Xem riêng 01 Bài
  #2  
Cũ 02-05-2010, 09:06
Angkor's Avatar
Angkor Angkor vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
 
Ngày tham gia: 05-12-2007
Đến từ: PhnomPenh - Cambodia
Bài Viết : 812
Cảm ơn: 1,937
Đã được cảm ơn 5,246 lần trong 767 Bài
Mặc định

Cuộc triển lãm về Chopin tại Paris vừa qua.



"Chopin à Paris" là chủ đề cuộc triển lãm khá đồ sộ về nhạc sĩ Chopin tổ chức tại trung tâm văn hóa Cité de la Musique ở Paris quận 19, cho đến tháng 6 năm 2010.Có thể nói đây là một trong những sự kiện nổi bật trong số các sinh hoạt tổ chức trong khuôn khổ Năm của Chopin nhân dịp 200 năm ngày sinh của nhạc sĩ.

Cuộc triển lãm tập hợp hàng trăm vật trưng bày khác nhau trên một diện tích rộng khoảng 500 thước vuông. Tính tổng cộng có 5 gian trưng bày các tập bản thảo, vật lưu niệm, tư liệu lưu trữ, bản dàn bè chép tay, các bức thư riêng của Chopin viết cho các nghệ sĩ cùng thời, cũng như các bức tượng, bức tranh mà các nghệ sĩ thời đó đã sáng tác về Chopin, từ tượng điêu khắc đến tranh sơn dầu và các bức phác họa vẽ bằng than. Quan trọng nhất là gian triển lãm với chủ đề L’Atelier de Chopin (Xưởng sáng tác của Chopin), cho thấy phần nào các ảnh hưởng và lối soạn nhạc của tác giả.

Trong khi đó, gian triển lãm dành để giới thiệu các nghệ sĩ thuộc trường phái lãng mạn, minh họa cho bối cảnh lịch sử đầu thế kỷ 19, từ nhà văn George Sand cho đến các danh họa Eugène Delacroix và Ary Scheffer, cũng như các nhạc sĩ dương cầm Franz Liszt và Ferdinand Hiller. Cuộc triển lãm cho thấy là trong vòng 20 năm sống ở Paris, từ năm 1831 cho đến cuối đời, Chopin sống trong một môi trường nghệ thuật phong phú, nơi hội tụ nhiều nhân tài, và từ sự cọ xát va chạm giữa các văn nghệ sĩ cùng thời, nhưng đôi khi không có cùng quan điểm, mới nảy sinh luồng sáng tạo.




-Nhà văn George Sand và nhạc sĩ Chopin trong mắt của danh họa Delacroix 1838.

Vào đầu thế kỷ 19, Paris được mệnh danh là ‘‘kinh đô ánh sáng’’. Điều này ai cũng biết, nhưng ít ai biết rằng thủ đô nước Pháp thời đó còn được gọi là Pianopolis -Thủ đô Dương cầm. Về điểm này, ông Thierry Maniguet, phó ban tổ chức triển lãm cho biết vì sao :

Pianopolis có nghĩa là Thủ đô của đàn dương cầm, là biệt danh mà giới nhạc sĩ đã đặt cho thành phố Paris vào thời ấy. Paris chính là nơi mà các nghệ sĩ Châu Âu chơi đàn piano muốn thành danh, và Chopin đã đặt chân đến thủ đô Pháp vào tháng 10 năm 1831. Đầu thế kỷ 19 là thời kỳ vàng son của các nhà sản xuất nhạc khí. Chỉ trong vòng vài thập niên, các xưởng chế tạo đàn piano được nhân lên gấp 4 lần, lên đến tổng cộng là 200 xưởng nhạc khí, tập hợp khoảng ba ngàn thợ thủ công. Mỗi năm, các xưởng này chế tạo khoảng 9 ngàn cây đàn dương cầm. Trong đó, có hai thương hiệu Pháp nổi tiếng hàng đầu là Pleyel và Érard. Sở dĩ ngành này phát triển mạnh trong những thập niên đầu thế kỷ 19, bởi vì đây là giai đoạn phát triển một tầng lớp trung lưu, tiểu tư sản tại các nước Châu Âu. Mỗi gia đình thường hay sắm một chiếc đàn piano đặt trong phòng khách.

