Quay lại   Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) > GIẢI TRÍ - THÔNG TIN TỔNG HỢP > Lang thang lượm lặt > Linh tinh... lang tang...

Trả lời
 
Công Cụ Hiển Thị Bài
  #1  
Cũ 21-12-2008, 17:45
Teo_bodoi's Avatar
Teo_bodoi Teo_bodoi vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Sống
 
Ngày tham gia: 12-12-2008
Bài Viết : 19
Cảm ơn: 4
Đã được cảm ơn 33 lần trong 17 Bài
Mặc định Vọng ngoại - nhìn vào mà học hỏi !!!

Trong thời buổi kinh tế thị trường, mở cửa là điều tất yếu, nhưng đó cũng là điều kiện để ột căn bệnh mới nảy sinh : "sính ngoại".
Mời mọi người đọc bài này tí để mà bắt chước :

Người ấy còn mãi với mùa xuân

TT - Cho đến nay, tính từ khi Nguyễn Công Trứ mất tại làng Uy Viễn, ông đã xa chúng ta đúng 150 năm. Những sưu tầm mới nhất cũng chỉ giúp chúng ta được đọc ngót 200 thi phẩm, nghĩa là chừng một phần năm số lượng ông viết, theo tương truyền.


Danh nhân Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858)


Nhưng dù chỉ với số lượng ấy, đọc rồi ngẫm thì thấy cụ Thượng Trứ đã khiến chúng ta gặp nhiều cái giật mình!

1. Là một học trò chữ Hán giỏi vào bậc nhất đương thời ở một vùng nổi tiếng có nhiều học trò giỏi Hà Tĩnh, lại đỗ thủ khoa cử nhân (giải nguyên khoa thi Hương năm 1819) nhưng Nguyễn Công Trứ đã dành tới 99% thi phẩm của ông cho chữ Nôm, tức là Việt văn; trong khi khác với triều đại Quang Trung đưa chữ Nôm lên hàng văn tự chính thống, thì nhà Nguyễn đã trở lại với chữ Hán. Đấy là cái giật mình thứ nhất về ngôn ngữ.

Cái giật mình thứ hai là về thể loại. Cố nhiên dù viết bằng chữ Nôm, là một nhà nho, Nguyễn Công Trứ tuân thủ khá nghiêm ngặt niêm luật thơ Đường ở những bài thất ngôn bát cú hoặc thất ngôn tứ tuyệt..., nhưng ông cũng đã dành đến nửa thi phẩm cho thể loại ca trù, một thể loại ca từ thuần Việt, mà gốc gác của nó không đâu xa lạ, chính là vùng Cổ Đạm, Hà Tĩnh quê hương ông!

Viết một bài thơ về nỗi niềm tương tư ư? Nếu là một tác giả nhà nho khác, có lẽ với đề tài này sẽ tràn ngập những điển tích của những thiên tình sử Trung Hoa, nhưng với Nguyễn Công Trứ thì không một điển một tích nào hết! Ở đây có cả gió, trăng, non, nước, rất dễ rơi vào lối sáo mòn quen thuộc của loại thơ “phong, hoa, tuyết, nguyệt” nhan nhản của các vị “thợ thơ” lắm chữ. Nhưng mà không! Gió, trăng, non, nước này cuộc đời và dân dã lắm:

Tương tư không biết cái làm sao
Muốn vẽ mà chơi vẽ được nào
Khi đứng khi ngồi khi trò chuyện
Lúc say lúc tỉnh lúc chiêm bao
Trăng soi trước mặt ngờ chân bước
Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào
Một nước một non người một ngả
Tương tư không biết cái làm sao.

Đến Hàn nho phong vị phú, với đầu đề toàn chữ Hán để nói về cảnh nghèo nhà nho, một ý tưởng, một đề tài rất dễ khiến Hán tự tràn ngập nếu ở một cây bút xa rời đời sống dân gian Việt Nam; nhưng với Nguyễn Công Trứ, bài phú này đã được viết lên bởi liên tiếp những thành ngữ, tục ngữ và những cảnh nghèo vô cùng Việt Nam:

Chém cha cái khó, chém cha cái khó
Khôn khéo mấy ai, xấu xa một nó.

