Những con tem mang hình Bác kính yêu

Tem Bác Hồ năm 1946.

Ngay từ mùa thu năm 1946, một năm sau khi giành được độc lập, Nha Bưu điện Việt Nam được Chính phủ cho phép phát hành bộ tem mới thể hiện chân dung Hồ Chủ Tịch. Người có vinh dự được vẽ mẫu tem này là họa sĩ Nguyễn Sáng, dựa vào bức ảnh lãnh tụ Hồ Chí Minh do nghệ sĩ Vũ Năng An chụp. Giống như ảnh, mẫu tem thể hiện được những nét đặc sắc của Bác Hồ: thông minh, hiền hậu, kiên nghị được lồng trong khung những ngôi sao năm cánh. Tem có kích thước nhỏ xinh, in trên giấy tàu bạch mỏng mịn, gồm 5 mẫu, mỗi mẫu một màu (xanh lá mạ, đỏ, vàng, lam, tím), nhìn rất sinh động và trang trọng. Đã có những vần thơ mừng đón con tem:

"Tem mang hình Bác trên mình
Tem thêm sức mạnh, thêm tình trong tem"

Sau khi tem được phát hành, người ta chen nhau ở các bưu cục trong cả nước để mua tem Bác Hồ. Hồi này, đất nước ta đang ở thời kỳ bị “giặc đói” hoành hành. Mỗi con tem màu lam giá bốn hào, nhưng ai cũng mua với giá một đồng vì trên mặt tem in dòng chữ “+ phụ thu cứu quốc 6 hào”. Con tem nhỏ bé này đã đóng góp phần mình vào phong trào cứu đói và “Tuần lễ Vàng” lịch sử.

Tem Bác Hồ năm 1949.

Năm 1949, để đáp ứng yêu cầu kháng chiến, họa sĩ Nguyễn Sáng lại thiết kế bộ tem thứ hai về Bác Hồ, nhưng lần này Người ngồi ở tư thế hơi nghiêng, vẻ mặt trầm tư, sâu lắng, cũng dựa vào bức ảnh do Vũ Năng An chụp. Có thể nói, người chụp ảnh cũng như người thiết kế tem đã thực hiện tác phẩm của mình với tấm lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tem Liên Xô kỷ niệm 90 năm ngày sinh Bác Hồ.

Tính đến nay, trong số trên 3.000 mẫu tem Việt Nam hiện có, có hàng trăm mẫu tem về Bác Hồ. Nếu cộng cả các mẫu tem về Bác Hồ mà nhiều nước trên thế giới phát hành, chúng ta có trên 500 con tem về Bác. Đó là con số mà một nhà sưu tầm tem có tiếng, ông Lê Đức Vân, đồng thời là một cán bộ cách mạng lâu năm, nghiên cứu, thống kê và công bố. Đã ngót 10 năm, ông Vân sưu tầm tem Bác Hồ, có ý định trưng bày một bộ sưu tập vô giá vào dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 120 của Người. Bộ sưu tập ấy in dấu chân của vị lãnh tụ trên từng chặng đường đấu tranh vì dân, vì nước, từ ngày Người rời bến cảng Nhà Rồng bôn ba ra nước ngoài tìm đường cứu nước cho đến lúc Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ khi Người chỉ đạo quân và dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến thần thánh chống ngoại xâm cho đến khi Người đi vào cõi vĩnh hằng.

Tem thể hiện bức ảnh "Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn".