Đối với ông Thierry Maniguet, điều đáng ngạc nhiên lần này là ngoài công chúng, ngoài những người yêu mến và hâm mộ dòng nhạc Chopin, cuộc triển lãm còn thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu chuyên môn, các nhạc sĩ dương cầm chuyên trình bày tác phẩm của Chopin. Ông Thierry Maniguet giải thích :

Cuộc triển lãm này trưng bày nhiều bản thảo chưa hề được phổ biến. chẳng hạn như một bản dàn bè của nhạc sĩ bậc thầy Jean Sebastien Bach, mà sinh thời Chopin rất ngưỡng mộ, học thuộc lòng để thấm nhuần cách soạn nhạc của bậc tiền bối. Người xem triển lãm sẽ thấy trên bản thảo ghi chép các nốt nhạc của Bach, có nhiều lời ghi chú viết bằng tay của Chopin, để nghiên cứu học hỏi từ cấu trúc đến giai điệu. Trong số các bản thảo khác mà tôi cho là rất ưng ý, đó là bản phác họa của đoản khúc valse opus 64, số 2. Đây là một bản dàn bè chưa được hoàn chỉnh, với nhiều chỗ bôi đen, gạch xóa. Điều đó cho thấy, sinh thời Chopin là một nhạc sĩ cầu toàn, trau chuốt từng giai điệu, viết đi viết lại hàng chục lần vài nốt nhạc cho đến khi thật vừa ý.

Về phần mình, ông Jean Jacques Eigeldinger, nhạc sư chuyên nghiên cứu về Chopin và cũng là giám đốc ban tổ chức triển lãm, nhấn mạnh đến lối soạn nhạc cũng như những giai thoại về Chopin được tìm thấy trong các tư liệu lưu trữ, các bức thư mà sinh thời, Chopin đã gửi cho bạn hữu.

Chopin có một lối sáng tác khác với các nhạc sĩ cùng thời. Người ta nói rằng ông soạn nhạc bằng đầu ngón tay đặt trên phím đàn, chứ không phải ngồi trước bàn giấy, cầm bút nắn nót từng nốt nhạc trên bản thảo. Nói cách khác, Chopin soạn nhạc theo ngẫu hứng, ông thả hồn vào tiếng đàn, hai bàn tay lướt trên phím. Cho đến khi ông tìm ra được một giai điệu khá ưng ý thì ông mới ghi chép lên bản thảo, để rồi sau đó sửa đi sửa lại rất nhiều lần, một trang bản thảo đôi khi lại tốn đến nhiều tháng trời.

Chính cũng vì thế mà nhiều tác phẩm của Chopin, tuy gọi là đoản khúc nhưng lại cực kỳ thâm thúy. Có một lần, một nhà quý tộc gợi ý Chopin vì sao ông không đặt bút sáng tác một vở kịch opera, hay một khúc giao hưởng. Chopin khiêm tốn trả lời rằng : ông không am tường các nhạc khí khác, mà chỉ biết đàn piano. Ông còn so sánh những đoản khúc của mình như những bài thơ : ông không thích viết dài vì hơi thở của ông quá ngắn.

Sinh thời, nhạc sĩ Chopin nổi tiếng là một người có một lối sống kín đáo, thầm lặng. Ông không thích biểu diễn trước đám đông công chúng, hay tại các sân khấu nổi tiếng Paris thời bấy giờ. Ông chỉ thích xuất hiện trong các buổi họp mặt tại nhà riêng, thường được tổ chức trong giới văn nghệ sĩ với nhau. Nói cách khác, ông chuộng quan hệ thân tình, hơn là lui tới chốn phồn hoa náo nhiệt. Về điểm này, bà Solange Thierry, chuyên gia nghiên cứu về hội họa và âm nhạc cho biết quan hệ giữa tác giả Chopin và họa sĩ Delacroix :

Danh họa Delacroix đã vẽ bức chân dung của Chopin vào lúc nhạc sĩ này đang ở độ tuổi sung mãn nhất. Những năm sống ở Paris là thời kỳ sáng tác dồi dào của Chopin và tên tuổi của ông đạt đến đỉnh cao. Có thể nói, giữa danh họa Delacroix và nhạc sĩ Chopin có một sự quen biết và thấu hiểu nhau. Họ ngưỡng mộ tài năng của nhau và cho dù mỗi bên sáng tác trong một lãnh vực khác biệt, họ tìm được một sự đồng điệu khi trao đổi quan điểm nghệ thuật.

