Tranh "Đám cưới chuột"
6 File đính kèm
Trong dòng tranh Đông Hồ có một tấm tranh được đề tên khác nhau “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy”.
Thoáng nhìn tờ tranh "Trạng chuột vinh quy” hay “Đám cưới chuột", ta thấy bức tranh diễn tả một đám rước đầy đủ kèn trống, cờ quạt, lễ vật. Đám rước tiến hành trong không khí trang nghiêm,nhưng rất vui. Giữa đoàn rước là hai nhân vật chính: "Chuột anh" mũ mãng, cân đai chỉnh tề, cưỡi ngựa hồng đi trước, "Chuột nàng" ngồi kiệu theo sau. Sừng sững giữa đường, một lão mèo già hung dữ ngồi cản lối, giơ vuốt dọa nạt. Tùy theo trong tranh có chữ nghênh hôn, chú rể, hay tiến sĩ, vinh quy người ta gọi là tranh “Đám cưới chuột” hay “Trạng chuột vinh quy”. Nhìn sâu trong nét vẽ ta nhận thêm rằng họ nhà chuột vẫn có vẻ lo sợ, thấp thỏm, ngơ ngác, mắt lấm la lấm lét nhìn trước nhìn sau.Trên bức tranh có đề mấy hàng chữ : Thử bối đệ ngư: chí, chí, chí nghĩa là đàn chuột dâng cá kêu chí, chí, chí. Miêu nhi thủ lễ: mưu, mưu, mưu nghĩa là chú mèo giữ lễ kêu meo, meo, meo. Lại có hàng chữ nôm ở góc trái phía trên: Tác lạc nghĩa là làm vui Khôn khôn khôn đã có dễ Đỗ cao cưới vợ tiếng rằng hời Tổng thể tấm tranh toát lên việc họ nhà chuột muốn được yên thân thoát khỏi nanh vuốt "mèo già", đã phải trịnh trọng kèn trống rước lễ vật chim câu béo, cá chép to dâng biếu chú mèo đang vểnh râu, trừng mắt ngồi chờ. Tính độc đáo của tranh là biểu hiện sự chống đối tích cực của nhân dân về tệ nạn tham ô, ăn đút lót của bọn thống trị, là tiếng cười hóm hỉnh mỉa mai sâu cay của nhân dân lao động mặc dù trong tranh không chú thích cụ thể về ý đồ của tác giả. Vậy sao hai tấm tranh có cùng nội dung, bố cục mà lại có thể lúc là đám cưới, lúc khác lại là đám rước vinh quy? Phân tích bố cục của tấm tranh chúng ta thấy dường như tranh được chia thành hai phần, lằn chia khá rõ nét (bản khắc chính thống thì rõ nét hơn ) : - Nửa dưới vẽ một đám rước trạng nguyên vinh quy. Đoàn rước đi trên đường cái, hoặc đường làng đã được dọn sạch cỏ, có cờ biển, "ngựa chàng đi trước, kiệu nàng theo sau". - Nửa trên vẽ một đám rước ở thôn quê, hai bên đường cỏ mọc. Đám rước có kèn trống, lễ vật, bị mèo già chắn lối giống như bài thơ ngụ ngôn "Đám cưới chuột" trong kho tàng văn hoá truyền thống Liễu Đôi. Nếu đúng là tấm tranh có hai phần như vậy thì chúng ta lại phải trả lời câu hỏi vì sao nghệ nhân lại vẽ hai đám rước khác nhau trên cùng một tấm tranh? Căn cứ vào lời chú trong tranh "Bằng Liệt tân khắc lão thử thủ tân" (Bằng liệt mới khắc lại chuột già lấy vợ), chúng ta được biết rằng tấm tranh này mới được khắc lại, không rõ năm nào. Đây chỉ là một trong số nhiều dị bản. Các dị bản được nghệ nhân sửa đổi tuỳ hứng. Ngày nay chúng ta có tranh ghi bằng chữ hán, chữ nôm, chữ quốc ngữ. Và trong quá trình tái tạo, nghệ nhân nào đó đã đem ghép hai tấm tranh cùng vẽ đám rước - rước dâu và rước vinh quy - để làm thành một tấm mới. Việc làm gán ghép này đã vô tình tạo ra một nội dung "đầu mèo đuôi chuột" khó hiểu. Các nghệ nhân đời sau tiếp tục chép lại tấm tranh ghép này, không thắc mắc gì cả. Vậy thì tấm tranh Tết nổi tiếng của ta đã được ghép từ hai tấm tranh khác nhau, nửa trên là "Đám cưới chuột", nửa dưới là "Trạng chuột vinh quy". Các chữ trong tranh đã được người đời sau sửa đổi, thêm bớt một cách tuỳ tiện. |
CY thấy TQ cũng có tranh "đám cưới chuột" không biết nguồn gốc bức tranh này xuất xứ từ đâu đây? của VN mình hay của TQ nhỉ?
