Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Linh tinh... lang tang...

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 08-01-2009, 22:30
vnmission's Avatar
vnmission vnmission vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 05-04-2008
Bài Viết : 1,370
Cảm ơn: 2,251
Đã được cảm ơn 11,379 lần trong 1,353 Bài
Mặc định Người đẹp trăm tuổi nhớ tem

Hỏi chuyện bác tôi – người đẹp trăm tuổi


Nguyễn Thị Ngọc Hải, Sài Gòn Tiếp Thị Xuân 2009

(có một số thông tin mới, lại có nhắc tới tem - vnmission)


Cụ bà Phạm Thị Hồng sinh 4.1909, đã xuất hiện trên bìa báo Tuổi Trẻ khi là cử tri cao tuổi nhất ở khu Ba Đình, Hà Nội đi bầu Quốc hội năm 2007. Cụ là chị vợ của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng, là vợ đồng chí Nguyễn Kim Cương - cố thứ trưởng Phủ thủ tướng. Anh chúng tôi, người con trai Nguyễn Kim Khôi vừa đưa mẹ từ Hà Nội vào Sài Gòn thăm con và tránh rét.

***

Khi chúng tôi đến thăm, bác tôi đang nằm trên giường. Anh Khôi bảo bác khoẻ, nhưng hôm ở Hà Nội bị ngã nên bây giờ phải ngồi xe lăn mỗi khi ra phòng ngoài ăn cơm. Bác mặc bộ đồ lụa trắng, tóc trắng, chúng tôi khẽ bảo nhau: trông như bà tiên! Vậy mà bác đã cười to, nói đùa rất vui: “Tiên khòng đây! Tiên khòng, là không tiền đây”!. Đang rón rén cứ như vào thăm người yếu không dám nói to, nghe câu đùa tỉnh táo, ai cũng nhẹ cả người.

“Bà còn đọc sách được cả chỗ không sáng lắm, xâu kim được. Nhiều người tưởng bà tuổi này rồi phải nặng tai nên mỗi khi nói rất to, ghé sát vào tai. Bà sợ lắm – bà đọc cả báo chữ nhỏ, phát hiện sửa cả chỗ in sai. Thuộc thơ nhiều lắm: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, thơ khóc Dương Khuê, bài ông Tú Mỡ khóc bà vợ hiền. Răng thật của bà còn hai chiếc” – Đó là lời anh Khôi vừa lấy ghế cho chúng tôi ngồi cạnh giường để hỏi chuyện bác. Sức khoẻ bác thế nào ạ - Câu đầu tiên ai cũng hỏi thế. Bác cầm tay tôi, nhìn tinh tường, bảo: “Ngồi lâu ù tai. Bị rối loạn tiền đình. Năm ngoái ngã gãy cổ xương đùi. Còn thì trong người bình thường. Ăn ít cơm. Thịt băm thịt luộc phải mềm…”

Bác tôi là người con thứ 5 trong số 12 người con của cụ Phạm Quang Hưng, một công chức giỏi nghề thời Tây và rất yêu nước. Cụ có 5 con trai, 7 con gái, 5 dâu và 7 rể đều là cán bộ cách mạng. Nhiều cặp đã quen nhau và nên vợ nên chồng nhờ ngôi nhà số 37 phố Cầu Gỗ, Hà Nội nay là di tích lịch sử được xếp hạng. Đó là nơi cơ sở bí mật của phong trào cách mạng từ 1930-1945, nơi người anh ruột Phạm Quang Chúc đi tù Côn Đảo về, dắt theo một nhóm chiến sĩ cách mạng, và nhờ đó hai đôi vợ chồng đã đến với nhau tại đây: bác tôi với bác Nguyễn Kim Cương, bác Phạm Thị Cúc với đồng chí Phạm Văn Đồng.

- Thời kỳ ở căn nhà 37 Cầu Gỗ ấy, bác còn nhớ không ạ? Tôi hỏi bác, bắt đầu cố dựng lại tấm chân dung sơ lược của người đã sống trọn thế kỷ.

Nhà nhìn ra Hồ Gươm, nhà cinema thì ở bên qua con đường nhỏ. Nhà cổ từ thời ông nội. Hồi đó còn gọi là phố Phơ-ran xi Ganiê, sau là Đinh Tiên Hoàng. Ngồi trên gác gỗ nhìn thấy hồ. Khi các anh được tha tù nhờ phong trào Bình dân bên Pháp, đã ở cả đấy.

