Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Văn hóa (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=706)
-   -   Phong tục Tết Việt trên tem Việt Nam (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=639)

Poetry 07-02-2008 00:45

Phong tục Tết Việt trên tem Việt Nam
 
1 File đính kèm
Chơi cành đào


Ngày Tết người Việt có tục chơi cành đào, nhất là ở miền Bắc, nơi mùa xuân có hoa đào nở màu đỏ nhạt rất hợp với cảnh xuân xứ lạnh.

Người ta tin rằng hoa đào trừ được ma quỷ do tích kể rằng: Xưa ở dưới gốc cây đào lớn núi Độ Sóc có hai vị thần là Thần Trà và Uất Lũy cai quản đàn quỷ. Quỷ nào làm hại dân gian sẽ bị trừng phạt ngay.

Ngày nay, cành đào Tết tượng trưng cho hai vị thần trên. Ma quỷ trông thấy cành đào phải tránh xa. Cành đào cắm trên bàn thờ tổ tiên làm tăng vẻ huy hoàng cho bàn thờ và cũng để bảo vệ cho tổ tiên về hưởng Tết bình an cùng con cháu vì ma quỷ thấy cành đào sẽ không dám bén mảng tới quấy nhiễu tổ tiên trong những ngày Tết.

Poetry 07-02-2008 00:46

1 File đính kèm
Đốt pháo


“Đì đẹt ngoài sân tràng pháo chuột”… Tiếng pháo nổ lúc giao thừa nghe sảng khoái, vui tai như lời chào mừng của con người trước thiên nhiên rằng thời khắc giao thừa, thời khắc thiêng liêng mà đất trời giao cảm, âm dương hòa quyện, đã tới. Người xưa còn quan niệm rằng, tiếng nổ âm vang của pháo giữa đêm ba mươi Tết tĩnh mịch sẽ xua đuổi tà ma, điều xấu đi. Người xưa còn đốt pháo để mừng nhau khi đến xông nhà nhau.

Theo phong tục, người xưa chỉ dùng vài phong pháo tép để đốt nên ít gây tai nạn. Sau này người ta coi pháo như một phương tiện thể hiện sự chơi trội nên đua nhau đốt pháo to, đốt nhiều gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc cho xã hội. Vì vậy, Chính phủ đã cấm đốt pháo từ năm 1995. Tuy ngày Tết Việt vắng hẳn tục đốt pháo nhưng âu cũng là để mang lại an toàn, bình an cho toàn xã hội.

Poetry 07-02-2008 00:49

5 File đính kèm
Chơi tranh Tết


“Om xòm trên vách bức tranh gà”… Để đón Xuân về, người Việt trang hoàng nhà cửa. Một trong số những đồ trang trí không thể thiếu, đó là tranh Tết.


Việt Nam có nhiều dòng tranh Tết dân gian nổi tiếng như Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), làng Sình (Huế)… Có loại tranh hợp với trẻ em như tranh “Phú quý”, “Vinh hoa”, “Thất đồng”…; có loại tranh hợp với người lớn như tranh “Tứ Bình”, “Đám cưới chuột”, “Thầy đồ cóc”, “Đàn gà mẹ con”, “Đàn lợn mẹ con”…


Chơi tranh Tết là thú vui, là sự thưởng thức nghệ thuật nhưng cũng là cầu mong cho bản thân và cả gia đình sang năm mới được bình an, may mắn, ấm no, hạnh phúc. Tranh Tết còn làm cho người ta đón và hưởng cái Tết trong không khí ấm cúng và tâm trạng vui tươi, yên bình hơn.

Poetry 07-02-2008 22:51

1 File đính kèm
Chúc thọ và mừng tuổi (lì xì)

File Đính Kèm 3445

Thêm một Tết là người ta được thêm một tuổi. Thêm tuổi là thêm thọ nên đây là điều đáng mừng. Trẻ em thêm tuổi là thêm lớn khôn. Do đó mà trong lúc chúc Tết, người Việt có thêm tục chúc thọ và mừng tuổi bằng tiền. Con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi con cháu. Người thân, bạn bè mừng tuổi cho nhau. Tiền mừng tuổi đựng trong những phong bao màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn, thường là tiền lẻ và còn mới vì người ta quan niệm rằng tiền mừng tuổi đó sẽ sinh sôi, nảy nở thêm nhiều và mang lại may mắn cho con cháu. Người ta thường cất tiền mừng tuổi để giữ lấy sự may mắn.

Poetry 07-02-2008 22:53

1 File đính kèm
Múa lân


Múa lân ngày Tết là một phong tục đã hình thành từ lâu ở miền Nam, nhất là đất Sài Gòn, bắt nguồn từ những người Hoa di cư sang Việt Nam. Ngày trước, khu phố nào cũng có một đội lân do những người có thế lực bảo trợ. Đẹp và quý nhất là lân râu bạc, rồi mới đến lân râu đỏ, râu xanh, râu đen… Mỗi con lân chiếm cứ một vùng, không lấn sang vùng đất khác để tránh đụng độ nhau. Mỗi đội lân đều có những võ sĩ trang bị đại đao, mã tấu làm đạo cụ. Những nhà buôn giàu có thường treo giải thưởng thật cao, có khi là một món tiền lớn. Muốn lấy được giải, người trong đội lân phải đứng lên vai nhau làm thang cho lân trèo. Có đội lân trang bị cột tre thật cao để lân vừa múa vừa leo trong tiếng pháo nổ giòn. Người múa lân phải dũng cảm và tài nghệ, dù giải treo cao và khó đến đâu, lân cũng lấy được bằng những thủ thuật riêng. Giải lấy được rồi, tiếng trống thúc rộ lên, người ngoài xem mới biết.

Poetry 07-02-2008 22:54

1 File đính kèm
Khai bút


Các nhà nho, thầy đồ Việt xưa thường xem lịch, chọn ngày giờ tốt, thắp nén hương thành kính khấn vái trước bàn thờ rồi lấy ra tờ giấy hoa tiên, mài thoi mực mới, khai bút đầu Xuân. Trước án thư hương trầm thơm ngát, các ông làm bài thơ hay làm đôi câu đối. Sau khi viết xong, các ông tự ngâm, tự thưởng thức trước rồi cho thơ, câu đối này vào tráp, đợi khách văn tới là chủ nhà sẽ đọc cho khách nghe trong khi nhấp chén trà xuân, rồi chủ khách cùng nhau bình luận. Các nho sinh nhân ngày Tết cũng xem lịch, chọn giờ hoàng đạo để khai bút cầu cho học hành tấn tới.

hat_de 02-02-2011 23:36


Lời dạy ấy của bác tuy giản dị nhưng ẩn chứa 1 bài học sâu sắc, vĩ đại xong ai cũng có thể làm được. Mỗi người trồng 1 cây chúng ta sẽ có rừng cây. Bác là 1 người luôn nghĩ về đồng bào về dân tộc, bác luôn mong đất nước ta càng ngày càng xuân. Tiếc quá, mình ko rõ bác đọc câu thơ trên vào dịp nào...híc híc


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 01:45.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.