Xem riêng 01 Bài
  #1  
Cũ 14-07-2015, 19:23
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Talking Và Tôi Cũng Hôn (T)em

Phần 1 : Hôn Em

NÓI CHUYỆN VỀ HÔN MÔI


Nguyên Nguyên

Một trong những hiện tượng loài người đã dễ dãi chấp nhận không một chút thắc mắc là sự lấn lướt và đồng hoá của văn minh Âu Mỹ trên tất cả các giống dân khác nhau trên địa cầu về cách thức HÔN nhau giữa hai người. Hôn nhau bằng đôi môi. Cách đây chừng vài tháng người viết chợt nghĩ đến đề tài này khi xem xi-nê trên TiVi ở đài sắc tộc Úc SBS, phim The Terra-cotta Warrior (Người chiến sĩ đất nung). Phim do nữ tài tử số 1 của Trung Quốc Gong Li đóng vai chính. Truyện phim kể lại chuyện một trong những cung tần của Tần Thuỷ Hoàng đem lòng yêu một viên tướng của hoàng đế. Hai người yêu nhau trong lúc viên tướng có nhiệm vụ lo đốc thúc việc bào chế thuốc trường sinh cho Tần Thuỷ Hoàng.

Thuốc vừa bào chế xong nhưng chưa được thử nghiệm thì lại lọt vào tay của người đẹp cung tần. Hoàng đế khám phá ra chuyện này và bắt người đẹp đó nhảy vào lửa chết còn viên tướng bị bức tử bằng cách trét đất sét vào khắp người để cho khô rồi biến thành một trong những tượng đất sét mà các nhà khảo cổ đã đào được ở Xian (Tây An) cách đây vài chục năm. Nhưng trước khi chết người đẹp đã nhét vào miệng viên tướng đó viên thuốc trường sinh vừa mới được bào chế.


Hai ngàn năm trôi qua, vào khoảng thời gian đầu thế chiến thứ hai, một nữ tài tử xinê đi đóng phim ở khu Xian. Nữ tài tử này có lẽ do người đẹp năm xưa đầu thai lên, có khuôn mặt và vóc dáng giống y như người cung tần của Tần Thuỷ Hoàng hồi ấy. Nữ tài tử có việc lộn xộn chi đó với đám ê-kíp quay phim nên chạy trốn và lạc vào hầm chôn những người chiến sĩ bằng đất sét của Tần Thủy Hoàng.

Vô tình nữ tài tử đụng vào tượng đất sét bao bọc viên tướng bên trong. Đất sét bọc vỡ ra và người tướng năm xưa sống lại. Nhờ ở viên thuốc trường sinh năm xưa nên viên tướng đó giống như đã ngủ qua một giấc ngủ dài hơn 2000 năm. Tỉnh dậy ông tướng vẫn tưởng rằng đây là người yêu của mình năm xưa nên dùng hết võ nghệ siêu quần của chàng để bảo vệ người đẹp.




Chuyện ngộ nghĩnh của phim là ở chỗ ông tướng trong bộ y phục của thời nhà Tần đi đấm đá với đám anh chị có súng sáu ở giữa thế kỷ 20. Xong rồi không may người đẹp trong mộng của viên tướng lại bị nạn chết một lần nữa để lại viên tướng sống mãi mãi trong cô độc. Rồi đến thời 1980 hay gì đó trong đoạn cuối của phim, một đoàn du khách Nhật sang viếng trung tâm Terra Cotta ở Xian. Trong đoàn có một nữ du khách lại có khuôn mặt và thân hình y hệt như người cung tần năm xưa.

Phim quay cảnh người đẹp du khách đi tham quan khu Terra Cotta ngang qua khu có toán thợ đang sơn sửa các tượng đá đó thì có một anh thợ quay mặt lại nhìn người đẹp để thử nhận diện có phải người đẹp năm xưa đã đầu thai trở lại tìm mình như đã thệ ước hay chăng. Bởi anh thợ đó chính là viên tướng phản loạn với Tần Thuỷ Hoàng năm xưa.

