Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Văn hóa - Giáo dục - Tri thức

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 08-06-2015, 17:12
HanParis's Avatar
HanParis HanParis vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 19-02-2013
Đến từ: Paris - France
Bài Viết : 4,031
Cảm ơn: 10,439
Đã được cảm ơn 20,202 lần trong 3,980 Bài
Mặc định Hà Nội 36 Phố Phường

Phố Hàng Bạc



Hàng Đào ríu rít, Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Ngang…


Những phố phường cổ kính còn vương lại trong vài dáng hình kiến trúc một nếp sống xa xa của mảnh đất Rồng bay… Những phố phường tiêu biểu cho diện mạo Hà Nội ngày nào… Khu vực “gây ấn tượng” nhiều nhất với người trong, người ngoài Hà Nội… Điểm dân cư luôn tấp nập, đông vui, rộn ràng chảy ngược Đồng Xuân, chảy xuôi Bờ Hồ, phố Huế…
Hàng Bạc của tôi, của chúng ta, phải chăng ngày nào là “đất thánh” của những nhà giàu Hà Nội? Của những cô tiểu thư ăn uống tỉa tót (người ta bảo: con gái Hàng Bạc trong bữa ăn gảy từng cọng giá), nơi ngự trị của quan niệm “phi cao đẳng bất thành phu phụ”, ăn sâu trong nếp nghĩ cũng như những nếp nhà Hàng Bạc hẹp lòng mà thăm thẳm, như chìm sâu dưới bề mặt đường phố? Hay là Hàng Bạc của những thợ vàng Định Công chuyên đậu đồ vàng, thợ bạc Đồng Sâm chuyên chạm đồ bạc?

Định Công, tức Định Công thượng, mạn Thanh Trì, đất của ớt cay ngon nổi tiếng Hà thành, đất của nghề kim hoàn phấn phát từ thời tiền Lý (thế kỷ VI) với ba ông tổ sư họ Trần, đất của những chàng trai khéo tán, mời chào của những cô nàng nghiêng nón:

Làng anh có thợ kim hoàn

Để anh đánh nhẫn cho nàng đeo tay…


Đồng Sâm của đất Thái Bình, quê hương của vợ Triệu Đà - một huyền tích về một ông vua có thực từ trước Công nguyên vài trăm năm, hay sự thật về một cái làng miền biển của những người thợ bạc phương Bắc di cư, tụ hội và Việt hoá đến mức sâu xa khiến chứng cứ lịch sử chỉ còn le lói qua huyền tích? Đồng Sâm, quê hương của những người thợ bạc đi rong hay tụ hội trong các thị trấn, ở tỉnh Nam, ở Hà Nội, đánh khuyên, nhẫn, xà tích, quả đào, ống vôi, chóp nón, vòng kiềng cho bà xã, cô cai, thầy lý… cho cả dân mạn ngược về mua.

Những bà con Định Công, Đồng Sâm đó ra Hàng Bạc hành nghề từ bao giờ? Có người lập luận: Định Công có nghề kim hoàn từ thời tiền Lý, lại gần cận kinh thành, hẳn đã ra Hàng Bạc từ sớm. Mới nghe, chừng như có lý…

Nhưng tôi còn lấy làm ngờ…


Tôi đi hỏi các nhà sử học, hỏi các cụ người Hàng Bạc gốc. Và được biết đất Hàng Bạc trước là thuộc thôn dũng Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Những địa danh thời Nguyễn, đúng thế. Đất tổng Đông Thọ hay còn gọi là tổng Hữu Túc. Đình Dũng Thọ hiện là ngôi nhà 24 Hàng Bạc. Sách Phương đình dư địa chí của cụ Nguyễn Văn Siêu còn ghi là phường Đông Các. Với cái tên đó, ta ngược đến đời Lê. Sách Vũ trung tuỳ bút của Phạm Đình Hổ chép rằng, sau khi Hoa kiều phường Hà Khẩu (Hàng Buồm) được phép vua Lê chúa Trịnh tải đá kè đê sông Cái ở mé trên thì nạn nước xói lở bớt đi. “Ven sông về phía Nam dần dần nổi bãi phù sa mãi ra, người đến tụ họp đông đúc. Bởi thế những phường Thái Cực (Hàng Đào), Đông Hà (Hàng Gai), Đông Các (Hàng Bạc) nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm (phố kéo dài của Hàng Bạc ra bờ sông), vạn Hàng Bè, bến Tây Long (khoảng Nhà hát Lớn - Tràng Tiền) và đều thành ra phố phường đô hội cả”.


