Xem riêng 01 Bài
  #10  
Cũ 26-04-2012, 17:14
ngotthuha231's Avatar
ngotthuha231 ngotthuha231 vẫn chưa có mặt trong diễn đàn
Tem Không Răng
 
Ngày tham gia: 02-12-2007
Đến từ: Hà Nội
Bài Viết : 2,378
Cảm ơn: 224
Đã được cảm ơn 14,754 lần trong 2,495 Bài
Mặc định

Trích dẫn:
"SỚM HAY MUỘN, NGƯỜI TA PHẢI CHỌN LẤY MỘT PHE"





Tôi xem phim Người Mỹ trầm lặng lần đầu tiên ở cái rạp kiêm nhà văn hóa dành cho sinh viên. Chưa xem lại lần nào vì bộ phim không đủ hấp dẫn. Thế nhưng, có hai câu nói trong đó cho tới giờ vẫn ở lại trong đầu tôi, mỗi khi tôi lên cơn suy nghĩ về thế sự.

1. They say you come to Vietnam and you understand a lot in a few minutes, but the rest has got to be lived. (Câu dịch này là của một người khác: Người ta bảo khi đến Việt Nam, bạn hiểu được rất nhiều điều chỉ trong vài phút, thế nhưng để hiểu nốt phần còn lại, bạn phải mất cả đời).

2. Sooner or later, Mr. Fowler, one has to take sides, if one is to remain human. (Ông Fowler ạ, sớm hay muộn, người ta phải chọn lấy một phe, nếu họ vẫn còn là người)

Và như đa số mọi người đều biết, Fowler cuối cùng đã chọn một phe. Thế nhưng, việc ông ta chọn phe là bởi trách nhiệm của một con người sau vụ nổ bom, hay bởi lòng ghen tuông cá nhân là điều rất khó phân định rạch ròi.

Dẫu vậy, tôi tin vào câu thoại trong phim (là do trợ lý kiêm lái xe của Fowler nói): sớm hay muộn, người ta cũng phải chọn một phe. Và giờ là tới đoạn ví dụ:

Ví dụ 1: Gần đây hay đúng hơn vẫn là ngay lúc này. Có một cuộc chiến xảy ra giữa những người dịch sách. Sau đó, cuộc chiến quy tụ thêm rất nhiều độc giả có khen, có chê. Động cơ của cuộc tranh cãi này thực ra rất tốt đẹp và mang lại lợi ích cao cho người đọc và nhìn chung là cho việc đọc và xuất bản. Thế nhưng, có cuộc tranh cãi nào mà không chuyển sang một câu chuyện khác ngay khi nó mới bắt đầu.

Cuộc chiến bắt đầu từ việc cuốn Bản đồ và vùng đất của anh Cao Việt Dũng dịch đã được chỉ ra là có hàng trăm lỗi. Một cuốn sách dịch sai, thì dù thế nào đi nữa, đó cũng là việc dịch sai, và nó phải sửa. Dù họ có nói bằng thái độ nào đi nữa, thì một khi lỗi sai đã ở đó, người ta vẫn phải chấp nhận và sửa lỗi.

Thế nhưng, tiếp tới đó, người ta bắt đầu bàn luận về thái độ và nhân cách của CVD, tiến tới là về chuyện anh học ở đâu, anh có thực sự tốt nghiệp một trường tử tế bên Pháp hay không, hay anh chỉ nói phét và chém gió chơi.

Thế rồi, có một số các bạn khác chạy vào trình bày cho sự khó khăn của các nhà xuất bản tư nhân ở Việt Nam, và nói rằng có người dịch là tốt rồi. Những sai sót có thể thể tất cho nhau, nhẹ nhàng cùng nhau tiến bộ. Làm đi rồi hẵng nói.

Vậy là cuộc chiến nổ ra, giữa một bên cương quyết cho rằng đã làm thì làm cho tử tế, và một bên nói rằng, cứ làm đi thì mới hiểu các khó khăn, và nếu giỏi thì bắt tay vào làm đi chứ đừng nói nữa.

