Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Truyền thông về BVĐVHD qua Tem & vật phẩm sưu tập khác (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=391)
-   -   MÈO CÁ (Prionailurus viverrinus) (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=6633)

Đêm Đông 01-08-2010 23:01

MÈO CÁ (Prionailurus viverrinus)
 
3 File đính kèm
Mèo Cá (Prionailurus viverrinus)





Mèo cá thuộc cỡ nhỏ trong họ mèo. Dài thân 725 - 780mm, dài đuôi 250 - 290mm, dài bàn chân sau: 151 - 171mm, trọng lượng 7 - 11kg. Mõm, má màu phớt trắng. Tai ngắn. Có 2 vệt sáng từ mắt đến tai. Bộ lông ngắn, hơi thô màu cơ bản xám hoặc lông sỉ, có nhiều đốm nhỏ thẫm mờ dọc sườn. Đuôi ngắn, xám sẫm, có đốm đen từ gốc đến mút đuôi.

Thức ăn của mèo cá gồm cá, tôm, cua ốc, ếch, và các loại chim thú nhỏ. Kiếm ăn gần bờ nước. Thời gian có chửa 90 - 95 ngày, mỗi lứa đẻ 2 - 3 con.



Mèo cá sống ở vùng thấp, bụi cây ven rừng, dọc sống suối, ao đầm, sống đơn độc. Phân bố ở những vùng trên lãnh thổ Việt Nam như: Cao Bằng, Phú Yên, Long An, TP Hồ Chí Minh. Có thể mèo cá có phân bố rộng ở Việt Nam nhưng số lượng ít.

File Đính Kèm 101016

(Maxicard do CLB Viet Stamp thực hiện)


Trên thế giới mèo cá cũng xuất hiện ở Nepal, Nam Ấn Độ, Sri Lanka, Lào, Cambodia, Sumatra và Java (Indonesia). Mèo cá là loài thú hiếm ở Việt Nam, số lượng rất ít nhưng chúng vẫn bị săn bắn với các loài cầy, chồn, mèo rừng. Mức độ đe dọa: bậc R.

File Đính Kèm 101017

(Maxicard do CLB Viet Stamp thực hiện)

Tuyệt đối cấm săn, bẫy bắt, kết hợp với bảo vệ rừng và xây dựng hệ thống các khu bảo vệ thiên nhiên.

Ngày 01-08-2010, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem "Mèo Cá" gồm 4 mẫu tem với các giá mặt: 2.000 đ, 2.500 đ, 4.500 đ, 10.500 đ và 1 bloc 8 tem giá mặt 39.000 đ, mang biểu trưng WWF.

Bộ tem được thiết kế theo lối tả thực thể hiện hình ảnh loài Mèo cá với các tư thế tự nhiên trong môi trường sinh sống của chúng.

Đặc biệt, trong dịp phát hành bộ tem này, Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam phát hành dấu kỷ niệm ngày phát hành đầu tiên tại 2 địa phương là: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

File Đính Kèm 101018

(FDC do CLB Viet Stamp thực hiện)

Poetry 02-08-2010 14:13

2 File đính kèm

Mèo Cá (Prionailurus viverrinus) thuộc loài mèo cỡ nhỏ. Bộ lông màu xám hoặc lông sỉ, có nhiều đốm đen tạo thành sọc trải dài khắp cơ thể. Nổi bật trên khuôn mặt là sống mũi thẳng dài. Kích cỡ Mèo Cá tuỳ thuộc vào nơi sinh sống. Chân chắc nịch ngắn vừa phải, đuôi ngắn và khoẻ dài bằng 1/3 đến 1/2 cơ thể.

Như tên gọi, cá là thức ăn chủ yếu của loài mèo này, với khoảng 10 loại khác nhau. Ngoài ra, Mèo Cá còn săn bắt các loại thức ăn khác như tôm, cua, ốc, ếch và các loại chim thú nhỏ.

Giống như loài Báo mèo, Mèo Cá sống đơn độc ở vùng thấp, bụi cây ven rừng, dọc suối, ao đầm. Chúng kiếm ăn gần bờ nước.

Mèo Cá là loài thú quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam được Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN) liệt kê vào loài nguy cấp cần bảo vệ.

Ở Việt Nam, loài Mèo Cá được tìm thấy ở Cao Bằng, Khánh Hòa, Kiên Giang và TP. Hồ Chí Minh.

File Đính Kèm 101169
(Maxicard do CLB Viet Stamp thực hiện)

Theo báo Lao Động online ngày 12-01-2010, loài Mèo Cá được tìm thấy cả ở An Giang, thông tin như sau:

Từ nguồn tin loan truyền, Chi cục Kiểm lâm An Giang (CCKLAG) đã đến xã Bình Thạnh, huyện Châu Thành và xác định vật lạ mà người dân ở đây bẫy được chính là Mèo Cá có tên trong Sách đỏ Việt Nam xuất hiện tại cồn Bà Hòa.

Tuy nhiên đàng sau niềm vui lớn: Lần đầu tiên “đón” động vật quý hiếm ấy là nỗi buồn mênh mang với khoảng trống trong công tác bảo vệ động vật hoang dã.

