Xem riêng 01 Bài
  #2  
Cũ 25-03-2015, 17:29
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Lightbulb

ÁO XIÊM





Niên đại : Mẫu áo đặc biệt từ thời Nguyễn sơ (thế kỷ thứ 17), khi việc vận quần chưa được các vua Nguyễn chính thức công bố trong thời kỳ này. Mãi đến năm 1828 vua Minh Mạng (1791-1841) triều Nguyễn mới ra quy định y phục cho đàn bà phải vận quần, đã được người dân ghi nhận như một biến cố hãi hùng : “ Tháng chín có chiếu vua ra, cấm quần không đáy người ta hãi hùng ”. Dù thế chiếc váy lại được giữ lại và là một bộ phận của y phục đại triều cho đến thời Bảo Đại. Áo được gọi là Áo Xiêm, đơn thuần vì gồm áo và váy liền nhau. Đúng hơn phải gọi là áo lót và váy lót cho áo đại triều.

Thời trang và thiết kế : Áo gồm 2 phần : phần trên là áo không tay bằng vải quyến được chải mịn bóng màu trắng tự nhiên, cổ kiềng gài nút giữa, gồm 5 hột nút tròn bằng đồng. Chiếc xiêm được may đính với áo. Điểm đặc biệt của y phục này chính là chiếc váy. Tuy mặc dưới áo rộng triều phục, nó lại được may thêu công phu, có lẽ vì khi ngồi hoặc đứng phần dưới của váy sẽ được nhìn thấy.

Chất liệu : Chất liệu của váy bằng loại gấm the tơ tằm được thêu bằng tay tuyệt đẹp. Vải lót bằng lụa tơ màu đỏ. Trên nền vải gấm the màu đỏ san hô được phủ kín bằng kim thêu những họa tiết chuyển màu từ đỏ rực đến hồng nhạt thật đẹp mắt và lộng lẫy, trang trí phụng hoàng bay lượn và bát bửu phong thuỷ (quạt, hoa sen, giỏ hoa, sáo, gậy trúc, nậm rượu, giày, kiếm, mây nước). Nét thêu cách điệu sóng nước và mây nổi ở phần gấu của váy đạt đến trình độ tuyệt xảo. Căn cứ vào họa tiết chim phụng có thể cho rằng đây là một chiếc váy dành cho nam giới.

Chiếc áo chiếm một vị trí đặc biệt trong sưu tập và trong tim người sưu tập do vẻ đẹp độc đáo và hiếm quý khó có được chiếc thứ hai.



ÁO LONG BÀO



Niên đại : Áo dài thời Nguyễn (khoảng đầu thế kỷ 20), áo có thêu rồng năm móng nên gọi là Long Bào, thân rất rộng, tay rất dài và rộng. Áo dành cho vua hoặc hoàng tử.



Chất liệu vải : Áo được may bằng vải gấm đoạn, tơ tằm cao cấp, màu vàng nghệ sẫm, toàn vải được trang hoàng chi chít các mẫu họa tiết được thêu đầy bằng chỉ vàng và bạc tạo nên một loại áo gấm đặc sắc, huy hoàng hiếm có. Lớp vải lót bằng lụa sa màu thiên thanh.
Thời trang và thiết kế : Áo theo kiểu áo cung đình thời Nguyễn. Áo gồm 5 thân : tứ thân phụ mẫu và thân con. Hai thân trước và sau nối liền ở giữa. Thân con tượng trưng người mang áo, 4 thân trước và sau tương trưng cho cha mẹ nội ngoại. Năm hột nút tượng trưng nhân cách con người là : nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Dù là áo của vua hay hoàng tử, chiếc áo biểu hiện sự cưu mang cả một thế hệ dòng dõi trên người, từ đó thể hiện vai trò làm người với mọi người. Áo được gài khuy ở giữa cổ áo cao 3 cm và 4 hột gài tiếp xuống bên phải.