Tôi đứng ở đâu trong hai phe này? Là một người từng làm trong một công ty sách, không đâu khác, chính là công ty đã cho xuất bản cuốn Bản đồ và vùng đất, tôi hiểu, tuy có thể chưa phải là 100%, rất nhiều nỗi khó khăn mà một nhà xuất bản tư nhân phải trải qua. Dẫu vậy, tất nhiên là tôi phản đối việc đem khó khăn ra ngụy biện cho việc dịch sai.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, tôi cũng phản đối cách mà những người phê bình bản dịch của anh CVD quay sang đả kích cá nhân và thái độ của anh Dũng. Thế nhưng, đáng tiếc thay, hình như cứ tranh cãi một lúc, thì các bạn trí thức nhà ta lại quay sang chuyện cá nhân ngay lập tức.

Vậy nên cuối cùng, tôi không đứng ở phe nào cả. Có lẽ, tôi chọn phe của Nhã Nam, thu hồi sách, thẩm định, xin lỗi độc giả, tìm cách bồi hoàn cho họ và cảnh tỉnh chính mình để không bao giờ phạm lỗi nữa. Dẫu tất nhiên, sau một chuyện như thế này, uy tín của Nhã Nam đã bị tổn hại và họ sẽ phải mất nhiều thời gian, công sức nữa để bù đắp. Tôi ủng hộ công ty cũ vì cách ứng xử của họ trước sai lầm.

Sau cái đó, là một vụ ầm ầm khác xung quanh một cụm từ trong cuốn Lolita do cụ Dương Tường dịch. Đoạn ấy dịch thế có là sai không thiên hạ vẫn đang bàn tán. Nhưng, nhân cơ hội này, có những kẻ ào ào xông lên chửi cụ Tường là dốt, là dịch xuẩn, dịch sai. Một số kẻ khác ghép luôn cụ vào thảm họa dịch thuật. Cụ Tường đáp, vâng, cuốn đấy khó, tôi dịch cũng còn nhiều chỗ sai sót, nếu in lại lần nữa, tôi nhất định sẽ sửa, thế nhưng đoạn ấy tôi muốn dịch là như thế. Tôi, trước sau như một, đứng về phe cụ Tường. Dẫu tôi có thể dịch đoạn ấy thành cách khác, nhưng tôi hoàn toàn hiểu được đoạn dịch của cụ, và nếu cụ muốn dịch như thế, thì đó là cách của cụ vậy.

Ví dụ 2. Ngày hôm qua, vụ việc ở Văn Giang, Hưng Yên xảy ra. Cuộc chiến, không rõ tới mức độ nào, thương vong ra sao, nhưng rõ ràng là chuyện oánh nhau giữa một bên là người dân và những người dân khác. Sự khác nhau chỉ là một bên là dân có đất đang sắp bị thu hồi và một bên là dân có ăn lương nhà nước để làm nhiệm vụ (trên lý thuyết) bảo vệ trị an.

Người dân đứng ở hai bên, một bên cầm gạch đá, cuốc thuổng, đầu đội mũ bảo hiểm; một bên được phát cho các dụng cụ phòng vệ và tấn công. Trong số đám đông ấy ở cả hai phe, có những người tốt, và có những người không tốt. Thế nhưng họ có muốn đánh nhau với người còn lại hay không?

Trên facebook, như mỗi khi có một chuyện tương tự xảy ra, lại ngay lập tức ồn ào và cũng tách luôn thành hai phe. Một bên thì liên tục cập nhật tình hình ở Văn Giang qua thông tin trên blog NXD, nức nở, phẫn nộ. Một bên thì cũng phẫn nộ, nhưng phẫn nộ theo kiểu: sao các bạn chỉ nghe tin một chiều từ các bác dân chủ? Bên này thì bảo bên kia là bọn ngu bị tẩy não. Bên này thì bảo bọn điên rồ, điếc.

Thế nhưng, điều tôi thấy tức cười là, cả hai bên đều rất hùng hồn tuyên bố: Còn nghe đứa nào nói như thế (tức là ngược quan điểm) nữa, thì họ sẽ remove khỏi friendlist. Tuyệt, facebook là chốn nhà riêng của bạn, bạn có quyền tống khứ các vị khách mà các bạn không muốn. Thế nhưng, nếu nhìn rộng ra, thì cái sự tự do dân chủ này thật giống cách tư duy vĩ mô mà chúng ta đang phản đối quá: Nói ngược lại với tao hả, trục xuất, biến, giết.

Ngày hôm qua, hàng loạt người lên tiếng chửi báo chí Việt Nam hoàn toàn im lặng trước vụ Văn Giang. Thật là khác với thái độ yêng hùng của họ khi vụ ông Đoàn Văn Vươn xảy ra. Xét cho cùng, người ta ai cũng vì miếng cơm manh áo và cái thân của mình, gia đình mình trước hết. Nếu bạn là nhà báo, các bạn có dám chống lại chỉ thị hay không? Thật là khó.

