Xem riêng 01 Bài
  #3  
Cũ 02-09-2020, 18:19
*VietStamp*'s Avatar
*VietStamp* *VietStamp* vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
THÀNH VIÊN ĐẦU TIÊN
 
Ngày tham gia: 02-09-2007
Đến từ: VIET STAMP - Hồ Chí Minh city - Việt Nam
Bài Viết : 987
Cảm ơn: 3,238
Đã được cảm ơn 3,540 lần trong 732 Bài
Mặc định Bộ sưu tập tem khắc ghi dấu mốc lịch sử cách mạng

Bộ sưu tập tem khắc ghi dấu mốc lịch sử cách mạng

Bộ sưu tập tem “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” của nhà sưu tập tem Vũ Văn Tỵ đã khắc họa sinh động những mốc son lịch sử của cách mạng Việt Nam, quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Dấu ấn con tem kỷ niệm ngày 2/9

Ông Vũ Văn Tỵ, nguyên Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Tem Việt Nam, năm nay 83 tuổi, đã có “thâm niên” hơn 30 năm đam mê sưu tầm tem. Trong kho tàng quý giá của ông, bộ tem kỳ công và ấn tượng nhất là bộ sưu tầm “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” được ông thực hiện hơn 10 năm nay.

Name:  gioithieutem310820.JPG
Views: 286
Size:  106.8 KB
Ông Vũ Văn Tỵ giới thiệu bộ sưu tập tem với chủ đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020).

Vừa nâng niu bộ tem, ông vừa giới thiệu: Bộ sưu tập gồm 5 khung tem với 80 trang, trong đó, 78 trang tem và bì thư theo mạch truyện từng chủ đề: Những địa danh lịch sử; Tìm đường cứu nước; Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc; Nhân dân miền Nam đấu tranh; Thống nhất đất nước; Xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; Thực hiện mục tiêu dân giàu - nước mạnh - công bằng - dân chủ - văn minh.

Ông Vũ Văn Tỵ tâm niệm, ngày 2/9/1945 có ý nghĩa to lớn khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đồng thời cũng mở ra một kỷ nguyên mới cho tem bưu chính Cách mạng Việt Nam. Chính vì vậy, trong bộ sưu tầm “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội” quá trình Bác Hồ đi tìm đường cứu nước và đọc Tuyên ngôn Độc lập được ông thuyết minh kỹ về những câu chuyện lịch sử đằng sau con tem.

Tiền đề cho chủ đề “Tìm đường cứu nước” là những mẫu tem Đông Dương mà nước Pháp phát hành để dùng ở hải ngoại (dùng tại Việt Nam, Lào, Campuchia và những nước thuộc địa khác), thể hiện nội dung về thời kỳ đất nước mất chủ quyền, người dân Việt Nam lâm vào cảnh nô lệ lầm than. Bên cạnh đó, khung tem còn có bưu ảnh thể hiện rõ các tỉnh mà nhà Nguyễn đã cắt cho Pháp.

Những mẫu tem dẫn dắt câu chuyện “Tìm đường cứu nước” của Bác Hồ như mẫu tem về Cách mạng Tháng Mười và phong trào quốc tế cộng sản; mẫu tem về cuộc biểu tình đòi dân chủ ở khu Đấu Xảo (Hà Nội); mẫu tem về Nam Kỳ khởi nghĩa… Đáng chú ý nhất trong chủ đề này là 2 blốc tem cỡ lớn được xếp hạng quý hiếm là bản đồ chiến tranh thế giới thứ hai nêu lên cục diện chiến tranh ở châu Á (phát xít Nhật), châu Âu (phát xít Đức) và Bắc Phi (phát xít Ý).

Chủ đề kế tiếp của khung tem là “Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc” với điểm nhấn chính là những mẫu tem về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Nhìn vào những mẫu tem về Cách mạng Tháng Tám, ông Vũ Văn Tỵ kể về 3 sự kiện lớn thông qua 3 con tem.

“Một sự kiện diễn ra ở Hà Nội, ngày 17/8, tổng hội viên chức chính quyền tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Quảng trường Nhà hát Thành phố, có hàng vạn người tham gia với danh nghĩa ủng hộ chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, nhưng đến khi cuộc mít tinh sắp sửa bắt đầu, trên tầng 2 của Nhà hát lớn thành phố, lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả xuống, và người của cách mạng Việt Nam đã lên sân khấu nói về việc ủng hộ Việt Minh, biến cuộc mít tinh thành cuộc tuần hành trong thành phố, mở đầu cuộc Cách mạng Tháng Tám. Sự kiện thứ hai là ở Huế, cũng có biểu tình trước Ngọ môn, đòi vua Bảo Đại thoái vị. Và thứ ba là ở Sài Gòn, tại khu vực Tòa thị chính, người đứng đầu Xứ ủy lúc bấy giờ là ông Trần Văn Giàu đã tập hợp được hàng triệu người tham gia cuộc mít tinh lớn ủng hộ cách mạng. Đây chính là tiền đề để dẫn tới sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945”, ông Vũ Văn Tỵ chia sẻ.

