Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Các loại khác (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=46)
-   -   Xuất Xứ Những Bài Hát Xưa (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=11341)

HanParis 27-03-2013 17:47

Xuất Xứ Những Bài Hát Xưa
 
Trong rừng nhạc Việt thì có rất nhiều bài, hay dở là do gốc nhìn của mỗi người, kẻ thích nhạc buồn, người chuộng nhạc vui. Đó là tâm tư nhất thời của NS, và người thích hát vì đã tìm thấy qua bài hát tâm tư của chính mình hay ít ra đã đồng tình với tác giả. Bạn yêu nhạc Việt chắc cũng tò mò muốn biết bài hát nào đó được ra đời trong hoàn cảnh nào? Hàn xin mở topic này để chia sẽ xuất xứ nhiều bài hát xưa mà đương sự đã sưu tầm được từ Cà Phê Mạng Diễm Xưa Cà Phê. Không biết có ôm không? Có khi vì thích thú với xuất xứ bài hát, bạn biết đánh ghi ta sẽ ôm đàn từng tưng tửng tửng trọn bài :D Cần sheets thì mời bạn vô tư ghé quán Cà Phê anh Huệ dưới đây.

http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=3046

01 - Tôi Đưa Em Sang Sông

Y Vũ - Nhật Ngân

http://files.myopera.com/diemxuacafe...songhuong3.jpg


Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết …đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.

Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc “xế nổ” hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng…chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của “thất tình”. Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitar và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.

Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa
Chẳng lẻ chung một lối về mà nở quay mặt bước đi

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn

Rồi thời gian lặng lẽ trôi,
Đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời
Mà đời em là ước mơ,
Đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ

Hôm nao em sang ngang, bằng xe hoa thay con thuyền ?
Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân
Gót chân ngày xa xưa sợ lấm trong bùn khi mưa..
Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa


NS Y Vũ - Nhật Ngân

Lời bình của Hàn :
Khi còn nhỏ ở miền Tây, mỗi lần qua bắc Mỹ Thuận tôi hay hát lẫm bẩm bài này! :)) Trong một tương lai tới đây, Hàn xin giới thiệu về NS Nhật Ngân còn lấy bút hiệu của Trịnh Lâm Ngân. Bài này cực buồn vì đưa em sang sông vốn đã ảm đạm mà còn bị trời mưa! Vẫn biết từng có câu 'Người Buồn Thì Cảnh Có Vui Lây Bao Giờ', phải chăng vì người trai đã phải đưa người yêu mình sang một ngã rẽ tình cảm khác.
Xin mượn câu thơ của Hàn Mạc Tử để diễn tả tâm tư của các nhạc sỹ Y Vũ và Nhật Ngân :

Người Đi Tôi Một Nửa Hồn Tôi Mất
Một Nửa Hồn Kia Bỗng Dại Khờ

:((



HanParis 27-03-2013 17:57

02 - Bài Thánh Ca Buồn
Nguyên

http://files.myopera.com/diemxuacafe...031edebxh2.jpg


Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm "cái đuôi" cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. "Lòng thành" của tôi chỉ được hưởng một "ân huệ" cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi... Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa to, "đối tượng" của tôi nép vội vào một mái hiên trú mưa, tôi cũng... trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng (Silent night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy: Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, se chữ đồng, đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ.... Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo.

Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết... sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên... những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: "Cảm ơn nghen!". Mưa tạnh, "người trong mộng" đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như "một nửa hồn tôi mất".

Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quí giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của "người ấy"

Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh vô cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ - tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian - chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi.

Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời thêm đẹp môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mông buồn...

ĐK :
Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng phai màu
Em qua cầu xác pháo bay sau

Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi ...


Lời bình của Hàn :
Hàn đã định cư tại Pháp từ nhiều thập niên nhưng mỗi khi hoài niệm về dĩ vãng vẫn còn nhớ những đêm Giáng Sinh tại SG đầu thập niên 70. Dù không theo Thiên Chúa giáo, đêm nô en, bọn tôi vẫn hay r nhau đi nhà thờ tới nữa đêm mới về nhà ăn Réveillon. Còn nhớ bài gì có câu 'Đêm Đông Lạnh Lẽo Chúa Sinh Ra Đời...' Dù rằng cái lạnh SG đâu thể so sánh với thời tiết của Paris, Boston hay Moscow nhưng khi Đức Chúa Trời vừa chào đời là niềm hân hoan của nhiều con chiên, nó còn là những kỷ niệm êm đềm của một thời yêu nhau đối với một số người. Tiếc thay, sau đêm Nô En, định mệnh trớ trêu đã gây ra cảnh 'Đôi Ngã Chia Ly' để các lovers có dịp hát lại mùa cuối năm... Bài Thánh Ca Buồn!