Sách Đăng khoa lục có chép tên ông Nguyễn Quang Lộc, đậu tiến sĩ khoa Bính Tuất đời Lê Thánh Tông (1466) là người phường Đông Các. Ít ra thì được biết đến đầu thời Lê!


Nhưng dân phường Đông Các thời đầu Lê làm nghề gì, ở đâu thì sử không hề chép.


Chỉ đến cuối đời Lê, vẫn theo Vũ trung tuỳ bút, khi Chiêu Hổ chép về nạn lừa đảo trộm cắp ở Thăng Long thì ta biết rõ phường Đông Các thời đầu Lê là nơi đổi chác, mua bán bạc nén.


Thì nghề đúc bạc nén và đổi bạc - tiền lại có liên quan đến một thành phân cư dân đông đảo khác của phố Hàng Bạc, ngoài số ít ỏi dân Định Công, Đồng Sâm. Đó là dân Trâu Khê ở mạn Bình Giang, tỉnh Hải Hưng ngày nay.


Nói cho đúng, dân Hàng Bạc mới từ nghề đúc bạc, đổi bạc dồn dập chuyển sang hành nghề làm đồ nữ trang kim hoàn từ sáu, bảy chục năm nay. Trước đó thì chưa. Cho đến buổi đầu thời thuộc Pháp, cuối thế kỷ XIX, dân ta tiêu tiền quan, tiền trinh, tiền kẽm, bạc vụn, bạc nén. Phố phường Đông Các có nhiều nhà mở cửa hàng để đổi tiền - bạc cho dân chúng tiêu pha hay đi buôn bán gần xa cho thuận tiện. Vì thế thời thuộc Pháp, Hàng Bạc còn đeo biển phố “Rue des changeurs” (phố của những người đổi tiền).


Gọi là cửa hàng, thực ra ban đầu cũng giản dị thôi, đâu phải đã lấp lánh kính gương, lóng lánh điện đèn như ngày sau. Một cái phản bày trước cửa nhà, vậy thôi!


Dân cư đa số là dân Trâu Khê, lác đác có mấy gia đình Định Công làm nghề đậu hoa tai và khuy áo.


Trâu Khê, làng của năm giáp, gồm giáp Nhất, giáp Nhì (hai giáp Đông An), giáp Đông, giáp Tây Xuyên và giáp Trung, của các họ Chu (Châu), Phạm, Đỗ, Hoàng, Nguyễn, Vũ…, gốc tích có thể ngược lên cuối thời Trần. Tấm bia đá ghi bút tích Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán (ông ngoại Nguyễn Trãi) cho biết khoảng niên hiệu Xương Phù (1377- 1388), có Châu công Tung Trịnh thống lĩnh quân Tam sương cấm binh họp dân lập làng (thôn) dần dà đông đúc, sau mới gọi là Châu Xá. Sau nhân đinh ngày càng nhiều, mới biệt lập làm một xã, gọi là Châu Khê, thời Lê mạt viết lầm là Trâu Khê.


Nghe đâu khoảng cuối thời Lê, vỡ đê, đói kém, đất Trâu Khê lại là bạc điền, nên dần dà tới nửa làng ra làm ăn ở kinh đô, tại phường Đông Các. Cho đến thời Tây dễ đã có đến 300 suất đinh Trâu Khê đóng thẻ thuế thân ra ngoài Hà Nội. Ra phố phường làm ăn, nhưng vẫn giữ “đất lề quê thói”, sống gửi thân phố phường, thác thì về mồ mả cũng đem về quê Trâu Khê. Tết nhất, đình đám, dân Trâu Khê Hàng Bạc vẫn cử người về quê, lễ vật chu tất. Xa thì còn đóng sưu, nộp thuế ở quê nữa kia. Sau làm ăn phát đạt lên, trong sáu bảy chục năm, tậu được hơn bốn chục mẫu ruộng cúng dân, nuôi lính. Thì do đó cũng khỏi phải gánh chịu phu phen tạp dịch ở làng.

