Xem riêng 01 Bài
  #9  
Cũ 12-09-2013, 23:52
theloveofsiam83's Avatar
theloveofsiam83 theloveofsiam83 vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Sống
 
Ngày tham gia: 02-05-2009
Đến từ: Long An
Bài Viết : 194
Cảm ơn: 223
Đã được cảm ơn 1,190 lần trong 209 Bài
Mặc định

2013-9. Sứ Pháp Lam hay Cảnh Thái Lam hay Cảnh Thái Lang

Ngày phát hành: 21-04-2013
Loại tem: chuyên đề

Trong thế giới cổ ngoạn có một loại cổ vật cốt làm bằng kim loại, bên ngoài tráng men nhiều màu, người Trung Hoa gọi là falang (âm Hán – Việt đọc là pháp lang), người Nhật Bản gọi là shipouyaky, còn người Việt Nam thì gọi là Pháp Lam. Loại cổ vật này có sức mê hoặc rất lớn đối với giới sưu tầm cổ ngoạn và các nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ.

Sách Cách cổ yếu luận do Tào Chiếu biên soạn vào năm Hồng Vũ 21 nhà Minh (1388) cho biết: Những đồ dùng như lư trầm, bình hoa, hộp, chén... có thai cốt bằng đồng, bên ngoài phủ men nhiều màu, thường thấy trong khuê phòng của các khuê nữ quyền quý mà người đời sau gọi là đồ Cảnh Thái lam, đương thời gọi là Quỷ quốc diêu hay Phật lang khảm, du nhập vào Trung Hoa từ thế kỷ XIII theo vó ngựa viễn chinh của quân Mông Nguyên. Do chúng có nguồn gốc từ xứ Đại Thực,(1) nên cũng gọi là Đại Thực diêu.

- Sách Cảnh Đức Trấn đào lục , biên soạn vào thế kỷ XVIII, trong phần khảo về Cổ diêu (quyển 7), có viết về Đại Thực diêu, đại ý như sau: Đại Thực diêu là đồ của nước Đại Thực, có cốt thai làm bằng đồng, bên ngoài phủ lớp men màu thiên thanh, ngũ sắc sáng bóng... Tương tự đồ Phật lang khảm , không rõ chế tác vào thời nào, cũng gọi là Quỷ quốc diêu, mà ngày nay (tức vào thời nhà Thanh - T.Đ.A.S.) gọi là đồ Phát lam , lại do gọi sai thành Pháp lang(2)

- Sách Cố cung tàng kim thuộc thai pháp lang khí (3) do Trần Lệ Hoabiên soạn, cho biết: “Pháp lang (4) còn được gọi là Phật lang , Phất lang, Phát lam.(5)

Dựa vào phương pháp chế tạo thai cốt và kỹ thuật thể hiện men màu, họa tiết, Trần Lệ Hoa đã phân chia chế phẩm pháp lang Trung Hoa thành 4 loại:

+ Kháp ti pháp lang: Pháp lang làm theo kiểu ngăn chia ô hộc): Cách làm là dùng những sợi tơ đồng mảnh và nhỏ kết thành các dạng họa tiết gắn lên cốt bằng đồng, rồi trát đầy men pháp lang nhiều màu lên phần trong và ngoài các ô trang trí ấy, đưa vào lò nung đốt nhiều lần, cho đến khi bên ngoài món đồ phủ kín men pháp lam với độ dày thích hợp, thì đem mài nhẵn, rồi mạ vàng các đường chỉ đồng để hoàn chỉnh sản phẩm.

+Họa pháp lang (Pháp lang làm theo kiểu vẽ trên nền men như các tác phẩm hội họa): Dùng men pháp lang một màu quét trực tiếp lên cốt kim loại, rồi căn cứ theo màu sắc thiết kế của hoa văn, dùng men pháp lang vẽ nên các họa tiết, sau đó đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao. Sản phẩm sau khi đưa ra khỏi lò được mài bóng để hoàn chỉnh. Trên thực tế nhiều họa tiết vẽ trên cốt đồng là nhân vật, phong cảnh với các điển tích lịch sử…

+ Tạm thai pháp lang (Pháp lang có cốt được chạm trổ): Cách làm cũng giống Kháp ti pháp lang, chỉ khác ở chỗ hoa văn tô điểm bên ngoài, cùng cốt món đồ, được khắc lõm xuống khiến đường viền hoa văn nổi lên. Ở phần lõm xuống được phủ đầy men pháp lang, sau khi nung đốt, thì đem mài bóng để hoàn thiện. Các đường nổi trên đồ Tạm thai pháp lang tuy thô tháp nhưng đạt được sự trang trọng mà mộc mạc trong nghệ thuật.