HanParis 27-03-2013 18:04

03 - Sang Ngang

Đỗ Lễ

Thời còn phòng trà Anh Vũ, Kim Sơn, Hòa Bình đêm nào cũng có mặt người nghệ sĩ thư sinh này. Đỗ Lễ rất yêu tiếng hát của nữ ca sĩ Lệ Thanh. Một ca sĩ có bàn tay không mấy đẹp với sắc vóc trung bình nhưng giọng ca nồng nàn với những nốt vuốt độc đáo mà hình như cho tới bây giờ chưa có người thay thế. Có người cho rằng tiếng hát ca sĩ Xuân Thu hơi giông giống Lệ Thanh, nhưng chỉ giống ở phần láy âm.
Với tâm hồn đa cảm và bén nhạy yêu thương. Đỗ Lễ đã để lòng mình mở rộng đón tiếng hát Lệ Thanh đi sâu vào cõi thầm kín nhất của tình si.Từ tiếng ca chất chứa nỗi lòng tan tác bởi chia ly của người nữ ca sĩ tài hoa này đã dẫn Đỗ Lễ vào bến si mê. Yêu giọng ca, yêu cả con người.

http://files.myopera.com/trinien33/b...1259223370.gif

Thực sự lúc ấy, tầm vóc của nữ ca sĩ Lệ Thanh nói về tài nghệ và danh phận, thì Đỗ Lễ chỉ là một bóng mờ. Yêu một chiều là nỗi trái ngang thường trực của tình đời. Đỗ Lễ là một lẻ bóng trong yêu đương. Nhưng người nghệ sĩ này vẫn nắm nuối hình bóng ấy làm chất liệu cho kiếp sống đam mê. Lễ sáng tác rất nhiều nhạc khúc theo nhịp điệu Slow, vừa ngợi ca tình yêu vừa than thở cho thân phận một người muốn leo cành bưởi hái hoa. Nhưng cành bưởi thì xa, hoa thì lung linh khêu gợi, mà bày tay người nghệ sĩ thì cách xa quá, cách xa mỏi cả tầm tay với.


Đỗ Lễ, như đã trình bày ở trên, luôn có cảm tưởng rằng, mình sẽ không bao giờ được đáp lại tình si mê ấy. Chợt khoảng năm 1963 - 1964 cũng là lúc Lệ Thanh lên xe hoa với một người khác. Trước tin này, Đỗ Lễ thất điên bát đảo trong tâm hồn. Anh thường trực tìm đến men rượu để chia sầu.


Nhạc phẩm "Sang Ngang" ra đời trong trạng huống đó với tấm lòng tan nát, ôm mối tình của hai con đường song song không bao giờ gặp nhau. Người nghệ sĩ thường có trí tưởng tượng rất phong phú. Dưới ánh đèn sân khấu, thì nàng nhìn chung vào khoảng không, nhưng Đỗ Lễ vẫn cứ ngỡ rằng Lệ Thanh cũng yêu mình, và bởi một duyên cớ nào đó mà người đẹp mới đành phải sang ngang. Từ đó âm điệu của bản nhạc và lời trong ca khúc được Đỗ Lễ dựng lên như một an ủi:


"Thôi nín đi em
Lệ đẫm vai rồi
Buồn thương nhớ ơi
Anh hỡi đôi mình
Mộng nay đã tan
Tình đã dở dang
Em khóc những chiều
Anh xót xa nhiều
Thương cho tình yêu
Nỗi buồn chua cay
Khi lòng đổi thay
Thôi hết sum vầy

................

Nếu biết rằng
Tình là giây oan
Nếu biết rằng
Hợp rồi sẽ tan
Nếu biết rằng
Yêu là đau khổ
Thà dương gian
Đừng có đôi mình

................

Lau mắt đi em
Gần hết đêm rôi
Buồn thêm nữa sao
Mai bước sang ngang
Lòng thêm nát tan
Tình đã dở dang
Thôi khóc làm gì
Đã lỡ duyên thề
Thương nhau mà chi
Nỗi buồn ai hay
Khi mình chia tay
Xa cách nhau rồi

Lời bình của Hàn :
Khi còn nhỏ, bọn trẻ trong xóm thường cười nhạo NS này và cứ gọi ông là Đỗ Lễ, Để Lỗ.:D Thật ra, đương sự cho rằng lỗ hỏng tình yêu của NS thật kinh khủng. Sang Ngang vì cuộc tình không trọn vẹn. Nỗi buồn da diết của NS không thua gì giọng than oán của Chế Linh : Em Khóc Đi Em Khóc Nữa Đi Em! Khóc Để Rồi Quên Một Cuộc Tình Buồn!


HanParis 27-03-2013 18:11

04 - Em Đến Thăm Anh
Một Chiều Mưa

Tô Vũ

...Sau mấy ngày cách biệt, Tô Vũ được tin ba cô cứu thương được chuyển công tác sang huyện cạnh đó. Nơi ba cô trú ngụ để công tác cách nơi cũ không xa bao nhiêu, nhưng lại cách một con sông khá rộng. Việc đi lại, qua sông bằng thuyền rất nguy hiểm vì chẳng may thuyền ra đến giữa sông mà có phi cơ Pháp bay đến là chắc chắn máy bay sẽ bắn xối xả, thuyền sẽ chìm và người khó mà sống sót.

Vì thế thuyền chỉ chở vào buổi sáng thật sớm và buổi chiều khi mặt trời đã lặn. Tuy khó khăn vất vả vậy mà thỉnh thoảng ba cô vẫn rủ nhau sang đình hạnh phúc để thăm ba chàng. Mỗi lần sang được gặp nhau như vậy, người đẹp chẳng nói riêng tư với anh Tô Vũ được lời nào.