Ra ở phố phường, nhưng nhà cửa, xóm giềng… vẫn giữ mô hình ứng xử như ở nhà quê: vẫn tổ chức theo năm giáp như chốn quê nhà. Rồi thì dân con đâu, thành hoàng đấy; dân Trâu Khê phố phường cũng như các phường phố khác đều lập vọng từ và đình, rước bài vị thành hoàng quê mình ra kinh thành để thần bảo vệ dân. Hàng Bạc có hai đình của hai “chợ” (thị), đều dựng từ thời Gia Long: đình Trên, nay là số nhà 50 (làm năm Gia Long thứ 13 - 1815), đình Dưới, hay đình “hai ông tướng”, nay là số nhà 42 (làm năm Gia Long thứ 18 - 1819). Có hai đình vì dân chia thành hai “chợ”, nghe đâu vì có xích mích với nhau. Hay cũng chỉ là xạ ảnh của tổ chức lưỡng hợp tự ngày xưa? Đình thờ Hoàng đế Hiên viên thị, vua ngoại lai. Thế còn đền thờ thần làng? Phố đã chật, dân than vãn:

Một vua hai miếu, thành hoàng ngẩn ngơ!


Sau triều đình mãi cuối thế kỷ XIX mới mua lại với giá 120 đồng cái đền nội miếu ở phố Hàng Giày, vốn hướng Nam, tu tạo lại, xoay hướng Đông. Bây giờ cổng đền đã ghi biển “Trâu Khê vọng từ”. Đền ở Hàng Giày, nhưng của dân Hàng Bạc.

Từ triều Gia Long, trong phố có một vị Ty quan để quản lý bạc, thu bạc vụn của tỉnh trao, giao lại cho tràng truyện đúc thành bạc tốt, từng “nén” đủ 10 lạng và 10 tuổi. Hễ khi tỉnh đến nhận, sẽ trao trả lại, đặng đưa về kinh nhập vào công khố. Hàng tràng lấy chỗ hai đình làm nơi xem duyệt sổ sách hằng năm. Trong đình có một hòm gỗ đựng bạc tiền có bốn khoá, cử bốn người, mỗi người giữ một khoá.

Việc đúc bạc nén có thể phân làm hai khâu, hai đợt. Khâu đầu, đợt 1, trong nghề gọi là truyên bạc.


Trước hết, lấy vôi bột đã để cho thật hả, gạch non giã nhỏ và gio bếp (gio củi, hay gio vỏ bưởi thì tốt vì nhẹ, xốp), tất cả đem rây cho thật nhỏ, nhào với nước, nặn thành hình cái chảo. Đó là đồ nấu bạc. Còn như dụng cụ thì có bễ, vài cái que sắt, mấy cái kìm dài cán, nhành chặt, dao chặt…

Cho bạc vụn, hoặc còn lẫn các loài kim khí khác vào chảo, kéo bễ đốt lò mà nấu. Nấu bằng than củi, xưa gọi là than tàu, không dùng than đá. Để đỡ tốn, bạc bắt đầu chảy ra rồi mới dùng củi.

Bạc chảy rồi thì cho chì vào. Phải liệu bạc mà cho chì. Cho ít chì quá, bạc không đủ tuổi. Cho nhiều chì quá sẽ hao bạc, nhà nghề gọi là đì bạc. Bạc vụn, mà xem ra chừng 7 tuổi, thì cho chừng năm lạng chì trong một nén. Chì chảy, quyện các tạp chất khác, để bạc đủ tuổi 10…


Nấu bạc, cần nhìn váng và sao. Váng là cái màng màu xam xám như bọt cơm. Sao lại là bọt lửa, chạy đi chạy lại. Bạc gần được, sao váng ít dần đi. Sao váng hết thì bạc cũng được.

