Xem riêng 01 Bài
  #3  
Cũ 21-05-2014, 19:11
Poetry's Avatar
Poetry Poetry vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Chủ nhiệm, Trưởng Ban Biên tập - CLB VIET STAMP
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: TP. Hồ Chí Minh
Bài Viết : 7,875
Cảm ơn: 35,663
Đã được cảm ơn 54,840 lần trong 7,659 Bài
Mặc định



Dựa theo sự kiện lịch sử này, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) đã viết thành vở kịch 3 hồi "Cột đồng Mã Viện" vào năm 1944.

Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã xuất bản kịch bản này dưới dạng sách vào năm 2012.

Theo nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, 6 chữ khắc trên cột đồng Mã Viện là: “Đồng trụ triết, Giao Chỉ tiệt” (Cột đồng gãy, Giao Chỉ diệt).




Xin giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Huy Thắng (con trai nhà văn Nguyễn Huy Tưởng) cho lần xuất bản này.

“Tết 5 tháng 5. Tết Tàu. Anh em nói chuyện Khuất Nguyên, chắc là do một anh quan thái thú Tàu nào khi sang cai trị, bắt dân làm tết. Nhưng lại nhớ - ôi dĩ vãng - đến lời mẹ, cũng vào tết này - ngày sinh nhật mình - bóng dáng mẹ thân yêu, nhanh nhẹn và đon đả. Mình tỏ ý phẫn sao người Nam lại đi kỷ niệm một người Tàu, mẹ nói: Ai kỷ niệm người Tàu, cúng là cúng tổ tiên mình chứ.

Câu giản dị mà đầy ý nghĩa, chả thế mà anh Nguyễn Hữu Đang nghe chuyện, kết luận: “Đấy sức sống của dân tộc”.

Trên đây là một đoạn nhật ký viết ngày 26-6-1944 của Nguyễn Huy Tưởng. Khi ấy ông đang tham gia hoạt động Văn hoá cứu quốc, phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, và xây dựng một nền văn hoá mới. Đấy cũng là thời điểm ông đang tập trung viết vở kịch Cột đồng Mã Viện, dưới ảnh hưởng Đề cương văn hoá của Đảng, với khẩu hiệu Dân tộc - Khoa học - Đại chúng.

Nguyễn Huy Tưởng bắt đầu viết Cột đồng Mã Viện từ năm 1940. Ban đầu, vở kịch dự kiến có tên “Đồng trụ” – hai chữ luôn xuất hiện trong nhật ký của ông suốt những năm sau đó. Có thể nói, Nguyễn Huy Tưởng viết vở kịch này khá chật vật. Ông viết đi viết lại, không thôi trăn trở về kết cấu, định hình nhân vật, nhất là về xác định chủ đề. Và ta có thể hình dung, đến những dòng nhật ký nói trên, tác giả đã tìm được hướng đi cuối cùng cho tác phẩm: đề cao sức sống của dân tộc. Đó là, như ông viết tiếp trong nhật ký: “… Một sức sống đẫm máu, quằn quại, giả dối, giấu giếm, lẩn lút, xấu xí, hèn hạ, nhưng chính nó đã là mầm cho sự sinh tồn. Đầu đề mồng 5 tháng 5 có thể làm tựa cho Đồng trụ” (chữ “đầu đề” được hiểu là “đề tài”, một nghĩa của từ này mà Nguyễn Huy Tưởng hay dùng thời kỳ trước Cách mạng).

Kịch Cột đồng Mã Viện lấy bối cảnh là một vùng đất biên giới giữa nước ta (khi đó là Giao Chỉ) và tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, ít lâu sau khi Mã Viện đè bẹp được cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (năm 43 sau Công nguyên). Kẻ chiến thắng ngạo nghễ cho dựng ở đó một cột đồng đề sáu chữ: “Đồng trụ triết, Giao Chỉ tiệt” (Cột đồng gãy, Giao Chỉ diệt). Cột đồng với sáu chữ hạ nhục ấy vừa là nỗi đau đối với người dân mất nước, vừa là một sự áp chế đáng sợ đối với mọi người: ai cũng chỉ lo cột đồng đổ, cột đồng bị làm sao thì cả giống nòi cũng mất. Vì vậy mọi người qua lại nơi biên giới đều đua nhau ném gạch, đá vào chân cột đồng để cho thêm chắc, trước tiếng cười khinh miệt của bọn lính canh…

