Kỷ niệm 70 năm ngày mất Tô Hiệu (1912 - 07-03-1944)

Tô Hiệu sinh năm 1912, là con út trong một gia đình nho học nghèo, dòng họ Tô yêu nước, nhiều đời khoa bảng của tỉnh Hưng Yên. Cụ Tô Ngọc Nữu (cụ nội Tô Hiệu) là nhà nho yêu nước, thủ tiết chống giặc ngoại xâm, mưu cầu độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân, nên khi đang làm đốc học Nam Định, được tin Tự Đức ký hiệp định đầu hàng thực dân Pháp, cụ từ chức về quê dạy học. Cụ kết thân với cụ Ngô Quang Huy, đốc học Bắc Ninh, sau này là ông ngoại của Tô Hiệu. Cũng như cụ Nguyễn Thiện Thuật, cụ Ngô Quang Huy được vua Hàm Nghi phong tước Tán Tương quân vụ, là lãnh tụ rất có uy tín trong phong trào Bãi Sậy do cụ Nguyễn Thiện Thuật (tức Tán Thuật) lãnh đạo. Người con gái của danh tướng Ngô Quang Huy, bà Ngô Thị Lý, thân mẫu của Tô Hiệu là người yêu nước quả cảm, có công nuôi dưỡng, bảo vệ cán bộ cách mạng, được nhân dân địa phương kính trọng và suy tôn là một trong những bà mẹ tiêu biểu, gương mẫu của phong trào phụ nữ cách mạng tỉnh Hải Hưng trước đây.

Thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, khi còn đang học tại trường Pháp - Việt ở thị xã Hải Dương, Tô Hiệu đã tham gia các phong trào yêu nước của học sinh như bãi khoá, truy điệu, để tang Phan Chu Trinh, tham gia phong trào đòi thả Phan Bội Châu, nên bị đuổi học vào năm 1926, khi mới 14 tuổi.

Lên Hà Nội học cao đẳng tiểu học, Tô Hiệu tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Trưởng thành trong hoạt động thực tiễn, năm 1929, ông được kết nạp vào Học sinh đoàn, một tổ chức của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Cuối năm 1929, Tô Hiệu vào Sài Gòn hoạt động. Năm 1930, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 4 năm tù, đày đi Côn Đảo. Trong thời gian bị giam cầm ở chốn địa ngục trần gian Côn Đảo, Tô Hiệu vẫn tiếp tục tham gia, tổ chức đấu tranh, tích cực học tập lý luận cách mạng và trở thành người đảng viên cộng sản giàu nhiệt huyết, có bản lĩnh vững vàng.

Năm 1934 ra tù, dẫu bị thực dân Pháp quản thúc tại làng quê, nhưng với tinh thần yêu nước, luôn chăm lo đến việc bồi dưỡng lực lượng cách mạng, Tô Hiệu đã tổ chức xây dựng Trường Kiêm Bị Xuân Cầu và trực tiếp giảng dạy. Cũng trong thời gian này, vượt qua sự bao vây, phong tỏa của địch, ông bí mật gây dựng phong trào cách mạng ở quê hương, rồi bắt liên lạc với Đảng. Năm 1936, Tô Hiệu cùng Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh) và nhiều đồng chí khác xây dựng lại hệ thống tổ chức Đảng và chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng đòi dân sinh, dân chủ ở Hà Nội và vùng phụ cận. Khi thành lập Xứ ủy Bắc Kỳ, Tô Hiệu được bầu là Ủy viên Thường vụ Xứ ủy, phụ trách các tỉnh miền duyên hải, lấy Hải Phòng làm trung tâm. Trên cương vị mới, Tô Hiệu đã tổ chức lại ban chỉ đạo các tỉnh, thành và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh lớn ở Thành phố Hải Phòng. 