Cho đến một hôm, hai anh kia phải đi công tác, một mình anh Tô Vũ ở lại trụ trì đình. Ngày hôm ấy trời mưa rả rích, gió rít từng hồi, rét ngọt lọt đến xương, đường ruộng đường làng đều trơn như mỡ - cô cứu thương nặng tình với Tô Vũ đột ngột sang thăm anh. Trước sự xuất hiện bất ngờ của người đẹp, một mình dám lao mình trong mưa gió, rét lạnh căm, anh Tô Vũ vô cùng bàng hoàng và xúc động, anh đi lấy vội củi lên chụm rồi đốt để cùng nhau sưởi ấm. Lửa bốc lên làm tan đi khí lạnh, lòng hai người cũng như nổi lửa để ấm lòng nhau sau những ngày xa cách, nhớ mong. Dưới mái đình mênh mang, hai người được tự do bộc lộ, dù biết rằng chữ không viết hết lời, lời không nói hết ý.


Nhưng ở đời, ngày buồn thì kéo dài lê thê, còn giờ vui thì chóng tàn. Thời gian đi thật nhanh. Nhìn ra sân thấy cảnh màn đêm sắp buông xuống. Người đẹp phải rứt áo tạm biệt Tô Vũ ra về vì khi trời tối hẳn, không có đò sang sông. Lúc sắp phải chia tay nhau, Tô Vũ cầm tay người yêu bé nhỏ không nói lên được lời nào. Dưới cơn mưa sập xùi, gió vẫn thổi xoáy từng cơn, dù trong người không được khoẻ, anh Tô Vũ vẫn đội mưa đạp gió để đưa người yêu ra tận bến đò. Khi đò đã nhổ sào, từ từ rời bến, Tô Vũ vẫn đứng yên tại chỗ bất chấp mưa gió, mắt nhìn, hồn như bay lơ lửng theo bóng dáng người đẹp sang sông, cho đến khi người đẹp lên bờ rồi khuất hẳn sau màn mưa giăng giăng phủ kín cảnh và người, anh mới lững thững trở về ngôi đền cô quạnh.

Về tới nơi, đống lửa vẫn còn thoi thóp cháy, anh chất thêm củi rồi đi nằm nghỉ ngợi triền miên. Anh càng thương người đẹp đã không ngại vất vả khó khăn để sang sưởi ấm lòng nhau. Nghĩ đến chuyến đi ân tình này thật đẹp, khắc sâu vào tim óc anh một dấu ấn vàng son chói lọi khó phai mờ ! Nằm một mình, tự do ôn lại những phút giây thân ái, anh có cảm nghĩ là hồn bướm mơ tiên. Cuốn phim thắm đặm tình nhiệt duyên nồng đang chầm chậm quay trong tưởng nhớ, đột nhiên anh ngồi dậy, lấy giấy bút ra để kịp ghi được nguồn nhạc hứng đang trào từ đáy con tim ra như suối máu. Nhạc điệu êm đềm, buồn day dứt, lời thật trữ tình tha thiết, đúng là sợi tơ lòng thật trung thực nên được mọi người mến chuộng. Đó là nhạc phẩm Em đến thăm anh một chiều mưa.

Em đến thăm anh một chiều đông
Em đến thăm anh một chiều mưa
Mưa dầm dề, đường trơn ướt tiêu điều
Em đến thăm anh người em gái
Tà áo hương nồng
Mắt huyền trìu mến sưởi ấm lòng anh
Em đến thăm anh chiều đông giá
Em đến thăm anh trời mưa gió
Đường xa lạnh lùng

Mặt nhìn mặt, cầm tay bâng khuâng không nói một câu
Lời nghẹn ngào, hồn anh như say như ngây, vì đâu?
Gió đưa cánh chim trời
Đó đây cách xa vời
Chiều vui mưa ướt cánh
Khá thương kiếp bềnh bồng
Dẫu khắng khít đôi lòng
Chiều nào em xa anh!
Có hay lúc em về
Gót chân bước reo âm thầm
Trên đường một mình ngoài mưa, mưa như mưa trong lòng anh
Lòng bồi hồi nhìn theo chân em, chìm trong ngàn xanh
Ta ước mơ một chiều thêu nắng
Em đến chơi quên niềm cay đắng
... và quên... đường về.

Lời bình của Hàn :
Y Vũ hình như rất thích mưa! Hàn cứ tưởng ông chỉ thích gió thui :)) Còn nhớ ông đã cũng Nhật Ngân đưa em sang sông hôm nọ, chắc các bạn còn nhớ trong một mối tình tay ba đầy nước mắt =)) Thật ra ông rất thích mưa, bới vì trong một đêm mưa tầm tả, người yêu đã đến thăm ông...

HanParis 27-03-2013 18:16

05 - Dư Âm
Nguyễn Văn Tý

Năm 1949, lúc ấy tôi 26 tuổi, trong một chuyến đi công tác về Quỳnh Lưu; qua giới thiệu của người bạn, tôi ghé thăm một gia đình có hai chị em gái. Cô chị lúc ấy 22 tuổi, còn cô em 16 tuổi. Trong một lần ngồi nói chuyện với cô chị, bất ngờ tôi bắt gặp đôi mắt lay láy cuả cô em (đứng tì tay lên vai chị nhìn tôi không chớp).