Quản lý chạy theo... đuôi

Đầu tháng 10-2009, ông Nguyễn Văn Sáng (xã Bình Thành) bắt được mèo cá bằng bẫy tự chế, sau khi phát hiện có con vật lạ vào “bắt trộm” gà trong nhiều đêm. Khoảng 10 ngày sau đó qua nguồn tin loan truyền trong nhân dân, CCKLAG đã cử đoàn công tác đến nhà ông Sáng và xác định con vật lạ chính là mèo cá, có tên khoa học là Felis Viverrina, thuộc họ mèo Felidae, nằm trong Sách đỏ Việt Nam, đặc biệt quý hiếm cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Con mèo dài khoảng 80cm, cao gần 5 tấc, nặng khoảng hơn 5kg, lông xỉ, có nhiều đốm nhỏ màu đen thẫm dọc sườn... dọc từ mắt đến tai có 2 vệt sáng chạy dài đặc trưng và đây là mèo cái. Chưa đầy một tháng sau đó, hộ ông Lương Văn Thắng, cồn Bà Hoà, xã Bình Thạnh (huyện Châu Thành) lại đánh bẫy được con mèo cá thứ hai (mắt phải bị hỏng).

Kỹ sư Bành Thanh Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng - Bảo tồn thiên nhiên (CCKLAG), cho biết thêm: “Nếu không có người dân tốt bụng trực tiếp đến báo tin thì có lẽ không bao giờ CCKLAG hay biết về sự xuất hiện của mèo cá tại khu vực cồn Bà Hoà dù chúng đã có mặt tại đây 2-3 năm”. Bởi theo thống kê chưa đầy đủ, thì đây đã là con mèo cá thứ 4 người dân địa phương bắt được bằng bẫy tự chế.

Trước đó 1 được giết thịt, một bán cho người nuôi vật cảnh. Tuy nhiên theo kỹ sư Hùng, điều đáng lo hơn là công tác bảo vệ và số phận mong manh của số mèo cá còn lại tại cồn Bà Hoà. Bởi theo phản ánh của người dân địa phương đến nay còn khoảng 3-5 con mèo cá đang sinh sống tại khu vực cồn, nhưng đến nay CCKLAG chỉ có thể “tác động” đến loài động vật quý hiếm này bằng cách “dặn dò” chính quyền địa phương theo dõi và sớm thu hồi sau khi phát hiện người dân săn bắt được.

Sẽ đánh mất cơ hội...?

Kỹ sư Hùng, người có trên 30 năm liên tục gắn bó với ngành kiểm lâm An Giang xác nhận: Mèo cá là loài thú quý, có mức độ đe doạ ở cấp báo động. Theo các tài liệu khoa học và kinh nghiệm thực tiễn, An Giang không có mèo cá sinh sống. Vì vậy sự xuất hiện của gần chục cá thể tại khu vực cồn Bà Hòa là điều rất đáng mừng, vì nó làm phong phú thêm sự đa dạng sinh học...

Tuy nhiên, công tác rà soát hiện trạng sinh tồn và số lượng mèo cá tại cồn Bà Hoà để tiến hành các hoạt động bảo tồn vẫn đang là chuyện của tương lai, còn hiện tại, đang bộc lộ những khoảng trống chết người.

Sau khi được hỗ trợ 1 triệu đồng tiền nuôi dưỡng, ông Sáng đồng ý giao con mèo cá cho CCKLAG quản lý. Theo kế hoạch ban đầu, sau khi đưa về Đội Cứu hộ nuôi dưỡng, CCKLAG đã lần lượt thả mèo cá vào rừng tràm sinh thái Trà Sư (huyện Tịnh Biên). Việc di dời cưỡng bức hai cá thể này thật sự chưa hứa hẹn được một triển vọng tốt đẹp.

Mặt khác việc thu hồi mèo cá bị bắt thời gian qua gần như không hiệu quả do chủ yếu trông chờ vào sự tự nguyện của người dân. Trong khi đó, hành động mèo cá bắt trộm gà, vịt làm thức ăn... cho thấy đây chưa phải là “miền đất hứa” cho loài thú quý này. Vì vậy, nếu chậm triển khai các giải pháp hỗ trợ An Giang sẽ đánh mất cơ hội sở hữu loài thú quý hiếm này.

Đinh Đức Tâm 05-01-2012 10:16

Mèo Cá
 
1 File đính kèm
ecophila giới thiệu các bạn tem bộ trưng bày 1 khung "Mèo Cá" của ecophila vừa tham dự ở VS V, đây là bộ trưng bày nhằm mục đích tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã qua tem bưu chính, nên chỉ sử dụng 1 bộ tem Mèo Cá để làm. Do đó, chất lượng không được cao, và bị rất nhiều người chê do sử dụng tem mới.
Tuy nhiên, ecophila lại rất khoái bộ này :D
Dù tem có thể phát triển thành 2-3 khung, nhưng nội dung thông tin khó kiếm, nên ecophila chỉ rút lại thành 1 khung.
ecophila rất mong các đóng góp ý kiến của các bạn tem, để nâng cấp bộ này về sau ^^

Đinh Đức Tâm 05-01-2012 13:02

10 File đính kèm

Đinh Đức Tâm 05-01-2012 14:19

5 File đính kèm
Những trang cuối :D
Hết rồi ^^
cả nhà đóng góp ý tưởng thêm cho hoàn thiện nhé
cảm ơn cả nhà


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 09:17.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.