Điểm không thật của phim là ở đoạn đầu khi viên tướng và người cung tần yêu nhau. Họ làm tình (hùng hục) và ôm nhau, hôn nhau … bằng môi như các tài tử ở Hollywood! Chuyện đó chắc chắn không bao giờ có trong thời đại Trung Quốc cổ !




Một thí dụ khác : Trong phim ‘Anna and the King’ mới quay lại gần đây do Châu Nhuận Phát và Jodie Foster đóng – tương đương với phim ngày xưa The King and I, ‘Vua Xiêm và thiếp’ do Yul Brynner và Deborah Kerr đóng – có cảnh giữa buổi tiệc tiếp đãi ngoại giao đoàn, vua Xiêm tự nhiên đứng lên xin lỗi quan khách vài phút để bồng bế đứa con gái cở chín mười tuổi gì đó và hôn con chúc con ngủ ngon kiss goodnight với con gái… cũng hôn bằng môi !

Thật lạ lùng ! Á Châu ngày xưa hay ngay cả ngày nay làm gì có chúc ngủ ngon trước khi đi ngủ, và lại còn hôn nhau bằng môi để chúc ngủ ngon nữa ! Khi cần phải quay đến Hôn người ta để ý Hollywood có vẻ rất ngang ngược, trịch thượng và láo khoét, không coi khán giả ra gì, không cần điều nghiên gì hết về cách hôn của người Thái, người Tàu khi xưa ra sao mà cứ bắt người ta phải ôm nhau hôn bằng… môi.

Điểm lạ lùng nữa, đối với người xem, như người Việt, người Tàu, người Nhật, v.v. đa số họ cũng dửng dưng hình như không để ý đến điểm thiếu chính xác – nếu không nói hoàn toàn sai trật – của cái hôn trong cội nguồn lịch sử dân tộc của họ. Không phải chỉ riêng Hollywood, tất cả các phim ảnh của mọi sắc tộc trên thế giới, ngay cả Trung Quốc (như phim Terra Cotta Warrior ở trên), Nhật Bổn, Ấn Độ, và Việt Nam (như phim the Long Tri Festival có cảnh chúa Trịnh ôm hôn môi nàng Đặng Thị Huệ !!) cũng đều tự động bóp méo chi tiết cổ truyền của họ trong các phim lịch sử bằng cách a-lê-hấp cho các tài tử ôm nhau hôn môi ra rít cho nó mùi và lẹ, khỏi mất công điều nghiên lâu lắc.


Thật sự, người Á Châu và rất nhiều giống người khác trên thế giới trong suốt mấy ngàn năm sinh tồn và mãi cho đến khoảng giữa thế kỷ 20 vừa qua không hề có cái vụ hôn nhau bằng môi như người Âu Mỹ ! Tức là trước khi đầu óc con người bị tiêm nhiễm bởi xinê, bởi phim ảnh của Hollywood, hình như mỗi chủng tộc có một lối hôn nhau, một cách thức hôn riêng biệt, thường khác nhau – chứ không phải chỉ có hôn môi. Lối hôn nhau bằng môi có lẽ là thành công vĩ đại nhất của sự lấn lướt và đồng hoá về văn minh, văn hoá, diễn đạt, cảm thông, luyến ái, sex, thương yêu, vân vân và vân vân của Tây Phương đối với mọi dân tộc khác trên thế giới.

Phương tiện chuyên chở và phát huy điểm sáng đó của Tây Phương chính là phim ảnh và TiVi. Thật ra nếu lối sống tự do dân chủ của Tây Phương cũng được truyền bá và tiếp thu nhanh chóng – chỉ trong vòng chừng 20 năm: từ khoảng 1945 đến 1965 – và thành công 100% như cái hôn thì chắc thế giới cũng bớt đi chiến tranh, nhất là nội chiến, xuống đường, tranh đấu, điều tra tham nhũng, điều tra về vi phạm quyền con người,… rất nhiều.