Còn chuyện hệ thống báo chí Việt Nam thuộc phe nào, thì chắc không nói ai cũng biết cả. Sự im lặng của bầy cừu là như thế đấy.

Tiếp theo, đêm hôm qua một trận bóng đá tưng bừng diễn ra với phần thua thuộc về đội bóng mà nhiều bạn ở Việt Nam yêu thích. Sáng hôm qua trên facebook của tôi tràn ngập những status nức nở về Văn Giang, sáng hôm nay tràn ngập nước mắt vì bóng đá.

Một bạn phản đối việc đó, cho rằng tình hình hàng trăm, hàng nghìn con người trong nước thì không thương, đi thương vay mấy thằng bóng đá bên xứ nào. Một số bạn khác cho rằng, khóc lóc thì được cái gì, có giải quyết gì đâu. Tao quan tâm đến đội bóng của tao thì tao khóc…

Chỉ là một chuyện vẩn vơ, thế nhưng nếu nhìn rộng ra cũng là câu chuyện muôn thưở: tại sao có rất nhiều người thờ ơ với thời cuộc, chỉ quan tâm tới chuyện ruồi bu. Và ý kiến ngược lại là: tao có quyền không quan tâm tới những thứ tao không muốn quan tâm. Và giả sử tao có quan tâm đi chăng nữa, nhưng tao không muốn nói về nó thì mày cũng không đừng ép tao phải nói.

Tất nhiên rồi, lòng bạn đau như cắt vì những cảnh tượng ở Văn Giang, thì bạn vẫn đi làm, vẫn ăn trưa, vẫn đi mua sắm, vẫn nhớ người yêu, vẫn bù khú với bạn, vẫn làm tình, vẫn xem một bộ phim bạn thích… và cụ thể là như tôi: vẫn cắm đầu lo dịch bù cho những thứ đã bị mất đi cùng ổ cứng, và vẫn ngủ. Ngày hôm nay bạn nức nở, bạn làm thơ, viết hịch, vẽ tranh về Văn Giang… thì cũng không có gì đảm bảo một tháng sau bạn không quên tiệt mất nó vì bận chờ Apple sắp ra mắt MacBook mới, ca sỹ này sắp ra album mới, phim này sắp công chiếu hay một vụ rùm beng khác… đại khái các ví dụ như vậy.

Thế nhưng, cuối cùng bạn vẫn đứng về một phe. Cho tới một lúc nào đó. Tôi cũng vậy. Lần này, tôi vẫn đứng về phe cùng cụ Dương Tường vì cụ nói: Tôi đứng về phe nước mắt. Tôi nghĩ hình ảnh những người mặc đồng phục màu xanh, tay cầm khiên, tay vác dùi cui là hình ảnh tượng trưng rõ ràng cho sức mạnh quyền lực. Thế nhưng, gỡ tất cả những cái đó ra, chúng ta chỉ còn thấy một con người phải làm theo mệnh lệnh. Khi bạn không có quyền lực thực sự trong tay, bạn không bao giờ biết được ngày mai họ sẽ đặt bạn ở đâu.

Có lẽ, tôi chọn đứng về phía những người không biết ngày mai họ sẽ đặt mình ở đâu ấy, vì rõ ràng, tôi là một trong số họ, bất kể lúc này họ im lặng hay họ gào thét, họ đang làm tình hay đang cầm cuốc thuổng trong tay. Làm người thì cứ chọn lấy một phe đi, dù là trái ngược với người bên cạnh.
Tác giả: Moonie Mun
__________________
Ngô Thị Thu Hà

Address: 86B Nguyễn Văn Trỗi, Thanh Xuân, Hà Nội
Tel: 0975 678 923
Yahoo: ngotthuha231
Facebook: https://www.facebook.com/ngotthuha231
Email: ngotthuha231@gmail.com
VCB: 0301000304325


* if you really want to touch someone, send them a letter *
Trả Lời Kèm Trích Dẫn Bài Này
5 Thành viên sau đây nói lời CẢM ƠN bạn ngotthuha231 vì đã gửi Bài viết hữu ích này:
Dat_stamp (26-06-2012), hat_de (27-04-2012), manh thuong (26-04-2012), temsong (31-07-2012), tranhungdn (26-04-2012)