- Nhóm chiến sĩ ở đó gồm những ai ạ?

Có Phạm Văn Đồng, Đinh Nhu, Nguyễn Kim Cương, Tuấn Thức, Lê Thanh Nghị… Gia đình phải lo mở cửa hàng kem giải khát lấy tên hiệu Zéphyr, sửa chữa đồ điện, tráng gương… để các anh có nghề sinh sống và không bị mật thám trục xuất về quê. Ông Trường Chinh cũng có qua lại. Cả ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ cũng có lần đến chơi. Tôi quen một chú làm ở hiệu kem Tràng Tiền, mời chú đó về dạy nấu kem”. Bác còn nhớ rõ và kể lại công thức làm kem: “Ban đầu nấu thử một ít. Một lít nước 1 hộp sữa, chục trứng lấy lòng đỏ đánh lên, cho các thứ vào cối quay”.

- Lúc đó nhóm chiến sĩ cách mạng ấy sống như thế nào?

“Các anh cũng complê tử tế, chẳng làm sao hết, ông nào cũng bảnh bao vui vẻ. Liến thoắng lắm. Anh Đồng ở trên gác xép, có lên đâu mà biết. Anh ấy viết báo. Anh Cương cũng thế. Các anh bán kem, bồi bàn, nói tiếng Pháp làu làu, tụi Tây cũng phải phục. Ngay thằng Cẩm thấy các ông tù ra mà nói tiếng Tây, nó cũng đến ăn kem để xem các anh”.

- Vậy “thằng Tây” đầu tiên bác nhìn thấy trong đời ra sao?

“Tây thiếu gì. Thấy bình thường thôi. Ngày xưa ở Hà Nội hoặc lúc ở kháng chiến cũng thấy Tây có cả gia đình, họ thuê nhà ở, bình thường thôi. Còn Mỹ thì họ bay tít trên cao ném bom nhìn sao được. Nhưng cô du kích bắt được Mỹ giải đi ngoài đường ở chiến khu Nam bộ giống như ở con tem cô du kích nhỏ giải phi công to cao lênh khênh ở Hà Tĩnh sau này thì thấy! Nay họ đi du lịch đến Hà Nội thì thấy nhiều hơn!”

- Hà Nội ngày xưa như thế nào. Bác nhớ gì nhất?

“Nhớ cái phố của mình. Phố ấy có cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, phố gần hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai. Các cụ ở yên tĩnh. Sau mới cửa hàng lu bù. Tàu điện thì ở Đình Đại, đi lên Bờ Hồ, vừa rẻ vừa tiện, có 5 xu. Hàng quà bánh đủ cả, bán rong nhiều như bây giờ”. Vừa rồi đọc báo đăng Hà Nội bỗng dưng thành sông. Đời tôi chỉ thấy có một lần lâu rồi, mưa to nước tràn phố, chứ còn ngập hết như sông thế này, chết cả người, thì không có.

Bác nhớ đám cưới của mình lúc 27 tuổi, cách nay đã hơn 70 năm: “Làm ngay ở nhà vì ông Cương gia đình ở mãi Phủ Diễn – Nghệ An. Mẹ mất, cha chẳng ra đến Hà Nội bao giờ. Bố tôi ưng thì cứ gả thôi. Tôi mặc áo dài đỏ - ông Cương mượn người ta cái áo thụng màu lam để làm lễ. Rồi ăn cơm gia đình, họ hàng. Người ta thì phải theo cổ: trầu cau, bố mẹ ăn hỏi. Bố tôi thương mấy anh cách mạng thì gả. Đám cưới thế là mới”.

Ngày ấy chắc là bác đẹp lắm, vì đến bây giờ da dẻ mịn màng trắng hồng, dáng người cao, tóc búi. Bác cười: “Cũng chưa đến nỗi… đẹp quá. Đâu mà được thế, Hà Nội nhiều người đẹp lắm. Được cái con nhà tử tế, ông phán giây thép. Gia đình cổ, có kim phần nào. Đi đâu cũng mặc áo dài lụa trắng. Không quẩn quanh ở nhà, mà đi chơi xa. Cho đến nay, đã đi tất cả các thứ này: máy bay, ô tô, tàu hoả, tàu thuỷ, xe ngựa, xe đạp, kể cả cưỡi ngựa. Cưỡi ngựa là thuở con gái, đi thăm ông anh thứ ba dạy học ở Lạng Sơn. Tôi cưỡi ngựa từ ga Lạng Sơn đến làng Mẹt, qua bao đồi núi đẹp. Ngựa có người dắt. Lúc còn con gái thì đi chơi Hải Phòng, vào Vinh, mang hàng theo để bán gỡ tiền tàu. Vào Sài Gòn thì đem đồ đồng đỉnh, lư, đèn, đồ cúng lễ nhờ người bán”.