Người viết nhớ những năm đầu mới định cư tại Úc vào cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước. Thời đó ưa ở trọ những nhà trọ gần khu đại học New South Wales tại Sydney. Mỗi người khách trọ có phòng ngủ riêng biệt nhưng dùng chung các phòng khách, nhà bếp, phòng tắm v.v. Trong nhà trọ có một anh bạn gốc người Phi Châu sang Úc đi làm hay đi học chi đó. Tên anh bạn đó người viết nhớ hình như là Omhone.

Có một buồi tối thứ Bảy trong phòng xem Tivi đen trắng của nhà trọ tình cờ chỉ có anh ấy và người viết. (Xin nhắc lại cho mãi đến 1974 Tân Tây Lan mới có Tivi màu, và Úc đến 1976 mới có, và chỉ những tư gia trung lưu trở lên mới tậu và dùng TV màu). Hai đưá đang ngồi xem một phim nào đó có hai tài tử da đen đang âu yếm ôm nhau hôn . . bằng môi. Anh bạn Phi Châu xem đến xen du dương đó chợt la to lên ‘Bull Shit’ (Xạo quá !). Người viết rất ngạc nhiên quay qua hỏi anh ấy tại sao vậy mới nghe anh ấy nói ở Phi Châu người ta không có hôn nhau kiểu đó. Người viết rất tiếc hôm đó không hỏi luôn anh ấy xem người Phi Châu họ thường hôn nhau ra sao.

Cũng thời đó mỗi năm vào đêm giao thừa tết tây New Year’s Eve rất nhiều người bạn quen ưa đi xuống khu Kings Cross của Sydney để được hôn free, hôn tự do thả cửa. Chỉ việc thấy cô đầm trẻ nào đó, nhào tới nói Mừng Năm Mới Happy New Year xong rồi cứ nhón chân lên hôn cô ấy một cái. Hôn môi. Ôi cuộc đời.

Trở lại chuyện hôn môi, xin đặt một vài câu hỏi sau đây và thử đưa ra một số câu trả lời để tạm giải đáp vấn đề.



Hôn môi bắt đầu được ‘truyền nhiễm’ từ hồi nào?

Có lẽ vào khoảng đầu thế kỷ 20 – nhưng mạnh mẽ nhất là khoảng thế chiến thứ hai khi phim ảnh xinê trở thành phương tiện giải trí phổ thông nhất toàn cầu – song song với thế hệ sinh sung tức babyboom (thế hệ sinh ra đời trong khoảng từ 1945-1960). Thế hệ sinh sung có lẽ là thế hệ đầu tiên tiêm nhiễm lối hôn môi, trước hết được ‘nhập khẩu’ bằng lối trình diễn hôn nhau công khai giưã đám đông của những ông tây bà đầm ‘thực dân’ – ở bên Tàu cũng như ở Vietnam, ở Nhật, ở Ấn-Đô, ở Miến Điện, ở Phi Luật Tân, v.v.. Ở Vietnam trong thập kỷ 50 người ta còn dè bĩu lối hôn môi của người Pháp là hôn kiểu ‘nút lưỡi’ và thường được xem là thiếu.. . vệ sinh.
Trước khi hôn môi được tiếp nhận gần như toàn cầu các dân tộc trên thế giới hôn nhau ra sao ?

Nhắc lại trong phim ‘Mutiny on the Bounty’ (Cuộc nổI loạn trên tàu Bounty) do Marlon Brando đóng vai thuyền phó Christian Fletcher sau khi nổi loạn lật đổ thuyền trưởng Bligh (do Trevor Howard đóng) có lạc lên một hòn đảo. Ở đó Fletcher tán tỉnh được một người đẹp. Lúc Fletcher định đè người đẹp xuống bụi cây để hôn.. . môi, bị người đẹp chống cự kịch liệt bảo rằng hôn môi không. . đúng và bày cho Fletcher lối hôn của người hải đảo bằng cách cọ mũi với nhau. (Có lẽ cảm xúc với lối hôn cọ mũi này, sau khi đóng phim Marlon Brando lấy nữ tài tử chính của phim tên Tarita, sống nhau vài ba năm, và có con với nhau).