Để nguội, dỡ ra lấy bạc tốt, còn lại những cặn bã, xi đọng ở chảo vôi gio, nhà nghề gọi là đì bạc. Dân Kẻ Sặt Từ Sơn ngày trước sang phố Hàng Bạc mua đì về tán nhỏ, làm rút đồng, chì, bạc… Bạc tốt đem về chặt thành từng miếng, cân lên mười lạng một, tức là một nén.

Khâu thứ hai là khâu đúc bạc.

Nồi nấu nặn bằng đất thó trộn với gio, trấu, phơi hoặc nung thật khô. Những miếng bạc chặt cân đủ nén, cho vào nồi nấu. Nấu bạc phải cho vào một ít hàn the. Hàn the, khoa học gọi là Bô rát nát ri (Bo3Na2) làm cho bạc chóng chảy và láng mặt. Hàn the bám vào vách nồi thành chai.
Bạc chảy loãng sẽ đem đổ khuôn.
Khuôn đúc bạc nén, nhà nghề gọi là thão. Thão bằng sắt, có chuôi bằng gỗ. Trước khi đổ bạc, phải bỏ thão cho rõ thật nóng. Than gỗ thông tán nhỏ xoa vào thão, rồi thoa ít dầu ta - dầu cây thầu dầu, dầu thắp đèn ngày xưa, để cho bạc khỏi dính vào thão.

Bạc đã đổ khuôn xong, nén bạc còn nóng đỏ, phải lấy ra sửa sang ngay cho đẹp nén bạc. Dùng búa nhỏ gõ cho vuông vắn. Trao thão có nổi chỉ, giữa hơi lõm. Nén bạc vì thế có vấu ở dưới và có đủ thành chỉ. Sửa sang xong, đóng dấu có hai chữ “Thập túc” (đủ 10) vào thành nén bạc.


Phố Hàng Điếu – “Thuốc lào chồng hút vợ say” vang bóng 1 thời


Hàng Điếu, con phố 1 thời gắn với những điếu cày,điếu bát… nay phố nhộn nhịp mua bán, minh chứng cho sự đổi thay của những phố hàng, phố nghề Hà Nội qua các thời kỳ.

Phố Hàng Điếu, dài 280 mét nằm trong khu phố cổ Hà Nội, thuộc quận Hoàn Kiếm, kéo dài từ đầu phố Hàng Gà tới phố Đường Thành. Phố nguyên là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long xưa.




Theo tên gọi phố xưa chuyên làm và bán các loại điếu cày, điếu bát, điếu ống bịt bạc hoặc vàng… Trước thời chưa có thuốc lá, các loại điếu trên phố là 1 phần không thể thiếu của nhiều người đặc biệt với các nhà giàu có, nam giới. Thời xưa, ngoài miếng trầu là đầu câu chuyện, thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Mà như dân gian xưa có câu ca dao hay những bài truyền miệng:

Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên


Rồi

Thuốc lào chồng hút vợ say
Thằng cu châm điếu lăn quay ra nhà
Có cô hàng xóm đi qua
Hít phải hơi thuốc say ba bốn ngày


Hay

Một thằng hút bốn thằng say
Hai thằng châm điếu ngã lăn quay
Bà già vác củi loay hoay
Rít phải hơi thuốc lăn ngay xuống đồi
Ngọc hoàng thấy vậy, phán: "hay!"
Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào



Bên trong đền Hỏa Thần đã xuống cấp nhiều

Cái tên Hàng Điếu xưa gắn với đoạn cuối và giữa phố, đoạn đầu Hàng Gà xưa dân quen gọi là Nhà Hỏa (Phố Nhà Hỏa ngày nay, khi xưa là ngõ Nhà Hỏa), bởi ở số nhà 30 trên phố xưa là đền Nhà Hỏa, thờ thần Hỏa, người được coi là có uy lực trừ hỏa hoạn. Đền này được xây dựng năm 1838 với quy mô nhỏ, tới năm 1841 được mở rộng. Trong đền có đặt 1 quả chuông lớn, dùng để báo động khi xảy ra hỏa hoạn. So với nhiều ngôi đền khác ở Hà Nội, đền Hỏa Thần là 1 di tích lớn và đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa vào năm 1996.

