Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF)

Diễn đàn/Forum VIET STAMP (VSF) (http://www.vietstamp.net/forum/index.php)
-   Thiên nhiên - Động vật - Thực vật (http://www.vietstamp.net/forum/forumdisplay.php?f=22)
-   -   Vườn Quốc gia ở Việt Nam (http://www.vietstamp.net/forum/showthread.php?t=745)

Đêm Đông 23-02-2008 22:39

Vườn Quốc gia ở Việt Nam
 
Vườn quốc gia là một khu vực đất hay biển được bảo tồn bằng các quy định pháp luật của chính quyền sở tại. Vườn quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt khỏi sự khai thác, can thiệp bởi con người. Vườn quốc gia thường được thành lập ở những khu vực có địa mạo độc đáo có giá trị khoa học hoặc những khu vực có hệ sinh thái phong phú, có nhiều loài động-thực vật có nguy cơ tuyệt chủng cao cần được bảo vệ nghiêm ngặt trước sự khai thác của con người. Các vườn quốc gia là một khu vực được bảo vệ theo quy định của IUCN loại II. Vườn quốc gia lớn nhất thế giới là Vườn quốc gia Đông Bắc đảo Greenland được thành lập năm 1974.


Việt Nam hiện tại (năm 2007) có 30 vườn quốc gia, với vườn quốc gia Cúc Phương thành lập năm 1966 là vườn quốc gia đầu tiên tại Việt Nam. Tổng diện tích các vườn quốc gia khoảng 10.350,74 km² (trong đó có 620,10 km² là mặt biển), chiếm khoảng 2,93% diện tích đất liền của nước này.

Đêm Đông 23-02-2008 22:50

Vườn quốc gia tại Việt Nam
 
5 File đính kèm
Vườn quốc gia Ba Vì







Vườn quốc gia Ba Vì là một vườn quốc gia của Việt Nam, được thành lập năm 1991 theo quyết định số 407-CT ngày 18 tháng 12 năm 1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam.
Vườn quốc gia Ba Vì nằm trên khu vực thuộc huyện Ba Vì tỉnh Hà Tây và hai huyện Lương Sơn, Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình với diện tích 6.986 ha, cách Sơn Tây, Hà Tây 15 km và cách Hà Nội 50 km về phía tây.





Từ đầu thế kỉ 20, Ba Vì đã là địa danh nổi tiếng nhờ sự đa dạng của các hệ sinh thái và có phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ. Vườn quốc gia này nằm trong dãy núi cao chạy dọc theo hướng đông bắc-tây nam với đỉnh Vua cao 1.296 m, đỉnh Tản Viên cao 1.226 m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.120 m.







Hiện tại, người ta đã biết trên 1.000 loài thực vật, trong số đó có khoảng 200 loài cây dược liệu, nhiều loài quý như bách xanh, thông, dẻ, lát hoa. Về động vật, có 45 loài thú, 115 loài chim, 61 loài bò sát và 27 loài ếch nhái, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới như gà lôi trắng, khỉ, báo, gấu, sóc bay, v.v.

Đêm Đông 24-02-2008 23:56

Vườn quốc gia Cát Bà
 
3 File đính kèm
Vườn quốc gia Cát Bà





Vườn quốc gia Cát Bà là khu rừng đặc dụng của Việt Nam, khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vườn quốc gia Cát Bà thuộc huyện Cát Hải, Hải Phòng.
VQG Cát Bà thành lập ngày 31/3/1986 theo quyết định số 79/CP của Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam (nay là chính phủ). Gồm các hệ sinh thái biển, hệ sinh thái rừng trên cạn, hệ sinh thái rừng ngập mặn.
Rừng ở đây có một kiểu chính là kiểu rừng mưa nhiệt đới thường xanh, nhưng do điều kiện địa hình, đất đai và chế độ nước nên ở đây có một số kiểu rừng phụ: rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven đảo, rừng ngập nước ngọt trên núi. Rừng ở đây cũng có nhiều kiểu sinh thái rừng cá biệt như quần hợp Kim giao (tại khu vực gần đỉnh Ngự Lâm); đơn ưu Và nước (khu vực Ao Ếch).
Thành phần thực vật có 741 loài, nhiều loại cây gỗ quý như trai lý, lát hoa, lim xẹt, dẻ hoa, kim giao, gõ trắng, chò đãi, trên thế giới chỉ có ở dãy núi Himalaya, thực vật ngập mặn 23 loài, rong biển 75 loài, thực vật phù du 199 loài.







