Liên Hiệp Quốc: những mục tiêu phát triển của thiên niên kỷ

Ngày 25 tháng 09 năm 2009, Liên Hiệp Quốc phát hành bộ 24 tem gồm 3 tờ, mỗi tờ 8 tem theo 3 ngôn ngữ khác nhau về chủ đề " Những mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc".

Bộ tem giới thiệu 8 mục tiêu của Liên Hiệp Quốc trong việc tiến tới giảm thiểu tối đa sự cách biệt giàu nghèo trên toàn thế giới.

Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, còn gọi là Mục tiêu Thiên niên kỷ là 8 mục tiêu được 189 quốc gia thành viên Liên hợp quốc nhất trí phấn đấu đạt được vào năm 2015. Những mục tiêu này (gọi tắt là MDGs từ tiếng Anh: Millennium Development Goals) được ghi trong bản Tuyên ngôn Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8 tháng 9 năm 2000 tại trụ sở Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ. Trước đó, năm 1996, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCED) đã đi tiên phong trong việc đưa ra các Mục tiêu Phát triển Quốc tế trong bản Báo cáo Định hướng Thế kỷ 21 là tiền thân của Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ.


8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc - Tiếng Anh


8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc - Tiếng Pháp

8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc - Tiếng Đức

8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đó là:



   1. Triệt để loại trừ tình trạng bần cùng (nghèo cùng cực) và thiếu ăn:
          * Trong khoảng thời gian 1990-2015, giảm một nửa tỷ lệ người có thu nhập (tính theo sức mua tương đương PPP năm 1993) dưới 1 USD một ngày.
          * Trong khoảng thời gian 1990-2015, giảm một nửa tỷ lệ người bị thiếu ăn.
          * Tạo việc làm thích hợp và hữu ích cho tất cả mọi người bao gồm cả phụ nữ và thanh niên.

   2. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học:
          * Đảm bảo rằng đến năm 2015, tất cả trẻ em, không phân biệt trai gái, đều được hoàn tất giáo dục tiểu học.

   3. Nâng cao bình đẳng giới và vị thế, năng lực của phụ nữ:
          * Xóa bỏ tình trạng chênh lệch về giới tính ở giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tốt nhất là vào năm 2005 và ở mọi cấp không chậm hơn năm 2015.

   4. Giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em:
          * Giảm hai phần ba tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trong giai đoạn 1990-2015.

   5. Cải thiện sức khỏe bà mẹ:
          * Giảm ba phần tư tỷ lệ tử vong ở bà mẹ trong giai đoạn 1990-2015.
          * Đến năm 2015, phổ cập chăm sóc sức khỏe sinh sản.

   6. Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác:
          * Chặn đứng và bắt đầu thu hẹp sự lây lan của HIV/AIDS vào năm 2015.
          * Đến năm 2010, mọi đối tượng có nhu cầu đều được điều trị HIV/AIDS.
          * Chặn đứng và bắt đầu giảm tỷ lệ mắc bệnh sốt rét cũng như các bệnh dịch khác vào năm 2015.

   7. Đảm bảo sự bền vững của môi trường:
          * Tích hợp nguyên tắc phát triển bền vững trong các chính sách và chương trình quốc gia; giảm thiểu tổn thất về môi trường.
          * Giảm tổn thất về tính đa dạng sinh học, đến năm 2010 giảm đáng kể tỷ lệ này.
          * Đến năm 2015, giảm một nửa tỷ lệ người không được tiếp cận thường xuyên với nước sạch và hợp vệ sinh.
          * Đến năm 2020, cải thiện đáng kể cuộc sống của ít nhất 100 triệu người đang sống trong nhà ổ chuột.

   8. Tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển:
          * Tăng cường hơn nữa hệ thống thương mại và tài chính mở, dựa trên luật lệ, không phân biệt đối xử và có thể dự báo, trong đó có cam kết hướng tới sự quản lý tốt, phát triển và giảm thiểu tình trạng đói nghèo trên phạm vi quốc gia và quốc tế.
          * Đáp ứng nhu cầu đặc biệt của các nước kém phát triển nhất, trong đó có việc đảm bảo khả năng tiếp cận đối với các mặt hàng xuất khẩu của họ trên cơ sở miễn thuế và phi hạn ngạch; tăng cường giảm nợ cho các nước nghèo nợ nần nhiều; xoá các khoản nợ song phương chính thức; và tăng cường hỗ trợ phát triển chính thức cho các nước cam kết xoá đói giảm nghèo
          * Đáp ứng nhu cầu đặc biệt của các nước đang phát triển nằm sâu trong lục địa và các quốc đảo nhỏ đang phát triển
          * Giải quyết một cách toàn diện các vấn đề nợ nần của các nước đang phát triển thông qua các biện pháp quốc gia và quốc tế nhằm đảm bảo quản lý nợ lâu dài, bền vững.
          * Thông qua hợp tác với các nước đang phát triển tăng cường và thực hiện chiến lược tạo việc làm thích hợp và hữu ích cho thanh niên.
          * Bằng cách hợp tác với các công ty dược phẩm, cung cấp đủ những thuốc trị bệnh thiết yếu tại các nước đang phát triển.
          * Thông qua hợp tác với khu vực tư nhân, phát huy các lợi ích của những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin.


Dấu hủy đặc biệt

Phong bì ngày phát hành đầu tiên

Theo UNPA và wiki
Các bài khác
Bộ tem đẹp về Đại hội UPU lần thứ 27
04/12/2021 23:08
Tem Tết Ất Mùi của Thế giới (các nước Bắc Mỹ)
05/02/2015 18:48
Tem Tết Ất Mùi của Thế giới (các nước Đông Bắc Á)
02/02/2015 22:47
Philippines: Tem dành cho Bưu chính tư nhân
14/12/2014 21:24

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.