Hàng Điếu kéo dài từ phố Hàng Gà tới phố Đường Thành


Đoạn cuối phố Hàng Điếu

Phố Hàng Điếu tới những năm đầu thế kỷ 20 chỉ còn lại vài ba nhà bán điếu và bịt bạc các loại điếu bát, điếu ông. Các hàng điếu đã chuyển về các phố Bát Đàn, Bát Sứ gần đó. Hàng Điếu thời điểm đó xuất hiện nhiều nhà làm và bán đồ da.

Cùng là đồ da nhưng mặt hàng ở Hàng Điếu khác với phố Hà Trung gần đó. Phố Hà Trung chuyên làm yên ngựa, túi súng, cặp sách… từ da Tây, còn Hàng Điếu làn giày dép bằng da ta, giày da lộn… Các cửa hàng này phần lớn do người dân làng Chắm từ các phố Hàng Giầy và ngõ Hài Tượng rời sang… Ngoài ra xen kẽ còn có các cửa hiệu lớn của người Hoa mở ra trên phố như hiệu Đông Hòa, Mậu Xương…

Những năm đầu thế kỷ 20, Hàng Điếu còn có 1 số nhà in mở ra, trong đó nổi tiếng phải kể đến nhà in Nhật Nam. Đây là địa chỉ quen thuộc của các tác giả nổi tiếng văn học Việt Nam thời đó như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân….




Cuối phố Hàng Điếu đoạn cắt với phố Đường Thành

Những ngày đầu kháng chiến chống Pháp bùng nổ, tháng 12/ 1946, Hàng Điếu là tuyến đầu của các cuộc giao tranh ở Thủ đô. Nhiều nhà cửa trên phố thời đó bị phá hủy nặng nề.

Hòa Bình lập lại sau năm 1954, Hàng Điếu lại sống với nghề sửa chữa đồ da, cắt lốp xe làm dép, khâu chậu, thùng, xô, có 1 số nhà đóng dép xăng-đan…


Tại điểm giao Hàng Điếu - Hàng Da – Đường Thành là trung tâm thương mại Hàng Da, xưa là chợ Hàng Da. Đây nguyên là một chợ nhỏ, kiểu chợ làng, bán rau và chủ yếu bán da trâu bò sống được phơi khô. Trong chợ thì chỉ có vài cái lều tạm cho nên các gánh hát hay gánh xiếc thường thuê chợ để diễn vào buổi tối. Mãi tới khoảng năm 1937-1938 mới được xây, chợ từ đó được định hình.




Dọc phố ngày nay có nhiều cửa hàng bán mứt sen, ô mai, các loại bánh cốm, bánh xu xê phục vụ cưới hỏi…













Đóng gói hàng tại cửa hàng mứt, trà sen số 10 Hàng Điếu




Dấu xưa của phố nghề







Các cửa hàng chăn, ga, đệm nối tiếp nhau ở đoạn giữa phố





Hàng Điếu ngày nay với các cửa hàng kinh doanh nhiều chủng loại hàng hóa


Hàng miến lươn được nhiều người yêu thích nằm ở đoạn cuối phố


Một phút suy tư...


Nét kiến trúc Pháp những năm đầu thế kỷ 20 còn lưu lại trên phố

Ngày nay Hàng Điếu tập trung nhiều nhà bán chăn đệm, bông, mút… Dọc phố có nhiều nhà mở hàng ướp chè sen, bán ô mai, mứt kẹo, bánh xu xê, mứt sen… phục vụ cưới hỏi.

Hai dãy phố nhiều hàng ăn ngon nổi tiếng được mở ra như tiệm xôi chè, miến lươn, bún bò, nước mía,… phục vụ nhu cầu cuộc sống mới.




Ngôi nhà kiểu Pháp đầu phố Hàng Điếu còn khá nguyên vẹn dù đã xuống cấp theo thời gian

Hàng Điếu nay đã vắng bóng những điếu ống, điếu bát… thay vào đó là đầy dãy những cửa hàng buôn bán nhiều loại mặt hàng phong phú đa dạng. Phố trở thành 1 trong những minh chứng cho sự linh hoạt thay đổi cùng xã hội qua các thời kỳ, biểu thị cho sức sống nội tại của những phố hàng, phố nghề qua từng thời kỳ khác nhau.