Danh họa Dealcroix thường nói rằng : nhìn từ bên ngoài, Chopin có một phong cách lãng mạn và trầm tĩnh. Nhưng sự thầm lặng đó lại chất chứa một đời sống nội tâm rất mãnh liệt. Bức chân dung của Chopin qua cách nhìn của Delacroix muốn thể hiện điều đó : một mạch nước ngầm âm ỉ với nhiều luồng xoáy, chỉ được thể hiện qua tiếng đàn chứ ít khi nào trên khuôn mặt của Chopin.

Nằm ở quận 19 Paris, Cité de la Musique là một trung tâm văn hóa, gọi là dành riêng cho âm nhạc, nhưng lại kết hợp nhiều hình thức nghệ thuật : ngoài phòng triển lãm, còn có sân khấu biểu diễn, thư viện sách, tư liệu lưu trữ. Cuộc triển lãm về Chopin đi kèm với chương trình hòa nhạc và chiếu phim. Trong số các tác phẩm điện ảnh nói về cuộc đời của Chopin hay chọn sáng tác của ông làm chủ đề hay nhạc nền, có các bộ phim như Valse brillante de Chopin của đạo diễn Max Ophuls (1935), Tristana của Luis Bunuel (1969), L’innocent của Luchino Visconti (1975), Sonate d’automne của Ingmar Bergman (1977) và La note bleue của Andrzej Zulawski (1990).

Nốt nhạc màu xanh (La note bleue) là từ ngữ rất quen thuộc của nhà văn George Sand, gương mặt gắn bó nhiều nhất với Chopin. Bà là người bạn đời và đã từng dìu dắt ông trong những năm tháng đầu tiên khi Chopin đặt chân đến Paris. Qua những bức thư mà họ trao đổi với nhau, người xem triển lãm có thể cảm nhận là sự đồng hành giữa hai nghệ sĩ dựa vào một sự quý mến hiếm thấy. Nhưng sự quý mến này lại xuất phát từ tư duy sáng tạo, có thể được giải thích bằng lý trí, nhiều hơn là dựa vào tình cảm của con tim, không thể nào hiểu nổi.

Đổi lại, hơn ai hết, nhà văn George Sand hiểu rất rõ về nội tâm và ý tứ của Chopin. Trong một bức thư đề ngày 12 tháng 5 năm 1838 gửi cho họa sĩ Delacroix, bà viết : ''Nếu bạn không quá buồn ngủ, thì hẹn gặp nhau tối nay vào lúc nửa đêm tại nhà của Chopin. Chỉ vào lúc nửa khuya, khi nhóm bạn hội tụ với nhau, thì lúc đó, tài chơi đàn piano của Chopin mới đạt mức thần sầu’’. Trong những bức thư khác, nhà văn George Sand đã dành cho Chopin những đoạn tuyệt bút : ‘‘Chỉ có trong tiếng đàn của Chopin, thì ta mới tìm thấy nốt nhạc màu xanh, chỉ bằng ngôn ngữ của dương cầm mà nói lên được tiếng thầm của vô tận’’.

Angkor sưu tầm thêm những tư liệu này, nếu các anh cảm thấy không phù hợp thì hãy xóa giúp. Thành thật xin lỗi!
__________________
e-mail: thanhchauviet@yahoo.com

''Mọi bông hoa đều có nhuỵ đẹp riêng của nó''
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
13 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn Angkor vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
chaukimthanh (24-11-2010), chie (23-11-2010), dammanh (13-06-2010), exploration (23-11-2010), hat_de (02-05-2010), hoang.le (10-12-2010), j0j0 (02-05-2010), langtulanhlung (02-05-2010), manh thuong (02-05-2010), minhduc (23-11-2010), open (02-05-2010), Poetry (02-05-2010), Tien (02-05-2010)