Có một điều rất đáng nói là phần lớn những con tem mang hình Bác đã được thiết kế trên cơ sở những bức ảnh cụ thể. Ngoài hai bức ảnh nói trên của Vũ Năng An, chúng ta được gặp những bức ảnh thể hiện trên tem như “Bác Hồ đọc báo tại chiến khu Việt Bắc” do nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nghi chụp năm 1949 được dùng làm mẫu tem trong bộ tem “Kỷ niệm 35 năm truyền thống ngành Bưu điện” phát hành năm 1980 do họa sĩ Trần Huy Khánh thiết kế, hoặc từ bức ảnh nổi tiếng “Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn” do nghệ sĩ Lâm Hồng Long chụp năm 1960  cũng được các họa sĩ Trần Lương, Đặng Quý Quyền, Trần Thế Vinh và Nguyễn Thị Sâm thể hiện trên ba mẫu tem phát hành năm 1978, 19902000. Để thống nhất phương thức thiết kế tem theo dạng ảnh chụp, họa sĩ Trần Lương đã nghiên cứu 8 ảnh gốc của người chụp để đưa vào tem sao cho trung thực với lịch sử, thay cho phác thảo đơn nét bút sắt. Và để tính khái quát và ý nghĩa rộng lớn hơn, họa sĩ đưa nguyên hình Bác như trong ảnh, lược bỏ những chi tiết dàn hợp xướng và thay thế bằng hình mặt trống đồng Ngọc Lũ, tượng trưng cho 4.000 năm văn hiến Lạc Việt - Hùng Vương.

Tem thể hiện bức ảnh "Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours (Pháp) năm 1920”.

Cũng cần đề cập những tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu khác như bức ảnh “Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours (Pháp) năm 1920” mà Đoàn thanh niên Cộng sản Pháp đã sưu tầm được và kính biếu Bác đã được dùng làm cơ sở thiết kế mẫu tem “Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam” phát hành năm 1985, hay như bức ảnh “Bác Hồ cùng Bộ Chính trị chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ” (do Đinh Đăng Định chụp) cũng được đưa vào một mẫu tem trong bộ tem “Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” phát hành năm 1984.

Tem thể hiện bức ảnh "Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam".

Tem bưu chính Việt Nam về thành phố mang tên Bác đã thể hiện tình cảm sâu lắng của đồng bào thành phố Hồ Chí Minh đối với vị lãnh tụ kính yêu, thông qua nhiều hình ảnh thân thương từ cuộc đời hoạt động phong phú của Bác như: Bác Hồ tưới cây vú sữa do đồng bào miền Nam gửi biếu, Bác Hồ với các anh hùng và dũng sĩ miền Nam... Mẫu tem 2 đồng trong bộ tem “Kỷ niệm 10 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam” phát hành năm 1985 ghi lại hình ảnh chiếc xe tăng cùng đoàn Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, phía trên bên phải là hình ảnh Bác Hồ đang giơ tay vẫy chào thành phố thân yêu. Hình ảnh Bác Hồ giơ tay vẫy chào cũng có trong mẫu tem kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước phát hành năm 1995, phía trên cánh cổng chợ Bến Thành rợp cờ đỏ sao vàng.

Tem thể hiện bức tượng "Bác Hồ với thiếu nhi".

Bức tượng “Bác Hồ với thiếu nhi” của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu tại vườn hoa phía trước Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh cũng đã được đưa lên tem hai lần vào năm 1995 1998.

Có dịp chiêm ngưỡng các bộ tem về Bác, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, chúng ta trân trọng bày tỏ lòng biết ơn đối với các họa sĩ tài hoa, từ các cố họa sĩ lão thành như Nguyễn Sáng, Bùi Trang Chước, Nguyễn Văn Khanh... cho đến Nguyễn Thế Vinh, Trần Lương, Huy Toàn, Nguyễn Hiệp, Trịnh Quốc Thụ, Đỗ Việt Tuấn, Trần Ngọc Uyển, Đỗ Lệnh Tuấn, Nguyễn Thị Sâm, Trần Thế Vinh... Họ đã đem toàn bộ tâm huyết và tài năng nghệ thuật của mình để sáng tác những mẫu tem đẹp nhất, trang trọng nhất về Bác kính yêu.

Trần Đương
Các bài khác
Tìm hiểu ngày thành lập Đảng qua một dấu FDC
03/02/2020 01:02
Hình tượng chuột trong tem Tết Canh Tý 2020
26/01/2020 17:58
Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga trên tem thế giới
07/11/2017 01:06
Người phi công Việt Nam đầu tiên
15/03/2017 01:17

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.