Họa tiết : Toàn áo được thêu bằng hình rồng năm móng, thể hiện uy nghiêm của vua, mình rồng thêu uyển chuyển mềm mại cùng với các họa tiết khác gồm phong thủy bát bửu, thêu bằng chỉ vàng, bạc và đồng rất công phu trên toàn thân áo. Màu sắc của nền áo và các họa tiết thêu chủ yếu bằng sợi chỉ vàng nên toàn áo mang sắc vàng lộng lẫy, đúng tính cách đế vương. Căn cứ vào họa tiết rồng năm móng nên áo được gọi là Long Bào hay Hoàng bào. Áo thêu rồng chỉ dành cho vua và hoàng tử, cho nên nhìn áo có thể biết được người mang áo thuộc dòng dõi hoàng gia.

Kỹ thuật thêu sắc sảo từ đường kim cho đến sợi chỉ, điều này đã khẳng định được tay nghề của các nghệ nhân Việt Nam thời xưa. Kiểu dáng họa tiết trên áo mang một nét đặc trưng riêng của áo dài Việt Nam khác hẳn với trang phục của người Trung Quốc.




ÁO VUA KHẢI ĐỊNH



Niên đại : Áo dài thời Nguyễn, khoảng đầu thế kỷ 20, ước chừng 1920. Đây là áo thường phục của vua Khải Định (1885-1925), như ngài Từ Cung (1890-1980), vợ vua và là mẹ vua Bảo Đại, cho hay.

Chất liệu : Vải ngoài của áo bằng gấm tơ mềm và nặng dệt bằng sợi tơ màu vàng hoàng đế. Vải lót áo bằng lụa tơ nguyên chất màu đỏ hồng ngọc. Sự chọn vải thượng hạng và hai màu vàng hoàng đế và đỏ hồng ngọc cho thấy được thị hiếu chuộng xa xỉ của vị vua nổi tiếng sành điệu về thời trang sang trọng.

Thời trang & thiết kế : Mẫu áo có nguồn gốc từ thế kỷ 18 trong thời trị vì của chúa Nguyễn Phúc Khoát (1714-1765) ở miền Nam. Dựa vào kiểu áo Chàm và áo Trung Quốc, ông ấn định y phục áo dài và quần, không mặc váy. Tuy nhiên hình dáng áo dài được toàn thiện mãi từ thời Minh Mạng (1791-1841) cho đến về sau. Chiếc áo dài này là áo điển hình của thời Nguyễn. Gồm có 2 vạt, vạt trước và vạt sau, mỗi vạt hai thân may lại với nhau, vạt thứ năm được may vào thân sau nằm dưới thân trước. Bởi thế gọi là Áo Dài Ngũ Thân. Áo xẻ từ hông xuống chân, vạt quá đầu gối. Cổ tròn cao 2 phân có nút cài ở giữa và bốn nút cài bên phải. Tay áo rộng và dài thụng. (Về ý nghĩa áo ngũ thân xin xem Áo Hoàng Thái Hậu Từ Cung). 5 hột nút bằng vàng.

Họa Tiết : Họa tiết cổ điển theo lối phong thủy bát bửu (quạt, hoa sen, lẳng hoa, sáo, bầu rượu, gậy kiếm, giày) và những kiểu dáng thư pháp chữ thọ trang điểm nền vải. Nghệ thuật thêu sắc sảo, tinh tế từng mũi kim và đường chỉ làm cho các họa tiết trông như được dệt trên áo. Các chữ thọ được chặn đường kim tuyến rất đều chứng tỏ tay nghề cao cấp gây sự ngưỡng mộ. Theo quan niệm truyền thống các họa tiết sẽ mang đến cho gia chủ vận may về của cải và tinh thần. Sự kết hợp tạo nên sức mạnh chống các rủi ro.

Áo được vua mặc khi đọc sách cũng như thăm viếng trong hoàng gia.

ÁO RỘNG MÀU ĐỎ LỬA LỰU




Niên đại : Áo dài thời Nguyễn, khoảng đầu thế kỷ 20. Áo rộng hay còn gọi là Áo Thụng.

Chất liệu : Vải áo bằng lụa tơ tằm cao cấp, mình vải lụa lương, sợi dệt dày, toàn tơ. Hoa văn dệt trên áo theo lối ngũ thể. Áo màu đỏ lửa của trái lựu.