Điểm qua phim ảnh trong suốt mấy mươi năm qua, người ta thấy có lẽ phim ‘Mutiny on the Bounty’ là phim duy nhất của Hollywood đã trình bày lối hôn chính xác của một dân tộc khác với Âu Mỹ. Rất tiếc đó chỉ là cuốn phim duy nhất cho thấy lối hôn chính xác của người hải đảo trước khi hôn môi được tràn ngập toàn cầu, ít ra cũng trong phim ảnh.
Ở Nhật ngày xưa hôn nhau là một việc kín đáo giữa hai người với nhau nên ít người ngoại quốc biết họ hôn nhau ra làm sao. Có người viết rằng người Nhật hôn theo kiểu người hôn dùng hai môi hôn vào môi dưới của người được hôn đang chụm lại bất động, và người được hôn không có hôn lại người kia. Người Eskimo, hôn nhau bằng cách trước cọ mũi, sau sà mũi qua bên má và hít hít như kiểu Vietnam xưa. Người In-Đô (Nam Dương) cũng giống người Việt khi xưa chỉ hôn trên má thôi. Người Mã Lai, PôLinêsiên, người Bali hôn bằng cách cọ mũi với nhau. Người Áo nổi tiếng về việc hôn tay nhau. Người Phần Lan ở Bắc Âu ngày trước xem chuyện hôn môi như chuyện cấm kỵ. Người Á Rập và Ấn Độ Giáo xem chuyện hôn môi là chuyện dâm dục xúc phạm thuần phong mỹ tục.
Tuy quyển cẩm nang về sex của Ấn ‘Kama Sutra’ có ghi một vài tư thế hôn nhau bằng môi, chính phủ Ấn đã cấm phim Ấn Độ quay cảnh hôn nhau bằng môi từ năm 1929 và mãi cho đến năm 1983 cảnh hôn nhau bằng môi mới được phép cho ‘quay phim’ trở lại trong nền điện ảnh Ấn. Đặc biệt ở hòn đảo Mangia ở Thái Bình Dương cư dân trên đảo đã không hề biết hôn nhau ra làm sao cho đến khi người da trắng đến đó vào thế kỷ 18 !
Hôn nhau tại Vietnam nhất là ở thôn quê ngày xưa chắc chắn chỉ hôn qua má, hoặc cổ, hoặc trên khuôn mặt nói chung, là cùng. Không hề có kiểu ‘nút lưỡi’ (kiểu của Pháp), hôn môi với nhau. Hôn ở má khác với hôn môi ở chỗ động tác hôn má thường bao gồm động tác hít bằng mũi. Bởi vậy ngôn ngữ Việt thường gọi chung ‘hôn hít’ để chỉ động tác hôn nhau. Chính xác một chút ta có thể nghĩ từ ‘kiss’của Anh ngữ nếu phiên dịch sang tiếng Việt có thể được giới hạn ở chỗ ‘hôn’ (môi) mà thôi. Muốn dịch ngược lại lối hôn của người Việt các thế hệ trước – tức ‘hôn hít’ – chắc có lẽ ta phải dịch là ‘kiss & sniff’ (hôn hít!!), hay gọn gàng hơn sáng tác ra thành ‘kniff’ hay ‘kisniff’ (!!). Điểm nữa cần để ý là ‘phó từ’ thông thường của động từ ‘hôn’ là ‘chùn chụt’. Chỉ có hôn trên má hay chỗ nào khác với môi mới hôn chùn chụt được. Hôn môi với nhau không thể nào hôn chùn chụt được !



Sách vở trong văn học sử Vietnam cũng xác định điều này. Người ta có thể kiểm chứng bằng cách đọc qua tất cả các tiểu thuyết thời tiền chiến cho đến khoảng 1954 tại Vietnam. Từ quyển truyện viết bằng chữ quốc ngữ đầu tiên (‘Thầy Lazaro Phiền’ của Nguyễn Trọng Quản, con rể Petrus Trương Vĩnh Ký) sang qua mấy quyển tiểu thuyết đầu mùa như ‘Tố Tâm’ (Hoàng Ngọc Phách), ‘Châu về hiệp phố’ (Phú Đức), những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, cho đến thời Tự Lực Văn Đoàn tuyệt nhiên không có tới một hàng chữ mô tả hai người yêu nhau ôm nhau bên bờ hồ hay trong bụi chuối và hôn nhau đắm đuối bằng môi (!!).