Đời bác tôi khá bôn ba, do nuôi một đàn con và cùng chồng tham gia cách mạng. Bác tôi từng là nơi liên lạc bí mật của các đồng chí của chồng, lo lương thực, thuốc men, đạn dược chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám. Theo chồng hoạt động, sang cả Pnôm Pênh làm nghề nấu xà phòng tro. Ở Sài Gòn, bác bán bánh kẹo, muối. Toàn quốc kháng chiến, chồng đi chiến khu, bác ở lại Sài Gòn làm trạm giao liên, tiếp tế. Rồi bác về Bạc Liêu, ra chiến khu vì chồng làm Phó giám đốc kiêm Bí thư hiện uỷ trường cán bộ Đảng cao cấp Trường Chinh và Phó giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ.

Năm 1953, theo chủ trương của Trung Ương Cục miền Nam, bác được đồng chí Hà Huy Giáp bố trí làm liên lạc đặc biệt, đưa một đoàn vợ con cán bộ đi từ Bạc Liêu ra tận Việt Bắc, được gặp cụ Hồ và làm việc phục vụ tại văn phòng Trung Ương Đảng ở Việt Bắc cho đến khi hoà bình lập lại 1954 mới trở về Hà Nội.

Cuộc đời bôn ba ấy qua quá nhiều nơi. Được gặp cụ Hồ là ấn tượng sâu đậm:

“Cụ ở một nơi trong rừng. Tôi ở nhà anh Đồng. Gọi là rừng, nhưng có nhà tử tế, dân ở xung quanh. Cụ Hồ mặc áo bà ba nâu, khi thì có áo khoác. Cụ gọi tôi bằng cô. Hỏi đường đi thế nào. Tôi thưa là đi chặng dài lắm. Từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, ra Hải Phòng – Hà Nội – Vĩnh Phúc – Thái Nguyên bằng đường công khai rồi đến tận Sơn Dương – Tuyên Quang vùng tự do Việt Bắc. Cụ khen tôi vượt khó khăn, dẫn đoàn đi an toàn vậy là giỏi lắm. Cũng ở Việt Bắc có chuyện các cháu thiếu nhi đến gặp Bác Hồ, muốn múa cho Bác xem nhưng lúng túng, vì thiếu tấm hình Bác để rước, cụ cười bảo: Có Bác đây rồi, cần gì hình”. Đó là chuyện phía sau tấm hình nổi tiếng Bác Hồ múa với các cháu thiếu nhi.

Bác tôi có cả một tập thơ. Cả nhà gọi bác là nhà thơ, gọi “nội bộ” thôi, vì theo bác tự nhận một cách tự trào thì: “Thơ tôi thơ thẩn, ăn thua gì”. Những bà thơ của người lớn tuổi ngày trước, thơ ngâm vịnh, nhưng nhiều người biết “nhà thơ trăm tuổi” này vì mọi câu chuyện, mọi lời hỏi thăm ta thường thư từ cho bạn bè, bác tôi đều viết thành thơ. Mọi người cũng quen với việc đó nên có chuyện gì cũng làm thơ gửi qua lại. Các con của bác đã sưu tầm cả một cuốn đề “Thơ của mẹ Phạm Thị Hồng và thơ của người xưa – ca dao tục ngữ mẹ nhớ suốt 100 năm qua”. Dưới các bài thơ của mình, bác thường tự trào và nhận mình là “Chị Hồng – Bút tre”. Bài thơ Biết mình bác làm năm ngoái khi 99 tuổi: “99 rồi răng bị rụng đi. Đẹp đấy (!)… đừng nên nói năng gì. Nếu có hở môi, đâu có lạnh. Ai mà cười tớ,… chẳng ăn chi!”.

Một trăm tuổi còn minh mẫn, hóm hỉnh, đầy yêu thương, bác tôi là niềm kính yêu và tự hào của con cháu.

