Nhã nhạc - Nhạc Cung đình - Việt Nam

Nhã nhạc (Âm nhạc cung đình) là loại hình âm nhạc chính thống, mang tính bác học, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của các triều đại quân chủ trong xã hội Việt Nam suốt hơn 10 thế kỷ. Nhã nhạc nhằm tạo sự trang trọng cho các cuộc tế, lễ cung đình như Tế Nam Giao, Tế Miếu, Lễ Đại Triều, Thường Triều... Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc, và loại hình âm nhạc này trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản...của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

Điêu khắc thời Lý về Nhã nhạc trên đầu kê chân tảng bằng đá ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh)

Theo sách sử thì Nhã nhạc ra đời vào thời Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ, chính thống vào thời Lê (1427-1788) với quy mô tổ chức chặt chẽ. Các tổ chức âm nhạc được thành lập, đặt dưới sự cai quản của các nhạc quan. Triều Lê đã định ra các loại nhạc: Giao nhạc, Miếu nhạc, Nhũ tự nhạc, Cửu nhật nguyệt lai trùng nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Đại yến nhạc, Cung trung nhạc. Song, vào giai đoạn cuối của triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào thời kỳ suy thoái và nhạt phai dần.

Dàn Đại nhạc trong lễ tế triều Nguyễn

Đến thời Nguyễn (1802-1945), vào nửa đầu thế kỷ 20, điều kiện xã hội đã cho phép, âm nhạc cung đình phát triển trở lại. Triều Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê, gồm: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Dưới thời Nguyễn, Nhã nhạc được dùng trong các lễ tế đại triều hai lần một tháng, thường triều bốn lần một tháng như: Nam Giao, Tịch Điền, sinh nhật vua và hoàng hậu. Tế bất thường như: Đăng quang, lễ tang của vua và hoàng hậu, đón tiếp sứ thần. Tùy theo từng cuộc tế lễ mà có các thể loại khác nhau, như Đại triều nhạc dùng trong lễ Nguyên đán, Ban sóc... Đại yến cửu tấu nhạc dùng trong mừng thọ, chúc thọ, tiếp đãi sứ thần... Cung trung nhạc biểu diễn trong trong các cung hoàng thái hậu và thái hoàng thái hậu... Miếu nhạc sử dụng tại các nơi thờ vua, chúa ... Ngũ tự nhạc dùng trong tế Xã tắc, Tiên nông...

Sáo, Trống Cái, Đàn Nguyệt, Đàn Nhị - những nhạc cụ cơ bản trong Nhã nhạc triều Nguyễn

Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương (lời ca bằng chữ Hán). Các nhạc chương đều do Bộ Lễ biên soạn phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Tế Giao có 10 nhạc chương mang chữ Thành (thành công), Tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong (được mùa), Tế Miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hòa (hòa hợp), Tế Lịch Đại Đế vương có 6 nhạc chương mang chữ Văn (trí tuệ), Lễ Đại triều dùng 5 bài mang chữ Bình (hòa bình), Lễ Vạn thọ dùng 7 bài mang chữ Thọ (trường tồn), lễ Đại yến dùng 5 bài mang chữ Phúc (phúc lành)... Từ cơ sở kế thừa các triều đại trước, triều Nguyễn đã cho bổ sung thêm nhiều loại thể nhạc như Huyền nhạc, Ty trúc tế nhạc, Ty chung, Ty khánh, Ty cổ.

Dàn Đại nhạc triều Nguyễn

Vào cuối thế kỷ 20, khi đất nước lâm vào nạn ngoại xâm, vai trò của triều đình mờ dần, thì âm nhạc cung đình cùng các lễ nghi cũng giảm và mờ dần. Vào cuối thời Nguyễn, chỉ còn duy trì 2 loại dàn nhạc là Đại nhạc (gồm trống, kèn, mõ, bồng, xập xõa) và Tiểu nhạc (trống bản, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn tam, địch, tam âm, phách tiền). Ngoài ra, triều đình cho du nhập dàn quân nhạc của phương Tây, làm cho vai trò của Nhã nhạc càng mờ nhạt thêm. Từ sau năm 1975, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thông tin và lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều chủ trương, quyết định để bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này.

Dàn Tiểu nhạc Triều Nguyễn

Với những giá trị nổi bật, lúc 15 giờ 30 ngày 07-11-2003, Nhã nhạc - Nhạc Cung đình - Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Nhã nhạc Việt Nam sẽ tiếp tục được giữ gìn và bảo tồn một cách hiệu quả, góp phần cùng với các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam khẳng định vị thế của một dân tộc, một quốc gia trong khu vực và thế giới.

Các bài khác
Tìm Hiểu thêm về lịch sử tên gọi Quốc hiệu Việt Nam
02/09/2016 14:30
Bưu chính Mỹ in nhầm tượng Nữ thần Tự do trên tem
05/04/2014 00:40
Vovinam Việt Võ Đạo
01/03/2013
Nguồn gốc bí ẩn của phím @
12/09/2012

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.