Trong quyển ‘Đôi Bạn’ của Nhất Linh có đoạn tả cảnh Dũng trong lần hội ngộ với Loan ở nhà một người bạn tại miền quê. Loan đang ngồi sau nhà lo việc thổi cơm. Dũng đứng đâu đó gần đấy chợt nhìn thấy Loan vén tóc lên để lộ cổ trắng nõn nà – Dũng nhìn thấy thèm hôn vào gáy cổ của Loan và băn khoăn không biết có nên tiếp tục đi làm cách mạng hay là lo ‘settle down’ an phận thủ thừa lấy Loan làm vợ. Tuyệt nhiên, ta để ý, Nhất Linh không có đá động gì đến cái cảm xúc của cuối thế kỷ 20 – sang thế kỷ 21 – là Dũng nhìn thấy đôi môi mọng của Loan và muốn ôm Loan và hôn vào môi của Loan, hay tặng cho Loan một ‘nụ hôn’ đắm đuối.

Hôn môi có lẽ chỉ bắt đầu được phổ biến ở miền Nam vào khoảng đầu thập niên 1960 trở đi. Lúc đó, còn nhớ có một phim VN nào đó có quay cảnh lần đầu tài tử La Thoại Tân ôm Kim Cương hay Thẩm Thúy Hằng hôn môi với nhau. Dư luận quần chúng có vẻ khá chấn động về chiếc hôn cải cách này trên phim ảnh. Song song vào thời đó các loại tiểu thuyết lãng mạn trữ tình kiểu đợt sóng mới thi đua nhau tràn ngập thị trường sách báo, mô tả và ‘đề cao’ cảm xúc ‘tuyệt vời’ của hôn môi. Những nhà văn thuộc loại đợt sóng mới có ‘trách nhiệm’ với việc ‘lăng xê’ hôn môi vào xã hộI Việt Nam phải kể đến : Nguyễn Thị Hoàng, Lệ Hằng, Túy Hồng, Văn Quang, Tuấn Huy, v.v. Và cũng từ dạo đó hôn môi đã nhanh chóng đi sâu vào lòng ‘dân tộc’ và đồng hóa – một cuộc đồng hoá không mấy ai để ý đến – với việc ‘nhập khẩu’ thành công của ảnh hưởng Tây Phương.



Nguồn gốc của hôn môi dẫn xuất từ đâu ?

Theo giáo sư Vaugh Bryant ở đại học Texas A & M, có rất nhiều lý thuyết về nguồn gốc cuả hôn môi. Một vài người cho rằng hôn môi có thể được ‘phát minh’ cách đây hằng triệu năm, khi ngườI mẹ tiền sử nhai đồ ăn trước rồi mớm thức ăn cho con sơ sinh. Thế nhưng nhiều bà mẹ ở Papua New Guinea và ở Nam Phi Châu vẫn còn mớm thức ăn cho con bằng miệng khi người da trắng đến đó đánh chiếm thuộc địa cách đây vài thế kỷ vẫn chưa biết hôn nhau bằng môi là gì.
Theo nhiều học giả của ngành Nhân Chủng Học nếu tiền nhân đã hôn môi với nhau họ có thể rất kín đáo về việc này. Một trong những quyển sách có ghi chú về cách thức hôn nhau bằng cọ mũi đã xuất hiện tại Ấn Độ cách đây khoảng 3500 năm! Sau đó quyển Kama Sutra cũng của Ấn Độ, một quyển được xem như Kim chỉ Nam cổ điển nhất của nhân loại về SEX xuất hiện vào thế kỷ thứ 6, đã mô tả một vài lối hôn môi thô sơ vào thời đó. Hôn môi của người Âu Tây theo Vaugh Bryant được tuyên nhiễm từ Ấn Độ qua Hy Lạp bằng chuyến viễn chinh về phía Đông của Alexander the Great (A-Lịch-Sơn đại đế).