Đôi mắt ấy đã làm cho tôi đờ đẫn cả người, và tôi "vướng" ngay .... Cảm thấy tôi thích cô em mà không thích mình, cô chị đã nổi giận và cấm không cho tôi tới nhà nữa. Trong lần ghé thăm nhà của họ vào đêm cuối cùng - một đêm trăng sáng - tôi được mời ngồi nói chuyện ở ngoài sân, bất chợt tôi thấy cô em xuất hiện với mái tóc xõa ngang vai- cô ấy vừa mới gội đầu nên ra ngồi hong tóc - Vừa hong tóc, cô ấy vừa ôm đàn guitar, hát khe khẽ ở phía xa. Cô ấy hát những bài gì tôi không nghe thấy, nhưng hình ảnh của cô gái đó đã theo tôi đi về đơn vị. Do vậy, tôi đã viế : "Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ .." là từ hình ảnh ấy. Đó là những cảm xúc thật từ một câu chuyện có thật.
Tôi không còn gặp lại họ nữa, sau lần cuối cùng vào cái đêm trăng sáng ấy...

http://files.myopera.com/diemxuacafe...AoDaiTrang.jpg

Ðêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ
Không gian trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ
Mái tóc nhẹ rung, trăng vờn làn sống
Yêu ai anh nắn cung đàn đầy vơi đôi mắt xa vời

Anh yêu tiếng hát êm như lời nguyền đẹp bao ước mơ
Anh như lầu vắng em như ánh trăng reo muôn ý thơ
Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến....
Tim anh băng giá đang nhại ngùng câu năm tháng mong chờ

Hẹn em từ muôn kiếp trước
Nhớ em mấy thuở bạc đầu

Anh đã âu sầu vì đường tơ vương vấn
Em đễ cung đàn đưa anh về đâu?

Dư âm tiếng hát reo lên trong lòng anh bao nhớ nhung
Ðê mê lòng nhớ đêm qua giấc mơ môi em hé rung
Anh muốn thành mây nương nhờ làn gió
Ðưa anh tới cỏi mơ hồ nào đây muôn kiếp bên nàng.

Lời bình của Hàn :
Khi xưa quả là Hàn không quán triệt ý nghĩa bài hát này, cứ tưởng Dư Âm là âm thừa! :D Thì ra là tiếng chuông ngân, kỷ niệm tình yêu dĩ vãng, dù nhiều năm tháng đã trôi qua, nhưng dư âm tình cũ cũng còn lãng lãng quanh tai người NS. Giọng nhạc bài này thật hay, cao vút như nhạc Tiền Chiến của NS Văn Phụng. Tuy vậy Hàn đoán mấy ông chồng nào có bà vợ nói hơi nhiều thì rất sợ Dư Âm của BX đó :))

HanParis 28-03-2013 03:17

06 - Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn
Văn Phụng

Năm 1948, Văn Phụng cho ra đời tác phẩm đầu tay Ô mê ly với tiết tấu sôi động, phấn chấn yêu đời Ô mê ly đời sống với cây đàn tình tình tang... Ô mê ly, mê ly đời ta. Ông thường cùng các bạn bè nam, nữ tụ tập đàn hát với nhau. Nếu như trong đám bạn trai, Văn Phụng như là một "chủ súy" bởi ngón đàn tài hoa thì trong đám bạn nữ vút lên một giọng hát rất đỗi "liêu trai" của Châu Hà, người thiếu nữ Hà Nội có mái tóc dài vẫn thường thả lỏng như một dòng suối. "Trai tài, gái sắc" cứ quấn quýt bên nhau, thế nhưng ông thông phán lại rất ác cảm với nghề xướng ca vô loài nên tìm đủ cách để ly gián tình yêu của con trai mình. Biết rằng gia đình Văn Phụng không chấp nhận mình, Châu Hà phẫn uất đi lấy chồng và theo chồng vào Sài Gòn để xa hẳn một quá khứ đẹp mà... buồn.

http://files.myopera.com/diemxuacafe/blog/loidutu.jpg

Châu Hà đi rồi, một thời gian sau Văn Phụng cũng được bố mẹ cưới vợ. Ông chấp nhận như là để khỏa lấp những trống vắng mà Châu Hà đã để lại cho mình.nhưng....tình xưa đâu dễ quên... Tất cả những nỗi nhớ thương đều được ông đưa vào các ca khúc của mình ...
Rồi không ngăn được tiếng gọi của con tim, Văn Phụng vào Nam. Châu Hà lúc này đã trở thành ca sĩ chuyên hát ở đài phát thanh và các phòng trà cùng thời với những Mộc Lan, Linh Sơn, Ánh Tuyết... Văn Phụng cũng mau chóng hòa nhập vào làng ca nhạc miền Nam. Không chỉ sáng tác ca khúc, ông còn thành lập ban tam ca nam đầu tiên ở Việt Nam với Văn Phụng - Anh Ngọc - Nhật Bằng (1953-1954). "Tình cũ không rủ cũng tới" nhưng... không phải dễ dàng gì bởi còn đó những trói buộc gia đình, còn những lời đàm tiếu, dị nghị chung quanh. Chính những lúc buồn nản nhất, Văn Phụng đã viết Tôi đi giữa hoàng hôn (1962) với điệu slow rock:

Tôi đi giữa hoàng hôn
Khi ánh chiều buông, khi nắng còn vương
Một mình tôi ngắm cánh chim lạc loài
Mà lòng mình thấy u hoài
Tôi thương nhớ ngày qua, trên bến Hoàng Hoa, hay những đường xa
Thường thường hai đứa dắt nhau tươi cười
Mắt say sưa thắm mộng đời
Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo
Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mờ
Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai
Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào
Trên bến tìm sao hai đứa nhìn nhau
Không nói một câu
Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào
Như thầm hẹn nhau mùa sau

Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Tôi vẫn đi giữa hoàng hôn
Lòng thương nhớ...