Trên khu vực Vườn có Có 282 loài trong đó 32 loài thú, 78 loài chim, 20 loài bò sát và lưỡng ngư, 11 loài ếch nhái. Đặc biệt có loài voọc Cát Bà tức voọc đầu vàng (tên khoa học: Trachypithecus poliocephalus phân loài poliocephalus) là loài đặc hữu hẹp của Cát Bà, hiện tại chỉ còn 66 cá thể, chỉ còn phân bố ở các núi ven bờ biển (theo số liệu của chi cục kiểm lâm VQG Cát Bà, năm 2007). Động vật phù du 98 loài, cá biển 196 loài, san hô 177 loài.





hat_de 25-02-2008 08:39

Trích dẫn:

Nguyên văn bởi Đêm Đông (Post 4246)
Đặc biệt có loài voọc Cát Bà tức voọc đầu vàng (tên khoa học: Trachypithecus poliocephalus phân loài poliocephalus) là loài đặc hữu hẹp của Cát Bà, hiện tại chỉ còn 66 cá thể, chỉ còn phân bố ở các núi ven bờ biển (theo số liệu của chi cục kiểm lâm VQG Cát Bà, năm 2007). Động vật phù du 98 loài, cá biển 196 loài, san hô 177 loài.

thêm 1 vật phẩm

http://img524.imageshack.us/img524/4880/dsc06811gk7.jpg

còn đây: bộ tem 4 mẫu phát hành năm 1997 giới thiệu 4 trong số nhiều loài động vật quý của vườn QG Cát bà





Vườn quốc gia Cát Bà đã được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

hat_de 25-02-2008 10:37

8 năm sau khi VN phát hành bộ tem có cầy vằn do họa sĩ Đỗ Lệnh Tuấn thiết kế, loài Cầy vằn bắc 1 lần nữa xuất hiện trên tem hoành tráng hơn do hoa sĩ Võ Lương Nhi sáng tác.


http://img214.imageshack.us/img214/6839/small63br5.jpghttp://img213.imageshack.us/img213/6124/small64gj8.jpghttp://img444.imageshack.us/img444/8649/small65fe7.jpghttp://img180.imageshack.us/img180/3059/small66em8.jpg

khác với lần trước, lần này đã có biểu tượng WWF :D

http://img99.imageshack.us/img99/4944/small67gw8.jpg

Chrotogale owstoni là tên khoa học của nó, từ đó tìm trên mạng sẽ thấy

CẦY VẰN BẮC

Họ: Cầy Viverridae

Bộ: Ăn thịt Carnivora

Mô tả:


Cỡ trung bình trong họ cầy. Dài thân 580 - 690mm, dài đuôi 350 - 470mm, dài bàn chân sau: 77 - 90mm. Bộ lông màu vàng nhạt hoặc xám bạc. có 3 sọc đen từ sống mũi đến đỉnh đầu, 2 sọc đen từ gáy đến bả vai, 4 sọc đen hoặc nâu đen lớn vắt ngang lưng, 2 sọc đen ở gốc đuôi.

Sinh học:

Thức ăn gồm có động vật đất, giun đất, ấu trùng, côn trùng, ếch nhái, rắn và một số động vật chim nhỏ, chuột. Mùa sinh sản khá tập trung. Ghép đôi vào tháng 1 - 2, sinh đẻ vào tháng 3 - 4. Mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa đẻ 2 - 3 con.

Nơi sống và sinh thái:

Cầy vằn bắc sống ở rừng thứa, rừng tái sinh, rừng hỗn giao gỗ tre nứa, nơi đất ẩm dọc bờ suối, bờ thung lũng. Sống đơn độc, hoạt động kiếm ăn ban đêm trên mặt đất, có trường hợp gặp chúng trèo cây cao 2 - 3m.

Phân bố:

Việt Nam:Tuyên Quang, Lào Cai (Sapa), Lai Châu (Mường Mun), Bắc Thái, Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Hòa Bình, Gia Lai, Kontum (Hà Nừng).
(ko thấy nhắc tới như trong bộ về Cát Bà) :((

Thế giới: Tây Nam Trung Quốc, Lào

Giá trị:

Loài thú hiếm. Danh sách đỏ thế giới xếp bậc V. Là nguồn gen quý, giống chỉ một loài phân bố hẹp ở vùng bắc Đông Dương. Cầy vằn có bộ lông đẹp có thể nuôi làm cảnh trong các vườn thú.

