Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Hội họa - Điêu khắc (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=702)
-   -   Thông điệp từ bức tranh “Giờ học giải phẫu với Bs Nicolaes Tulp” (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=5830)

caifincafe 06-03-2010 21:21

Thông điệp từ bức tranh “Giờ học giải phẫu với Bs Nicolaes Tulp”
 
3 File đính kèm
Rực rỡ sang trọng trong nét vẽ, khéo léo tài tình trong cách chuyển bóng đậm nhạt, phối hợp hài hòa trong bố cục bức tranh, Rembrandt (1606-1669) được đánh giá là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của lịch sử hội họa. Bức tranh “Giờ học giải phẫu với Bs Nicolaes Tulp” (The Anatomy Lesson of Dr Nicolaes Tulp) của ông làm cho người xem thấm thía cái lẽ vô thường của kiếp người, nỗi niềm lo âu về sự cô độc lẻ loi của con người trong khoảng không gian mênh mông trống vắng, trong dòng thời gian vô thủy vô chung. Tác phẩm đã thức dậy niềm tin của con người về chính bản thân mình. Con người vĩ đại chính vì họ biết kế thừa giá trị truyền thống, lao động, sáng tạo và gửi gắm khát vọng trường tồn khi đối diện với vô hạn, vô cùng của vũ trụ.


Bức tranh Giờ học giải phẫu với Bs Nicolaes Tulp thuộc loại tranh chân dung, một thể loại tiêu biểu cho nghệ thuật Hà Lan vào đầu thế kỷ XVII. Những nhân vật trong tranh thường thuộc tầng lớp thượng lưu, tên tuổi sống mãi với nghề nghiệp của mình. Theo thông lệ, họ thường đặt vẽ loại tranh chân dung này. Thầy thuốc tài năng người Hà Lan Nicolaes Tulp (1593-1674) là một khuôn mặt y học xuất sắc vào đầu thế kỷ XVII. Công trình nghiên cứu của ông về những tổn thương nội tạng rất hữu ích cho các đồng nghiệp và những người kế nhiệm trong công tác chẩn đoán và điều trị. Năm 1628, Tulp được bổ nhiệm làm thuyết trình viên giải phẫu (praelector anatomiae), có nhiệm vụ dạy kỹ thuật mổ xẻ và giải phẫu cho các phẫu thuật viên. Giống như các thuyết trình viên khác, ông đặt họa sĩ Rembrandt vẽ chân dung ngay sau khi đảm nhận trách nhiệm này. Đây là niềm vinh dự đối với một họa sĩ 26 tuổi vừa đến Amsterdam lập nghiệp vì Bs Tulp là nhân vật quan trọng, và hơn nữa, bức tranh sẽ được treo trong hội quán phẫu thuật viên danh tiếng ở Amsterdam. Thời ấy, phẫu tích tử thi là một sự kiện quan trọng và hiếm hoi, thường được giới thầy thuốc và một số người ngoại đạo lưu tâm đến. Cả cuộc đời hoạt động của mình, Tulp thuyết trình giải phẫu vẻn vẹn 9 lần. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giờ học giải phẫu được chọn làm chủ đề cho thể loại tranh chân dung.


Giờ học giải phẫu với Bs Nicolaes Tulp là chứng tích vật chất chứa đựng dấu ấn của một thời đã qua. Trong bức tranh, Rembrandt mô tả 7 học trò khăn áo chỉnh tề quây quần bên thi thể của Aris Kindt, một tội phạm nổi tiếng thời ấy để nghe Nicolaes Tulp giảng bài. Học trò chính là những phẫu thuật viên được phép làm những thủ thuật đơn giản và cạo râu! Hầu hết họ đều có nghề nghiệp ổn định trong xã hội. Chẳng hạn, Jacob Jansz Colevelt (người ngoài cùng bên trái) là nhà soạn nhạc, soạn kịch và Jacob Dielofse Block (hàng thứ 2 người đứng đầu tiên kể từ bên trái) là giám đốc nhà hát kiêm chủ tiệm cắt tóc nam. Sau khi được huấn luyện các kiến thức chuyên sâu, họ được phép làm các thủ thuật phức tạp hơn. Trong bức tranh, Tulp dùng một tay chỉ vào cơ cánh tay tử thi và làm điệu bộ với tay còn lại. Hình dáng, cử chỉ của người thuyết trình được diễn tả rất cô đọng và điển hình, làm nổi bật không khí “thầy với trò” trong học tập: vị giáo sư đang giải thích chức năng của các cơ.

Cuộc khám nghiệm không bắt đầu từ ổ bụng như thường lệ đã tạo ra một ấn tượng sâu sắc. Biến thể này có lẽ xuất phát từ lòng khâm phục và kính trọng của Tulp đối với Andreas Vesalius. Người ta nói rằng, chính Tulp đã yêu cầu Rembrandt thể hiện sự tôn kính này vào trong tác phẩm. Vesalius (1514-1564) đơn thương độc mã phẫu tích tử thi và xây dựng lại toàn bộ kiến thức về cấu trúc cơ thể con người. Quyển sách “Về cấu tạo cơ thể người” (De humani corporis fabrica) của ông được xem là Kinh thánh của các nhà giải phẫu học. Trang tiêu đề tác phẩm này in chân dung Vesalius bên cạnh cánh tay đã được phẫu tích. Điều này không những khẳng định tầm quan trọng của kỹ thuật mổ xẻ mà còn làm liên tưởng đến kỹ năng của bàn tay con người. Như thế, chúng ta dễ dàng giải thích tại sao cuộc khám nghiệm trong Giờ học giải phẫu với Bs Nicolaes Tulp bắt đầu từ cánh tay chứ không phải từ ổ bụng như thường lệ.

