Dấu ấn văn hóa Việt trên tem Tết năm Ngọ

Với việc bộ tem Tết Giáp Ngọ 2014 được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành tháng 12-2013, đến nay đã có 3 bộ tem gồm 5 mẫu và 1 bloc tem về Tết năm con ngựa. Cả 3 bộ tem Tết này đều được các họa sĩ lấy cảm hứng từ văn hóa truyền thống dân tộc.

Ba bộ tem Tết năm Ngọ

Với nhiều người dân Việt Nam, hình ảnh, ấn tượng về dịp Tết nguyên đán của dân tộc thường gắn với bánh chưng xanh, câu đối đỏ hay hoa đào, hoa mai “đua nhau” khoe sắc. Nhưng đối với giới sưu tập tem và người yêu tem trong cả nước, từ nhiều năm nay, không khí đón xuân mới còn gắn liền với tâm trạng hồi hộp đón đợi bộ tem Tết mang hình ảnh con giáp biểu tượng của năm mới được ngành Thông tin và Truyền thông phát hành.

Trong chặng đường ngót nghét 70 năm của tem bưu chính cách mạng Việt Nam, có thể thấy, nếu như trong giai đoạn đầu, việc phát hành tem bưu chính Tết còn lác đác, không thường xuyên thì kể từ năm 1993 cho đến nay, Bưu chính Việt Nam đã định kỳ phát hành các bộ tem Tết về các con giáp - linh vật, biểu tượng của năm.

Theo ông Vũ Văn Tỵ, nguyên Giám đốc Công ty Tem, sở dĩ năm 1993 Bưu chính Việt Nam quyết định định kỳ hàng năm phát hành bộ tem bưu chính Tết về các con giáp là do học theo bưu chính nước ngoài. Thời điểm đó, phong trào sưu tập tem Tết về các con giáp phát triển vô cùng mạnh mẽ ở nhiều nước trên thế giới. Điều này cũng lý giải tại sao chu kỳ thiết kế tem Tết về các con giáp của Việt Nam lại khởi đầu bằng bộ tem phát hành năm con gà - Tết Quý Dậu 1993. Tính đến nay, tem Tết về các con giáp đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với nhiều nhà sưu tập tem trong cả nước. Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng 26 bộ, gồm 51 mẫu tem và 6 bloc tem về chủ đề tem Tết được phát hành.

Như thông lệ hàng năm, chào đón năm mới 2014, ngày 01-12-2013, bộ tem chuyên đề “Tết Giáp Ngọ” đã chính thức được ra mắt. Bộ tem Tết này gồm 2 mẫu tem vuông tràn lề với các giá mặt tem 2.000 đồng và 10.500 đồng. Hai mẫu tem “Tết Giáp Ngọ” thể hiện sinh động hình ảnh của một đôi ngựa, trong đó mẫu tem 1 thể hiện hình ảnh ngựa cái nhi nhảnh, vui nhộn đang hí gọi bạn; còn mẫu tem 2 khắc họa hình ảnh ngựa đực đang mạnh mẽ tung vó phi nước đại theo ngựa cái. Bên cạnh đó, trên bộ tem Tết này, ngoài việc thể hiện triết lý âm dương (ngựa có đôi, có cặp), hình ảnh con ngựa - biểu tượng của năm 2014 còn được họa sĩ Vũ Kim Liên thể hiện một cách ước lệ theo suy nghĩ của mình, được nhân cách hóa, mang một vài nét tính cách của con người: năng động, vui nhộn, khỏe khoắn. Phát hành kèm theo 2 mẫu tem “Tết Giáp Ngọ” còn có 1 phong bì ngày phát hành đầu tiên (FDC) kích thước 180 x 110 mm cùng 2 bưu thiếp cực đại (Maxicard) khuôn khổ 150 x 100 mm.

Bộ tem Tết Giáp Ngọ 2014 được thiết kế bởi họa sĩ Vũ Kim Liên.
Bộ tem Tết Giáp Ngọ 2014 được thiết kế bởi họa sĩ Vũ Kim Liên.

Ngoài ra, cũng như các năm trước, dịp Tết năm nay, ngay sau khi bộ tem Tết được phát hành, nhiều người sưu tập tem đã tự “chế tác” các mẫu FDC, Maxicard để phối hợp cùng bộ tem Tết tạo nên những ấn phẩm kỷ niệm giàu chất bưu chính, đậm đà sắc xuân nhưng cũng mang phong cách riêng của mình. Đơn cử như, liên tục 7 năm gần đây, CLB sưu tập tem Viet Stamp thuộc Hội tem TP.HCM năm nào cũng đều đặn cho ra đời các mẫu FDC mang phong cách đặc trưng của CLB mình. Năm nay, mẫu FDC Tết Giáp Ngọ của Viet Stamp tiếp tục do họa sĩ VAN (Vương Ánh Nguyệt) - một hội viên của CLB thiết kế, giới thiệu hình ảnh chú ngựa trong trang phục nông dân Nam Bộ đang luộc bánh tét, bên hình ảnh cành mai vàng đặc trưng của mùa xuân phương Nam.