|
Bloc tem này được thiết kế theo bức "Lão thử thú thê" của Trung Quốc? Bức tranh của Trung Quốc có tên gọi "Lão thử thú thê" (Lão chuột cưới vợ), là tranh mộc bản Niên Họa Trung Quốc đời Thanh, khắc in tại Thiệu Dương, Hồ Nam Bức Niên Họa "Lão thử thú thê" này, do nhà văn Lỗ Tấn từng trân giữ và gọi nó là thể tài đích thực truyền thống của Trung Quốc. Ông có nói đến trong tập tản văn "Triêu hoa tịch thập" (1926), chương “Miêu-cẩu-thử”: “Trước giường tôi có dán hai bức Niên hoạ, một là Bát giới chiêu thân (Bát Giới ở rể)... mà tôi không thấy đẹp mắt cho lắm; còn bức kia là Lão thử thú thê vô cùng đáng yêu, từ chú rể, cô dâu, chủ hôn, tân khách, giúp việc, nhân vật nào mõm cũng nhọn, đùi nhỏ, đuôi dài, râu tua, trông rất giống kẻ sĩ, nhưng ăn mặc thì áo hồng, khố lục...” Đàn chuột trong tranh này về hình thể, đường nét, bố cục (cũng phân thành hai phần trên và dưới) và các hàng chữ có thể nói là giữ nguyên văn như trong bức "Đám cưới chuột" của ta. Cũng có tống lễ cho mèo, ban nhạc, đánh chiêng thổi kèn, rước đèn, phu kiệu... Chú rể cưỡi ngựa quay đầu nhìn về hướng cô dâu. Chỉ có vài chi tiết khác là đầu chú rể đội mũ quan triều Thanh (trong bức Đông Hồ là loại mũ cánh chuồn của trạng nguyên) và tay có cầm quạt. Còn hai bên khung cửa kiệu hoa (theo phối cảnh đối xứng) dán 2 câu đối: “Càn khôn định hĩ” (Trời đất định rồi), “Chung cổ lạc chi” (Chuông trống vui vầy). Còn hàng chữ trên cùng bức tranh, có 12 chữ khải: “Sở nam Than trấn tân khắc Lão thử thủ thân toàn bản” và “Bảo duyệt lai” phỏng như tự hiệu, cho biết bức tranh này làm tại Hồ Nam, Thiệu Dương, Sở Nam Than khắc ấn. Toàn Trung Quốc có hơn 80 loại tranh "Lão thử thú thê" được in khắc, nhưng đa số đều họa hình tượng mèo là kẻ thù tự nhiên của chuột, tức vẽ ra thảm kịch chuột là “món ăn” của mèo. Thế nhưng bức Lão thử thú thân của phường tranh Than Đầu này không thường tình ở chỗ là nó không khắc hoạ cái thảm cảnh đó. Cũng như bức đám cưới chuột của Đông Hồ cũng không gây ấn tượng nào về con mèo xuất hiện như một tai hoạ. Như vậy, cách giải thích về bức tranh đám cưới chuột này phải khác và đứng độc lập theo ý nghĩa “cát tường” (là sự tốt lành, thuận lợi, may mắn) của ngày Tết. Rõ ràng ý hướng của của bức tranh này không phải mô tả tình huống rủi ro, bất hạnh. Vì đây là bức tranh gây sự thích thú với trẻ em, nó được “nhi đồng hoá” không còn nhìn sự việc mèo chuột như kẻ thù