Kiểu áo : Áo ngũ thân theo kiểu áo thời Nguyễn, hai vạt thật rộng, hai tay rộng và rất dài, phủ hai bàn tay quá 4 tấc, áo gài nút bên tay phải. Áo có hình chữ T như kiểu áo choàng Nhật Bản. Nút áo thắt bằng lụa cùng màu. Đường viền tà áo to bản, quý phái.

Họa tiết : Hoa lá được dệt chìm trên lụa lương ngũ thể của cung đình bằng sợi tơ bóng, tăng chất quý phái của tấm lụa. Màu đỏ nhuộm tự nhiên thật rực rỡ.

Áo mặc khoác ngoài chiếc áo chít khi cúng tế, tiếp khách của các bà mệnh phụ phu nhân thời nhà Nguyễn, và mỗi lần như thế, cả áo lẫn người mang đều gây ngạc nhiên và ngưỡng mộ do vẻ lộng lẫy đơn thuần đến từ lụa mềm và màu đỏ ngây ngất.


KHĂN VÀNH XƯA





Khăn Vành Xưa đi đôi với chiếc áo Mệnh phụ Phu nhân, niên đại đầu thế kỷ 20, triều vua Khải Định – Bảo Đại.
Đây là một phụ kiện không thể thiếu cho áo Mệnh Phụ thời Nguyễn, cho các bà hoàng thái hậu, hoàng hậu, công chúa, công nương, khi có đại lễ ở triều hay khi vào chầu vua và hoàng thái hậu, mặc áo mệnh phụ thì phải chít khăn vành.
Khăn vành vấn nhiều lớp trên đầu là kiểu trang điểm tóc quý phái và đặc thù của triều Nguyễn. Trong nhân gian cũng có vấn khăn nhưng chỉ vấn một lần, như ngoài miền Bắc vấn khăn nâu hay đen. Các bà phu nhân ở Huế ngày lễ thường cũng vấn khăn, chỉ quấn một lần gọi là khăn chít, vải thường là lụa cát, màu cam. Riêng khăn vành màu vàng thì dành cho hoàng hậu. Các hoàng hậu, công chúa, phu nhân thường quấn khăn vành màu xanh khi có lễ lạt trong triều hay khi chầu vua.

Tấm khăn xưa này bằng lụa nhiễu cát, màu xanh nước biển, dài 12 mét, rộng 40 cm gấp 10 lần thành rộng 4 cm, là một kỷ vật hiếm có vì nó đi đôi với áo Mệnh phụ màu xanh ngọc, còn được giữ lại y như xưa, là một hạnh vật hiếm, bởi lẽ trong thời chiến tranh những chiếc khăn dễ bị đánh mất.

ÁO MỆNH PHỤ



Nguồn : Đây là chiếc áo tiêu biểu của thời Nguyễn, niên đại khoảng 1905, triều Thành Thái (1889-1907). Áo được nhà vua ban cho các phu nhân của các quan trong triều được truy nhận là đức hạnh, gọi là Áo Mệnh Phụ. Đây là kiểu áo rộng khoác ngoài của cung đình thời Nguyễn với tay rộng và dài, dấu hiệu của sự quý phái.

Chất liệu : Áo hai lớp, lớp ngoài bằng lụa the cung đình màu xanh ngọc thạch, trên mình vải những họa tiết nổi bằng chỉ vàng nhạt những hình tròn loan phụng bay quanh, toàn áo đính từng chùm 3 hạt kim sa (nay đã rơi mất nhiều hạt), vải lót trong bằng lụa sa, tơ bóng nguyên chất, màu xanh ánh trăng, tạo một hòa điệu màu điệp màu nhã nhặn thanh cao.

Thời trang & Thiết kế : Áo này được gọi là áo rộng, theo kiểu áo khoác, rất rộng, hai bên xẻ từ hông, gồm hai vạt bốn thân, vạt trước xẻ giữa, vạt sau nối sống. Tay rộng và dài tối đa. Cổ áo nhật bình được viền bằng hai dải lụa satin trắng thêu nổi hoa văn loan phụng. Khoảng giữa ngực đính một mảnh ngọc cùng với hai mảnh tròn bằng vàng để cài áo. Nút áo bằng ngọc thạch. Các lai áo được viền bằng dải lụa satin màu đỏ thêu hoa văn tinh xảo, đầu hai tay áo rộng viền 5 đường lụa satin ngũ sắc đỏ, vàng, vàng gạch, xanh dương, xanh lục, dấu hiệu phẩm trật áo dành cho công nương, nhất phẩm phu nhân.