Nhưng có một người không chịu được nỗi nhục ấy, lại càng không tin vào đòn “tâm lý chiến” mà Mã Viện gieo vào đầu người dân Giao Chỉ khiếp nhược. Đó là Hùng Chi, một người “làm nghề thuốc” nên có chữ nghĩa, nhưng quan trọng hơn, về phẩm chất là một tay “tuấn kiệt”, một người “trung hậu”, tóm lại, “một chính nhân quân tử”. Ngay đến Mã Viện cũng nhận ra khả năng hơn người của Hùng Chi và đã muốn cho chàng làm huyện lệnh Chu Diên để phục vụ cho công cuộc thống trị của hắn. Song điều đó đâu làm lung lạc được ý chí của chàng. Ý chàng đã quyết: phá đổ cột đồng, để chứng tỏ cho quân xâm lược tinh thần bất khuất của người Giao Chỉ, và cũng để mở mắt cho những người đồng hương mông muội của mình: Cột đồng không phải thần thánh gì cả. Phá cột đồng, giống nòi cũng chẳng làm sao, có chăng chỉ là xoá đi được phần nào nỗi nhục!

Cuộc âm mưu của Hùng Chi đã có được người ủng hộ. Đó là Khúc Việt cùng một số trai tráng trong vùng. Đó còn là Vương Độ, một người cũng làm nghề thuốc như chàng, nhưng là người Hán; quen biết Hùng Chi, Vương Độ rất quý trọng chàng và chính người Hán này đã tiến cử chàng với Mã Viện. Biết tin Hùng Chi nhất quyết phá cột đồng khi âm mưu đã lộ, Vương Độ không phản đối mà chỉ khuyên chàng chớ vội manh động: “Tôi không ngăn bác. Bác làm thế là phải lắm. Nhưng đừng làm đêm nay. Hãy nghe tôi.” Trớ trêu thay, hành động của Hùng Chi lại bị chính một người Giao Chỉ tố giác: Cù Viên – một kẻ vẫn giả danh là bạn với chàng. Nguyên do chỉ bởi nỗi tỵ hiềm: Cù Viên ghen tức với Hùng Chi được Mã Viện trọng thị, trong khi mình thì tỏ ra sốt sắng mà không được tin dùng. Và chừng ấy cũng đủ để y làm việc phản bội! Kết cục Hùng Chi, Khúc Việt cùng những người đồng chí phá cột đồng bị bắt ngay khi đang khởi sự; họ bị đưa về Trung Quốc chịu tội trước sự tiễn biệt đầy nước mắt của những người thân…
*
Kịch Cột đồng Mã Viện gồm ba hồi với một kết cấu theo phong cách cổ điển chặt chẽ. Tất cả đều diễn ra ở một địa điểm: vùng biên giới núi non trùng điệp, bên dưới chân cột đồng mà mọi người đi qua đều thấy và ném gạch đá ngổn ngang. Mọi lời thoại và hành động kịch cũng xoay quanh câu chuyện về cột đồng, về Mã Viện, viên chủ tướng giặc đã cho dựng cây cột với những chữ đáng sợ gây uất ức kia. Mở màn là một tốp người Giao Chỉ đi qua biên giới: một ông lão, một mụ bán hàng, một mụ lấy Khách (từ chỉ người Trung Quốc trước kia hay dùng), một đôi tình nhân. Kết thúc cũng vẫn lại tốp người ấy trên đường trở về, có khác chăng đôi tình nhân giờ chỉ còn lại gã thiếu niên, còn người thiếu nữ vì “tham giàu bỏ nghĩa” đã bỏ gã mà ở lại lấy chồng Tàu. Mở màn là cảnh tốp người qua biên giới bảo nhau ném gạch đá vào chân cột đồng, vì sợ nó đổ thì mất giống. Kết thúc cũng lại cảnh ném đá như thế, nhưng là người ta ném theo thói quen, và trong thâm tâm không còn thấy sợ cột đồng nữa: Hành động phá cột đồng của Hùng Chi và các bạn chàng, tuy không thành công, đã có tác động thức tỉnh dân chúng; nó khiến họ thấy cột đồng “trông không ghê nữa”! Và còn điều phát hiện thú vị này nữa, của Hùng Chi hay của