Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Cuộc sống đó đây

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 05-09-2010, 13:12
asahi's Avatar
asahi asahi vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 17-10-2008
Bài Viết : 1,922
Cảm ơn: 5,782
Đã được cảm ơn 7,974 lần trong 1,497 Bài
Mặc định Người lái xe cho cựu hoàng Bảo Đại

Ngày trai trẻ, ông làm tài xế riêng cho Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đình phong kiến nhà Nguyễn.
Sau cách mạng tháng Tám, ông đi theo cách mạng, trường chinh băng rừng vượt núi cho tới ngày đất nước thống nhất.
Buổi chiều lịch sử

Ông là Nguyễn Văn Đào, năm nay đã 94 tuổi. Chúng tôi gặp ông tại nhà riêng ở khu tập thể Xã Tắc, TP Huế, trông ông vẫn hồng hào, giữ được vẻ minh mẫn, tinh anh. Khi chúng tôi hỏi chuyện thời ông lái xe cho vua Bảo Đại, rồi chuyện ông đi làm cách mạng, trải lòng kể lại rất mạch lạc, ông tỏ ra hào hứng.

Ông Đào kể rằng, ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông là ngày 30/8/1945, khi ông được trao nhiệm vụ lái xe đưa vua Bảo Đại đến cổng Ngọ Môn trao ấn, kiếm cho Chính phủ lâm thời. Đã làm tài xế cho nhà vua nhiều năm nhưng trong buổi chiều lịch sử ấy, ông cảm nhận rõ sự rạo rực xúc động, thấy như mình đang trực tiếp tham gia vào một trong những biến cố vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc.

Ông Đào nhớ lại: Hôm đó, nhà vua mặc triều phục đại lễ, mình khoác hoàng bào, đầu đội khăn xếp vàng, chân đi giày đính cườm màu vàng. Ngài đọc chiếu thoái vị, rồi làm dấu, sau đó trao lại ấn kiếm cho ông Trần Huy Liệu - đại diện Chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào. Lúc bấy giờ, cả quảng trường Ngọ Môn đã rực màu cờ hoa. Trên đường phố là những đợt sóng người đi diễu hành biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng. Khi Bảo Đại trở ra xe để quay về, chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng được cài trang trọng trên ngực áo. Ngài chính thức trở thành công dân Vĩnh Thuỵ của một nước Việt Nam độc lập.

Vậy mà cách đó không lâu, ông Đào còn lái xe đưa vua mải mê theo những chuyến đi săn ở miền núi rừng xa xôi, hẻo lánh. Người tài xế của triều đình ấy đến giờ còn ngạc nhiên: "Nếu không có buổi lễ đọc chiếu thoái vị và trao ấn kiếm, thì chắc ông ấy (Bảo Đại) đã đứng ngoài những chuyển biến của thời cuộc lúc bấy giờ".

Ông Đào bồi hồi kể tiếp: "Khi đã trao xong ấn kiếm, Bảo Đại về nghỉ ở Điện Kiến Trung. Ở đó, tôi đã thấy ngài cởi bỏ khăn vàng, áo vàng, hài vàng để sang một bên, chỉ còn khoác trên người bộ quần áo mỏng. Khuôn mặt ngài nhẹ nhõm, bình thản lắm, như thể vừa trút được một gánh nặng. Và hai ngày sau, ngài đã nhận lời làm cố vấn cho Chính phủ lâm thời".



Tranh vua Bảo Đại trao ấn kiếm.
Dù ở trong cung cấm hay khi là một người lính cụ Hồ, cuộc đời ông Đào vẫn gắn liền với những chuyến xe.
Ngoài kí ức về buổi lễ thoái vị, ông Đào còn lưu giữ nhiều ấn tượng khác về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn. Theo lời ông kể lại, thì Bảo Đại là một vị vua có lối sống rất... Tây. Ông kể: Bảo Đại ham săn bắn lắm. Tôi thường lái xe đưa ngài đi săn ở Đà Lạt, Buôn Mê Thuột. Trên đường đi, ngài hay nói chuyện với anh em cận vệ và lái xe chúng tôi. Mà chuyện trò rất thoải mái, chẳng câu nệ gì cả. Cả đoàn thường khởi hành vào đầu giờ chiều, cũng có khi mang theo thức ăn nguội, bánh mì, rượu và nước lọc. Xe đi suốt đêm, gặp chỗ nào tiện thì dừng lại ăn nhẹ, cả đoàn cùng ngồi ăn, không phải phân biệt lễ nghi gì hết. Ăn xong lại lên đường ngay. Đến nơi, nghỉ ngơi một chút rồi Bảo Đại cưỡi voi vào rừng săn bắn. Có khi chính tôi cũng được đi cùng, ngồi trên con voi của nhà vua mà đuổi theo một con voi khác. Sau những chuyến đi săn, nhà vua thường rất vui vẻ, thoải mái. Ngài cùng đá bóng với quan lại và lính tráng địa phương.

Cũng chính vì ham đá bóng, trò chơi rất Tây thời bấy giờ mà năm 1939, nhà vua bị gãy chân. Ông Đào đã lái xe đưa vua vào Sài Gòn chữa trị, nhân dịp này vua cùng hoàng hậu về thăm quê ngoại ở Gò Công và thăm thú phong cảnh xứ Nam Kì. Nhưng do bệnh tiến triển xấu, Nam Phương Hoàng hậu phải đưa vua sang Pháp điều trị. Chuyến đi đó, ông Đào đưa chiếc xe hơi quen thuộc của Bảo Đại đi tàu thuỷ lênh đênh cả tháng trời trên biển sang Pháp để phục vụ ngài.

