trụ biểu xây sát đường cái. Từ đó theo 15 bậc tam cấp là đến nền đình Hương Nguyên. Phía sau chùa Thiên Mụ là vườn hoa, cây cảnh, sau cùng là vườn thông tĩnh mịch.






Chùa Thiên Mụ từ lâu đã đi vào tâm tư tình cảm của người dân Huế. Tiếng chuông chùa từ bao đời đã gieo vào lòng người một nỗi niềm tha thiết, mến thương.

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương


Ngày nay, chùa Thiên Mụ vẫn luôn là một trong những danh lam thắng cảnh cổ nhất và đẹp nhất của đất Thần Kinh. Du khách mỗi lần đến Huế không thể không đến thăm chùa Thiên Mụ, tham quan tháp Phước Duyên nghiêng mình trên dòng Hương Giang xanh thẳm.
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
beta123 (05-11-2008)