Ngay từ câu mở đầu này, chúng ta đã thấy những thành ngữ Việt: “Cái khó bó cái khôn”, “Có tiền thì khôn như con mài mại/ Không tiền thì dại như con đòng đong” đã được ông cho ngồi chễm chệ!

Cũng đôi khi ông vận dụng thành ngữ Hán, ví dụ như “Quân tử thực bất cầu bão”, hoặc tích đời Nghiêu Thuấn thái bình đêm ngủ không cần đóng cửa, thì ông đã Việt hóa trong tình trạng hài hước, ý vị đến kỳ lạ:

Ngày ba bữa vỗ bụng rau bịch bịch,
người quân tử ăn chẳng cầu no
Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho,
đời thái bình cổng thường bỏ ngỏ.

Thậm chí đến cả khi phải vịnh những danh nhân Trung Hoa, ông cũng “Việt hóa” họ một cách thâm thúy, tài hoa: “Danh chẳng ham mà lợi chẳng mê/ Ấy gan hay sắt hỡi Di - Tề”, “Thuở hôn hôn ai tỏ dạ trung thành/ Còn nấn ná nữa chi cho bận” (Vịnh Khuất Nguyên), “Trong năm năm gây một mối giang san/ Đền nợ trước ơn sau đều vẹn xứng/ Tràng phú quý xem bằng mây mỏng” (Vịnh Trương Lưu Hầu) - “mây mỏng” chứ không là “phù vân”.

Câu đối là một thể loại văn chương cô đọng, hàm súc, ngỡ chỉ có thể hay trong Hán tự. Nhưng với Nguyễn Công Trứ, đối Nôm cũng rất hàm súc và gợi mở đa chiều trong sự giản dị đến ngạc nhiên, đến như “không có gì” của ngôn ngữ Việt: “Mua pháo đốt chơi, để anh em nghe có tiếng/ Giật nêu đứng lại, cho làng nước biết không xiêu”, “Mồng một tết, mồng hai tết, mồng ba tết, ờ tết/ Buổi sáng say, buổi trưa say, buổi chiều say, cho say”... Đến như bài Thế tình bạc bẽo thì việc đưa thành ngữ dân gian vào thơ đã đến độ tuyệt vời, sành sỏi.

Nguyễn Công Trứ quả thật là một tấm lòng thiết tha, chung thủy với ngôn ngữ Việt, tâm hồn Việt.

2. Với văn chương hiện đại, cụ Trứ cũng in đậm thật nhiều những “tiên đề” tơ vương duyên nợ. Ai xuân anh cũng chơi xuân với - câu thơ này của Hàn Mặc Tử chăng? Không, của cụ Trứ đấy! Cụ Trứ xưng danh “anh”. Một nhà nho đầu tiên xưng “anh” trong thơ tình yêu!

Thương thay người ở đôi quê/ Nẻo đi thì nhớ, nẻo về thì thương - câu thơ này của Nguyễn Bính hay Trần Huyền Trân? Không, của cụ Trứ đấy! Rồi đây ai biết quên hay nhớ/ Từ đó mà mang nợ với duyên/ Tình ấy trăng kia như biết với/ Chia làm hai nửa dọi hai bên - câu thơ này của Vũ Hoàng Chương, Thâm Tâm hay Bàng Bá Lân? Không, của cụ Trứ đấy!

Còn nhiều và còn nhiều nữa. Thơ tình ái thì có từ lâu, kể cả các nhà nho từ Tàu sang ta đều nhiều người viết. Nhưng hầu như phần lớn những khúc thơ tình của các nhà nho ấy thường là đi tả người khác yêu nhau chứ ít khi tả mình yêu như thế nào. Sau hàng ngàn năm thơ nho sĩ đến Nguyễn Công Trứ mới có đúng nghĩa cái “tôi” tình ái ấy.

Các thi sĩ nho gia xưa đã ai biết trách tình nhân như Nguyễn Công Trứ: Non nước, nước non ngao ngán nỗi/ Cỏ hoa, hoa cỏ ngẩn ngơ chiều/ Vườn kia ai để ai rong rả/ Ong bướm xông pha chắc cũng nhiều.

“Xông pha” mà dám dành cho những thứ mềm mại như ong bướm và tình yêu, thì cái tình của nhà thơ này xem ra đã nhuốm màu dữ dằn của “trận mạc”, như gió bão trong tình yêu hiện đại!

