Ðề Tài: Martin Luther King
Xem riêng 01 Bài
  #1  
Cũ 02-08-2011, 12:31
HoaHoa's Avatar
HoaHoa HoaHoa vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Quý Hiếm
 
Ngày tham gia: 16-12-2010
Bài Viết : 6,462
Cảm ơn: 29
Đã được cảm ơn 2,403 lần trong 1,687 Bài
Mặc định Martin Luther King

Martin Luther King

Martin Luther King, Jr (sinh ngày 15 tháng 1 năm 1929 và mất ngày 4 tháng 4 năm 1968) là mục sư Baptist, nhà hoạt động dân quyền Mỹ gốc Phi, và là người đoạt Giải Nobel Hoà bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ cũng như lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động. King được nhiều người trên khắp thế giới ngưỡng mộ như một anh hùng, nhà kiến tạo hoà bình và thánh tử đạo.

King chào đời tại Alanta, Georgia, là con trai của Mục sư Martin Luther King, Sr. và vợ, Alberta Williams King. Lúc đầu tên của King và thân phụ là "Michael King", sau khi gia đình đến thăm nước Đức trong chuyến du lịch châu Âu năm 1934, ông bố quyết định đổi tên cả hai người thành Martin nhằm vinh danh nhà cải cách người Đức thế kỷ 16 Martin Luther. King có một chị gái, Willie Christine (sinh năm 1927), và em trai Alfred Daniel (1930 – 1969).

Từ khi còn bé, King đã sớm bộc lộ năng khiếu trong thuật hùng biện. King từng đoạt giải Elks với một bài diễn thuyết về chủ đề Người da đen và Hiến pháp. Khi đang học năm thứ hai tại Morehouse, King về hạng nhì trong Cuộc thi Hùng biện Webb. Những bài diễn từ của King chịu ảnh hưởng từ những bài thuyết giáo mỗi chủ nhật của thân phụ đã thấm sâu vào ký ức ông.

Mười lăm tuổi, King vào Đại học Morehouse (dành riêng cho người da đen) sau khi học nhảy lớp ở bậc trung học (từ lớp 9 lên lớp 12). Năm 1948, King tốt nghiệp với văn bằng cử nhân chuyên ngành xã hội học, rồi đến Chester, Pennsylvania để theo học tại Chủng viện Thần học Crozer và tốt nghiệp với học vị Cử nhân Thần học (Bachelor of Divinity) năm 1951. Tháng 9 năm 1951, King bắt đầu nghiên cứu môn thần học hệ thống tại Đại học Boston, và nhận học vị Tiến sĩ ngày 5 tháng 6 năm 1955. Năm 1954, ở tuổi 25, King được mời làm quản nhiệm Nhà thờ Baptist Đại lộ Dexter ở Montgomery, Alabama.

Khi bùng nổ cao trào tẩy chay xe buýt - đột ngột khởi phát sau khi một phụ nữ da đen, Rosa Park, bị bắt giữ vì từ chối nhường chỗ ngồi trên xe buýt cho một người đàn ông da trắng theo qui định của “Luật Jim Crow”, King được xem là một trong số những người thủ giữ vai trò lãnh đạo cuộc tẩy chay.

King nhận ra rằng các cuộc phản kháng bất bạo động có tổ chức nhằm chống lại hệ thống kỳ thị tại các tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ, được biết với tên Jim Crow, sẽ thu hút sự chú ý rộng rãi của các phương tiện truyền thông. Họ sẽ tìm đến để tường thuật cuộc đấu tranh giành sự bình đẳng và quyền bầu cử cho người da đen. Thật vậy, những bài viết trên các mặt báo cùng những thước phim được chiếu trên truyền hình về cuộc sống thường nhật của người da đen miền Nam, đầy ắp sỉ nhục và luôn bị tước đoạt, cũng như tình trạng bạo động cùng những hành vi quấy nhiễu và ngược đãi do người kỳ thị gây ra cho người biểu tình, dấy lên một làn sóng đồng cảm lan tỏa rộng khắp, là nhân tố quyết định đem Phong trào Dân quyền Mỹ vào điểm tập chú của công luận để trở thành một trong những điểm nóng của nền chính trị Hoa Kỳ trong những năm đầu của thập niên 1960.

King tổ chức và dẫn đầu các cuộc biểu tình tranh đấu cho người da đen quyền bầu cử, quyền được đối xử bình đẳng và các quyền dân sự căn bản khác. Những quyền này đã được ghi trong luật pháp Hoa Kỳ khi Luật về Quyền Dân sự được thông qua năm 1964 và Luật về Quyền Bầu cử được thông qua năm 1965.