chính tác giả khi ấy, về sự trường tồn của dân tộc khi ông tiếp thu tinh thần của bản “Đề cương văn hóa”, với các phương châm Dân tộc - Khoa học - Đại chúng: Nếu như ban đầu, Hùng Chi chỉ biết có việc phá cột đồng, để rửa nhục cho giống nòi, thì giờ đây, khi việc không thành, chàng lại phát hiện ra rằng, chính cái hành động ném gạch, ném đá vào chân cột đồng của người mình, dù vì mục đích gì chăng nữa, cũng sẽ góp phần làm cho cột đồng biến mất với thời gian. Lớp người này rồi lớp khác, thế hệ này rồi thế hệ khác, ai nấy mỗi người qua lại đều ném một hòn gạch, hòn đá thì rồi sẽ đến lúc những hòn gạch, hòn đá ấy hóa thành cả một đống gạch đá chôn vùi cột đồng dưới tầng tầng lớp lớp. Và đây chính là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của chủ đề “sức sống của dân tộc” qua ngòi bút Nguyễn Huy Tưởng: một sức sống “quằn quại”, “giấu giếm”, “lẩn lút”… – xin được mượn chữ dùng củatác giả – nhưng cũng chính nhờ đó mà người mình vẫn cứ giữ được là người mình, trên mảnh đất của ông cha mà chẳng có sự hăm doạ nào của ngoại bang duy trì mãi được!
*
Mặc dù không phải là một tác phẩm quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng nói chung cũng như trong mảng kịch bản sân khấu nói riêng, Cột đồng Mã Viện là tác phẩm có thời gian sáng tác vào loại lâu nhất: 5 năm! Kể từ khi tác giả bắt đầu cấu tứ với tên “Đồng trụ” (cuối năm 1940, trước cả khi viết Đêm hội Long Trì Vũ Như Tô), cho đến khi xác định được chủ đề “sức sống của dân tộc” (giữa năm 1944, như trên đã nói), và cuối cùng là việc viết lại hoàn toàn vở kịch với tên mới: Cột đồng Mã Viện (nửa đầu năm 1945). Nhưng nếu xét về quy mô thì tác phẩm này còn nhỏ gọn hơn nhiều, ít nhất là so với những cuốn khác cùng thể loại (kịch Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Những người ở lại). Toàn bộ tập bản thảo được tìm thấy sau khi tác giả qua đời chỉ gồm 30 trang viết tay trên khổ giấy viết thư, với không ít chỗ gạch xoá, thêm bớt, chỉnh sửa. Vậy nhưng tác phẩm vẫn chưa có được dạng hoàn thiện như một bản thảo đã được chỉnh trang lại hoàn toàn trước khi đưa in. Không kể những dòng cuối cùng còn thiếu của kịch bản (ở một trang bản thảo cuối cùng bị thất lạc?), vở kịch còn có những chi tiết cho thấy sự sơ suất, thậm chí nhầm lẫn của tác giả (như có chỉ định nhân vật mà không cho xuất hiện – trường hợp xảy ra với một hành khất mù và Hùng Vĩnh, con trai Hùng Chi). Có thể giải thích thế nào về sự thể này. Theo chúng tôi, trước hết là do Nguyễn Huy Tưởng bận vào công tác của Đoàn thể – thời điểm ông viết lại Cột đồng Mã Viện cũng là lúc sắp đến cao trào tiền khởi nghĩa; nhật ký của ông cho biết, ngày 13-3-1945, không lâu sau Nhật đảo chính Pháp, ông gặp một số đồng chí trong Văn hoá cứu quốc. Khi Nam Cao thấy trong cặp của Nguyễn Hữu Đang tập bản thảo Cột đồng Mã Viện (chắc tác giả đưa cho bạn đọc góp ý), tác giả Sống mòn đã nói một câu không thể hợp hơn: “Xếp bút nghiên thôi”. Rõ ràng, trước vận mệnh đất nước lúc bấy giờ, mọi ưu tiên đối với cả mọi người, bất kể ai, là cầm lấy súng, không phải cầm bút!

