Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   TEM lưu hành ở miền Nam Việt Nam trước 1975 (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=19)
-   -   Luận bàn về sưu tập FDC giai đoạn trước 1975 của dòng tem VNCH (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=10521)

tem-truyen-thong 06-08-2012 10:49

Luận bàn về sưu tập FDC giai đoạn trước 1975 của dòng tem VNCH
 
Chào các bạn !
Cũng đã rất lâu tôi mới có dịp quay trở lại 4-room. Nhìn nhận phong trào tem tại VN thấy rất buồn tẻ, rất ít các bài mang tính nghiên cứu. Hầu hết các bạn trẻ chơi tem bây giờ là chơi cho tương lai mà quên mất bản chất của chơi tem là : đi tìm lịch sử, nghiên cứu văn hóa qua con tem. Bây giờ người ta sôi nổi làm "phong trào" mà quên mất chơi tem là phải SƯU TẬP.Nhưng có lẽ tôi đã lan man quá mà quên mất chủ đề chính.
Cuộc đời kể cũng lạ lùng. Tôi được sinh ra tại miền Bắc XHCN, học tập và làm NCS tại Liên xô vĩ đại. Vậy mà gạt bỏ hết những định kiến chính trị để chuyên nghiên cứu, có thể nói khá sâu về dòng tem của "ngụy". Đúng là sự say mê con tem có thể làm rất nhiều điều.
Bây giờ chứng kiến các bạn trẻ sưu tập FDC tôi thấy có một vấn đề cần chia sẻ. Thứ nhất : định nghĩa FDC là gì ? First day cover, có nghĩa là PHONG BÌ NGÀY ĐẦU TIÊN. Vậy trước tiên nó phải là 1 chiếc PHONG BÌ. Để kỷ niệm ngày phát hành đầu tiên của bộ tem người ta có thể thực hiện bằng nhiều hình thức, nhưng hầu hết phải là một chiếc PHONG BÌ TRẮNG HOÀN HẢO, được in cachet hoặc các thông tin liên quan. Chính vì vậy việc thực hiện quá nhiều FDC thực gửi là hiểu sai bản chất của việc sưu tập FDC. Một bộ sưu tập FDC phải bao gồm toàn bộ là FDC trắng.
Thứ hai : nói về tem trên FDC . Có những bộ tem quí, đắt tiền như Phong cảnh, Di cư, Bảo long thường dán không đủ bộ, thiếu khá nhiều các con tem giá mặt lớn.
Thứ ba : trên FDC có in cachet. Cachet đại đa số là in theo chủ đề của bộ tem. Sưu tập cachet rất thú vị, mỗi cachet là một tác phẩm thu nhỏ của một người họa sĩ, có thể chỉ là nghiệp dư. Chính vì vậy, quan điểm của tôi là không sưu tập theo màu sắc cachet, chỉ sưu tập theo các cachet khác nhau. Tôi có một tham vọng là sưu tập đủ hết các cachet đã tồn tại trong giai đoạn này. Có thể nói, đến giờ phút này, tôi đã hoàn thành được 99% công việc.
Thứ tư : về logo. Ví dụ logo của Bưu điện như Pararvion. Có thể có các logo khác như của ngân hàng, của các hãng tư nhân.
Thứ năm : tiếp đến quan trọng nhất là đến con dấu. Cái này rất nhiều bạn bị nhầm lẫn trong khái niệm. Tôi xin chia con dấu ra làm 4 loại như sau :
1. Dấu nhật ấn : đây là con dấu đa phần là hình tròn và thường gặp nhất trên toàn bộ các vật phẩm bưu chính. Có những giai đoạn FDC chỉ có con dấu nhật ấn này.
2. Dấu nhật ấn ngày đầu tiên : là con dấu tròn có ghi chữ NGÀY ĐẦU TIÊN.
3. Dấu kỷ niệm : là các con dấu đóng khung hình chữ nhât có nội dung gắn liền với các sự kiện phát hành tem.
4. Dấu cổ động : thường không đóng khung hoặc đóng khung hình vuông. Đây là con dấu có thể gặp khá nhiều trên các bì thư thực gửi của VNCH.