+ Thấu minh pháp lang (Pháp lang có phủ lớp men trong bên ngoài): Chỉ tráng men pháp lang trong suốt lên cốt bằng vàng, bạc, đồng sau khi đã được chạm nổi, khắc chìm, rồi đem nung là xong, có các màu lam, xanh, tím, vàng, cũng gọi là Thiêu lam. Cốt có hoa văn chạm nổi hoặc khắc chìm, đôi khi các đường nét hoa văn chạm khắc này được thếp vàng bạc, hiện rõ xuyên qua lớp men pháp lang một màu như vàng, lục, lam, tím… Loại này lợi dụng tính chất của lớp men thấu minh hoặc bán thấu minh để biểu thị sự biến đổi của đồ án hoa văn do độ sáng tối, đậm nhạt mà có.

Cũng theo Trần Lệ Hoa: Kháp ti pháp lang thời Nguyên gọi là Đại Thực diêu (6) hay Quỉ quốc khảm, người đời nay thường gọi là Cảnh Thái lam.(7) Họa pháp lang ở Quảng Châu gọi là Dương từ (8). Tạm thai pháp lang còn có tên gọi khác là Phất lang khảm , cách làm cũng giống Kháp ti pháp lang, chỉ khác ở chỗ không dùng chỉ đồng để tạo hoa văn mà nhờ kỹ thuật khắc lõm (chạm lộng) lên cốt của món đồ để làm nổi bật các đường nét hoa văn. Thấu minh pháp lang, còn gọi là Quảng pháp lang , là loại pháp lang có cốt làm bằng vàng, bạc hoặc đồng. Sau khi chạm trổ lên cốt thì tráng lớp men pháp lang nhiều màu dưới lớp men phủ trong suốt, rồi mới đem nung. Do vậy, Thấu minh pháp lang còn có tên gọi khác là Thiêu lam .

Sử sách Trung Quốc lưu truyền rằng kỹ nghệ chế tác Kháp ti pháp lang của Trung Hoa phát triển rực rỡ vào đời Minh Cảnh Tông, niên hiệu Cảnh Thái (1450-1456), nên đồ Kháp ti pháp lang đời Minh Cảnh Tông được gọi là đồ Cảnh Thái lam, lừng danh muôn đời. Nhưng theo Trần Lệ Hoa, do Minh Cảnh Tông chỉ tại vị 7 năm, trong hoàn cảnh đất nước Trung Hoa bị suy kiệt tài lực, nên không thể chế tạo nhiều đồ Cảnh Thái lam đặc sắc như lưu truyền. Thực tế, có nhiều đồ pháp lang hiệu đề Cảnh Thái niên chế, nhưng là đồ pháp lang của thời mạt Nguyên - sơ Minh, được chắp vá, sửa đổi hiệu đề, rồi gia công nung lại mà thành. Cũng có một số đồ pháp lang ghi hiệu đề Cảnh Thái niên chế nhưng do người đời sau, vì mộ danh Cảnh Thái, mà phỏng chế và ngụy tạo hiệu đề. Song có một thực tế là từ đời Cảnh Thái về sau, người Trung Hoa gọi tất cả những món đồ Kháp ti pháp lang là Cảnh Thái lam.

Từ những tư liệu trên, có thể rút ra các nhận xét sau:

- Nguồn gốc của công nghệ chế tác pháp lang Trung Hoa xuất phát từ nước Đại Thực ở Tây Vực, du nhập vào Trung Hoa từ thế kỷ XIII. Vì thế tên gọi đầu tiên của loại chế phẩm này là Đại Thực diêu. Vì là sản phẩm quốc ngoại, nên người Trung Quốc gọi chúng là Quỷ quốc diêu (đồ xứ Quỷ).(9)

- Từ tên gọi ban đầu là Đại Thực diêu, hay Quỷ quốc diêu, qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau, những đồ đồng tráng men này được đặt cho nhiều tên gọi khác nhau như: Phát lam, Phật lang, Phất lang, Pháp lang. Tên gọi Pháp lang là do từ Phát lam nói trại ra, bởi nguyên thủy những món đồ này thường được tráng men màu xanh lam.

- Ngày nay, Pháp lang là tên gọi chung của tất cả các chế phẩm có thai cốt làm bằng đồng, được phủ một hoặc nhiều lớp men màu, rồi đem nung mà thành. Tùy theo phương pháp chế tác thai cốt (dán chỉ đồng hay chạm trổ trực tiếp lên cốt đồng) và phương thức tráng men (phủ men vào các ô trũng hay trực tiếp vẽ các họa tiết trang trí bằng men màu lên bề mặt cốt đồng) mà người ta phân định chế phẩm pháp lang thuộc 1 trong 4 loại: Kháp ti pháp lang; Họa pháp lang; Tạm thai pháp lang hay Thấu minh pháp lang. Riêng đồ Kháp ti pháp lang, từ thời Minh Cảnh Tông trở đi, thường được gọi là đồ Cảnh Thái lam.





__________________
Siam
[22/51 Tran Binh Trong Street, Ward 11, District 5.
Ho Chi Minh city]

Bài được Poetry sửa đổi lần cuối vào ngày 02-08-2014, lúc 23:23 Lý do: Chỉnh định dạng
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn theloveofsiam83 vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
chie (04-08-2014), HanParis (13-09-2013), HuyNguyen (18-12-2013), Poetry (13-09-2013), thehung (27-09-2013)