Hồi ấy, đội xe riêng của nhà vua có ba người, nhưng không hiểu sao nhà vua lại yêu quý và thường chọn ông Đào tham gia các chuyến đi quan trọng. Tại Pháp, ông Đào ở cùng vợ chồng hoàng đế trong một villa của Bảo Đại ở miền Nam. Nhà vua trị bệnh, nghỉ ngơi và du lịch ở Pháp gần 3 tháng cho tới khi thế chiến thứ hai bùng nổ, ngài mới vội vã trở về Huế.


Những chuyến xe trên đường cách mạng

Sau khi Bảo Đại thoái vị, trở thành cố vấn Vĩnh Thụy, ông Đào còn ở lại trong Cung An Định một thời gian, tiếp tục lái xe cho gia đình ngài cố vấn. Một kỷ niệm khiến ông Đào khó quên trong thời gian này đó là vào một buổi sáng, bà Nam Phương phục sức đầy vàng, bảo ông lấy xe đưa đi có việc. Đó chính là lần ông đưa bà hoàng đi vận động ủng hộ Tuần lễ vàng của Huế. Lúc về, trên người bà Nam Phương không còn vàng nữa, nhưng áo bà được gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng.

Rồi sau đó, theo tiếng gọi của thời cuộc, ông Đào rời bỏ cung đình chật hẹp tham gia các phong trào sôi nổi của quần chúng nhân dân, rồi về làm ở xưởng cơ khí trong Đại Nội. Đến năm 1947, ông rời Huế, đi theo cách mạng. Người lái xe của hoàng triều ấy từ đây chính thức trở thành người lính cụ Hồ.

Những ngày mới là lính Cụ Hồ, ông Đào cũng có nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Vào năm 1949, để có nguyên liệu cho việc sản xuất vũ khí, khí tài trong chiến đấu, cấp trên chỉ thị huy động lực lượng đào những đường ống nước bằng gang ở bờ nam Sông Hương. Ông Đào đã tham gia đoàn vận tải chở những ống gang đó ra tập kết ở sông Mỹ Chánh (ranh giới Quảng Trị và Thừa Thiên Huế). Tại đây, ông cùng các anh em khác tập hợp đưa toàn bộ số nguyên liệu đó cùng các máy móc thiết bị của trường Kĩ nghệ Huế đưa ra Hà Tĩnh.

Năm 1949, những người có kinh nghiệm lái xe như ông Đào đều được huy động lên chiến khu Việt Bắc. Đi bộ hàng tháng trời xuyên rừng, vượt đèo lội suối ông mới lên đến địa điểm tập kết. Tại đây, ông tham gia khoá học huấn luyện với hàng trăm cán bộ chiến sĩ khác, trở thành những người nòng cốt thành lập nên Cục Vận tải, phục vụ cho các chiến dịch lớn của ta.

Sau chiến dịch Biên giới (1950), tuyến biên giới được khai thông, con đường tiếp nhận viện trợ từ các nước bạn được rộng mở. Ông Đào lại có mặt trong số những người lính vận tải đầu tiên vượt biên sang Bằng Tường (Trung Quốc) nhận xe tiếp viện về. Sau nhiều ngày đêm đi xuyên rừng, đưa xe về, ông cùng các anh em khác nhanh chóng tổ chức lớp dạy lái xe cho cán bộ chiến sĩ. Ông Đào là một trong những người huấn luyện lái xe đầu tiên của Cục Vận tải trong những năm đầu sau Cách mạng tháng Tám.

Năm 1954, về tiếp quản Thủ đô, ông Đào trở thành cán bộ quản lý xe của Tổng cục Hậu cần. Rồi tiếp những năm chống Mỹ ác liệt, lúc tóc đã bạc, ông vẫn xông pha cùng những chuyến xe. Năm 1968, ông chỉ huy việc đưa một đoàn xe gồm hàng trăm chiếc từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường miền Nam.

Từ khi về nghỉ hưu năm 1975, hai vợ chồng ông Đào sống trong một căn hộ nhỏ tại khu tập thể Xã Tắc, phường Thuận Hoà, TP Huế. Tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình, nhưng ông Đào vẫn không giấu niềm hãnh diện riêng pha chút hóm hỉnh: "Trong gia đình, chỉ có tôi là đi từ cung cấm lên chiến khu rồi ra chiến trường mà cuộc đời vẫn không lúc nào rời những chiếc xe".

Không chỉ ông Đào mà cả gia đình ông, từ vợ chồng anh em đều tham gia làm cách mạng.

Ông nội và cha của ông đều là quan thị vệ trong triều, mấy anh em của ông Đào từ nhỏ đã sống trong Đại nội, lớn lên lại phục vụ cho hoàng tộc. Vậy nhưng cách mạng đến, họ chẳng ai bảo ai đều đi theo và trưởng thành trong kháng chiến: Người làm chiến sĩ theo những đoàn xe, người làm bác sĩ quân y, người làm sĩ quan quân đội.

Ngay vợ ông, vốn con nhà dòng dõi, trước là hầu cận của bà Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại, sau cũng tham gia cách mạng ở Huế.


Theo:Thúy Hiền - Thùy Dung
__________________
Add: 67 B Ông Ích Khiêm, Huế
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
4 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn asahi vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
chie (05-09-2010), hat_de (06-09-2010), manh thuong (06-09-2010), quaden@_cute (05-09-2010)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.