Lời bình của Hàn :
Đương sự rất thích bài này vì nhạc Văn Phụng thật hay, thật tình tứ. Vừa đi giữa hoàng hôn vừa nhớ người yêu, thật lãng mạn chớ đâu có bẽ bàng như cái cảnh :

Đường Về Đêm Nay Tối Thui
Mịt Mờ Cô Không Thấy Tui
Cô Đụng Tui Cô Nói Tui Đui :))
(Nhạc Nháy theo bài Kiếp Nghèo)

Nghe Văn Phụng kể việc ông đi giữa Hoàng Hôn làm tôi rùn mình nhớ lại Paris mới bị trận tuyết tầm tả thổi về từ Si Bê Ri tháng trước. Ra đường đi dạo rồi bỗng nhiên bị bão Tuyết, rán chạy nhanh về nhà, làm gì có thời gian tưởng nhớ tới người yêu bạn hả? :D



HanParis 28-03-2013 03:23

07 - Phượng Hồng

Vũ Hoàng


'Phượng Hồng' được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ 'Chút tình đầu' của Đổ Trung Quân trong năm 1984.
Mối tình đầu của tôi êm đềm như thơ và nàng thì thẹn thùng như cỏ trinh nữ. Chúng tôi học cùng lớp. Hồi còn đi học thì vui không kể xiết nhưng cứ hè đến tôi lại thấy buồn vô cùng. Các bạn đi đâu hết, nhà tôi ở gần trường, vì thế, lâu lâu tôi lại sang trường học, tay vẫn cắp cặp, trong cặp không đựng sách vở mà có một hộp bút màu, những trang giấy trắng còn thừa trong vở cũ tôi xé ra để làm giấy vẽ.


Sân trường mùa hè vắng ngắt, tôi ngắm nhìn những vệt nắng đơn côi, giống như mình, bóng đổ dài, và tôi nhớ nàng quay quắt. Tôi bước đến cửa lớp học của năm học tới, biết chắc hai đứa sẽ lại được cùng ngồi nơi này.

Tôi lấy chiếc compa trong hộp bút, bắt đầu những nét khắc thật nắn nót tên của nàng cộng tên tôi, rồi vòng một hình trái tim. Tôi khắc tỉ mỉ và cảm thấy hạnh phúc như đang được thấy nàng bên cạnh.

Ngày khai giảng, nàng hớt hải tìm tôi: “Hoàng ơi, chết rồi, có đứa nào chơi xấu khắc tên mình và Hoàng ngay cửa lớp, làm sao bây giờ, bạn bè chọc chết, chắc mình phải nghỉ học”. Tôi hốt hoảng khi nghe nàng nói sẽ nghỉ học. Tôi vội vàng xua tay: “Bạn đừng lo, chắc là mấy đứa ghét mình nó làm đấy, để tui tìm cho ra. Để tui đi xóa ngay...”.
Khi nghe đến câu Cánh phượng hồng ngẩn ngơ/Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây/Và ngày sau biết có còn gặp lại/Ngày khai trường áo lụa gió thu bay… Tôi ngẩn ngơ vì nhớ nàng. Ngay tối hôm đó, tôi nói: “Quân ơi, chép cho mình bài Chút tình đầu của Quân đi”. Và Quân đã chép.

Tôi đem bài thơ về, đọc đi đọc lại nhiều lần. Cho đến một hôm, trong giờ giảng bài tại trường Đại học sư phạm TPHCM (tôi dạy môn Lịch sử âm nhạc và ký xướng âm tại khoa Âm nhạc của trường), đang chuẩn bị cho tiết dạy thứ hai, chợt một tia nắng hắt từ cành phượng đỏ vào lớp, bục giảng của tôi như phủ màu hồng làm ánh lên ký ức. Sau buổi dạy, tôi lặng lẽ về nhà, và bài hát Phượng hồng ra đời:

Những chiếc giõ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu
Chùm phượng vĩ em cầm tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu

Mối tình đầu của tôi
Là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp
Tà áo ai bay trắng cả giấc mơ
Là bài thơ còn hoài trong vở
Giữa giờ chơi mang đến lại mang về

Cánh phượng hồng ngẩn ngơ
Mùa hè đến trường khác nỗi nhớ trên cay
Và mùa sau có biết còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay

Mối tình đầu của tôi
Nhờ cay đàn buông tiếng xa xôi
Ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu đứng làm thơ
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nắng ngập ngừng một vạt tóc nào xa

Lời bình của Hàn :
Đương sự từng nghe TP Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng, NS Thanh Sơn cũng gợi lại kỷ niệm tình yêu qua Nỗi Buồn Hoa Phượng. Thế nhưng Phượng Hồng của Nhạc Sỹ Vũ hình như còn buồn hơn nữa. Người ta bảo Tình Đầu thường của tuổi mới lớn ghi mãi trong tim, và cuộc tình qua bài hát này sao nghe thảm thương đến thế?

HanParis 28-03-2013 03:38

08 - Hương Thầm
Vũ Hoàng



Khung cửa sổ hai nhà cuối phố là cửa sổ ở phố Yên Phụ (Hà Nội), nơi gia đình chị sống. Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp trong bài thơ là em trai thứ 6 của nữ thi sĩ và cô bạn. Anh đã lên đường khi lời yêu còn chưa lên môi. Chỉ có tấm lòng của người chị đa cảm, lãng mạn để cho hương bưởi trong khăn tay cô gái hàng xóm tiễn em mình.