Năm nay, FDC Tết và phong bì giao thừa  của Viet Stamp mang đậm không khí Tết của người dân Nam Bộ.
FDC Tết Giáp  Ngọ của CLB Viet Stamp mang đậm không khí Tết của người dân Nam Bộ.

Trước đó, lần lượt vào các năm 1966 và 2002, Bưu chính Việt Nam đã phát hành 2 bộ tem Tết năm con ngựa, đó là các bộ: “Tết Bính Ngọ” gồm 1 mẫu tem không tràn lề khuôn khổ 30 x 48 mm, có giá mặt 12 xu, do họa sĩ Nguyễn Kim Điệp thiết kế; và “Tết Nhâm Ngọ” gồm 2 mẫu tem vuông tràn lề khuôn khổ 37 x 37 mm cùng 1 bloc tem, có tổng giá mặt 22.800 đồng, được thiết kế bởi họa sĩ Nguyễn Du.

Bộ tem Tết Binh Ngọ do họa sĩ Nguyễn Kim Điệp thiết kế được phát hành ngày 18/1/1966.
Bộ tem Tết Binh Ngọ do họa sĩ Nguyễn Kim Điệp thiết kế được phát hành ngày 18-01-1966.

Bộ tem Tết Nhâm Ngọ 2002 được họa sĩ Nguyễn Du lấy cảm hứng từ hình ảnh ngựa gốm cổ và ngựa  tò he của các làng nghề dân gian.
Bộ tem Tết Nhâm Ngọ 2002 được họa sĩ Nguyễn Du lấy cảm hứng từ hình ảnh ngựa gốm cổ và ngựa tò he của các làng nghề dân gian.

“Thổi” không khí Tết vào tem

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó trưởng Ban Tem bưu chính (VietnamPost), với ý nghĩa là một món quà năm mới, góp phần đem lại niềm vui cho những người sưu tập tem cũng như những người nhận các bức thư, bưu thiếp chúc mừng dịp đầu xuân, thời gian qua, các bộ tem Tết của Việt Nam đều được phát hành trước Tết khoảng 1 tháng, kết cấu gồm 2 mẫu tem, trong đó 1 mẫu có giá mặt tem bằng mức cước thư thường trong nước và 1 mẫu có giá mặt tương ứng với mức cước gửi thư thường quốc tế để phục vụ người dân gửi thư, bưu thiếp chúc mừng cho người thân, bạn bè dịp Tết.

Đáng chú ý, điểm chung của cả 3 bộ tem Tết năm Ngọ là mặc dù được các họa sĩ thể hiện với phong cách thiết kế, ý đồ sáng tạo riêng song hình ảnh, chất liệu mà các tác giả chọn đưa lên khuôn khổ nhỏ bé của các mẫu tem thư đều mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống dân tộc.

Cụ thể, nếu như ở bộ tem Tết Bính Ngọ (1966), họa sĩ Nguyễn Kim Điệp tập trung khai thác các yếu tố: cậu bé dân gian cưỡi ngựa gỗ, cành đào, bánh trưng… đều là những hình ảnh đặc trưng, quen thuộc của ngày tết cổ truyền Việt Nam để thể hiện ngày xuân của đất nước trên tem; thì ở bộ tem Tết Nhâm Ngọ (2002), họa sĩ Nguyễn Du đã chắt lọc, đưa lên tem các chất liệu của nghệ thuật dân gian để diễn tả không khí ngày xuân đất nước, đó là hình ảnh ngựa gốm cổ của làng nghề gốm sứ Bát Tràng và ngựa tò he của làng nghề nặn tò he ở Phú Xuyên. Đặc biệt, ở 2 mẫu tem, bên cạnh các chi tiết đậm sắc xuân như lá cờ hội, hoa mai, hoa đào…, bằng việc thể hiện các khối tròn trong khuôn khổ tem vuông, trong đó hình vuông tượng trưng cho đất, khối tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời theo triết lý âm dương, “trời tròn đất vuông”, họa sĩ Nguyễn Du còn muốn thể hiện văn hóa phương Đông “trời tròn họa sĩ Nguyễn Du còn muốn “gợi” lên không khí của thời khắc giao hòa giữa trời và đất trong tiết xuân về.