Tình trạng: : Số lượng ít. Mức độ đe dọa: bậc R.

Đề nghị biện pháp bảo vệ: Cấm săn, bẫy bắt. Nuôi nhân giống ở vườn thú.

Tài liệu dẫn: Sách đỏ Việt Nam trang 66.

♥ Voi Cúc Phương ♥ 25-02-2008 15:15

10 File đính kèm
Vườn quốc gia Cúc Phương

Năm 1960, rừng Cúc Phương được công nhận là khu bảo tồn rừng và được thành lập theo Quyết định 72/TTg ngày 7 tháng 7 năm 1962 như là một khu rừng cấm với diện tích 20.000 ha đánh dấu sự ra đời khu bảo vệ đầu tiên của Việt Nam.

Quyết định số 18/QĐ-LN ngày 8 tháng 1 năm 1966 chuyển hạng lâm trường Cúc Phương thành Vườn quốc gia Cúc Phương và thành lập một Ban quản lý vườn quốc gia này. Quyết định số 333/QĐ-LN ngày 23 tháng 5 năm 1966 quy định chức năng và trách nhiệm của Ban quản lý.



Rừng Cúc Phương có hệ sinh thái khá phong phú và đa dạng, gồm 97 loài thú (trong đó nổi bật nhất là các loài khỉ châu Á), 300 loài chim, 36 loài bò sát, 17 loài lưỡng cư, 11 loài cá và hàng ngàn loài côn trùng. Nhiều loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam .Cúc Phương là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về mặt bảo tồn, trong đó có loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp .

Năm 2002, Bưu chính Việt Nam phát hành bộ tem "Thú linh trưởng ở Việt Nam" gồm 8 mẫu miêu tả 8 loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam hiện đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Cứu hộ thú linh trưởng - Rừng quốc gia Cúc Phương là :

  • Voọc Cát Bà
  • Voọc mông trắng
  • Voọc mũi hếch
  • Voọc chà vá chân xám
  • Vượn mào đen tuyền phía tây
  • Voọc Hà Tĩnh

  • Voọc xám
  • Voọc chà vá chân nâu

hat_de 25-02-2008 15:41

Vườn quốc gia Bến En là một vườn quốc gia thuộc tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Được thành lập theo quyết định số 33 ngày 27 tháng 1 năm 1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam.

Thuộc huyện Như Thanh và huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nằm cách thành phố Thanh Hóa khoảng 36 km về phía tây nam. Tọa độ từ 19°31′ tới 19°43′ vĩ bắc và 105°25′ tới 105°38′ kinh đông.

Tổng diện tích là 16.634 ha, trong đó rừng nguyên sinh là 8.544 ha. Vườn quốc gia Bến En có địa hình nhiều đồi núi, có nhiều sông, suối và hồ trên núi.


Có nhiều loài sinh vật quý, với 870 loài thực vật (lim xanh, lát hoa, chò chỉ, trai lý, bù hương...), 66 loài thú (với 29 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam như: sói đỏ, gấu ngựa, vượn đen, phượng hoàng đất, gà tiền mặt vàng...)





đó là bộ tem thú Vườn Quốc Gia Bến En đã phát hành, còn đây là phác thảo của bộ đó

http://img214.imageshack.us/img214/2748/phacthaopy9.jpg

1 số mẫu đã chỉnh sửa còn Block thì thay đổi hẳn bạn hãy thử xem và so sánh :D

hat_de 25-02-2008 16:15


Vườn quốc gia Côn Đảo là một khu vực bảo tồn nằm ở phía bắc huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Phạm vi vườn quốc gia này bao gồm cả một phần diện tích đảo và khu vực biển lân cận. Được thành lập theo Quyết định số 135/TTg ngày 31 tháng 3 năm 1993 của Thủ tướng chính phủ.





Tọa độ: 8°34′ đến 8°49′ vĩ bắc
và từ 106°31′ đến 106°45′ kinh đông

Diện tích: Tổng diện tích là 15.043 ha, trong đó:

Phần trên đảo là 6.043 ha
Phần biển là 9.000 ha


Tra cứu trên mạng chúng ta sẽ biết thêm 1 số thông tin thú vị như sau:

Hệ động thực vật đặc trưng của vườn quốc gia Côn Đảo là các loại sinh vật biển, trong đó đặc sắc nhất là hệ san hô và đặc biệt là loài rùa biển. Năm 2006, một phái đoàn đại diện UNESCO Việt Nam đã đến khu vực vườn quốc gia này khảo sát và đã đánh giá cao tính đa dạng sinh học của hệ tự nhiên ở đây. UNESCO Việt Nam cho rằng, vườn quốc gia này đủ điều kiện để đệ trình lên UNESCO công nhận là di sản hỗn hợp thiên nhiên và văn hóa[1]. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Văn hóa Thông tin và UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lập hồ sơ để sớm trình UNESCO.