Một thời gian sau, từ chiến trường khốc liệt, cậu em viết thư về cho chị gái: "Em nghe đài ngâm bài thơ Hương thầm của chị". Chị Nhàn chưa kịp viết thư cho em kể rằng "Bài thơ viết về em đó", thì người em trai vui tính Phan Hữu Khải của chị đã hy sinh.

Không ngờ bài thơ đã đúng như cái tên Hương thầm, cứ lặng lẽ đến mức ngay cả những người trong cuộc "tử biệt, sinh ly" cũng không được biết. Và rồi người ta hình dung ra nữ sĩ đã làm bài thơ về cuộc tiễn đưa của chính mình. Họ còn cho rằng người đi ấy là mối tình thầm của chị.

Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ
Ðôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương thơm

Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên âý có người ngày mai ra trận
Bên âý có người ngày mai đi xa

Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu

Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi
Mà hương thầm thơm ngát mãi người đi
Hai người chia tay sao chẳng nói điều gì
Mà hương thầm vương vấn mãi người đi

NS Vũ Hoàng, thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

HanParis 28-03-2013 03:47

09 - Màu Tím Hoa Sim
DZũng Chinh

Với mảnh bằng tú tài Tây trong tay, tôi rời quê nhà lên Thanh Hóa dạy học. Nhãn mác con nhà nghèo học giỏi của tôi được bà Tham Kỳ chú ý, vời về nhà dạy kèm cho hai đứa con nhỏ. Tên thật của bà Tham Kỳ là Đái thị Ngọc Chất, bà là vợ của ông Lê Đỗ Kỳ, tổng thanh tra canh nông Đông Dương, sau này đắc cử dân biểu quốc hội khóa đầu tiên. Ở Thanh Hóa, bà Tham Kỳ có một cửa hàng bán vải và sách báo, tôi thường ghé lại xem và mua sách, nhờ vậy mới được bà để mắt đến (theo Lê Thọ Bình, báo đã dẫn).



Bà Tham Kỳ là một người hiền lành tốt bụng, đối xử với tôi rất đàng hoàng tử tế, coi tôi chẳng khác người nhà. Nhớ lại ngày đầu tiên khoác áo gia sư, bà gọi mãi, đứa con gái - lúc đó mới 8 tuổi - mới chịu lỏn lẻn bước ra khoanh tay miệng lí nhí: "Em chào thầy ạ!" Chào xong, cô bé bất ngờ mở to đôi mắt nhìn thẳng vào tôi. Đôi mắt to, đen láy, tròn xoe như có ánh chớp ấy đã hằn sâu vào tâm trí tôi, theo tôi suốt cả cuộc đời. Thế là tôi dạy em đọc, viết. Tên em là Lê Đỗ Thị Ninh, cha làm thanh tra nông lâm ở Sài Gòn nên sinh ở trong ấy, quen gọi mẹ bằng má. Em thật thông minh, dạy đâu hiểu đó nhưng ít nói và mỗi lần mở miệng là cứ y như một "bà cụ non". Đặc biệt em chăm sóc tôi hàng ngày một cách kín đáo: em đặt vào góc mâm cơm chỗ tôi ngồi ăn lúc thì vài quả ớt đỏ au, lúc thì quả chanh mọng ướt em vừa hái ở vườn; những buổi trưa hè, nhằm lúc tôi ngủ trưa, em lén lấy áo sơ mi trắng tôi treo ở góc nhà đem ra giếng giặt...


Có lần tôi kể chuyện "bà cụ non" ít nói cho hai người anh của em Ninh nghe, không ngờ chuyện đến tai em, thế là em dỗi! Suốt một tuần liền, em nằm lì ở buồng trong, không chịu học hành... Một hôm bà Tham Kỳ dẫn tôi vào phòng nơi em đang nằm thiếp đi. Hôm ấy tôi đã nói gì, tôi không nhớ nữa, chỉ nhớ là tôi đã nói rất nhiều, đã kể chuyện cho em nghe; rồi tôi đọc thơ... Trưa hôm ấy, em ngồi dậy, ăn một bát to cháo gà và bước ra khỏi căn buồng. Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý: "Mới ốm dậy, còn yếu lắm, không đi được đâu!" Em không chịu, nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà Tham Kỳ đưa em lên núi chơi...

Xe kéo chạy chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc con, tôi đuổi theo muốn đứt hơi! Lên tới đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em. Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời. Không biết lúc đó em nghĩ gì. Bất chợt em hỏi tôi:

- Thầy có thích ăn sim không?

Tôi nhìn xuống sườn đồi: tím ngắt một màu sim. Em đứng lên, đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ... Khi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen nhánh, chín mọng.

- Thầy ăn đi!

Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng và trầm trồ:

- Ngọt quá!

Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với tôi chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật chưa bao giờ tôi được ăn những quả sim ngọt đến thế!

Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác. Tôi nhìn em, em cười. Hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi cũng đỏ tím, hai bên má thì... tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo!


Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp những lời can ngăn, hứa hẹn can thiệp của ông bà Tham Kỳ, tôi lên đường theo kháng chiến. Hôm tiễn tôi, em theo mãi ra tận đầu làng và lặng lẽ đứng nhìn theo. Tôi đi... Lên tới bờ đê, nhìn xuống đầu làng, em vẫn đứng đó, nhỏ bé và mong manh. Em giơ bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá sim ra vẫy tôi. Tôi vẫy trả và lầm lũi đi... Tôi quay đầu nhìn lại... Em vẫn đứng yên đó...Tôi lại đi và nhìn lại cho tới khi không còn nhìn thấy em nữa...