Dựa trên các tiêu chí trên, tôi chia FDC của dòng tem trước 1975 thành 7 loại khác nhau. Tôi sẽ chia sẻ bằng hình ảnh minh họa ( xin nói trước là toàn bộ hình ảnh tôi đưa ra là từ các vật phẩm trong bộ sưu tập cá nhân, không vay mượn hay sao chép bấy cứ ở đâu ).
Công việc trình bày sẽ mất thời gian và công sức scan khá nhiều. Rất mong các bạn tham gia cùng cho sôi động. Tôi sẽ bắt đầu trong vài ngày tới.


The smaller dragon 06-08-2012 13:42

Ðây là một tin vui trong làng tem VN từ trong nước ra đến hải ngoại. Tôi thì thỉnh thoảng mới vào Diễn Ðàn vì đang bận với một dự án viết, dự tính tháng 7 vùa rồi xong, nhưng nay thì chắc cuối năm mới hoàn chỉnh để phát hành.

Cám ơn Tem-truyền-thống.

tem-truyen-thong 08-08-2012 08:56

Chắc coi bộ phải đổi tên Chủ đề! Trong tiếng Việt từ "LUẬN BÀN" có nghĩa là đưa ra các LUẬN ĐIỂM để BÀN BẠC cùng nhau. Với ý định giới thiệu LỊCH SỬ BƯU CHÍNH THỜI KỲ TRƯỚC 1975 TẠI MIỀN NAM QUA CÁC FDC, tôi mong muốn chia sẻ với các bạn về các giá trị văn hóa, lịch sử, sưu tập của 1 dòng tem. Khoảng 170 bộ tem với 580 con tem, khoảng 5000 phong bì, trong đó có rất nhiều vật phẩm quí giá, có một không hai. Để có thể giới thiệu hết sẽ mất khoảng 1 năm nếu chúng ta tìm hiểu một cách sâu sắc. Công sức tôi không ngại, thời gian tôi không sợ nhưng tôi sẽ rất buồn nếu tất cả rơi vào hư không. Không phản biện, không trao đổi, không quan tâm!
Phong trào SƯU TẬP TEM tại VN thật đáng buồn !

ngotthuha231 08-08-2012 09:00

Cháu, như mọi lần, vẫn chỉ biết ngồi nghe chú nói và gật gù mỗi đoạn tâm đắc...

Lượt xem và nút thanks đối với topic này nhiều mà chú. :)

Tiểu Nhi 08-08-2012 09:08

Em cũng tiếc rằng không có điều kiện để tiếp xúc với dòng tem này.
Mong các bạn trong Nam ủng hộ để anh tem-truyen-thong có thêm động lực chia sẻ.

Nguoitimduong 08-08-2012 09:41

2 File đính kèm
Chào bác tem-truyen-thong,
Cảm ơn bác vì những chia sẻ hết sức quý báu.
NTD không chơi tem VNCH nhưng cũng hết sức quan tâm đến dòng tem này.
Bác có thể giải thích giúp rõ hơn về 2 phong bì mà bác đánh giá rất cao về tính quý hiếm không ạ? Theo thiển ý của NTD, đó có thể là:
Phong bì 1: đây được xem như FDC trắng đầu tiên của Việt Nam?
File Đính Kèm 171501

nên nó mới được bác đánh giá cao hơn bì thư này nhưng đã được thực gởi?

File Đính Kèm 171502

Phong bì 2: dấu triện của cựu hoàng Bảo Đại
Mong ý kiến của bác.
NTD chân thành cảm ơn.



Biby 08-08-2012 09:57

Chào bác tem-truyen-thong,
Những phong bì đầu tiên bác vừa đưa lên đã làm cháu vô cùng ngưỡng mộ, lần đầu mới biết có một dòng vật phẫm phong phú và đặc biệt như vậy.
Mới bước đi đầu tiên bác đừng vội than oán, trách móc những bạn tem.
Cháu và mọi người đang chờ xem những bước đi tiếp theo của bác.
Bác phải tự tin: Hữu xạ tự nhiên hương.

MeTemViet 08-08-2012 10:17

Chào bác tem-truyen-thong,

Đã lâu không vào đ/d, bác vừa mở một topic hết sức thú vị. MTV sẽ xem kỹ từng post và rất hân hạnh tiếp chuyện với bác về các FDC của dòng tem hết sức thú vị này. Mong bác tiếp tục.