Với các mẫu tem về ngày Quốc khánh 2/9/1945, khi ngắm mẫu tem, người xem lại như được gợi nhớ về hình ảnh năm xưa tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đứng trên lễ đài đọc Tuyên ngôn Độc lập, mở đầu một kỷ nguyên mới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời.

Giới thiệu về bộ tem đầu tiên do Việt Nam phát hành, ông Vũ Văn Tỵ kể: Những ngày đầu của cách mạng thắng lợi, do điều kiện kinh tế, xã hội và in ấn của ta còn hết sức khó khăn nên chưa có điều kiện in và phát hành tem mới. Nếu lấy tem chế độ cũ để sử dụng thì không đúng về mặt nghiệp vụ, không phù hợp về mặt chính trị. Ngành Bưu điện Việt Nam đã trình Chính phủ cho phép in quốc hiệu: “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” lên tem Đông Dương của chế độ thực dân Pháp để sử dụng tạm thời. Mẫu tem sử dụng cũng là những danh nhân hoặc phong cảnh và in đè tiêu đề “Cứu đói”, “Dân sinh”, “Quốc phòng”, “Binh sỹ bị nạn”... thể hiện những nhiệm vụ chính trị cấp bách của Đảng và Nhà nước ta ở thời kỳ đó. Trên các mẫu tem đó đều có phụ thu cứu quốc gây quỹ cho các tổ chức xã hội hoạt động vì những mục đích trên.

Thấy rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị của tem bưu chính, Chính phủ đã ra sắc lệnh số 172 ngày 27/8/1946, cho phép Nha Bưu điện Việt Nam in và phát hành bộ tem 5 mẫu tem đầu tiên thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, do họa sỹ Nguyễn Sáng thiết kế, nhân dịp kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng Tháng Tám thành công.

“Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử tem bưu chính Việt Nam. Đây là bộ tem đầu tiên của Việt Nam hoàn toàn do ta tự thiết kế, in ấn và phát hành, đáp ứng nhu cầu chuyển phát công văn của các cơ quan nhà nước, giao lưu thư tín của nhân dân. Điểm đặc biệt của con tem này in 5 màu khác nhau, trong đó có 1 con tem quy ra tiền thóc. Tem được in bằng giấy dó và bằng phương pháp in thủ công”, ông Vũ Văn Tỵ chia sẻ.

Với ý nghĩa lịch sử và giá trị tinh thần, bộ tem này xứng đáng được coi là bộ tem đầu tiên và ngày 27/8/1946 là ngày mở đầu cho dòng tem bưu chính Cách mạng Việt Nam.

Gửi gắm tới thế hệ sau

Nói về ý tưởng làm bộ sưu tập tem của mình, ông Vũ Văn Tỵ kể: “Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị phát động cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tôi đã quyết tâm xây dựng bộ sưu tập thể hiện rõ tư tưởng Hồ Chí Minh, tất cả vì độc lập dân tộc và phát triển đất nước”.

Chơi tem, sưu tầm tem, bì thư về chủ đề chính trị ít người theo bởi ngoài đam mê người sưu tầm phải tích lũy rất nhiều tri thức, kiến thức, chẳng hạn như phải hiểu về quá trình hình thành cách mạng Việt Nam, cũng như các sự kiện lịch sử, các danh nhân, chí sĩ… “Mỗi con tem, bì thư là một câu chuyện, khắc ghi dấu ấn lịch sử từng giai đoạn. Thậm chí mỗi bì thư, con tem là cả một câu chuyện dài”, ông Vũ Văn Tỵ chia sẻ.

Ý tưởng đã hình thành nhưng tìm được con tem theo đúng chủ đề thì rất khó, nhất là bì thư gốc có đóng ngày tháng chuyển phát. “Có khi phải lục tìm trong đống tư liệu để lâu không dùng. Hoặc có lúc tìm được con tem như ý nhưng người sở hữu dứt khoát không bán vì gắn với kỷ niệm gia đình hoặc ai cũng muốn giữ “độc chiêu”. Bộ sưu tập của ông Tỵ có rất nhiều “độc chiêu” như thế, nhiều con tem, bì thư, bưu thiếp có một không hai khiến giới sưu tầm tem phải mơ ước.

Tại đợt trưng bày chuyên đề: Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhiều người đặc biệt chú ý tới bộ sưu tầm tem của ông Vũ Văn Tỵ.

“Tôi mong muốn qua các đợt triển lãm, giới thiệu để mọi người hiểu hơn về lịch sử của dân tộc, lịch sử cách mạng qua con tem. Từ đó luôn nhắc nhở thế hệ sau rằng Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ, cần tiếp tục chung tay góp sức để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng đất nước phồn vinh”, ông Vũ Văn Tỵ tâm sự.

Xuân Cường (baotintuc.vn)
__________________
Chào mừng Bạn đã gia nhập Gia đình VIET STAMP
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
3 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn *VietStamp* vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
*VietStamp*  (02-09-2020), Angkor (06-09-2020), hat_de (03-09-2020)