Ông còn được biết đến như là một nhà diễn thuyết kỳ tài. Cùng với bài Diễn văn "Gettysburg" của Tổng thống Abraham Lincoln, bài diễn văn "Tôi có một giấc mơ" của ông được xem là một trong những diễn từ được yêu thích nhất và được trích dẫn nhiều nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Trong bài diễn thuyết của mình ông nói:
- Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày khi đất nước này trỗi dậy để sống theo ý nghĩa thật của niềm xác tín của chính mình: "Chúng ta tin rằng chân lý này là đầy trọn, ấy là mọi người sinh ra đều bình đẳng". Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ của Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày vùng đất hoang mạc Mississippi, bức bối vì hơi nóng của bất công và áp bức, sẽ chuyển mình để trở thành ốc đảo của tự do và công bằng. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày bốn con nhỏ của tôi sẽ sống trong một đất nước mà chúng không còn bị đánh giá bằng màu da, mà bằng tính cách của chúng. Hôm nay, tôi có một giấc mơ...
Bài diễn văn đã đi vào lịch sử và làm tên tuổi của King được biết đến trên toàn thế giới.


Từ năm 1965, King bắt đầu bày tỏ sự nghi ngờ của mình về vai trò của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 4 tháng 4 năm 1967 – một năm trước khi mất – King phê phán mạnh mẽ vai trò của nước Mỹ trong cuộc chiến. Ông cho rằng cuộc chiến đã làm suy yếu phong trào đấu tranh cho dân quyền và phá hoại các chương trình xã hội trong nước.

King cũng nói về sự cần thiết phải có thay đổi tận gốc rễ đời sống kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ. Càng đến gần những ngày cuối của đời mình, ông càng bày tỏ nhiều hơn quan điểm chống chiến tranh và mong ước được nhìn thấy các nguồn tài nguyên được tái phân phối sao cho giảm thiểu sự bất công trong các lĩnh vực kinh tế và chủng tộc.


King bị ám sát vào chiều tối ngày 4 tháng 4 năm 1968, vào lúc 6 giờ 01 phút, khi ông đang đứng trên ban công của khách sạn Lorraine tại Memphis, Tennessee, sắp sửa rời khách sạn để dẫn đầu một cuộc tuần hành ủng hộ liên đoàn công nhân vệ sinh của người da đen tại Memphis. Vài người bạn đang ở bên trong, nghe tiếng súng vội chạy ra ban công để thấy King đã bị bắn vào hàm. Jesse Jackson, có mặt vào lúc ấy, thuật lại rằng, King nói lời sau cùng với Ben Branch, một nhạc sĩ được sắp xếp trình diễn trong đêm ấy: “Này Ben, hãy hứa với tôi là đêm nay anh sẽ chơi bài Take My Hand, Precious Lord, và phải chơi thật hay.”

Theo người viết tiểu sử King, Taylor Branch, cuộc giải phẫu tử thi cho thấy dù chỉ mới ba mươi chín tuổi, quả tim của King đã già cỗi như của người sáu mươi, một chứng cứ về mười ba năm căng thẳng trong cuộc đời của người đã cung hiến mình cho cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho các sắc dân thiểu số ở nước Mỹ.

Sau khi chết, danh tiếng của King càng tăng cao, trở nên một trong những tên tuổi được kính trọng nhất trong lịch sử nước Mỹ, và nhiều người bắt đầu ví sánh ông với Abraham Lincoln; theo nhận xét của họ, cả hai đều là những nhà lãnh đạo có công thúc đẩy sự tiến bộ về nhân quyền nhằm chống lại tình trạng nghèo khổ tại một quốc gia đang bị phân hoá vì chính vấn nạn này – và vì vậy, cả hai đều bị ám sát.

King là một trong mười thánh tử đạo thế kỷ 20 được tạc tượng trên Great West Door của Tu viện Westminster tại Luân Đôn. Ngoài Giải Nobel Hòa bình năm 1964 và Giải Pacem in Terris năm 1965, King được Ủy ban Do Thái Hoa Kỳ trao tặng Huân chương Tự do Mỹ vì những đóng góp đặc biệt “cho sự thăng tiến các nguyên tắc tự do của con người”




Đến năm 2006, có hơn 730 thành phố trên khắp nước Mỹ đặt tên ông cho những đường phố của họ. Để tưởng nhớ King, một con đường ở Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh được đặt theo tên ông.

Theo một cuộc thăm dò của Gallup, King đứng thứ hai trong danh sách những nhân vật được ngưỡng mộ nhất trong thế kỷ 20. Một cuộc thăm dò thực hiện bởi tạp chí TIME cho thấy King được xếp ở vị trí thứ sáu trong danh sách Nhân vật Thế kỷ. King được chọn vào số Những người Mỹ vĩ đại nhất của mọi thời đại (đứng thứ ba), thực hiện bởi Kênh truyền hình Discovery và AOL.

Bài được HoaHoa sửa đổi lần cuối vào ngày 02-08-2011, lúc 12:35
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
11 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn HoaHoa vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Đêm Đông (03-08-2011), đậu trắng (02-08-2011), goldwood (18-09-2011), manh thuong (02-08-2011), Ng.H.Thanh (02-08-2011), Nguoitimduong (02-08-2011), Poetry (02-08-2011), shinichi (02-08-2011), thang (02-08-2011), tuananh.tuan (02-08-2011), zodiac (02-08-2011)