Song cũng còn một nguyên nhân thứ hai, theo chúng tôi, có phần đậm dấu ấn hơn. Đó là sự chi phối của Đề cương văn hóa mà tác giả và các đồng chí của ông đang nhận lãnh như một kim chỉ nam. Là người được giác ngộ chủ nghĩa cộng sản, có chân trong tổ chức Văn hóa cứu quốc chịu sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh, Nguyễn Huy Tưởng đương nhiên rất có ý thức vận dụng các phương châm Dân tộc - Khoa học - Đại chúng ở bản đề cương vào trong tác phẩm. Tuy nhiên, trong bước đầu bỡ ngỡ, việc tiếp thu tinh thần bản đề cương là một chuyện, còn vận dụng nó như thế nào, nhuần nhuyễn đến đâu lại là chuyện khác. Điều này có thể thấy rất rõ qua từng chi tiết trong văn bản Cột đồng Mã Viện. Một mặt, Nguyễn Huy Tưởng muốn nêu những vấn đề lớn, quan thiết đến vận mệnh giống nòi: sức sống của dân tộc, ý thức dân tộc trong mối quan hệ với dân tộc khác (phương châm dân tộc); vấn đề phân biệt bạn - thù (phương châm khoa học). Mặt khác, tác giả lại muốn trình bày sao cho thật dễ hiểu (phương châm đại chúng)… Vì thế nên ông đã sửa đi sửa lại sao cho ngôn ngữ kịch thật giản dị, kết cấu vở thật giản đơn, và kết quả là khiến tác phẩm thành ra sơ lược. Có lẽ chính tác giả cũng nhận thấy điều hạn chế này nên về sau, ngay cả những năm cuối đời, ông không hề có ý định cho công bố hoặc sửa lại vở kịch!
*
Bản thảo kịch Cột đồng Mã Viện cứ nằm yên đó sau khi Nguyễn Huy Tưởng qua đời, trong tình trạng dở dang và mờ dần theo năm tháng. Năm 1963, khi làm tuyển tập Kịch Nguyễn Huy Tưởng, nhà nghiên cứu, phê bình văn học Hà Minh Đức đã phát hiện ra tập bản thảo lẫn trong hàng chồng giấy tờ, tài liệu của nhà văn để lại. Bằng mẫn cảm của một người làm công tác khoa học, ông đã cất công lần đọc từng trang, từng câu, từng chữ của vở kịch và nhận ra, dù bị thiếu trang và chưa được hoàn thiện, vở kịch thực chất đã đi đến hồi kết, và những khiếm khuyết còn có ở chỗ này chỗ khác chỉ là thứ yếu, so với tổng thể chung của tác phẩm. Giá trị của nó, trước hết nằm ở nội dung yêu nước, tiến bộ, đề cập đến một vấn đề muôn thuở là vấn đề dân tộc. Về phương diện này, Nguyễn Huy Tưởng quả là người cấp tiến: Trong khi đề cao tinh thần yêu nước, ý chí phản kháng của người dân trước ngoại bang, ông cũng đồng thời chỉ ra một nguy cơ dễ mắc: chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi. Hùng Chi vì căm phẫn quân xâm lược, nên đã có lúc đánh đồng Vương Độ, một người dân Trung Quốc có thiện cảm với mình, như mọi người Hán thống trị khác. Ngược lại, do quá tin người, chàng đã bị chính một người đồng bào của mình phản bội, tố giác âm mưu của chàng với bọn đô hộ. Đây chính là mâu thuẫn mà vở kịch đặt ra và đã được tác giả giải quyết thành công bằng những hình ảnh cảm động giàu ý nghĩa: Hùng Chi trên bước đường đày ải, đã gặp lại Vương Độ ở nơi biên giới và đã có dịp chứng kiến tấm lòng nhân ái mà người bạn Trung Quốc này dành cho mình cùng người thân của mình. Đồng thời Vương Độ cũng có dịp được bày tỏ thái độ bất bình trước những hành động tàn bạo, vô nhân của những tên lính xâm lược, dù chúng là đồng chủng với mình…

Với những giá trị cơ bản đó, Cột đồng Mã Viện đã được đưa vào tuyển tập Kịch Nguyễn Huy Tưởng, bên cạnh những Vũ Như Tô, Bắc Sơn, Những người ở lại – “bốn bông hoa hương sắc trong nền kịch nói của Việt Nam”, xin được mượn lời người tuyển chọn Hà Minh Đức. Sau đó, vở kịch còn được một lần tái xuất trong Nguyễn Huy Tưởng toàn tập (Nhà xuất bản Văn học, 1996).