Họa tiết : Loan Phụng quây quần hòa minh, dấu hiệu của hạnh phúc gia đình là họa tiết chính biểu trưng tính cách chiếc áo của nhất phẩm phu nhân. Cổ nhật bình được thêu phụng và hoa làm cho chiếc áo rực rỡ sang trọng đặc biệt. Những đường viền đỏ ở các lai áo tương phản với màu xanh ngọc nâng chiếc áo thành một tác phẩm nghệ thuật sinh động và cao quý.

Tính cách : Áo được triều đình nhà Nguyễn ban cho vị đệ nhất phu nhân, được truy tặng vì đức hạnh gương mẫu của người phụ nữ trong gia đình. Đây là một di bảo của gia đình bà cô họ Thái (1872-1960), chánh thất của Thượng Thư Nguyễn Trừng (1857- 1905) dưới triều vua Thành Thái.


ÁO MỆNH PHỤ CÔNG NƯƠNG



Nguồn : Áo cung đình thời Nguyễn, khoảng dưới triều Thành Thái (1889-1907). Áo được gọi là Áo Mệnh Phụ dành cho các công chúa, quận chúa, phu nhân trong triều. Áo rộng tay dài dấu hiệu của quý tộc.

Chất liệu : Áo gồm 2 lớp. Vải chính bằng loại the lụa cao cấp, màu nâu dưới lót vải lụa vân màu vàng cam, tạo nên vẻ lóng lánh hai màu. Những họa tiết được thêu bằng chỉ ngũ sắc trên toàn thân vải tạo nên một phẩm vật sang quý độc nhất vô nhị và là một cổ vật hiếm quý còn được giữ lại.

Thời trang & Thiết kế : Áo này được gọi là áo rộng, theo kiểu áo khoác, rất rộng, hai bên xẻ từ hông, gồm hai vạt bốn thân, vạt trước xẻ giữa, vạt sau nối sống. Tay rộng và dài tối đa. Cổ áo nhật bình được viền bằng hai dải lụa satin trắng thêu nổi hoa văn loan phụng. Khoảng giữa ngực đính một mảnh ngọc cùng với hai mảnh tròn bằng vàng để cài áo. Nút áo bằng ngọc thạch.

Họa tiết : Theo lối phong thủy Bát Bửu gồm 8 món bửu bối (quạt, dép, bầu rượu, giỏ hoa, bông sen, gậy, ống tiêu, thanh gươm) của 8 vị tiên theo truyền thuyết Trung Hoa, rất được nghệ nhân thời trước yêu chuộng dùng để trang trí vải vóc, bàn ghế. Bát bửu tượng trưng cho sự may mắn, kết hợp với phụng bay mềm mại, uyển chuyển, biểu hiện của hạnh phúc gia đình

Màu sắc tuy rực rỡ nhưng tiết chế hài hòa, trang nhã, không phô trương lòe loẹt trên nền vải lưới màu đà kết hợp với đường viền màu vàng nhạt cùng với họa tiết làm tôn lên vẻ sang trọng cho bậc hoàng hậu, hoàng phi, công nương.

ÁO GẤM XANH RÊU





Nguồn : Áo dài thời Nguyễn. Khoảng đầu thế kỷ 20. Loại áo cung đình hoàng tộc.

Vải : Áo gồm hai lớp : vải ngoài bằng gấm tơ satin thượng hạng, màu xanh rêu, trên nền được dệt nổi bằng chỉ kim tuyến, những họa tiết lấy từ những mẫu phong thủy bát bửu, màu sắc vui tươi sang trọng. Vải lót bằng lụa vân tơ cao cấp, màu hổ phách (vàng cam). Vải này được cung tiến vào cung rồi sau đó được bà Từ Cung ban vào dịp Tết để các bà Phi Tần may áo.