Những năm tháng ở chiến khu, thỉnh thoảng tôi có nhận được tin tức từ quê lên, cho biết em vẫn khỏe và đã khôn lớn. Sau này, nghe bạn bè kể lại, khi em mới 15 đã có nhiều chàng trai đến ngỏ lời cầu hôn nhưng em cứ trốn trong buồng, không chịu ra tiếp ai bao giờ...

Chín năm sau, tôi trở lại nhà... Về Nông Cống tìm em. Hôm gặp em ở đầu làng, tôi hỏi em, hỏi rất nhiều, nhưng em không nói gì, chỉ bẽn lẽn lắc hoặc gật đầu. Em giờ đây không còn là cô học trò Ninh bướng bỉnh nữa rồi. Em đã gần 17 tuổi, đã là một cô gái xinh đẹp...

Yêu nhau lắm nhưng tôi vẫn lo sợ vì hai gia đình không "môn đăng hộ đối" một chút nào. Mãi sau mới biết việc hợp hôn của chúng tôi thành công là do bố mẹ em ngấm ngầm "soạn kịch bản".

Một tuần sau đó chúng tôi kết hôn. Tôi bàn việc may áo cưới thì em gạt đi, "không đòi may áo mới trong ngày hợp hôn", bảo rằng là: "Yêu nhau, thương nhau cốt cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả". Tôi cao ráo, học giỏi, làm thơ hay lại... đẹp giai nên em thường gọi đùa là ông chồng độc đáo.

Đám cưới được tổ chức ở ấp Thị Long, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa của gia đình em, nơi ông Lê Đỗ Kỳ có hàng trăm mẫu ruộng. Đám cưới rất đơn sơ, nhưng khỏi nói, hai chúng tôi hạnh phúc hơn bao giờ hết!

Hai tuần phép của tôi trôi đi thật nhanh, tôi phải tức tốc lên đường hành quân, theo sư đoàn 304, làm chủ bút tờ Chiến Sĩ. Hôm tiễn tôi lên đường, em vẫn đứng ở đầu làng, nơi chín năm trước em đã đứng. Chỉ có giờ đây em không còn là cô bé Ninh nữa mà đã là người bạn đời yêu quý của tôi. Tôi bước đi, tôi lại quay đầu nhìn lại... Nếu như chín năm về trước, nhìn lại chỉ cảm thấy một nỗi buồn man mác thì lần này, tôi thật sự đau buồn. Đôi chân tôi như muốn khuỵu xuống.

Ba tháng sau, tôi nhận được tin dữ : vợ tôi qua đời.


Cái tin sét đánh ấy khiến Nguyễn Hữu Loan tan nát cõi lòng. Nỗi đau dồn nén ấy sang năm sau -1949- thì chín muồi để bật thành lời, thành một bài thơ bất tử.
Bài thơ chỉ viết xong trong hai tiếng đồng hồ vào một buổi trưa vắng...

Màu Tím Hoa Sim
"Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giầy đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ bẻ bỏng chiều quê


**

Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
Năm chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng mầu tím hoa sim
Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa

**

Một chiều rừng mưa
Ba người anh bị chiến trường đông bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Em nhỏ lớn lên Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
Cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Mầu tìm hoa sim tím chiều hoang biền biệt


Cưới nhau mới ba tháng, sống với nhau có mấy ngày, thế mà đến lúc vĩnh biệt không được thấy mặt nhau lần cuối, hỏi còn có cái đau nào hơn? Rồi những mùa thu qua, những mùa thu qua với "gió sớm thu về rờn rợn nước sông" hay"gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí" tạo những hình ảnh thật buồn, cộng với nỗi cô đơn của người nằm dưới mộ khiến ai đọc đến mà chẳng xót xa?! Ôm nỗi đau thầm lặng, tác giả cùng đồng đội hành quân qua những đồi sim trong buổi chiều hiu quạnh, những đồi sim bạt ngàn màu tím - cái màu mà thuở sinh tiền nàng yêu thích - những đồi sim chạy dài tưởng chừng không bao giờ hết trong chiều hoang biền biệt như nỗi thương nhớ khôn nguôi, như niềm đau bất tận.

Hữu Loan
Nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ nhạc.

Sau khi tàu hỏa Thống Nhất chạy được vài chuyến (1976), thì Hữu Loan đã vào Nam thăm thân nhân trên chuyến tàu này. Khi xuống ga Saigon, ông tình cờ nghe một giọng hát những lời có phần....quen quen. Tìm, thì thấy một người ăn mày....cụt chân đang ôm cây Ghi-ta cũ mèm ngồi ở góc sân ga, đang dạo và hát rất đúng nhịp bài hát của Dzũng Chinh. Hữu Loan ngồi nghe hết bản nhạc, rồi mới gợi chuyện, hỏi người hát rong ấy về bản nhạc và nguyên nhân nào làm anh cụt chân, người kia trả lời "...bị thương ở trận Bình Long anh dũng...."


Hữu Loan ái ngại, và yêu cầu anh kia hát lại, ông ngồi nghe hết bản nhạc rồi đứng dậy, móc hết tiền còn trong túi đưa cho "người nghệ sĩ nghèo", kèm theo lời cảm ơn và nói cho anh nghe "...Tôi là tác giả bài thơ đó !"


Ông bỏ đi trong sự ngẩn ngơ của người ăn xin...