Chia sẻ về quá trình làm bộ tem “Tết Nhâm Ngọ”, họa sĩ Nguyễn Du cho biết, khó khăn, cũng là trăn trở lớn nhất của anh khi đó là phải làm sao để tạo ra một bộ tem Tết vẫn khai thác yếu tố dân gian nhưng phải có nét riêng, khác biệt so với các bộ tem Tết đã phát hành giai đoạn trước. “Trước bộ tem Tết Nhâm Ngọ 2002, Bưu chính Việt Nam cũng đã phát hành hơn chục bộ tem chủ đề về Tết nguyên đán. Nhiều họa sĩ đã khai thác, tìm tòi cách thể hiện theo phong cách tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống. Để không lặp lại cách thể hiện của các bộ tem trước, tôi đã chọn sử dụng hiện vật, chất liệu dân gian là hình ảnh ngựa gốm cổ và ngựa tò he - những hình ảnh gần gũi, quen thuộc với nhiều người dân Việt để đưa lên tem, “thổi” vào đó hơi thở của ngày Tết”, họa sĩ Nguyễn Du nói.

Còn với họa sĩ Vũ Kim Liên, người đã có 23 năm gắn bó với nghiệp vẽ tem, 2 mẫu tem “Tết Giáp Ngọ” đã tiếp tục được chị thể hiện theo phong cách dân gian. Đây cũng là phong cách đã được nữ họa sĩ này lựa chọn để thể hiện 5 bộ tem Tết về các con giáp đã được phát hành giai đoạn trước gồm: “Tết Quý Dậu” (1993), “Tết Canh Thìn” (2000), “Tết Ất Dậu” (2005), “Tết Bính Tuất” (2006) và “Tết Đinh Hợi” (2007).

Chia sẻ về cách thức thể hiện các con giáp trên tem Tết, họa sĩ Nguyễn Kim Liên “bật mí”, từ suy nghĩ mỗi người đều có “năm tuổi” tương ứng với từng con giáp, mỗi khi thể hiện tem Tết về một con giáp tượng trưng cho một năm mới, chị đều mong muốn khắc họa hình ảnh con giáp đó trong sự gần gũi, gắn bó với con người. Đây cũng chính là lý do hình ảnh đôi ngựa trên bộ tem “Tết Giáp Ngọ” đã được nữ họa sĩ này thể hiện cách điệu, nhân cách hóa, mang một số nét tính cách của con người như: năng động, vui nhộn, khỏe khoắn.

Họa sĩ Vũ Kim Liên cũng cho hay, điều quan trọng nhất khi thiết kế tem Tết là phải làm sao để thể hiện, truyền tải được không khí, tinh thần rất riêng, đặc trưng của tết cổ truyền dân tộc Việt Nam. Vì thế, trong bộ tem chuyên đề “Tết Giáp Ngọ” mới phát hành, để truyền tải không khí của ngày Tết và lời chúc đầu xuân nhiều may mắn, mọi sự vuông tròn cho mọi người, họa sĩ Vũ Kim Liên đã tiếp tục sử dụng khuôn khổ tem “yêu thích” của mình là tem vuông và những màu sắc trên tem tươi sáng, mang đậm sắc xuân như: xanh non của cây lá, vàng của hoa mai, hồng tím của hoa đào…

Ban Tem Bưu chính của VietnamPost cho biết, vào dịp cuối năm, tất cả các nước trên thế giới đều phát hành tem. Thông thường, các nước châu Âu hay phát hành tem về Noel; còn các nước châu Á thường phát hành tem Tết âm lịch. Tuy nhiên, hiện nay tem Tết âm lịch không còn chỉ là “độc quyền” riêng của các nước châu Á mà rất nhiều nước trên thế giới cũng đã phát hành tem về chủ đề Tết âm lịch. Ước tính trên thế giới hiện có khoảng 80 nước đã phát hành tem Tết âm lịch. Riêng về tem Tết năm Giáp Ngọ 2014 - linh vật thứ 7 trong cung hoàng đạo, theo thống kê sơ bộ của giới sưu tập tem, đến giữa tháng 12/2013, bên cạnh bộ tem Tết Giáp Ngọ của Việt Nam, đã có hơn chục quốc gia và lãnh thổ phát hành tem Tết năm con ngựa: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Mỹ, New Zealand, Singapore, Philippines, Đài Loan, Liechtenstein, HongKong, Macau, Montserrat...

Theo ICTnews

Các bài khác
Tìm hiểu ngày thành lập Đảng qua một dấu FDC
03/02/2020 01:02
Hình tượng chuột trong tem Tết Canh Tý 2020
26/01/2020 17:58
Kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga trên tem thế giới
07/11/2017 01:06
Người phi công Việt Nam đầu tiên
15/03/2017 01:17

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÂU LẠC BỘ VIET STAMP (VSC)

Giấy phép thiết lập Trang thông tin điện tử tổng hợp số 69/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cấp ngày 26-8-2011.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Viet Stamp.
©2007-2014 Bản quyền thuộc Câu lạc bộ Viet Stamp. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, P.4, Q.Tân Bình, TP.HCM;
Email: vietstamp.net@gmail.com; Điện thoại: 08.38111467; Hotline: 0918636791.

Ghi rõ nguồn “vietstamp.net” khi phát hành lại thông tin từ website này.