Cầu Gỗ - phố nghề gióng xe tay


Cầu Gỗ con phố gắn liền với tên gọi cây cầu nhỏ xưa, với bát phở Giảng nức tiếng Hà Thành một thời... bây giờ khách qua người lại, tấp nập bán mua.

Cầu Gỗ con phố cổ nổi tiếng với hàng phở Giảng thơm ngon nức tiếng Hà Thành một thời. Phố dài 248 mét, nằm theo hướng Đông - Tây, nối từ phố Hàng Thùng tới quảng trường Đông kinh Nghĩa thục, thuộc phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Xưa, Cầu Gỗ nằm trên phần đất của các thôn Hương Thính, Nhiễm Thượng và thôn Thăng Bình thuộc tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, kinh thành Thăng Long.



Đình thôn Nhiễm Thượng nay là số nhà 64 Cầu Gỗ, thờ thần Hoàng Làng. Quãng phố giáp phố Đinh Liệt là phần đất thuộc thôn Hương Thính, nguyên là thôn Hàng Chè, chuyên bán chè tươi. Đình thong Hương Thính nay nằm ở số nhà 30 Đinh Liệt.

Thôn Thăng Bình là đoạn cuối phố giáp với phố Đinh Tiên Hoàng, đình thôn nằm ở số nhà 9 Đinh Tiên Hoàng, nay được rời lên gác 3.

Tên gọi phố Cầu Gỗ bắt nguồn từ 1 cây cầu nhỏ bắc qua con mương nối hồ Thái Cực (thời đó phía Bắc phố Cầu Gỗ có 1 hồ khá rộng gọi tên là hồ Thái Cực) ra tới Hồ Gươm. Thời kỳ Pháp chiếm Hà Nội đã cho lấp hồ này và mở phố, cũng lấp cả cây cầu gỗ cũ đi. Người dân ta vẫn quen gọi phố với cái tên thân thuộc Cầu Gỗ. Khi đặt tên cho phố người Pháp cũng dịch từ tiếng Việt sang là "rue du pont en bois". Tên gọi phố Cầu Gỗ được ta chính thức hóa sau Cách mạng Tháng Tám.



Cầu Gỗ cái tên mộc mạc giản dị bắt nguồn từ 1 cây cầu nhỏ làm bằng gỗ bắc ngang giữa phố


Trong những ngày tháng đầu Kháng chiến chống Pháp, Cầu Gỗ là tuyến lửa phía Nam của Liên khu I. Dù quân giặc tấn công pháo kích nhiều lần, quân ta vẫn giữ vững cho đến ngày được lệnh rút quân khỏi thành phố vào 17/02/1947.




Cầu Gỗ ngày Pháp rút quân khỏi Hà Nội




Cầu Gỗ con phố cổ của Hà Nội



Thoáng xưa cũ còn lưu lại nơi con phố



Xen kẽ đọc phố nay vẫn còn nhiều nhà cũ xây theo kiểu kiến trúc Pháp thời đầu thế kỷ 20


Cuối thế kỷ 19, phố Cầu Gỗ còn nhỏ hẹp, nhà dân chủ yếu xây theo lối nhà cổ, một tầng lợp ngói ta hay có gác xép, nhà 2 tầng theo kiểu chồng diêm, thường hẹp bề ngang, có nhiều hộ nền nhà thấp hơn mặt đường tới vài ba bậc.

Phố buôn bán nhiều loại sơn sống, sơn ta làm tranh sơn mài, gắn thùng gỗ, bả hoành phi câu đối. Ngoài ra, Cầu Gỗ còn có một nghề khá đặc biệt: nghề đóng xe tay, cũng nhờ vậy mà những nhà trên phố trở nên khá giả. Sau cách mạng những cửa hàng này chuyển sang đóng xe xích lô. Có những hiệu nổi tiếng như nhà ông Hai Chinh, ông An Thái…


Hàng làm mũ ở giữa phố


Trên phố còn có một cửa hàng làm mũ mà chủ nhân chính là người đã chế ra cái khăn xếp đẹp đẽ và tiện lợi thay cho việc quấn khăn theo lỗi cũ của đàn ông Việt Nam.