Lời bình của Hàn :
Hàn từng biết Dzũng Chinh từ năm 1966 khi anh sáng tác bài Những Đồi Hoa Sim. Hình như NS rất thích Hoa Sim và hay sáng tác nhiều bài về Sim. Với bản tánh khôi hài của Hàn, chả biết nếu NS sống trong thời đại mạng nhện, di động, NS có sáng tác bài nào với chủ đề Sim card hay không đây?:)) Thật ra mấy cuộc tình trong nhạc Dzũng Chinh thật tuyệt vời dù rằng đầy đau thương.




HanParis 28-03-2013 03:53

10 - Giọt Lệ Đài Trang
Châu Kỳ


http://files.myopera.com/diemxuacafe...DaiTrang01.jpg

Thập niên 40 của thế kỷ trước, nhạc sĩ Châu Kỳ còn là một chàng nghệ sĩ ở độ tuổi đôi mươi sống ở đất Kinh Kỳ (cố đô Huế bây giờ) ông đã có quen biết với một nàng tiểu thư Tôn Thất có tên là Công Tằng Tôn Nữ . Hải Anh luôn sống trong lầu vàng gác tía nhưng mà cô nàng tiểu thư này rất tự cao vì dù sao mình cũng là dòng dõi Tôn Thất nhà Nguyễn. Một lần khi cô tiểu thư đứng chơi ở ban công nhà mình, chàng nhạc sĩ cầm đàn ghi ta đứng dưới đất vừa đánh đàn vừa tỏ tình, nhìn lên lầu của nhà Hải Anh, thì chàng nhạc sĩ Châu Kỳ bị cô nàng làm cụt hứng với một câu nói xanh rờn buông xuống “ Đồ xướng ca vô loài” và quay mặt bỏ đi vô nhà. Sau nhiều năm trôi qua, nhạc sĩ Châu Kỳ đã vào Sài gòn và tiếp tục con đường nghệ thuật sáng tác nhạc chuyên nghiệp thì tình cờ gặp lại cô Hải Anh trong bộ dạng tiều tuỵ đi trên phố Sài Gòn. Ban đầu cô ta cảm thấy mắc cỡ và cố tình lảng tránh nhạc sĩ nhưng ông vẫn bám theo và hỏi han tình hình gia cảnh hiện tại của cô thì cô nàng đã khóc và nói những câu nói tỏ ra hối hận vì ngày xưa đã thoá mạ nhạc sĩ. Trong hoàn cảnh đó cô nàng chỉ còn 5 xu .... cô không đủ tiền để mua một cái bánh lót dạ vì đã nhiều ngày nhịn đói. Sau nhiều lần hỏi thăm dò chỗ ở của cô Hải Anh, nhac sĩ đã biết được và còn đau đớn hơn khi biết cô ấy đã lâm vào con đường hút sách và qua một thời gian ngắn thì cô Hải Anh đã chết vì sốc thuốc. Bài hát Giọt Lệ Đài Trang được ra đời trong hoàn cảnh đó. Lời bài hát thật cảm động và đầy tính chất thương xót khi ông thể hiện trên nền nhạc Bolero...

Giọt Lệ Đài Trang

Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng
Ngày xưa ai quyền quý cao sang
Em chính em ngày xưa đó
Ướt xây đời lên tột đỉnh nhân gian
Ngày xưa ai mến nhạc yêu đàn
Ngày xưa ai nghệ sĩ lang thang
Tôi chính tôi ngày xưa đó
Cũng đèo bồng mơ người đẹp lầu hoa
Rồi một hôm tôi gặp nàng
Đem tiếng hát cung đàn
Với niềm yêu lai láng
Nhưng than ôi quá bẽ bàng
Bao tiếng hát cung đàn
Người chẳng màng còn chê chán
Nhìn đời thấy lắm phũ phàng
Mượn tiếng hát cung đàn
Với niềm đau dĩ vãng
Nhưng bao giông tố lan tràn
Lên gác tía huy hoàng
Như đổ theo nước mắt ngà
Còn đâu đâu lá ngọc cành vàng
Còn đâu đâu quyền quý cao sang
Em chính em ngày xưa đó
Đến bây giờ phiêu bạt giữa trần gian
Đời tôi vẫn tiếng nhạc cung đàn
Đời tôi vẫn nghệ sĩ lang thang
Em, em nhớ xưa rồi em khóc
Tôi thoáng buồn tuôn giòng lệ đài trang


Châu Kỳ

Lời bình của Hàn :
Nghe đến Giọt Lệ, các bạn cũng đoán là cuộc tình Châu Kỳ khi xưa đã không trọn vẹn rồi. Nhiều trai gái không đến được với nhau vì bức tường 'Môn Đăng Hộ Đối'. Trai nghèo mà đèo bồng yêu gái nhà giàu, và chỉ có thể tặng cô nhẫn cổ thui.:D Hàn nhớ khi xưa ở quê, trai gái đâu biết chat yêu trên mạng, và hay hò lơ tỏ tình trong làm việc đồng áng. Thế nhưng Châu Kỳ nhờ đàn để tỏ tình thì thật quá lãng mạn vậy mà còn bị mắng là Xướng Ca Vô Loài. Ngày nay người ta rất quý trng nghệ sỹ những xã hội ta khi xưa hay lên án thành phần nghệ sỹ. Có lẽ Châu Kỳ đau điếng lắm và cũng nhờ vậy mà ông đã mang lại cho làng nhạc Việt một bài rất hay!


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 01:09.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.