Thành phần thực vật Côn Đảo tương đối phong phú và đa dạng với khoảng 882 loài thực vật bậc cao thuộc 562 chi, 161 họ, trong đó có đến 371 loài thân gỗ, 30 loài phong lan, 103 loài dây leo, 202 loài thảo mộc v.v. 44 loài thực vật được các nhà khoa học tìm thấy lần đầu tiên ở đây, 11 loài được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt tên loài. Một số loài được xếp vào danh mục quý hiếm như lát hoa (Chukrasia tabularis), găng néo (Manikara hexandra) v.v.


Hệ động vật rừng Côn Đảo đến nay đã ghi nhận được 144 loài, trong đó lớp Thú chiếm 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Một số động vật đặc hữu tại Côn Đảo như: sóc mun (Callosciunis filaysoni), sóc đen (Ratufa bicolor condorensis), chuột hưu Côn Đảo (Rattus niviventer condorensis), thạch sùng Côn Đảo (Cyrstodactylus condorensis). Côn Đảo là vườn quốc gia có hệ động vật có xương sống trên cạn mang tính độc đáo của vùng đảo xa đất liến với nhiều loài đặc hữu.



Hệ sinh thái biển của Côn Đảo cũng đa dạng và phong phú với 1.321 loài sinh vật biển đã thống kê được, trong đó thực vật ngập mặn có đến 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 7 loài, phù du thực vật 157 loài, phù du động vật 115 loài, san hô 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài...37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam. Nhiều loài có giá trị kinh tế cao như thuỷ sản, rong biển. Các loài thú biển quý hiếm như: cá voi xanh (Neophon phocaenoides), cá nược (Orcaella brevirostric), đu gông (Dugon dugong). Đặc biệt Côn Đảo còn là bãi đẻ trứng của một số loài rùa biển.



đu gông (Dugon dugong) hay Bò Biển là một động vật biển có vú, có chiều dài trung bình khoảng 2,7m và nặng từ 250 đến 300kg, thân hình con thoi, đuôi dạng vây nằm ngang, chi trước có hình mái chèo dùng để bao con khi cho bú, da dày, lông thưa. Thức ăn chủ yếu của loài động vật này là rong biển, cỏ biển, thường tập trung sinh sống ở vùng ven bờ biển, nơi có nhiều thức ăn.

năm 2007 vừa qua bạn tem VN đã dón nhận sự ra đời của bộ tem có loài vât ngộ nghĩnh này

Ở Bà Rịa - Vũng Tàu có chị thuytinh, người bạn tem online tên Võ Thúy Oanh quê tại đấy nơi có vườn Quốc Gia Côn Đảo nổi tiếng với loài Du-gông


Vấn đề nóng:

Gần đây, có một dự án xuyên qua vườn quốc gia này gây nhiều tranh cãi, đó là dự án đường dài 25 km rải nhựa. Dự án này bị các nhà khoa học phản đối do can thiệp xấu vào Vườn Quốc gia Côn Đảo.

hat_de 25-02-2008 16:32

Vườn quốc gia Cát Tiên





Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn ba huyện Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách Thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía bắc. Đặc trưng của vườn quốc gia này là rừng đất thấp ẩm ướt nhiệt đới. Được thành lập theo quyết định số 01/CT ngày 13 tháng 1 năm 1992 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở kết nối khu rừng cấm Nam Cát Tiên (được thành lập theo quyết định số 360/TTg, ngày 7 tháng 7 năm 1978 của Thủ tướng chính phủ) và khu bảo tồn thiên nhiên Tây Cát Tiên (được thành lập theo quyết định số 194/CT, ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Vườn quốc gia Cát Tiên nằm ở khu vực có toạ độ từ 11°21′ tới 11°48′ vĩ bắc, và từ 107°10′ tới 107°34′ kinh đông, trên địa bàn của ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước với tổng diện tích là 73.878 ha.