Tháng 2-1939, được Trung ương phân công về phụ trách Liên khu B (bao gồm các tỉnh miền duyên hải Bắc Bộ và Hải Dương, Hưng Yên), trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Tô Hiệu đã tích cực chỉ đạo, đưa phong trào cách mạng ở đây lên cao, gây tiếng vang lớn trong nước. Tiêu biểu như cuộc bãi công của 1000 thợ xẻ (4-1939), 1500 công nhân Cảng (5-1939) và đặc biệt là cuộc bãi công của hơn 3000 công nhân Nhà máy Tơ Hải Phòng…

Tô Hiệu bị địch bắt khi đang kiểm tra việc in truyền đơn chuẩn bị cho phong trào đấu tranh mới, vào ngày 1-12-1939, tại xóm thợ Thượng Lý (Hải Phòng). Chuyển hết đề lao Hải Phòng lại Hỏa Lò (Hà Nội), tra tấn dã man, mua chuộc, dụ dỗ bằng mọi thủ đoạn, nhưng kẻ thù không lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường của người cộng sản Tô Hiệu. Cuối tháng 12-1939, thực dân Pháp đã kết án 5 năm tù và đày ông đi Nhà tù Sơn La. Cũng thời gian này, Chi bộ nhà tù Sơn La được thành lập. Tháng 02-1940, Tô Hiệu được cử làm Chi ủy viên. Tháng 5-1940, Đại hội Chi bộ bí mật của nhà tù quyết định các chủ trương công tác mới và bầu Tô Hiệu làm Bí thư chi bộ. 

Đến tháng 10-1941, khi sức khỏe đã suy kiệt, thôi không giữ chức Bí thư chi bộ Nhà tù, nhưng Tô Hiệu vẫn là cố vấn đặc biệt tin cậy của Chi ủy và là Trưởng ban huấn luyện, đào tạo cán bộ của nhà tù. Chi bộ Nhà tù đã tổ chức đời sống trong tù rất hợp lý. Thành lập Ủy ban Nhà tù để lãnh đạo mọi mặt, tổ chức các ban: Trật tự trong, Trật tự ngoài, Kinh tế, Cứu tế, Hồng thập tự, Đối ngoại, Sản xuất, Dân vận, Binh vận, Học tập và xuất bản báo Suối Reo… để chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tôi luyện bản lĩnh và kinh nghiệm đấu tranh cách mạng cho anh em tù nhân. Cuối năm 1942, Chi bộ Nhà tù Sơn La đã được Ban chấp hành Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ công nhận là Chi bộ đặc biệt, phụ trách Nhà tù Sơn La và phong trào cách mạng ở tỉnh Sơn La.

Do căn bệnh hiểm nghèo và chế độ hà khắc của nhà tù, Tô Hiệu đã hy sinh vào hồi 10 giờ 15 phút, ngày 7-3-1944 tại Nhà tù Sơn La, ở tuổi 32 trong niềm tiếc thương vô hạn của anh em, đồng chí. Ông được an táng tại Vườn Ổi (nghĩa trang Nhà tù Sơn La).

Cây Đào do Tô Hiệu trồng vào thời gian cuối đời khi bị giam giữ tại Nhà tù Sơn La đã trở thành biểu tượng không chỉ cho tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cộng sản tại Nhà tù Sơn La, mà còn là “biểu tượng của sức sống cách mạng vươn lên từ đất chết, là lời nhắn nhủ cho hậu thế rằng mùa xuân nhân loại, chủ nghĩa cộng sản sẽ ra hoa kết trái trên mảnh đất Việt Nam thân yêu”. Bản lĩnh kiên cường, bất khuất, tinh thần lạc quan cách mạng của Tô Hiệu đã trở thành di sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng và lịch sử dân tộc Việt Nam

Ngày 13-05-1985, Bưu chính Việt Nam phát hành bloc tem tôn vinh Tô Hiệu trong bộ tem "Kỷ niệm 30 năm giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-1985)"./. 

Các bài khác
Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội (10-10-1954)
10/10/2013
Kỷ niệm Chiến thắng Chi Lăng (10-10-1427)
10/10/2013
Kỷ niệm 1.765 năm ngày mất Bà Triệu (22 tháng 02 năm Mậu Thìn tức năm 248)
02/04/2013
Ngày 22-03-1961, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đoàn họp tại Hà Nội
22/03/2013

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.