Kiểu áo : Áo được thiết kế theo áo dài thời Nguyễn, gồm 5 thân : tứ thân phụ mẫu và thân con ngắn hơn vạt chính, có giây vải thắt với vạt chính bên trong. Áo còn gọi là áo chít, thân và tay áo hẹp, sát người, tuy nó vẫn rộng phủ kín ngực và thân. Theo phong cách ngày xưa không được để lộ bộ ngực và eo của thân hình, nhưng áo được cắt thong thả, tôn vinh được dáng dấp quý phái đầy nữ tính của người đẹp. Tay dài và hẹp. Cổ thấp, nút san hô đỏ (nay chỉ còn ba hột).

Họa tiết : Cách điệu lối phong thủy Bát Bửu, phúc lộc, thọ, hoa lá, cá, biểu tượng vũ trụ và nhân sinh ngũ sắc linh động trên nền xanh rêu đằm thắm, thu hút sức nhìn không chán. Những họa tiết này nói lên lời chúc phúc đem lại may mắn, quyền quý, hạnh phúc và niềm vui.

Áo này được bà Phi Tần mang trong sinh hoạt lễ lượt như lễ Tết, tiếp khách, thăm viếng. Một phụ nữ đẹp, cao sang và khiêm cung, theo phong cách Huế. Theo đó sự cung kính với người trên và hòa thuận với người dưới được thực hành nghiêm túc, tuy nhiên sự khổ hạnh cũng như mưa mùa đông làm nổi bật nét ngọc thanh thoát nơi bà.


ÁO DÀI HOÀNG THÁI HẬU



Niên đại : Khoảng đầu thế kỷ 20.

Chất liệu : Lớp áo ngoài : Gấm cung đình, dệt bằng chỉ vàng tơ thượng hạng, mình cứng và nặng. Màu : vàng hoàng hậu. Vải áo lót bằng lụa vân hảo hạng, màu đỏ san hô. Hai loại gấm vàng và lụa đỏ hòa điệu làm chiếc áo lộng lẫy và sang quý.

Họa tiết trên vải : Họa tiết mẫu chữ thọ được dệt bằng chỉ vàng trên vải thành từng hàng nằm giữa hai hàng họa tiết chữ “ phước ” viết thảo màu xanh dương và màu đỏ, màu sắc đỏ xanh vàng lóng lánh làm cho gấm đã sang lại còn quý hơn. Họa tiết thọ, phúc rất được vua quan đời trước ưa chuộng dùng để trang trí nhà cửa đồ dùng, áo vải.


Thời trang & Thiết kế : Đây là chiếc áo dài thời Nguyễn. Chiếc áo này gọi là áo ngũ thân (khác với áo tứ thân ngoài Bắc và áo ngắn trong Nam), che kín thân mình, rộng ở ngực và thong thả không chít eo. Một thợ giỏi cắt và may úp tà khi đứng, chỉ lộ phần quần phía dưới áo. Áo có 5 hột nút gài ở giữa cổ và gài bên hông. Cổ áo tròn, cao khoảng 2 cm, hai tay dài và hẹp ôm cánh tay. Áo dài quá đầu gối một tấc. Áo gồm năm thân, hai vạt trước và sau, mỗi vạt có hai thân nối với nhau ở giữa gọi là sống áo, thân thứ năm là vạt nằm bên trong thân trước, phía cài nút áo, nối với hai vạt nhờ vành đệm bên dưới của cổ áo gọi là bâu cổ, thân này gọi là thân con, còn bốn thân của hai vạt áo tượng trưng bốn phía mẹ cha, tứ thân phụ mẫu. 5 hột nút tượng trưng cho 5 đức tính trong đạo làm người: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Mặc một chiếc áo theo quan niệm xưa, là mang trên mình bổn phận làm người.

Phụ kiện trên áo : Cổ, tay áo, lai áo đều được chạy đường chỉ bạc. Năm hột nút bằng vàng là thứ trang sức chiếc áo, làm tăng vẻ toàn bích, nói lên phú quý vẹn toàn. Nút áo càng sang quý là điểm nổi bậc của một chiếc áo ngoài loại vải hiếm quý.