của nhau trên thực tế. Đồng thời thế giới cổ tích này phản ánh sự cho phép của chúng ta nhìn về một thế giới đại đồng (như trong Dế mèn phiêu lưu kí), thể hiện một sự hoà thuận, cộng tồn, hướng tới nhân tình. Trong ý nghĩa này thì thái độ của người đối với chuột cũng thế, theo tập tục dân gian Trung Quốc xưa, cứ vào mùng 7 tháng Giêng người ta làm lễ cúng cho sinh hoạt của loài chuột, cũng gọi là "Lão thử giá nữ" (Lão chuột gả con gái) hay "Lão thử thú thê" (Lão chuột cưới vợ). Đây có lẽ là “lí do tồn tại” hoạt cảnh bức tranh đám cưới chuột. Và có lẽ người Tàu gián tiếp cũng muốn cầu phồn thực, sinh con đẻ cái như... chuột vậy! Cũng lưu ý và không thể bỏ qua cách chơi chữ nghĩa trong dân gian của người Trung Quốc trong các biểu tượng mang nghĩa cát tường. Hàng chuột trên cùng trước đội nhạc có hai con khiêng lễ vật: ôm gà, nâng cá. “Kê” 鸡 (ji) đồng âm với “cát” (jí) 吉; “ngư” (yú) 鱼 đồng âm với “dư” (yú) 余. Mọi mùa tốt lành, quanh năm dư đủ là lời chúc đẹp cho đám cưới chuột. Dân gian thường dùng hình tượng “kê dương” (ji yáng) 鸡羊 (gà, dê) biểu tượng “cát tường” (ji xíang), lấy “liên hoa lí ngư” 莲花 鲤鱼 (hoa sen và cá chép) biểu hiện “liên niên hữu dư” 连年有余 (hàng năm dư đủ),... đã sớm trở thành nhận thức chung. Như vậy, “kê” cũng là nguyên hình của “phượng”, “lí ngư khiêu long môn” tức cá chép vượt vũ môn thành rồng (cũng chỉ việc đỗ đạt). Ở đây “kê” và “ngư” cũng tượng trưng cho “phượng và long”. Long phượng tức âm dương, càn khôn, nam nữ, vợ chồng. Vì thế “long phượng trình tường” là nghi thức không thể thiếu trong ngôn ngữ chúc tụng hôn nhân. Về nguồn gốc tranh Tết dân gian Việt Nam, có ý kiến cho rằng: tranh mộc bản dân gian Việt Nam - chủ yếu loại tranh dân gian Tết - nguyên thuỷ bắt nguồn từ tranh mộc bản Niên Họa (hay tranh Tết) của Trung Quốc. Hai dòng tranh dân gian tiêu biểu là Đông Hồ và Hàng Trống, về phong cách và đặc điểm chịu ảnh hưởng:
@chimyen: nếu CY có hình nguyên bản của tranh "Lão thử thú thê" thì post lên cho bà con cùng xem nhé. :D (lượm lặt trên net) |
2 File đính kèm
CY cũng vào cái trang anh Thi copy lên í, nhưng mà lỗi font chữ đọc không hiểu gì cả chỉ thấy hình. Mà anh Thi sửa lại đi toàn thiếu dấu thui à :D
( Lão thử thành thân, niên hoạ TQ đời Thanh, khắc in tại Thiệu Dương, Hồ Nam) |
Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 01:04. |
©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.