Nằm ở vị trí tuy khuất nhưng lại kề với những chốn đô hội (hồ Hoàn Kiếm và phố Hàng Đào), gần Ga xe điện Bờ Hồ... nên nó cũng là một phố của những cư dân làm nhiều nghề mà nay ta gọi là "dịch vụ" cho đời sống người dân đô thị, người qua lại tấp nập, các hàng nước, hàng quà được mở ra nhiều phục vụ khách đợi tàu.


Hàng quà vặt giữa phố




Cửa hàng bánh khúc ngon có tiếng nằm ở số nhà 35 trên phố

Những năm 1950 sau hòa bình lập lại, Cầu Gỗ đặc biệt nổi tiếng với hàng Phở Giảng ở số nhà 88, là 1 trong những hàng phở đầu tiên bán trong nhà ở Hà Nội khi ấy. Hàng chỉ bán đến 9 giờ sáng, trưa tới tối lại chuyển sang bán cà-phê. Ngoài ra Cầu Gỗ thời ấy còn có hàng chè Lan Anh với món chè bắp ngon đặc biệt…


Hàng may áo dài đẹp có tiếng Hà Nội nằm ở số nhà 59 Cầu Gỗ



Các cửa hàng giầy dép tập trung ở cuối phố


Cầu Gỗ ngày nay đã nhiều đổi thay trở thành 1 phố buôn bán tấp nập các cửa hàng cửa hiệu, nét hiện đại hòa lẫn dáng vẻ cổ kính.

Nhiều cửa hàng sang trọng chuyên bán đồ cao cấp cho du khách được mở ra khiến diện mạo mang màu sắc hiện đại. Các nhà hàng, khách sạn, quán cà-phê cũng được mọc lên san sát… phục vụ nhu cầu đời sống hiện đại.

Đầu phố gần ngã 3 Cầu Gỗ - Đinh Liệt tới gần chợ Hàng Bè là rất nhiều những cửa hàng bán cặp, dây buộc tóc và bấm lỗ tai luôn tấp nập các chị em tới mua.

Đi thêm 1 đoạn là hàng bánh khúc Quân nổi tiếng Hà Nội bây giờ. Đoạn ngã 3 Cầu Gỗ với phố Hồ Hoàn Kiếm có 1 cửa hàng bún thang mang hương vị đặc biệt thu hút nhiều thực khách tới thưởng thức. Cuối phố ngày nay phần nhiều là những cửa hàng bán giầy dép đủ loại mẫu mã từ phố Hàng Dầu tràn sang.





Dọc phố có nhiều hàng dịch vụ ăn theo sửa giầy dép được mở ra


Ngã 3 Cầu Gỗ với chợ Hàng Bè xưa


Cuộc sống thường nhật Cầu Gỗ




Đầu phố đoạn gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục là rất nhiều các hàng cặp tóc, dây buộc tóc các hàng bấm lỗ tai…



Hàng quà vặt quen thuộc giữa phố phường Hà Nội



Cầu Gỗ mọc lên san sát các nhà hàng, khách sạn, công ty dịch vụ thời mở cửa



Cầu Gỗ nằm trong lịch trình không thể thiếu của nhiều du khách đến với Thủ đô

Cầu Gỗ con phố cổ mang nhiều nét đặc biệt, ngày nay như bao con phố khác của Hà Nội, phố chuyển mình theo nhịp thời đại, hoạt động buôn bán tấp nập diễn ra hầu như cả ngày, diện mạo phố đã nhiều đổi khác, hiện đại xem lẫn cổ kính…

Nguồn : http://phoco.vn/3056/news/589101/36-pho-phuong.html

__________________
3T -> Thân Thiện - Trí Thức - Tình Nghĩa

Trăm Năm Trong Cõi Người Ta
Tem Bì Bưu Ảnh Là Moa Ưa Rùi
Văn Chương Súng Ống Nửa Mùa
Chõ Mồm Một Tí Nói
Đùa Ace Ơi!
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.