Chuyện vụn vặt về hôn ra sao ?

Vô số kể. Kiss lâu nhất trong lịch sử kéo dài đến 17 ngày 10 giờ rưởi tại Chicago vào năm 1984. Ngược lại quyển Guinness Book of Records ấn bản năm 2000 lại ghi cái hôn đoạt giải lâu nhất chỉ có 29 giờ trong thế đứng diễn ra tại Michigan vào năm 1998.Hôn nhiều ‘cú’ nhất là 11030 cái trong vòng 8 giờ đồng hồ do một anh chàng nọ biểu diễn tại Minnesota vào năm 1990.



Một cuộc nghiên cứu tại Baltimore City College cho biết trong một cái hôn có đến 278 các loại tổ hợp vi trùng được truyền qua hai đôi môi. Rất may là 95% của các tổ hợp vi trùng này mang tính chất hoàn toàn vô hại. Ngoài ra mặc dù vi khuẩn bệnh SIDA (Aids) có thể được tìm thấy trong nước miếng (nước bọt) nhưng chưa có ‘ca’ nào được ghi nhận rằng bệnh Sida có thể bị truyền lây qua cái hôn cả.


Theo y khoa, lưỡi và môi chứa rất nhiều điểm cuối của các dây thần kinh nhỏ. Hôn nhau bằng môi và ‘nút lưỡi’ do đó sẽ làm tiết ra nhiều chất ‘hótmôn’ (hormones) và ‘enđôphin’ (endorphins), làm nâng cao sảng khoái. Hèn gì . . .


Thay lời kết :

Viết đến đây thấy tạm đủ nên người viết tắt máy computer và ngồi xem Tivi truyền hình Olympics Thế Vận HộI Sydney 2000. Lạ quá khi xem mấy giải có người Trung quốc tham dự như gymnastics, vũ cầu badminton, hay bóng bàn ping pong, người ta thấy các nhà lực sĩ Trung quốc sau khi thắng đối phương, rời sân đấu đều làm những cái high fives với các bạn đồng đội hay với ông bầu dìu dắt. Nhắc lại high five xuất xứ từ những người Mỹ đen và bao gồm việc xoè bàn tay năm ngón đập vào bàn tay của bạn đồng đội sau khi làm bàn một điểm trong một trận đãu thể thao. Để tự tán thưởng với nhau.
Ngày nay bất kỳ người ta đối đáp được một câu nào có lý và hay ho, hay làm bàn được một cái gì đó người ta thường high-five với bạn cùng phe với nhau. High-five chỉ được Hollywood cho lăng-xê vào phim ảnh cỡ từ năm 1980 trở lại đây. Và ngày nay hầu hết các phim nhất là những phim truyền hình về các trận đấu thể thao, như bóng đá, bóng rổ basketball thường có high-fives.



Thế có nghĩa ngoài chiếc hôn môi, văn minh của Mỹ còn tràn ngập hoàn cầu qua cái high-five – trong vòng trên dưới 20 năm. Ngay cả các anh Trung Quốc, nước có hơn 2000 năm văn hiến ngày trước thường chắp tay xá xá hay bái tổ trước và sau khi lên võ đài mà hôm nay cũng đành bắt chước làm cái high five cho nó giống Mỹ, cho được vẻ văn minh tiến bộ. Và có lẽ chủ tịch Giang Trạch Dân của Trung Quốc chắc đã từng nghĩ đến sự tiêm nhiễm của hôn môi và high five khi ông tuyên bố gần đây rằng Trung Quốc có thể đạt được thể thức dân chủ Tây Phương vào năm 2020 trở đi.
Nguồn : Một Thời Saigon
__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HanParis vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
cuongcanna (14-07-2015), huuhuetran (14-07-2015), manh thuong (15-07-2015), nam_hoa1 (16-07-2015), stamp-history (14-07-2015)