Áo này do Đức Từ Cung ban riêng cho mẹ tôi, bảo để khen thưởng đức hy sinh thờ chồng nuôi con khôn lớn, trọn đạo làm dâu con trong gia đình. Nhìn áo như thấy người, phẩm cách cao quý của Ngài Từ Cung suốt đời xả thân phụng sự cho tổ tiên triều Nguyễn, nuôi dưỡng giềng mối đạo đức cho giống nòi, mặc dù sống trong nhung lụa nhưng vẫn ăn chay niệm Phật, thờ cúng tổ tiên.

ÁO DÀI LỤA VÂN XANH



Niên đại : Áo dài thời Nguyễn (khoảng đầu thế kỷ 20), gọi là áo ngũ thể hay ngũ thân.

Chất liệu : Áo gồm 2 lớp, lớp ngoài bằng lụa sợi tơ cao cấp dệt hoa, gọi là lụa vân cung đình, màu xanh thiên thanh, lớp trong cũng bằng vải lụa cao cấp, màu hồng phấn. Cổ áo thấp, tay dài và ôm sát cánh tay. Nút áo làm bằng đồng mạ vàng. Áo này của bà Phi Tần trong gia tộc hoàng phái để lại.
Thời trang & Thiết kế : Mẫu áo điển hình của thời trang thời Nguyễn, có nghĩa rộng thong thả, không chít eo. Áo gồm 5 thân : tứ thân phụ mẫu và thân con, vạt rộng không chít eo, thân con của áo còn nguyên vẹn. Thân con tượng trưng người mang áo, 4 thân trước và sau tượng trưng cho cha mẹ nội ngoại. Chiếc áo biểu hiện sự cưu mang cả một thế hệ dòng dõi trên người, từ đó làm người với các đức tính nhân lễ nghĩa trí tín, mà 5 hột nút tượng trưng.

Họa tiết : là những chùm lá hoa được dệt bằng lụa bóng hơn mặt vải, còn gọi là lụa hoa.

Chất lụa và màu sắc của vải bằng tơ mềm mại, màu xanh bất tuyệt làm cho chiếc áo sáng rực trên người phụ nữ cao quý của hoàng gia mà tôi đã gặp khi bà đứng tuổi nhưng vẫn giữ nét thanh nhã quý phái.


ÁO DÀI GẤM THE



Nguồn : Áo dài cung đình thời Nguyễn, khoảng đầu thế kỷ 20. Áo được gọi là áo chít, vì hẹp hơn áo rộng.

Chất liệu : Áo gồm hai lớp vải. Lớp vải ngoài bằng gấm the, tơ thuần chất, màu nâu đen, áo lót được làm bằng lụa vân màu đỏ son, long lanh dưới vải the sưa tạo nên sắc nâu đỏ ẩn hiện. Họa tiết bằng chỉ bạc trên nền the ẩn hiện màu lụa đỏ đầy tính cách quý tộc.

Thời trang & thiết kế : Thân áo gọn, kiểu áo tứ thân phụ mẫu và thân con phía trong, từ cổ xuống được cắt thong thả không chít eo. Phần dưới vạt rộng, dài quá gối. Tay áo chật và dài, khi mặc dáng người thong thả, thanh cảnh. 5 hột nút bằng vàng làm tôn vẻ sang quý.

Họa tiết : Trên thân áo được trang trí bằng những vòng càn khôn nhật nguyệt bằng chỉ bạc, lóng lánh nổi trên nền nâu đỏ. Những họa tiết này chỉ dùng cho bậc cao sang quyền quý. Biểu tượng nhật nguyệt và phúc mang đến cao sang và hạnh phúc.

Tính cách : Áo này là di bảo của bà ngoại, Chánh thất phu nhân quan Lãnh binh Tôn Thất Bích (1888-1959), một phụ nữ hiền lành và đức độ khoan dung đối với mọi người trong gia tộc cũng như ngoài xã hội.


Nguồn : http://www.diendan.org/phe-binh-nghi...tap-ao-dai-xua
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!

Bài được HanParis sửa đổi lần cuối vào ngày 25-03-2015, lúc 17:32
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
6 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
chuot_tem (27-03-2015), Dat_stamp (26-03-2015), huuhuetran (25-03-2015), manh thuong (26-03-2015), NHL-2014 (25-03-2015), Tien (25-03-2015)