Hệ động vật ở Cát Tiên cũng rất đa dạng với nhiều chim, thú quí hiếm gồm: 270 loài chim, 55 loài thú, 40 loài bò sát, 14 loài lưỡng thê, 21 loài các nước ngọt. ở đây đã có đến 20 loài động vật có xương sống được xem là quí hiếm trong số 50 loài ở Đông Dương. Có rất nhiều loài chim, thú được cơ quan bảo vệ nguồn lợi tài nguyên quốc tế (IUCN) cảnh báo đang có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới tại Cát Tiên vẫn còn tồn tại như: tê giác, bò Băng-ten, bò rừng, hổ, gấu chó, cầy bay, hạc cổ trắng, già đẫy lớn, già đẫy nhỏ, ngan cánh trắng, công, trĩ sao, cò quắm xanh, trăn gấm, trăn đen, cá sấu...




Chính sự phong phú, đa dạng của hệ động thực vật ở Cát Tiên đã thu hút nhiều nhà khoa học trên thế giới đến nghiên cứu cũng như nhiều khách du lịch đến tham quan. ở Cát Tiên, người ta đã xác định được 9 tuyến tham quan du lịch như đi thuyền dọc sông Đồng Nai, đến thác Trời, xem vườn phong lan, tham quan các khu rừng bằng lăng, rừng sao dầu, cẩm lai, đồi cò, bàn Sấu, đồi Hổ...

Vườn Cát Tiên thật xứng đáng là một khu bảo tồn thiên nhiên quý giá của quốc gia.:D

Đêm Đông 25-02-2008 21:48

5 File đính kèm
Vườn quốc gia Vũ Quang

Vườn quốc gia Vũ Quang là một vườn quốc gia thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi có nhiều loài sinh vật đặc hữu chỉ có ở Việt Nam. Được thành lập theo quyết định số 102/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 30 tháng 7 năm 2002.
Mục tiêu của Vườn quốc gia Vũ Quang: là Bảo tồn mẫu chuẩn về hệ sinh thái rừng Bắc Trường Sơn, bảo tồn sự đa dạng sinh học đặc trưng của vùng rừng tự nhiên phía Tây Nam khu IV, thuộc dãy Trường Sơn tiếp giáp với biên giới Việt Nam – Lào. Góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, bảo đảm an ninh môi trường và sự phát triển bền vững về tự nhiên kinh tế của các tỉnh Khu IV, đồng thời phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái.





Sao la (danh pháp khoa học: Pseudoryx nghetinhensis) là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới sinh sống tại Việt Nam và Lào được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992. Sao la được xếp hạng ở mức Nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.






Sao la được phát hiện lần đầu tiên trên thế giới tại Việt Nam vào tháng 5 năm 1992 trong một chuyến khảo sát được Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang. Sau đấy, các nhà khoa học đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm 20 con sao la nữa cũng trong năm 1992.





Việc khám phá ra loài sao la đã gây chấn động trên thế giới vì giới khoa học đã loại trừ khả năng có thể tìm thấy một loài thú lớn vào cuối thế kỷ 20. Sau này sao la cũng được tìm thấy ở các nơi khác trong phạm vi của rừng Trường Sơn thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và nhiều tỉnh thuộc Lào. Mãi đến năm 1996 người ta mới bắt và chụp ảnh được một con sao la còn sống tại Lào.


Thời gian được tính theo giờ GMT +7. Bây giờ là 14:03.

©2007-2024 Diễn đàn Viet Stamp
Cơ quan chủ quản: Câu lạc bộ sưu tập tem Viet Stamp (VSC)
Giấy xác nhận cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến số 87/GXN-TTĐT
do Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cấp ngày 31-08-2011
Chịu trách nhiệm chính: Ông Hoàng Anh Thi - Chủ nhiệm VSC
Bản quyền thuộc VSC. Địa chỉ: 2/47 Phan Thúc Duyện, Phường 4, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.
Điện thoại: (08) 38111467 – Website: vietstamp.net.vn – Email: vietstamp.net@gmail.com – Hotline: 0918 636 791
Vui lòng ghi rõ nguồn “Viet Stamp” khi phát hành lại thông tin từ diễn đàn này.
--------------------
Mã nguồn: vBulletin v3.8.3 & Copyright © 2024, Jelsoft Enterprises Ltd.
Diễn đàn Viet Stamp có giấy phép sử dụng từ Jelsoft Enterprises Ltd.