@Nguoitimduong: Cái phong bì đầu tiên có con tem lỗi, chữ "e" ngược chứ không phải là phong bì trắng đâu. Còn cái thứ 2 thì có triện + chữ ký của cựu hoàng.

tem-truyen-thong 08-08-2012 10:28

Bạn NTĐ thân mến !
FDC đầu tiên là 1 bì thư vô cùng quí hiếm. Nó hội tụ những yếu tố như sau :
1. Bạn xem kỹ con tem. Đó là 1 con tem lỗi nổi tiếng trong dòng tem này. Tem lỗi của VNCH rất ít gặp do được in ấn tại nước ngoài, hệ thống kiểm soát qua 2 tầng. Bộ tem đầu tiên của QGVN được in tại nhà in Helier - Paris. Đây là 1 nhà in rất nổi tiếng, chuyên in tiền, tem. Hệ thống kiểm soát tại đó rất khắt khe. Bất kỳ 1 lỗi nào cũng sẽ bị hủy, rất khó lọt ra ngoài. Ngoài ra, khi tem về đến VN (trước khi phát hành khoảng 3 tuần) còn được kiểm duyệt bởi Tổng Nha Bưu điện thêm 1 lần nữa.Như vậy gọi là 2 tầng kiểm soát.
Thế nhưng, vẫn lọt ra những con tem lỗi. Nói chung tem lỗi được đánh giá cao nhất là tem in ngược do sắp khuôn in sai. Con tem lỗi Bảo Đại 3p với chữ "e ngược" được phát hiện ra bởi 1 NST người Hoa ngay vào sáng sớm ngày 6/6/1951. NST này mua số lượng lớn tờ tem để chuyển đi Hồng Kong. Ông ta thấy 1 số tờ tem tại vị trí số 3 từ dưới lên có con tem lỗi "e ngược" này. Ông ta liền âm thầm tìm kiếm và thu gom. Cùng lúc đó, ông ta cũng làm ra 1 vài chiếc bì thư có dán con tem này. Đó là yếu tố thứ nhất.
2. Bì thư này có con dấu Sài gòn Philatelie cùng vành dấu Indochina. Như tôi đã trình bày, đây là một sơ sót của viên Quan Chủ sự người Pháp. Nó chỉ tồn tai trong thời gian khá ngắn trong buổi sáng.
Sự hội tụ tương đối kỳ lạ trong chiếc bì thư này đưa ra một luận điểm : ĐÂY LÀ BÌ THƯ ĐẦU TIÊN CỦA CON TEM TEM LỖI BẢO ĐẠI. Chính vì vậy tôi định giá bì thư này rất cao.
Về chiếc bì thư thứ hai cũng là một sự thú vị của lịch sử. Chắc nhiều người trong chúng ta có nghe nói về Quốc Ấn Vua dùng. Cách đây khoảng 10 năm rộ lên tin đồn Hoàng đế chi bửu này đang được trưng bày tại 1 viện bảo tàng tại Pháp. Chiếc ấn này được đúc bằng vàng ròng, nạm ngọc quí nặng khoảng gần 600g. Ấn Vua rất khó gặp, chỉ có trong các văn kiện của Đức vua. Tại sao trên chiếc bì thư này lại có dấu triện và chữ ký (khả năng là của Cựu Hoàng Bảo Đại) còn là một ẩn số. Có thể do khi Chính quyền Cách mạng VNDCCH thu giữ quốc ấn đã có xảy ra những bất cẩn. Chỉ biết rằng hiện vật lịch sử này cũng không còn ở VN.

Nguoitimduong 08-08-2012 10:42

2 File đính kèm
Cảm ơn bác tem-truyen-thong và bác MeTemViet rất nhiều.

Rất sợ làm ảnh hưởng mạch viết của bác nhưng NTD vẫn còn 1 thắc mắc về 2 dấu HÀ NỘI này, sao chúng lại khác nhau thế?

File Đính Kèm 171503

File Đính Kèm 171504

Không biết vào thời điểm đó hệ thống dấu như thế nào ở các bưu điện ?


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 10:46.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.