Đến Bỡn nhân tình nữa thì chẳng còn biết bình thơ tình cụ Trứ như thế nào cho hơn được những lời mộc mạc, đơn giản như... “hết ý”, hoặc “hết sảy”, hoặc “đến thế a”: Tao ở nhà tao, tao nhớ mi/Nhớ mi nên phải bước chân đi/ Không đi mi nói rằng không đến/ Đến thì mi nói đến làm chi...

Đúng là thơ “thốt” lên từ cuộc đời, từ mỗi cuộc đời. Nó “thốt” lên như khẩu ngữ mà sao cứ rào rạt yêu thương! Nó hiện đại!

3. Nói đến thơ hiện đại, ta thường nghĩ đến thơ tự do. Ấy là nói đến cái tự do tuôn trào theo nhịp điệu tự nhiên của cảm xúc và ý tưởng, chứ không phải cái tuôn trào tự do vô lối, vô cảm và không ý tưởng “bát nháo chi thiên” mà nhiều khi, ở đâu đó, có người đã nhân danh “tự do” để hành hạ người đọc.

Vậy thơ tự do ở Việt Nam có từ khi nào? Xin thưa, nó có từ những bản dịch nghĩa thơ nước ngoài sang Việt Nam. Nó manh nha từ những áng thiên cổ hùng văn thời Trần, thời Lê. Văn mà nồng nhiệt rào rạt như thơ, thơ mà câu cú dài ngắn tự do như văn ở Hịch tướng sĩ văn, ở Bình Ngô đại cáo...

Thơ tự do cũng có khá nhiều trong những thi phẩm của Nguyễn Công Trứ. Ấy là hàng trăm ca từ cho lời hát ả đào, mà mỗi ca từ của cụ Trứ là một bài thơ không xa mấy với thơ tự do hiện nay.

Đây là sự một tả tự do thoải mái đến tuyệt vời cảnh nhà rách vách nát của cụ Trứ thuở hàn vi:

Bóng nắng dọi trứng gà
trên vách, thằng bé tri trô
Hạt mưa xoi hang chuột
trong nhà, con mèo ngấp nghé
Trong cửa, lợn nằm gặm máng,
đói chẳng muốn kêu
Đầu giàn chuột nhắt khua niêu,
buồn thôi lại bỏ...

Đây là một đoạn văn thơ tự do thoải mái, thả theo ý tưởng trong ca từ Chơi xuân kẻo hết xuân đi: Ngẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật/Đã sinh người lại hạn lấy năm/Kể chi thằng lên bẩy đứa lên năm/Dẫu ba vạn sáu ngàn ngày là mấy chốc/Lại mang lấy lợi danh vinh nhục/Cuộc đời kia lắm lúc bi, hoan/ E đến khi hoa rữa, trăng tàn/ Xuân một khắc dễ ngàn vàng đổi chác...

Tự do trong thơ là thế nào? Nói như “ông trùm” thơ tự do thế giới Maiacovxki: “Khi đã có cảm xúc và tư tưởng rồi thì viết bằng một cái... chổi cũng được”!

(Tuổi trẻ )
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Teo_bodoi vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
hat_de (30-11-2010), manh thuong (09-01-2009), zodiac (21-12-2008)
Trả lời

Công Cụ
Hiển Thị Bài

Quyền hạn của Bạn trong mục này
You may not post new threads
You may not post replies
You may not post attachments
You may not edit your posts

BB code đang Mở
[IMG] đang Mở
HTML đang Tắt

Chuyển đến:

Những Đề tài tương tự
Ðề Tài Người Tạo Đề Tài
Chuyên Mục
Trả Lời Bài Mới Nhất
Dã Ngoại Thành Phố Annecy HanParis Vòng quanh Thế giới 0 21-07-2013 22:38
Buổi họp ra mắt CLB tem trường Đại học Ngoại ngữ Huế tiny Hội Tem Thừa Thiên Huế 9 04-07-2011 11:43
Chia sẻ link hay học Ngoại Ngữ chuot_tem Văn hóa - Giáo dục - Tri thức 1 19-04-2011 23:44
Thư thủ bút Hồ Chủ Tịch gửi bạn ngoại quốc. Lu Tich Nguyen Các loại khác 4 23-11-2010 07:44
Web đổi ngoại tệ chuot_tem Linh tinh... lang tang... 3 24-09-2008 12:34



©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.