Nhưng phải chăng kịch Cột đồng Mã Viện chỉ có ý nghĩa về phương diện văn học sử khi nghiên cứu mảng sáng tác kịch của Nguyễn Huy Tưởng, hay khi tìm hiểu tổng thể di sản văn học của ông. Tất nhiên, chỉ duy điều này cũng đã là đáng kể rồi, khi, như ta có thể nhận thấy, sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Huy Tưởng cùng với thời gian ngày càng tỏ ra có sức sống, được nhìn nhận như một tổng phổ đa thanh nhưng luôn nhất quán với không ít đỉnh cao. Nhưng thiết nghĩ, ngay cả như thế kịch Cột đồng Mã Viện vẫn cất lên một tiếng nói riêng, đáng được ghi nhận và suy ngẫm, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Chúng ta đều biết, hiện nay nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề, vấn nạn quan thiết đến mọi người, trong đó có vấn đề dân tộc. Dân tộc chúng ta với nhau, và dân tộc ta với dân tộc khác. Hãy thử soi chiếu từ những nhân vật cụ thể trong kịch Cột đồng Mã Viện. Trong khi Hùng Chi, Khúc Việt lo phá cột đồng, rửa nhục cho giống nòi, thì Cù Viên, chỉ vì một chút tỵ hiềm, đang tâm đi tố giác với giặc. Trong khi mẹ và vợ Hùng Chi lo nẫu ruột cho con, cho chồng bị bắt đi đày, không biết sống chết thế nào, thì lại có mụ lấy Khách lo đi lừa các cô gái trẻ người non dạ để đem về làm lẽ cho tên chồng Tàu; hay gã thiếu niên chỉ hết thở vắn than dài vì bị tình nhân lừa, như thể không còn có chuyện gì khác trên đời này… Về phía người Hán – gồm cả đội quân đô hộ và những người dân thường sang làm ăn kiếm sống – cũng có những sự đối lập khiến ta suy nghĩ. Bên cạnh những tên lính Tàu xấc xược, răm rắp tuân lệnh quan thầy, không phải không có một người như Vương Độ luôn đứng về lẽ phải. Con người trung hậu này dám nói thẳng với một tên chỉ huy quân Tàu, khi nghe hắn nói về âm mưu phá cột đồng của người Giao Chỉ: “Phá là phải, ai lại làm nhục người ta như thế bao giờ. Tôi cũng tức thay họ”. Không chỉ công khai bày tỏ thái độ, Vương Độ còn tìm cách bảo vệ Hùng Chi và các bạn chàng khi biết họ đã bị lộ, cũng như sau này, khi họ bị bắt giải về Trung Quốc. Theo nhà nghiên cứu Hà Minh Đức, nhân vật người Hán này với những hành động, cử chỉ nhân ái, thái độ công bằng trong quan hệ với người dân Giao Chỉ “là một hình ảnh đẹp và giàu ý nghĩa”.

Liệu có quá không khi nói, sau gần bảy chục năm được viết ra, vở kịch Cột đồng Mã Viện tuy khai thác một câu chuyện từ thời xa xưa, nhưng như đang soi chiếu với những vấn đề của chính chúng ta hôm nay, những vấn đề về sự tự tôn dân tộc, sự thống nhất ý chí, cũng như sự nhận thức về bạn và thù?

Câu trả lời tùy thuộc vào bạn đọc; về phần mình, chúng tôi chỉ xin được coi việc xuất bản cuốn sách này như một sự tiếp sức cho sức sống của một đời văn Nguyễn Huy Tưởng.
__________________
Họ tên: Hoàng Anh Thi
Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh 736022, Việt Nam.
Điện thoại: (84-8) 38111467
Di động: 0918 636 791
Email: hoang.anhthi@gmail.com / vietstamp.net@gmail.com
Website: www.hoangthethien.net
Số tài khoản Vietcombank: 0071001061473
Đề tài sưu tập: Việt Nam trên tem thế giới, cộng sản, văn hóa phương Đông...
Gửi tin nhắn trên VSF:
Đằng Giang tự cổ huyết do hồng

Bài được Poetry sửa đổi lần cuối vào ngày 21-05-2014, lúc 19:34
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Poetry vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
HanParis (21-05-2014), hoavienquanbl (22-05-2014), manh thuong (22-05-2014), stamp-history (21-05-2014)