Schupbach thêm một biểu tượng nữa cho tác phẩm. Ông nghĩ rằng khuôn mặt sau cùng trong bức tranh, Frans van Loenen, với ngón tay chỉ vào thi thể ám chỉ đến cái chết. Mặt khác, đối với Tulp, cái chết không phải là hết. Những gì còn lại sau khi chết vẫn tiếp tục là nguồn kiến thức cho nhân loại khai thác và chuyển tải đến một thông điệp tương phản: sự bất tử.

Thực ra, Rembrandt không phải là họa sĩ đầu tiên hay duy nhất dựng chân dung với chủ đề “giờ học giải phẫu”. Khảo sát những bức tranh cùng chủ đề của Rembrandt và các họa sĩ khác, chúng ta thấy tài năng tuyệt luân và chiều sâu nội tâm của con người này. Rực rỡ sang trọng trong nét vẽ, khéo léo tài tình trong cách chuyển bóng đậm nhạt, phối hợp hài hòa trong bố cục bức tranh, Rembrandt được đánh giá là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của lịch sử hội họa. Tác phẩm của ông như thể khám phá những bí ẩn của tâm hồn chìm đắm trong một không khí huyền bí, đạt đến giá trị phổ quát trong suy tưởng về thân phận con người.

Yếu tố nào làm cho tác phẩm của Rembrandt độc đáo đến như vậy? Vẽ tranh chân dung chắc chắn không phải là sự kiện hiếm hoi thời ấy. Họa sĩ trẻ Rembrandt có lẽ am hiểu rất kỹ những bức tranh chân dung với chủ đề “giờ học giải phẫu” của những người tiền nhiệm treo trong hội quán phẫu thuật viên. Với bố cục chặt chẽ, tác phẩm của Rembrandt được đánh giá là độc đáo và tiêu biểu nhất trong số những tác phẩm cùng chủ đề. Các nhân vật được xếp theo trục tam giác làm cho bức tranh có sức sống, hấp dẫn và lôi cuốn. Thi thể đặt theo đường chéo đem lại vẻ sinh động cho toàn bộ tác phẩm. Giờ học giải phẫu với Bs Nicolaes Tulp khắc sâu vào tâm khảm người xem, tầm quan trọng của phẫu tích tử thi cũng như kỹ năng của bàn tay con người. Ở đó là nỗi ám ảnh về cái chết đang chờ cuối đường định mệnh và niềm tin hồn nhiên về sự bất tử của tri thức và nghệ thuật.


Bức tranh làm cho người xem thấm thía các lẽ vô thường của kiếp người, nỗi niềm lo âu về sự cô độc lẻ loi của con người trong khoảng không gian mênh mông trống vắng, trong dòng thời gian vô thủy vô chung. Tác phẩm đã thức dậy niềm tin của con người về chính bản thân mình. Con người vĩ đại chính vì họ biết kế thừa giá trị truyền thống lao động sáng tạo và gởi gắm khát vọng trường tồn khi đối diện với vô hạn, vô cùng của vũ trụ.

zodiac 06-03-2010 23:21

Bức tranh thật sống động :>,
mỗi lần nhìn thấy cảnh kim tiêm, dao mổ.... lại nổi hết da gà :-ss

caifincafe 07-03-2010 08:35

Có một điều thú vị nữa về bức tranh này. Đó là để làm vừa lòng giáo sư, Rembrandt đã phá lệ, viết đầy đủ họ tên của tám nhân vật vào một tấm giấy và "đặt" tấm giấy đó vào tay một nhân vật trong tranh. Các bạn có thấy mảnh giấy đó ko? :)

hat_de 07-03-2010 11:23

1 File đính kèm
Trích dẫn:

Nguyên văn bởi caifincafe (Post 96857)
Có một điều thú vị nữa về bức tranh này. Đó là để làm vừa lòng giáo sư, Rembrandt đã phá lệ, viết đầy đủ họ tên của tám nhân vật vào một tấm giấy và "đặt" tấm giấy đó vào tay một nhân vật trong tranh. Các bạn có thấy mảnh giấy đó ko? :)

trùi ui ... là cái này đây hả #:-s

File Đính Kèm 85692

helicopter 07-03-2010 13:34

Có 3 nhân vật không chú tâm vào bài giảng cho lắm, không biết ý của họa sĩ là như thế nào !

hat_de 07-03-2010 14:31

cảm nhận của De' :D !!!!
 
Trích dẫn:

Nguyên văn bởi helicopter (Post 96875)
Có 3 nhân vật không chú tâm vào bài giảng cho lắm, không biết ý của họa sĩ là như thế nào !

ngay cả người giảng cũng có 1 cái nhìn xa xăm, ko giống như đang tập trung vào việc giảng
anh thì ko hiểu về hội họa lắm nhưng đây chắc là 1 thủ pháp nghệ thuật gì đó
giá như ta hiểu hơn về nó thì sẽ thấy được giá trị của bức họa này hơn :D


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 19:57.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.