Sống cả một thế kỷ, trải qua hai cuộc kháng chiến, tham gia cách mạng, nuôi con, trôi nổi khắp Nam Bắc, không rõ có kỷ vật quý nào bác tôi giữ được? Bác bảo chạy giặc, di chuyển nhiều, còn sống đã là may. Rồi bác giơ bàn tay có đeo chiếc nhẫn mỏng dính.

“Còn cái nhẫn này theo bác đã 80 năm, cháu nhìn này. Chiến nhẫn vàng song có 5 phân thôi, nó đã mòn đi. Sắm từ lúc còn con gái. Lúc đó độ 5 đồng tiền Pháp hay sao. Từ lúc có 4 đồng 1 tạ gạo”.

Chiếc nhẫn ấy được đưa cho các con gái chỉ được đeo luân phiên nhau trong ngày cưới rồi đưa lại cho mẹ. Ý nghĩa gia bảo của nó không ở cái nhẫn vàng, mà ở chỗ nó đã gắn bó nơi tay một người mẹ trường thọ, yêu con, san phúc lành cho con cháu.

Bác tôi còn nhớ cả câu chuyện và hình ảnh về chị Nguyễn Thị Quang Thái, người vợ đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Theo bác tôi nhớ thì Quang Thái “xinh xắn, bé nhỏ, gầy, đã từng ở trọ nhà tôi ở Bạch Mai, lúc đó học làm cô đỡ. Chị ấy bị giặc bắt, bị đánh nhiều. Có hai cô mụ cùng học với Quang Thái trọ ở nhà tôi nên báo cho biết chị Quang Thái bị đánh phải đưa ra bệnh viện Bạch Mai. Lúc biết chị ấy sắp mất, tôi còn gửi quần áo và đôi hài nhờ đi vào cho chị lúc liệm. Tôi nhớ đưa đám ma có cả chị Lê Thị Xuyến và vợ của anh Phan Thanh”.

Suốt cả một thế kỷ, bác tôi không chỉ có “thành tích” là trường thọ, mà còn tham dự chứng kiến bao nhiêu sự kiện lịch sử của dân tộc. Chúng tôi xin bức ảnh nào “cổ xưa” nhất, được anh Khôi, chị Chí Linh – con bác đưa ra cả một cuốn sách đã in cho nội bộ con cháu. Trong đó có cả những bức chụp năm 1930. Cảm động nhất là bức ảnh được tình cờ tìm thấy tại sở Mật thám Sài Gòn. Ảnh chụp 6 chị em gái, bị mật thám Pháp đánh số ở trán để theo dõi. Sau bức ảnh còn rõ chữ viết bằng tiếng Pháp ghi rõ tên họ, tuổi, chỗ ở, nhân thân từng người: Hồng, Nga, Lan, Na, Mai, Cúc. Bác tôi bị đánh số 6.

Thật cảm động khi nhìn bác tôi, 100 tuổi còn ngồi dạy thằng cháu cố đánh cờ tướng. Vẫn tươi cười, vui vẻ bảo: “Cụ mới sạch nước cản thôi. Nó mách cụ ăn sạch quân của cháu rồi. Hôm trước, đánh với Khôi thì tôi thua”.

Nhìn “bà tiên khòng” mặc đồ lụa trắng, tóc trắng, da hồng và vui tươi, trí tuệ, hài hước, chúng tôi thầm cảm ơn trời đất, thầm cảm ơn công sức, đức hạnh của người mẹ. Bà đã là biểu tượng của sức khoẻ và hạnh phúc đức độ và sự hài hoà tuyệt vời.
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn vnmission vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
*VietStamp*  (08-01-2009), hat_de (09-01-2009), manh thuong (09-01-2009), Red-Cross (09-01-2009), thanhlong (09-01-2009)
Trả lời


Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Tác giả "Trăm năm cô đơn" được tôn vinh trên tờ tiền Colombia Poetry Tiền Giấy 0 31-08-2016 23:04
Bưu Điện Trăm Tuổi Sài Gòn HanParis Các loại khác 0 13-04-2015 15:15
Chân Dung Người Việt Trong NHững Bưu Ảnh Trăm Tuổi HanParis Bưu ảnh - Bưu thiếp (Post Card) 1 10-11-2014 11:56
Gabriel García Márquez - Tác giả tiểu thuyết "Trăm năm cô đơn" HoaHoa Nhân vật Thế giới 0 24-05-2014 14:33
Truyện ngắn trăm chữ [Cảm động] stamp-history Linh tinh... lang tang... 3 09-05-2012 21:46



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.